Nguyễn Ái Quốc và những hoạt động đầu tiên trên đất Pháp
Với mật thám Pháp, Nguyễn Ái Quốc còn được biết đến với những tên gọi khác: Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Khanh, Lý Thụy, Vương Sơn Nhi, W tức Wang, Tống Văn Sơ. Ngoài ra, trong một số tài liệu thu được ở Thượng Hải còn có chữ ký K tức Quốc, V ký tắt của Victor[1].
Theo nhận định của mật thám Pháp, Nguyễn Ái Quốc từng sống gần 6 năm tại Mỹ và 4 năm ở Luân Đôn. Những bức điện tín của họ suy đoán rằng, vào ngày 13/7/1919, Nguyễn Tất Thành - khi đó mang tên Nguyễn Ái Quốc - rời Luân Đôn (Anh) để đến Paris.
Bức điện thông tin về việc Nguyễn Ái Quốc rời Luân Đôn đến Paris vào ngày 13/7/1919, nguồn: hồ sơ 6 HCI 364, Lưu trữ Hải ngoại Pháp
Thông tin về Nguyễn Ái Quốc, nguồn: hồ sơ 6 HCI 364, Lưu trữ Hải ngoại Pháp
Và cũng chính tại Paris, mật thám Pháp bắt đầu "để mắt" đến Nguyễn Ái Quốc, theo dõi các cuộc gặp của ông với những lãnh đạo An Nam thời đó: luật sư Phan Văn Trường, nhiếp ảnh gia Khánh Ký và sinh viên Nguyễn Thế Truyền[2]. Nguyễn Ái Quốc ở nhà Phan Văn Trường một thời gian với vai trò thư ký phụ trách tuyên truyền cho "Mặt trận những người yêu nước An Nam" (Ligue des Patriotes Annamites) - tổ chức chống lại chính quyền Pháp ở Đông Dương.
Ông thường lui tới phòng biên tập của báo Nhân đạo (Humanité) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp và viết bài cho mục "Diễn đàn các thuộc địa" của tờ báo này cùng một số nhật báo khác của Paris, trong đó có nhiều bài chỉ trích chính quyền Pháp ở Đông Dương[3]. Trong 4 năm ở Paris, Nguyễn Ái Quốc đã hoạt động tích cực và không ngừng nghỉ: tổ chức các buổi mít tinh về Đông Dương tại trụ sở của các hội nhóm khác nhau liên quan đến Đảng Cộng sản; gặp gỡ các thượng nghị sĩ, phóng viên và giữ quan hệ chặt chẽ với đồng bào ở vùng Paris; thường xuyên lui tới Thư viện quốc gia; ngày 08/6/1919 gửi "Bản yêu sách của nhân dân An Nam" đến Thủ tướng Anh Lloyd Georges, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Pháp (tức Thủ tướng) Georges Clémenceau, Tổng thống Pháp Raymond Poincaré và chủ tịch các viện của Pháp cũng như tới một số nghị sĩ Pháp. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều hội nhóm khác.
Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ 18 tại thành phố Tours theo sự giới thiệu của đảng viên Đảng Cộng sản Pháp Marcel Cachin. Tại đây, ông được chỉ định tham gia một cuộc họp bên cạnh Charles Rappoport - một gương mặt tiêu biểu của Đảng Cộng sản Pháp. Cùng năm đó, ông viết "Bản án chế độ thực dân Pháp" (Le Procès de la Colonisation française) nhưng phải đến 4 năm sau mới được công bố. Ông cũng tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa (Union Intercoloniale), tập hợp những người bản xứ thuộc các nước thuộc địa Pháp mang tư tưởng chống Pháp[4].
Năm 1922, Nguyễn Ái Quốc cùng với Bloncourt thuộc Hội Liên hiệp thuộc địa sáng lập tờ báo song ngữ "Người cùng khổ" (Le Paria), trụ sở đặt tại số 3 phố Chợ các giáo trưởng (3 rue du Marché des Patriarches) với văn phòng đơn sơ: một chiếc giường gấp và ba va-li tài liệu. Nguyễn Ái Quốc ký tên trong các ấn phẩm "Yêu sách của nhân dân An Nam" (Revendications du Peuple An Nam) và "Quyền của các dân tộc" (Droit des Peuples). Ông cùng với luật sư Phan Văn Trường bí mật tái lập hội "Tình huynh đệ" (La Fraternité), âm thầm lãnh đạo và ủng hộ nhưng tên của cả hai người không xuất hiện trong điều lệ của Hội[5].
