Nói đến truyền giáo là nói đến sự hiểu biết về ngôn ngữ và sự vay mượn ngôn ngữ.
Việc dịch kinh thánh và sự quan tâm đến thuyết giáo đã thúc đẩy các nhà truyền giáo của thế kỷ XVI trở lại với truyền thống của các bậc tiền bối. Trong thời kỳ đầu của Cơ đốc giáo, để truyền bá Phúc âm cho những người theo tà giáo và giúp họ đọc được kinh thánh, các nhà truyền giáo thế hệ sau đã tạo ra các chữ cái, chẳng hạn như bảng chữ cái Hy Lạp và bảng chữ cái La Mã.
Bảng chữ cái La tinh được phát triển bằng cách khắc phục và loại bỏ các chữ viết trước đó như Ogam ở Ai-xlen, chữ run ở Đức (Vendryes).
Cùng với Cơ đốc giáo chính thống, bảng chữ cái Hy Lạp đã phát triển để phù hợp với việc truyền giáo. Khi chuyển một bảng chữ cái từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, sự khác biệt về dấu hiệu ngữ âm làm cho bảng chữ cái vay mượn bị lỗi do thừa chữ hoặc do nhầm lẫn. Do đó, cần phải chỉnh sửa lại để tránh cách viết vừa thiếu vừa phức tạp.
Ở thế kỷ IV, Wulfila, giám mục xứ Mésie cải tiến bảng chữ cái Goth nhưng vẫn giữ lại một số dấu chữ run.
Vào thế kỷ VI, xuất hiện bảng chữ cái Ác-mê-ni.
Đến thế kỷ IX, St. Cyrille và St. Méthode đã tạo ra bảng chữ cái Xla-vơ, đây thực sự là một kiệt tác (Vendryes).
Thế kỷ X, xuất hiện bảng chữ cái Ge-oóc-gi-a.
Ở thế kỷ XVI, các nhà truyền giáo đạo thiên chúa dù ở Bồ Đào Nha hoặc buộc phải đến Viễn Đông bằng tàu biển của người Bồ Đào Nha, đều nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu ngôn ngữ phương Đông. Họ cố gắng viết chữ đó theo cùng cách mà những người tiền nhiệm ở thế kỷ đầu của đạo Cơ đốc đã chép lại ngôn ngữ châu Âu. Nhưng vấn đề lại không hoàn toàn như vậy. Wulfila, St. Cyrille và St. Méthode lại có việc cần giải quyết với những người dân không biết chữ. Trong chuyến đi của mình, St. François Xavier và các cộng sự đã gặp rất nhiều kiểu chữ viết của người phương Đông, Ả Rập, hay người Hin Đu và nhất là chữ của người Trung Hoa - loại chữ tượng hình được người Nhật Bản và người Annam sử dụng; nó thể hiện bằng hình ảnh chứ không phải là giọng nói. Việc học chữ tượng hình cho phép chúng ta nắm được tư duy và ngôn ngữ văn học Trung Hoa - Annam - Nhật Bản, nhưng lại không tạo điều kiện cho chúng ta tiếp cận ngôn ngữ nói hàng ngày của dân chúng mà với người truyền giáo, việc làm chủ ngôn ngữ này mới là điều cốt yếu. Trong khi học và in ấn chữ này, các giáo sĩ dòng Tên người Bồ Đào Nha đã có ý tưởng sử dụng bảng chữ cái La Mã để phiên các âm của người Nhật Bản.
Cuốn sách Cơ đốc đầu tiên bằng tiếng Nhật ra đời vào khoảng năm 1548 là của Yajiro, người được St. François Xavier cải đạo và đặt tên thánh. Cuốn sách chắc chắn đã được cho in, biên soạn bằng chữ cái La Mã. Như vậy, bảng chữ cái La Mã đầu tiên phiên âm sang tiếng Nhật hay Rômaji là sản phẩm của một người Nhật Bản, nhưng là một người Nhật Bản sống lâu trong môi trường tri thức của người Bồ Đào Nha, chủ yếu là tại trường trung học Goa. Những cuốn sách này đã được mang ra khỏi Nhật Bản và chúng ta biết rằng những người đi trước cha De Rhodes đã truyền bá Phúc Âm cho người Nhật ở Faifoo [Hội An] thông qua các cuốn sách tiếng Nhật được La Mã hoá, xuất xưởng từ các nhà in của quần đảo Nhật Bản" (H. Bernard).
