Nguyễn Trường Tộ là một nhân vật được nhắc đến khá nhiều trong lịch sử. Hầu hết các sách, báo từ trước đến nay đều thống nhất nhận định: Ông là người có tài và có tâm huyết, từng vạch ra nhiều kế hoạch canh tân giúp dân, giúp nước nhưng không gặp thời nên hầu hết những đề nghị cải cách của ông không được thực hiện. Do vậy, ông chỉ được ghi nhận về tấm lòng của một con người luôn trăn trở với vận nước…
Đó là ở Việt Nam, vậy các học giả người nước ngoài nhìn nhận và đánh giá thế nào về nhân vật này? Để độc giả có thêm thông tin về nhân vật lịch sử Nguyễn Trường Tộ, chúng tôi xin trích giới thiệu bài viết của học giả người Pháp trên Tuần báo Đông Dương (Indochine Hebdomadaire lllustré), số 216, ngày 19-10-1944, với tiêu đề “Nguyen Truong To, patriote éclairé” (Nguyễn Trường Tộ, nhà yêu nước lỗi lạc). Tuần báo Đông Dương hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Chúng tôi xin trích dịch bài báo này để bạn đọc tham khảo.
Cuộc đời
Nguyễn Trường Tộ sinh năm Minh Mạng thứ 9 (1828), tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Thuở thiếu thời, ông đam mê học chữ Hán và sớm tỏ ra là người thông minh, có đầu óc phê bình và trí nhớ phi thường. Không chỉ giỏi sáng tác văn thơ, Nguyễn Trường Tộ còn nổi tiếng là người có khí tiết và quan điểm sống rõ ràng.
Năm Tự Đức thứ 11 (1858), giáo khu Tân Ấp cho mời ông tới dạy chữ Hán cho học sinh. Tại đây, ấn tượng trước khả năng thiên bẩm của Nguyễn Trường Tộ, Giám mục người Pháp tên là Gô-ti-ê đã khuyên, dạy ông học tiếng Pháp và một số khái niệm cơ bản về bộ môn khoa học thường thức của phương Tây.
Hai năm sau, Nguyễn Trường Tộ tới châu Âu cùng giám mục Gô-ti-ê, người phải trở về Pháp do bị các tín đồ đạo Cơ đốc tìm cách truy hại. Chuyến kinh lý tại châu Âu đã góp phần mạnh mẽ vào việc bồi đắp tri thức cũng như hoàn thiện nhân cách của nhà nho này. Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình là I-ta-li-a. Tại đây, ông được Giáo hoàng Pi-e IX tiếp đón và ban tặng khoảng trăm cuốn sách. Sau đó, Nguyễn Trường Tộ tới và lưu trú ở Pa-ri trong ba năm. Tại kinh đô ánh sáng, ông được tiếp xúc trực tiếp với nền văn hóa và văn minh phương Tây. Ông thường xuyên tới thư viện, nghiên cứu các môn khoa học chính trị, nghệ thuật quân sự, kiến trúc, triết học; tham quan nhà máy, công xưởng; quan sát con người và sự vật, nhất là những thứ đem lại sự cách tân cho đất nước An Nam. Trước khi về nước, ông đã tới Trung Quốc, tham quan các thành phố của Hồng Công và Quảng Châu, nơi ông có dịp làm quen với nhiều chính trị gia và nhân sĩ.
Năm 1863, khi trở về nước, trái tim ông quặn đau khi chứng kiến cảnh nước nhà đang phải gánh chịu hậu quả của một chính sách cực đoan và gắng gồng mình thoát khỏi cơn bĩ cực với nhiều cuộc phản kháng nổ ra ở khắp nơi… Cơ cấu xã hội do vua Gia Long ra sức xây dựng đang có nguy cơ sụp đổ, ông viết: “Tôi nguyện hiến dâng trọn vẹn con tim và khối óc mình cho Tổ quốc. Tôi không thể thản nhiên trước cảnh nước mất, nhà tan, đồng bào đau khổ. Vì vậy, với chút tài mọn này, tôi không ngần ngại tâu lên đức vua tiếng nói của mình”.