Báo cáo số 443/SR ngày 22/11/1922 của Sở mật thám Paris cho biết, ngày 15/10/1922 Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Pháp lần thứ hai diễn ra ở Paris với tư cách là đại biểu Đông Dương[6].
Ngày 13/6/1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Paris đến vùng Savoie. Trên thực tế, do không có thị thực nên ông buộc phải tới đây để đi qua Thụy Sĩ, cùng một số đồng chí đại diện cho Đông Dương tham dự Hội nghị Quốc tế Nông dân diễn ra ở Kremlin (Mát-xơ-cơ-va, Nga) từ ngày 11-15/10/1923[7]. Báo "Sự thật" (La Pravda) - cơ quan ngôn luận của chính phủ Xô-viết - trong các số từ 223 đến 229 đề cập đến Nguyễn Ái Quốc như là một thành viên Đoàn chủ tịch của Quốc tế Nông dân Cộng sản. Ông cũng giữ vai trò tương tự tại Đại hội V của Quốc tế Cộng sản diễn ra tại Nhà hát lớn của Mát-xơ-cơ-va từ ngày 17/6 đến 08/7/1924 và đã có bài phát biểu tại các phiên họp ngày 23/6, 01/7 và 03/7/1924[8].
Nguyễn Ái Quốc ở Nga và châu Á
Đầu năm 1925, Sở Mật thám Đông Dương nhận được thông tin về một người An Nam có tên là Lý Thụy rời Nga, đến làm việc tại văn phòng báo chí của lãnh sự Liên bang Xô-viết ở Quảng Châu và có những hoạt động liên lạc với các đồng chí của mình, trong đó có Nguyễn Cảm Giang[9]- người có ảnh hưởng lớn với các chí sĩ An Nam ở đây. Với sự giúp đỡ của Nguyễn Cảm Giang, Nguyễn Ái Quốc đã cho ra đời ấn phẩm bằng chữ quốc ngữ có tên gọi "Thanh Niên", in lito ngay tại lãnh sự Liên bang Xô-viết. Cũng trong năm này, Nguyễn Ái Quốc thành lập Mặt trận các Dân tộc bị áp bức (Ligue des Peuples Opprimés), tập hợp những người bản xứ của các nước bị đô hộ ở Thái Bình Dương (người Hindu, Triều Tiên, Đài Loan, Java…). Ông cũng lãnh đạo chi bộ người An Nam thuộc mặt trận này và sau này đổi tên thành Việt Nam Cách Mệnh Thanh Niên Hội - nòng cốt của Đông Dương Cộng sản Đảng sau này.
Tháng 4/1927, Nguyễn Ái Quốc tháp tùng Mikhail Markovich Borodin và Gallent trong các cuộc họp ở Nga. Ngày 03/5/1927, ông cùng với các đồng chí và sinh viên An Nam đang theo học ở trường Whampoa (Trường Hoàng Phố) tiếp nghị sĩ Doriot, người được Đảng Cộng sản Pháp cử tới Trung Quốc công tác. Sau buổi tiếp, một ấn phẩm song ngữ Pháp - Quốc ngữ in lito đã đăng bài phát biểu của Doriot cùng phần hồi đáp của An Nam Thanh niên Cách mạng Hội.
Cuối năm 1927, Nguyễn Ái Quốc trở về Nga và bị ốm. Đầu năm 1928, ông lưu trú ở Berlin trong thời gian ngắn, sau đó về Xiêm, sống tại Bản Đông (Pichit) – ngôi làng của người An Nam, trong nhà của nhà cách mạng Võ Tùng còn gọi là Lưu Khải Hồng hay ông Sáu. Chính vì thế, mật thám Pháp khẳng định Nguyễn Ái Quốc rời Nga trước khi diễn ra Đại hội VI của Quốc tế Cộng sản vào cuối năm 1928. Dù không tham dự Đại hội này, Nguyễn Ái Quốc vẫn soạn diễn văn - chương trình cho Nguyễn Văn Tạo (tức An). Ông trở về Xiêm với nhiệm vụ do Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản giao phó: thành lập một đảng cộng sản ở Đông Dương. Theo tài liệu của mật thám Pháp, ông đã có mặt tại Xiêm vào cuối năm 1928 và bắt tay vào tái tổ chức Hội "Thanh niên".
