Năm 1918, chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc. Năm 1919, Hội nghị Hoà bình được tổ chức tại Versailles (Pháp) vào tháng 6 năm 1919 để bàn thảo chia lợi nhuận và sắp đặt lại trật tự thế giới. Hội nghị này thu hút sự quan tâm của các nước thuộc địa. Đúng thời điểm này, một bản yêu sách cũng được gửi tới Hội nghị và đồng thời được gửi đến nhiều nhân vật chính trị quan trọng của nước Pháp cũng như quốc gia khác tham dự hội nghị. Bản yêu sách kí tên NGUYỄN ÁI QUẤC [Nguyễn Ái Quốc], thay mặt Hội những người An Nam yêu nước tại Pháp.
Cái tên NGUYỄN ÁI QUỐC cùng với Bản Yêu sách của nhân dân An Nam lần đầu tiên xuất hiện tại Pháp vào tháng 6 năm 1919. Người An Nam này được cho là đến Pháp vào tháng 6 năm 1919 mà ngay lập tức đã có nhiều hoạt động chính trị thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và các nhà chức trách. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra đối với nhân vật này: Nguyễn Ái Quốc là ai? Anh ta đến từ đâu? Tại sao một cái tên không có trong hồ sơ tư pháp lại có thể tự do đi lại tại Pháp…?
Chính vì lẽ đó, Tổng thống Pháp đã yêu cầu chính quyền thuộc địa và cơ quan an ninh, mật thám ở Đông Dương và Pháp cung cấp thông tin về người thanh niên này và hoạt động của anh ta. Từ đó, người thanh niên An Nam này luôn được các cơ quan cảnh sát và mật thám Pháp “chăm sóc” đặc biệt. Nhất cử, nhất động của anh ta đều được theo dõi và ghi chép trong hàng vạn trang tài liệu trong suốt nhiều thập kỉ. Những tài liệu về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và hoạt động của người thanh niên yêu nước ở Pháp, Trung Quốc cho đến khi về Việt Nam đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp (ANOM).
Bản Yêu sách cũng được đăng trên tờ Nhân đạo ‘L’Humanité” của Pháp và đồng thời được gửi đến nhiều nghị sĩ và thành viên Chính phủ (Pháp). Bên cạnh đó, nhiều bài báo kí tên Nguyễn Ái Quốc cũng xuất hiện tại Pháp. Cái tên : NGUYỄN ÁI QUỐC trở thành một cái tên gây chú ý mạnh mẽ của báo chí và chính quyền Pháp.
“Nguyễn Ái Quốc” được giải thích trong thư ngày 9 tháng 7 năm 1919 của trưởng bộ phận phụ trách thư tín Đông Dương ở Marseille gửi Giám đốc phụ trách Đông Dương như sau: “Nguyễn Ái Quốc thực chất chỉ là một bí danh, với giải nghĩa NGUYỄN là họ phổ biến của người An Nam, ÁI có nghĩa là Yêu và Quốc có nghĩa là Tổ quốc. Có thể hiểu là “Nguyễn yêu nước”.
Trong suốt thời gian ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc bị nhiều mật thám theo dõi và ghi chép để cung cấp cho chính quyền. Nhiều thông tin quan trọng đã được lưu giữ trong hồ sơ tài liệu. Một số thông tin trong bài viết này chúng tôi xin trích lược từ các báo cáo và ghi chép của mật thám trong giai đoạn Nguyễn Ái Quốc mới đến Pháp năm 1919.
Ngày 5 tháng 9 năm 1919: “Cảnh sát Pháp cung cấp: Nguyễn Ái Quốc đến từ Đông Dương, 27 tuổi, đến Paris tháng 6 (năm 1919) qua Luân Đôn, sống tại nhà của luật sư Phan Văn Trường (sinh năm 1878 tại Hà Nội). Trước đó, Nguyễn Ái Quốc học tập ở Anh Quốc khoảng 10 năm. Từ khi đến Pháp, nhân vật này đã gặp gỡ nhiều đồng bào, rồi đi Toulouse với Nguyen Nhe Chuyen[1], một người làm nghề chụp ảnh.
Nguyễn Ái Quốc đã viết “Bản Yêu sách của nhân dân An Nam” và gửi cho nhiều nghị sĩ và thành viên Chính phủ. Hội những người An Nam yêu nước (Groupe des Patriotes Annamites ): các trưởng hội là Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh rồi giao quyền điều hành lại cho Nguyễn Ái Quốc từ tháng 7 năm 1915 (sau khi 2 nhân vật trên bị kết án tội “chống phá an ninh quốc gia” trong vụ “Đánh bom Hà Nội”. Những nhân vật này đều theo chủ nghĩa xã hội…”
Nguyễn Ái Quốc công khai viết và gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam và nhiều bài viết về Đông Dương trên các báo: Humanité, Courrier Colonial… Trong nhiều bài viết của mình, Nguyễn Ái Quốc vạch trần tội ác của chính quyền thuộc địa ở Đông Dương và kêu gọi đấu tranh giành độc lập dân tộc. Điều này đã khiến các nhà chức trách Pháp lo ngại về nhân vật đặc biệt này.
