- Những hình ảnh mang lại hạnh phúc, thường là hình vẽ gà trống, cá, quả đào, con dơi, ông Tam Đa v..v…
- Những hình ảnh lấy cảm hứng từ tôn giáo như hình ảnh tả cuộc sống của Anh Xã Xệ ở chùa Hương Tích (Chùa Bà) …
- Những hình ảnh châm biếm như đám rước “Chuột vinh quy”, đám cưới chuột, Thầy đồ Cóc …
- Hình ảnh giáo dục đạo đức như tranh Nhị thập tứ hiếu của Trung Quốc cổ đại, tranh cảnh về cuộc sống mang tính chất châm ngôn bình dị…
Mỗi hình ảnh trong số đó đều có nguồn gốc và ý nghĩa riêng. Chúng ta không biết chính xác tranh ngày Tết có từ bao giờ trong xã hội An Nam. Nhưng, nhìn chung, hình ảnh được du nhập từ Trung Quốc.
Tranh Tết được dùng phổ biến ở khắp nơi từ nông thôn đến thành thị vào dịp năm mới, có thể kể đến những hình ảnh như sau.
Hình ảnh các vị tướng cầm khí giới được gọi là “Môn thần” hay thần canh cửa. Hình ảnh này có nguồn gốc khá xa xưa và mang tính lịch sử: Hoàng đế 太宗 [Thái Tông] nhà Đường (627-650) trong một trận sốt, ông đã mơ thấy một đội quân ma quỷ. Hai trong số những vị tướng giỏi nhất của Đường Thái Tông là 秦叔寶 [Tần Thúc Bảo] và 胡敬徳 [Hồ Kính Đức][1], đã mặc áo giáp và đứng canh cửa trong suốt những đêm tiếp theo. Vị quân vương đã được ngủ yên giấc. Tuy nhiên, lo ngại việc này sẽ khiến các vị trướng trung thành mệt mỏi, hoàng đế đã lệnh cho vẽ chân dung họ lên cánh cửa. Có lẽ vì thế mà ma quỷ sợ hãi nên không dám quay lại. Chỉ có hình ảnh những chiến bình dũng cảm này mới đủ sức mạnh để xua đuổi tà ma.
Tục lệ này dần dần được lan truyền vào trong dân chúng. Người Trung Hoa dán hình các vị tướng được vũ trang kỹ càng với mục đích xua đuổi những linh hồn xấu xa ra khỏi nhà.
Người An Nam cũng học theo người Trung Hoa dán hình Môn thần. Thần canh cửa cũng có nhiều đổi thay qua thời gian, rồi có cả thần là quan văn và quan võ. Phong tục này cũng dần thay đổi. Thay vào đó, người ta dán những hình ảnh cầu mong hạnh phúc lên cánh cửa. Những hình ảnh người ăn mặc sang trọng, một người cầm tờ giấy mở ra có ghi chữ Hán “Tiến lộc” và người kia cầm quả đào có chữ “Tiến tài”.
Còn có một số hình ảnh mang lại hạnh phúc như cậu bé mặc sang trọng ôm một con cá chép lớn. Cậu bé bận đồ sang trọng thể hiện sự giàu có. Con cá chép, trong tiếng Hán là “Ngư” được đọc giống “Dư” với nghĩa là dư giả với mong muốn của cải dư giả.
Tranh cậu bé ôm cá chép. Tuần báo Indochine, 1945.
Hình ảnh chú gà trống với bộ lông sặc sỡ cùng gà mái và đàn gà con. Gà trống đọc là “Kê” trong tiếng Hán và “Ki” trong tiếng An Nam, đọc gần giống chữ “Cát”, nghĩa là May Mắn. Hình ảnh gà mái và đàn gà con thể hiện sự đông con cái. Đây là điều mọi người cha tốt trong gia đình đều mong muốn…
Hình ảnh 4 đứa bé, một đứa cầm cành táo trĩu quả, “Tảo”, một đứa cầm nhạc cụ, “Sinh”, một đứa cầm triện, biểu tượng của Thượng quan và một đứa cầm lệnh bài quan võ. Với cách chơi chữ sẽ tạo thành câu "Tảo sinh quý tử" (nghĩa là: Sớm sinh con làm quan lớn).
Một bức tranh có cậu bé, mặc sang trọng, cổ đeo khánh vàng, đang ngắm đàn cá màu đỏ trong bình pha lê, có nghĩa là “Phúc khánh hữu dư”, với mong muốn Hạnh phúc dư thừa và vui vẻ.
Các hình ảnh có nguồn gốc tôn giáo hầu hết từ Đạo Phật, với mục đích giáo dục trẻ em những bài học đầu tiên về sự sùng bái.
Những hình ảnh trào phúng thường lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật, như hình ảnh Vinh quy bái tổ trong đám rước Chuột vinh quy để chế giễu chế độ thi cử dưới thời Lê Trịnh. Thời đó, thí sinh chỉ với ba đồng trinh là được miễn thi Khảo hạch. Điều này khiến cho trường thi như một cái chợ, nơi toàn lũ chuột không có văn hoá, không giáo dục, người thì là nông dân, người thì làm nghề đốn củi, người là con buôn đến tranh nhau mua chức tước.
Chuột vinh quy. Tuần báo Indochine, 1945.
Hay hình ảnh Thầy đồ Cóc cũng để chế giễu những thầy đồ tầm thường và học trò của họ, chỉ biết “kêu” ồm ộp mà chẳng hiểu những gì mình đọc.
Tranh Thầy đồ Cóc. Tuần báo Indochine, 1942.
Cuối cùng là những hình ảnh mang tính giáo dục đạo đức. Những hình ảnh phác hoạ các quy tắc ứng xử và sự lương thiện của con người theo cách sinh động, có tính giải trí và giáo dục.
Sau cùng là những hình ảnh có vẻ không mang ý nghĩa gì mà chỉ để làm cho trẻ em thích thú qua màu sắc và nét vẽ.
Tóm lại, tranh dân gian ngày Tết đối với trẻ em An Nam và Trung Quốc không chỉ có ý nghĩa vui vẻ mà còn thể hiện tư tưởng và nguyện vọng của người dân mong cầu hạnh phúc, thịnh vượng và bình an.
Mỗi dịp xuân về, những bức tranh này mang đến hy vọng cho người lớn, mang ý nghĩa giáo dục và giúp trẻ em vui vẻ trong không khí vui tươi, nhộn nhịp của ngày Tết.
Nguồn: Mạnh Quỳnh, Origines et significations des esptampes populaires du Tết, Tuần báo Indochine số 230, thứ 7, ngày 10 tháng 2 năm 1945
Đỗ Hoàng Anh