Năm 1866, vua Tự Đức cử Nguyễn Trường Tộ tới Pháp cùng Giám mục Gô-ti-ê để trưng mua một số loại sách chuyên luận về vật học, vật lý, hải quân và đạn dược. Trở về nước, ông tiến hành thí nghiệm phương pháp khai thác than đá và làm kim loại nóng chảy, theo lệnh của vua. Năm 1868, vua Tự Đức cử một phái bộ gồm Nguyễn Trường Tộ và 16 thành viên khác sang Pháp. Nhân dịp này, Nguyễn Trường Tộ đã đưa một nhóm giáo viên và kỹ sư người Pháp tới An Nam và được nhà vua tiếp kiến tại triều đình. Vua Tự Đức viết: “Do chúng ta mời họ tới, chúng ta cần sử dụng họ và không được lừa dối họ. Chúng ta phải mở một xưởng-trường cạnh Đại sứ quán”. Tuy nhiên, các bậc quân vương trong triều cho rằng, kinh phí cho việc này quá lớn và yêu cầu nhà vua đưa ra một thỏa thuận chung liên quan đến dự án. Bốn năm sau, vua Tự Đức triệu hồi Nguyễn Trường Tộ về triều để dẫn một nhóm học sinh sang Pháp. Nhưng khi tới Huế, ông lâm bệnh nặng và buộc phải khước từ vinh dự này.
Có thể thấy, Nguyễn Trường Tộ rất được nhà vua sủng ái và coi trọng. Các kế hoạch cải cách của ông luôn được nhà vua tán thành, ủng hộ. Tuy nhiên, với bản chất thiếu quyết đoán và bảo thủ, vua Tự Đức dễ dàng bị quan lại trong triều gây ảnh hưởng, mọi dự định tốt đẹp của nhà yêu nước này lần lượt bị họ tìm cách phá hoại. Bên cạnh nhà vua có quá nhiều người thân cận, cuối cùng, ông phải thốt lên rằng: “Nguyễn Trường Tộ đã quá chắc chắn về những gì mình đề xuất, nếu thực sự cần cải cách, chúng ta chỉ nên tiến hành một cách từ từ. Tại sao ta lại vội vàng đến như vậy khi mà chỉ cần những phương pháp xưa cũ cũng đủ để điều hành cả vương quốc rồi?”.
Những năm cuối đời, Nguyễn Trường Tộ vẫn thường xuyên gửi thư lên vua Tự Đức nhằm giúp vua nhìn nhận đúng vận mệnh của đất nước lúc bấy giờ và sự cần thiết phải tiến hành cải cách. Những nét chữ của ông chứa đầy cảm xúc với tiếng kêu đơn chiếc tuyệt vọng và cả sự phẫn nộ: “Dù thân có bị liệt, nằm lưng xuống dưới, ta vẫn phải có bổn phận viết thư gửi đức vua… Cách đây 7 năm, thần đã trình đức vua đơn xin cải cách khẩn cấp. Triều đình cũng không để tâm xem xét. Vậy ta còn trông mong gì ở 100 năm nữa?”.
Cuối cùng, vào năm 1871, Nguyễn Trường Tộ ra đi ở tuổi 43 mà không thực hiện được ước mơ của mình.
Người có đầu óc thực tế
Nguyễn Trường Tộ là người đầu tiên chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm của chính quyền truyền thống. Ông bày tỏ: “Đã làm quan là phải thanh liêm, tích cực, nhiều kinh nghiệm, để có thể hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời làm nhiều việc có ích cho dân. Ngược lại, họ xứng đáng hưởng lương cao và như thế, nạn ăn hối lộ sẽ không tồn tại”. Mặt khác, ông mong muốn các quan lớn trong triều giao phó công việc hằng ngày cho cấp dưới để chú tâm tới những vấn đề chung liên quan đến đất nước, hoặc quan hệ với các nước khác. Ông khuyên họ không nên có những động thái tiêu cực, cản trở sự phát triển của những tài năng thực sự. Ông cũng tìm cách để dân chúng có thể bày tỏ nguyện vọng. Ông viết: “Tôi mong muốn triều đình thường xuyên lắng nghe ý kiến của người dân thông qua các quan lại khu vực, lập một ủy ban nghiên cứu phúc đáp và ghi nhận những sáng kiến hay”.