Đến Đông Dương, các thầy tu dòng Tên lại gặp rắc rối với các nhà nho Annam, những người chỉ viết bằng chữ Hán. Loại chữ tượng hình này cho phép biểu thị hoặc bằng chữ Hán cổ hoặc bằng chữ Nôm (mà trong nước gọi là sino-annamite tức Hán-Nôm). Được sử dụng trong các văn bản chính thức, chữ Nôm chính là việc phát âm chữ Hán theo cách của người Việt và gán cho nó một giá trị ngữ âm. Ngay lập tức, các giáo sĩ nghĩ ra một hệ thống tương tự như Rômaji để làm cho âm của ngôn ngữ Annam trở nên đặc biệt thông dụng, "Hệ thống này (gọi là Quốc ngữ cũng chưa chuẩn lắm), hiện đang được hơn 17.000 người Annam sử dụng. Nếu như một vài ký tự là của Italia hay Pháp, thì một số nhóm ký tự khác là của Bồ Đào Nha. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi ngôn ngữ này được sử dụng từ thế kỷ XVII không chỉ bởi các nhà buôn thuộc mọi quốc tịch mà còn bởi các thông dịch viên hay các Jurebas, các nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, Italia hay Pháp" (Maybon). Chính vì vậy mà cuốn từ điển của thầy tu dòng Tên người Pháp là A. De. Rhodes được gọi là từ điển Việt-Bồ-La.
Là một công trình mang tính tập thể và khuyết danh như Rômaji, chữ Quốc ngữ đã được các giáo sĩ thuộc nhiều quốc gia khác nhau biên soạn trong gần hai thế kỷ.
Có thể nói người Bồ Đào Nha đóng góp một phần rất quan trọng, nhiều cuốn từ điển Việt-Bồ-La đã được xuất bản. Tuy nhiên, các ký tự cổ của những bản phiên âm đầu tiên hầu như không còn. Những cuốn sách đầu tiên in bằng chữ Quốc ngữ gần đây nhất là tác phẩm của nhà truyền giáo người Pháp. Hai trong số đó có cha A. De Rhodes S. J và Pigneau De Béhaine còn gọi là giám mục Adran đã ấn định hệ thống chữ Annam được La Mã hoá ở hai thời kỳ khác nhau và trong các công trình có giá trị lớn.
Trang bìa Tự điển Việt-Bồ-La ấn bản 1651, nguồn: sưu tầm
Dù sao, chúng ta vẫn đánh giá cao những đóng góp của người Bồ Đào Nha trong việc truyền bá bảng chữ cái La Mã ở Viễn Đông.
Họ cũng đã mang đến một số cách diễn đạt mới, ngày càng được sử dụng nhiều hơn và gần gũi hơn với văn hoá phương Tây. Cuối cùng, chữ Hán biểu thị bằng hình tượng chứ không phải bằng âm thanh, cách phát âm hiện nay không hề liên quan đến cách phát âm mà nó có trước đây. Trong khi ngữ pháp cổ bằng chữ Rômaji hay bằng chữ Quốc ngữ ấn định âm thanh của các từ như khi chúng được hình thành.
Đây được coi là tài liệu đầu tiên đối với các nhà ngôn ngữ.
Do được thiết lập tại khu vực Viễn Đông từ lâu, tiếng Bồ Đào Nha đã để lại dấu ấn trong các ngôn ngữ bản xứ, cũng như trong ngôn ngữ châu Âu quốc tế. Một số từ ngữ có ý nghĩa tôn giáo vẫn còn tồn tại trong ngôn ngữ Annam hiện nay. Thật vậy, một số từ được sử dụng phổ biến như: chùa (pagode), cáng (palanquin), quan lại (mandarin) v.v. có nguồn gốc từ Bồ Đào Nha.
Nguồn: Trích dịch từ bài viết: “Người Bồ Đào Nha và Đông Dương“ của tác giả P. HUARD, Giám đốc Viện giải phẫu Trường ĐH Y khoa Hà Nội, đăng trên Tập san của Viện Nghiên cứu Đông Dương về con người năm 1940, bảo quản tại TTLTQG1.
Hoàng Hằng - Hồng Nhung (dịch)