Tháng 12/1928, Nguyễn Ái Quốc đến Trung Quốc và quyết định hợp nhất các đảng cộng sản An Nam thành một tổ chức thống nhất mang tên "Việt Nam Cộng sản Đảng"[10]. Tháng 4/1930, Nguyễn Ái Quốc dự Hội nghị Ủy ban trung ương Malaysia ở Singapore. Tháng 6/1930, ông rời Hồng Kông đến Thượng Hải cùng hai đại biểu An Nam ở Đại hội V của Quốc tế cộng sản là Phan Duc hay còn biết đến là Salvan[11] và Nguyễn Hữu Căn - được gọi là Phi Vân hay Lý Van Ninh. Ngày 27/6, Nguyễn Ái Quốc gặp gỡ các đại biểu khác của Đại hội là Lê Van Kiet ở khách sạn Tran Quoc phố Nhi Ma Lo (Thượng Hải) và Le Quang Dạt và Luong (tức Hồ Tùng Mậu). Mật thám Pháp đánh giá Nguyễn Ái Quốc là người có học vấn và kiên định nhất trong số những đảng viên cộng sản An Nam. Hoạt động tích cực, hội tụ phẩm chất hiếm gặp ở những người đồng chí, năm 1926, ông đã từ chối sự giúp đỡ của Liên bang Xô-viết tiến hành cách mạng ở Đông Dương do nhận thấy tình hình chưa thuận lợi. Là người kiến tạo sự thống nhất các hội đoàn bí mật và với cương vị là đại diện lâm thời của Quốc tế thứ III, ông chính là người lãnh đạo các đảng viên cộng sản An Nam ở Đông Dương.
Ngày 24/4/1931,cảnh sát Anh tại Hồng Kông được thông báo về sự có mặt của Nguyễn Ái Quốc, với nhiệm vụ phụ trách trao đổi thư từ giữa Phương Đông Bộ và Ủy ban trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Nguyễn Ái Quốc, trong Mission Laurent ở Hồng Kông, tháng 7/1931, nguồn: hồ sơ SLOTFOM XV 1, Lưu trữ Hải ngoại Pháp
Ngày 06/6/1931, Nguyễn Ái Quốc khi đó mang tên là Sung Man Cho (Tống Văn Sơ) bị cảnh sát Hồng Kông bắt giữ ở Kowloon City. Luật sư Jenkin bào chữa cho ông cùng cháu gái Li Sam (tức Le Thi Tam) trong phiên tranh tụng tại tòa diễn ra tháng 8/1931, viện dẫn luật Bảo thân (Loi Habeas Corpus) yêu cầu trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc. Tại các buổi tranh tụng, luật sư Jenkin cho rằng không đúng theo luật khi Nguyễn Ái Quốc bị bắt ngày 06/6/1931 mà không có lệnh bắt giữ, sau đó ngày 12/6, chính quyền Hồng Kông mới ra lệnh bắt và tống giam[12] theo quy định của Dụ Tù đày năm 1917 và các luật của các năm 1929 và 1931 sửa đổi Dụ Tù đày. Chính quyền Hồng Kông ban hành hai nghị định trục xuất Nguyễn Ái Quốc (thực chất là dẫn độ, trao Nguyễn Ái Quốc cho chính quyền Pháp ở Đông Dương) kèm theo nghị định chỉ định tàu biển chuyên chở đối tượng bị trục xuất. Luật "Bảo Thân" cấm bắt giữ lại một đối tượng với lý do tương tự hoặc sau khi đối tượng này được trả tự do theo luật Bảo thân, và nguyên đơn Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc) phải được xem như từng được miễn tội do tính không có hiệu lực của nghị định trục xuất đầu tiên. Lệnh bắt giữ Nguyễn Ái Quốc ngày 12/6 - khi đó đang bị giam giữ bất hợp pháp là bất hợp pháp, dù lệnh hay nghị định đang còn hiệu lực. Tuy nhiên, tòa án Hồng Kông đã ra phán quyết bác đơn của luật sư Jenkin dựa trên các điều khoản của Dụ Tù Đày của Anh ban hành năm 1917 áp dụng ở Hồng Kông nhưng lại trả tự do cho Li Sam. Luật sư Jenkin đã gửi kháng cáo lên Hội đồng Cơ mật Luân Đôn và Nguyễn Ái Quốc tiếp tục bị giam giữ[13]. Nguyễn Ái Quốc được trả tự do và buộc phải rời Hồng Kông vào tháng 1/1933 theo phán quyết của Hội đồng này.
Tờ La Dépêche số ra ngày 11/8/1931 đăng tải việc Nguyễn Ái Quốc bị bắt giữ ở Hồng Kông, nguồn: hồ sơ 6 HCI 368, Lưu trữ Hải ngoại Pháp.