Thông tin thu thập được từ chính quyền Đông Dương và các nhân viên an ninh, mật thám Pháp, Nguyễn Ái Quốc được ghi trong hồ sơ như một trong các bí danh của Nguyễn Tất Thành.
“Số: 1116
Họ và tên: Nguyễn Tất Thành
Bí danh: NGUYỄN ÁI QUỐC, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Bé Côn, Sinh Côn hay Sanh Côn, Nguyễn Sinh Côn hay Nguyễn Sinh Côn, Tất Thành, Lý Thuỵ ….
Quốc tịch: An Nam
Tuổi hơn 28 (năm 1920)
Cao 1m62…
Đến Pháp bằng việc lên tàu tàm phụ bếp cho Công ti Vận tải biển…”
(Nguồn: ANOM)
… Và nhiều thông tin khác do cơ quan an ninh Pháp cung cấp.
Nguyễn Ái Quốc công khai viết các bài báo chỉ trích chính quyền thuộc địa ở Đông Dương và không ngần ngại đối thoại với Albert Sarraut, Bộ trưởng Thuộc địa thời điểm đó, trước từng là Toàn quyền Đông Dương về số phận của Đông Dương và đòi độc lập cho Việt Nam.
Ngày 15 tháng 9 năm 1919
Báo cáo của Sở Mật thám: “NGUYỄN-ÁI-QUẤC, năm nay 27 tuổi và đến từ Đông Dương. Anh ta đến Paris tháng 6 năm ngoái, đến từ London và sống một mình từ ngày 7 đến 11 tháng 6 tại số 10 phố de Stockholm, rồi tại số 56 phố Monsieur le Prince. Hiện tại anh ta sống tại số 6 Villa des Gobelins, nhà một đồng bào tên là Phan Văn Trường sinh năm I878 tại Hà Nội, luật sư Tòa án phúc thẩm của Paris. Nguyễn Ái Quốc sinh ra trong một gia đình khá giả đến từ Đông Dương. Anh ta đã học giỏi ở Anh Quốc, nơi anh sống chừng mười năm.
Từ khi đến Pháp, anh ta đã đến thăm nhiều đồng bào, sau đó đi Toulouse, vào ngày 25 tháng 7 với một người An Nam khác tên là NGUYEN NHE CHUYEN, người làm nghề chụp ảnh ở thành phố này.
Trong thời gian ngắn ở đây, anh ta không có dấu hiệu bất lợi nào.
NGUYỄN ÁI QUỐC không được ghi trong hồ sơ tư pháp”.
Trang đầu của Báo cáo ngày 15 tháng 9 năm 1919. (Nguồn: ANOM)
Tháng 10 năm 1919, trong bài viết “Thư gửi ông Outrey” trên báo Populaire, Nguyễn Ái Quốc đã thẳng thắn lên án ông Outrey, thành viên Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ và là đại biểu của Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ trong Hạ nghị viện Pháp về những cáo buộc sai sự thật về mình cũng như dư luận Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc viết:
“… Tôi bị truy nã ở Đông Dương vì có âm mưu chống Pháp. Ông có thể trả lời câu hỏi: Toà án nào, khi nào và dựa vào đâu kết tội đó là âm mưu chống Pháp ?
“…Đừng nói là xứ Đông Dương bị nước Pháp ngược đãi, mà phải nói là nó bị những người Pháp xấu sống bám vào nó ngược đãi; hai việc ấy không phải là một. Ông có hiểu được sự khác biệt đó hay không?”
Theo tài liệu mật do Edouard cung cấp 1 tháng 11 năm 1919: Nói về kế hoạch của mình, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Tôi không có lí do gì để chỉ trích nước pháp về mục đích của công cuộc thực dân của Pháp nhiều lần được các bộ trưởng và các ngài dân biểu trình bày rằng đó là mục đích rất cao quý và tự do…; Nguyễn Ái Quốc và nhóm hội của mình chỉ muốn vạch trần sự lạm quyền của những viên chức người Âu và quan lại người An Nam đang đè nặng trên lưng của người dân An Nam; để cho Chính phủ Pháp biết để sửa chữa những sai lầm do những người đang đại diện cho nước Pháp ở Đông Dương vì lợi ích chung của cả nước Pháp và An Nam…”
Ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã bôn ba khắp năm châu bốn biển. Đến Pháp, với cái tên Nguyễn Ái Quốc, ngay lập tức, Người trở thành tâm điểm của nhiều hoạt động chính trị và là đối tượng theo dõi đặt biệt của các cơ quan an ninh, mật thám Pháp. Chính vì thế, tài liệu lưu trữ của các cơ quan an ninh, mật thám tại Pháp và Đông Dương trong suốt quá trình hoạt động của Người ở nước ngoài và cả khi trở về Việt Nam đã lên đến hàng vạn trang. Những tài liệu quý giá này cung cấp thêm nhiều thông tin quan trọng về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong những năm bôn ba nước ngoài và cả khi trở về Tổ quốc lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc./.
[1] Người dịch chưa xác minh được họ tên chính xác của người này.
Đỗ Hoàng Anh