Mối liên kết giữa nhà cầm quyền với người bị cai trị tạo nên sức mạnh tinh thần lớn lao cho đất nước, song lại không đủ để bảo vệ đất nước trong thời chiến. Do vậy, Nguyễn Trường Tộ đề nghị tổ chức lại quân đội. Ông yêu cầu triều đình chú trọng hơn nữa tới lực lượng binh sĩ nhằm khơi dậy lòng yêu nước và trung thành của họ, điểm khởi nguồn cho những đại thắng. Ông cũng chỉ rõ cách thức tổ chức một đội kỵ binh hùng hậu và một đội hải quân được trang bị theo kiểu Âu. Ông đã dự kiến những khoản chi lớn cho dự án canh tân này và gợi ý với nhà vua phương pháp khắc phục: “Tôi đề nghị chính phủ chỉ định một số quan lại đàm phán với các nhà tài chính lớn của Hồng Công. Những thương gia và kỹ nghệ gia lớn sẽ cho chúng ta mượn tiền, đổi lại, chúng ta nhượng cho họ một số đặc quyền như: Trao đổi hàng hóa, tự do mậu dịch hoặc khai thác một số khu rừng”.
Để có kinh phí thường xuyên cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước, Nguyễn Trường Tộ đề xuất một số biện pháp khác theo mô hình của các nước hiện đại: Kêu gọi nước Pháp tham gia hiệp định về hợp tác kinh tế, đặc biệt là khai thác khoáng sản; phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp và ngoại thương; lập một số loại thuế mới liên quan đến rượu, thuốc lá, thuốc phiện, chè của Trung Hoa và hàng tơ lụa; thống kê dân số và ruộng đất của cả nước nhằm phát hiện hành vi khai man doanh thu đồng thời tăng tiền thuế.
Đối với mỗi vấn đề dự kiến, ông đều chỉ rõ cách thức tổ chức.
Nhà giáo dục
Nguyễn Trường Tộ đặc biệt quan tâm đến giáo dục, rèn luyện con người và chuẩn bị cho thế hệ sau. Ông viết: “Mức độ văn minh của một dân tộc hoàn toàn phụ thuộc vào phương pháp giáo dục”. Như vậy, đứng lên trên mọi thế lực, ông phản đối nền giáo dục truyền thống cổ súy cho “thói quen xưa cũ với niềm đam mê mỗi môn văn học”. Rất nhiều lần, ông nhấn mạnh đến lợi ích của bộ môn khoa học tự nhiên, sự cần thiết của việc đem đến cho thế hệ mới một nền văn hóa hiện thực và tích cực.
Ông cho rằng, chữ Hán quá khó đối với đại bộ phận dân chúng và gợi ý chính quyền nên sử dụng chữ Quốc ngữ, không chỉ trong quan hệ thường nhật mà trong tất cả các giấy tờ hành chính. Ông tặng lại cho triều đình sách vở mua được tại Pháp và đề nghị để các nhà truyền giáo dịch sang chữ Quốc ngữ. Thậm chí, ông còn đề nghị cho đăng báo hoạt động của vua và những sự kiện chính diễn ra trong nước để công chúng biết. Ông cũng xin mở một số trường dạy luật, canh nông, cơ học và kỹ nghệ.
Để những thanh niên có tài năng thực sự học tập trong điều kiện tốt, ông đề nghị gửi họ sang các nước châu Âu. Theo ông, muốn có kiến thức vững chắc, một người An Nam phải sống tại nước ngoài ít nhất là 8 hoặc 9 năm. Nguyễn Trường Tộ tin tưởng vào triển vọng của đất nước, bằng chứng là một trong những bức thư ông gửi cho triều đình có đoạn viết: “Tôi có thể bảo đảm với các ngài rằng, sinh viên của chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt bởi qua những chuyến kinh lý tại các quốc gia châu Âu, tôi nhận thấy người nước ngoài cũng không thông minh hơn chúng ta… Nếu chúng ta đi nhiều nơi và duy trì quan hệ với các nước khác, không ai có thể biết trước được tương lai của chúng ta sẽ rộng mở như thế nào”.
Hoàng Hằng, Hồng Nhung