Luật sư Jenkin, người thay mặt luật sư Loseby tranh tụng tại tòa án Hồng Kông tháng 8/1931, nguồn: hồ sơ 6 HCI 368, Lưu trữ Hải ngoại Pháp
Tờ Morning Post số ra ngày 4/8/1932 về quyết định của Hội đồng Cơ mật trục xuất Nguyễn Ái Quốc, nguồn: hồ sơ 6HCI 368, Lưu trữ Hải ngoại Pháp
Báo cáo trong tập hồ sơ năm 1949 của mật thám Pháp kết luận[14]: "Bị trục xuất khỏi Hồng Kông tháng 01/1933, chúng tôi không rõ điểm đến tiếp theo của ông ta (Nguyễn Ái Quốc - ND) là ở đâu. Cũng từ thời điểm đó, chúng tôi không còn nhận được tin tức nào và giả thuyết ông ta đã chết là không chính xác. Sở Mật thám Đông Dương - vốn đặc biệt quan tâm đến hoạt động của ông ta - chưa bao giờ tìm ra tung tích; tuy nhiên, họ phỏng đoán rằng ông ta đã phát biểu tại Hội nghị VII Quốc tế Cộng sản tại Mát- xơ- cơ- va với bí danh CHAYEM.”
[1]. Hồ sơ 15SLOTFOM1_0898, Lưu trữ Hải ngoại Pháp.
[2] . Điện của Mật thám Paris số 25 ngày 19/01/1920 và số 34 ngày 13/02/1920. Trong báo cáo số 252 ngày19/01/1920, mật thám Paris cho biết từ ngày 07-11/6, Nguyễn Ái Quốc trú tại số 10 phố Stockholm, sau đó chuyển đến số 56 rue Monsieur le Prince, ngày 25/7/1919, cùng Nguyễn Thế Truyền đi Toulouse.
[3] Ông viết bài "Đông Dương và Triều Tiên" đăng trên tờ Nhân dân (Populaire) số ra ngày 04/9/1919 và bài viết trên báo Nhân đạo số ra ngày 02/5/1919 yêu cầu nước Pháp tiến hành các biện pháp giải phóng cho Đông Dương, số ra ngày 02/81919 về vấn đề người bản xứ ở Đông Dương. Ngoài ra ông còn viết bài cho tờ Đời sống công nhân (La Vie ouvrière), Người tự do (Le libertaire).
[4] . Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc cũng gia nhập Liên đoàn Cộng sản sông Seine (Fédération communiste de la Seine).
[5] . Trong báo cáo mật số 267 tháng 6/1921, Sở mật thám Đông Dương gửi Mật thám Sài Gòn thông báo về việc bài báo có tên "Phong trào cộng sản quốc tế" ký tên Nguyễn Ái Quốc đăng trên Tạp chí Cộng sản (Revue Communiste) số ra tháng 5/1921.
[6]. Đại hội lần thứ 2 của Đảng Cộng sản Pháp diễn ra từ ngày 14-19/10/1922 ở Paris tại Tòa nhà các nghiệp đoàn số 33, rue de la Grange-aux-Belles.
[7]. Tờ La Tribuna số ra ngày 10/11/1923 trong mục tổng kết Hội nghị Quốc tế nông dân phiên họp ngày 11/10, Nguyễn Ái Quốc được giới thiệu là đại diện cho nông dân Đông Dương, lên án gông xiềng của Chủ nghĩa tư bản Pháp.
[8]. Thư số 116 của Mật thám Paris đề ngày 05/3/1924.
[9] . Tên tiếng Việt xuất hiện trong tài liệu lưu trữ của mật thám Pháp.
[10] . Ngày 01/01/1931 lấy tên là Đông Dương Cộng sản Đảng.
[11]. Người này bị bắt ở Hồng Kông ngày 29/4/1931 dưới cái tên Lý Thương.
[12] . Nguyễn Ái Quốc bị giam tại nhà tù Victoria.
[13]. Trong thời gian bị giam giữ, Nguyễn Ái Quốc bị mắc bệnh lao và phải nhập viện chữa trị, theo báo cáo của mật thám bí danh "Pinot" số 669 ngày 05/10/1932 dịch lại bài báo đăng trên tờ Hoa Kiều số ra ngày 30/8/1931 xuất bản ở Hồng Kông.
[14]. Hồ sơ SLOTFOM XV 1, năm 1949, Lưu trữ Hải ngoại Pháp.
Ngọc Nhàn