04:20 PM 23/10/2024  | 

Nguyễn Tấn tự là Tử Vân, hiệu là Ôn Khê, sinh năm 1822 tại phủ Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Thái Bình). Ông vốn người người làng Thạch Trụ, nay thuộc xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi; là con trai của Thọ Sơn cư sĩ Nguyễn Công Thái.

Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), Nguyễn Tấn thi đỗ Cử nhân, được bổ làm Huấn đạo, tiếp theo là Tòng sự ở Quốc tử giám, Hành tẩu ở Cơ mật viện. Sau ông được bổ làm Tri phủ Yên Khánh, Án sát tỉnh Hưng Yên, Thự Án sát tỉnh Thái Nguyên.

Năm 1863, khi đang tại chức ở tỉnh Thái Nguyên, nghe tin người Man vùng thượng du phía Tây tỉnh Quảng Ngãi thường quấy nhiễu mà quan quân chưa bình định được, Nguyễn Tấn liền xin về quê gánh vác trách nhiệm này. Vua Tự Đức đồng ý và phong ông làm Tĩnh Man Tiễu phủ sứ. Sự nghiệp của Nguyễn Tấn có lẽ được nhắc nhiều về sau là do thời gian 8 năm ông nhận trọng trách giữ yên vùng sơn cước Quảng Ngãi.

Về người Man ở Thạch Bích hay còn gọi là Đá Vách chính là dân tộc thiểu số Hrê. Họ qua lại buôn bán với người Kinh nhưng thực chất để thăm dò tình hình. Châu bản triều Nguyễn viết: “Đạo, nguồn ấy ở trên đất Cơ Tĩnh Man 4, nguyên là nơi dân thiểu số Đá Vách qua lại buôn bán. Đã ba, bốn năm trở lại đây, dân ấy tuy thường đem các loại hàng đến buôn bán với dân Kinh, nhưng thực là ngầm mang lòng làm phản, nhiều lần ngầm đến xâm lấn, cướp bóc.[1]

Trang đầu bản tấu ngày 04 tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) của

tỉnh Quảng Ngãi về việc thu thuế nguồn ở cơ Tĩnh Man.

Nguồn: TTLTQGI

 

Trong bản tấu của quan tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Tín cho biết thêm “hiện nay người Man ấy ngày càng ngang ngược”[2] nên cần “phái quân đến các nơi để phòng bắt và tập hợp binh lính các sắc thuộc ban hạ phân chia đi ngăn giữ, đều là việc tùy nghi châm chước mà làm[3]. Sau đó, công cuộc bình định, phủ dụ người dân tộc thiểu số nơi đây được giao cho Tiễu phủ sứ Nguyễn Tấn.

Trong thời gian trấn nhậm này, Nguyễn Tấn đã quyết định ghi lại những điều mắt thấy tai nghe về địa dư, lịch sử, tính cách, phong tục, ngôn ngữ... của các dân tộc thiểu số ở địa phương. Mục đích của ông là xây dựng một cẩm nang kinh nghiệm cho những người sau gánh vác trọng trách trấn giữ nơi vùng cao.

Sau vài năm giữ chức Tĩnh Man Tiễu phủ sứ, Nguyễn Tấn đã hiểu sâu sắc đất và người vùng sơn cước này nên sớm thu phục được người Thượng nơi đây. Ông nắm rõ từng địa hình, thế núi, đầu nguồn, ngọn suối, đường đi và đặc tính của các sắc tộc thiểu số người Thượng ở phía Tây tỉnh Quảng Ngãi. Vì vậy, ông đã dày công biên soạn cuốn “Vũ Man tạp lục thư” ghi rõ về sông sâu, núi cao, vực thẳm; sinh hoạt, tính cách của từng sắc tộc; những lần phủ dụ của ông và những tiền nhân từng trấn giữ, bình định vùng đất này.

Cuốn sách được viết bằng chữ Hán, đối với các địa danh “đều viết bằng chữ Nôm phiên từ lối phát âm của người Thượng hoặc do người Việt sinh cư lâu ngày ở địa phương này mà đặt ra.”[4] Sách gồm 3 phần chính: địa lý, nhân văn và lịch sử. Phần địa lý “gồm các mục sơn xuyên, cương vực, lý lộ (thuộc quyển 1)[5]. Phần nhân văn “gồm có các mục viết về phong tục, ngôn ngữ, nhà cửa, lối ăn mặc, đồ dùng, vấn đề hôn nhân, tên làng, tục lệ ngày tết, tang lễ, nhạc khí, việc cúng tế, lệ phạt vạ, húy kỵ, thổ nghi, thuế má.”[6] Phần lịch sử “gồm các mục: kế hoạch đánh dẹp, phương sách phòng ngự, kiến trí duyên cách qua các triều đại, các danh tướng tiễu bình.[7]

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Cung nhận định “Nguyễn Tấn đã chịu khó ghi chép rất cẩn thận và chi tiết các phần nói về núi non, sông suối, đường sá, cương vực, ngôn ngữ, thuế má, sự thay đổi qua các đời (kiến trí duyên cách) v.v… Khoảng cách từng ngọn núi, vị trí các con sông, dòng suối, lối đi xa gần từ cơ này sang cơ khác, hệ thống thuế khóa trải qua các triều đại, ngôn ngữ các bộ lạc được khảo cứu khá tường tận chứng tỏ người viết nắm vững thực tại địa phương và tỏ ra rất có kinh nghiệm cũng như am hiểu tập tục, nếp sống của sắc dân sơn cước nơi đây.[8]

Cũng chính nhờ am hiểu về địa lý, tập tục, nếp sống của những sắc dân thiểu số nơi đây nên trong thời gian làm Tiễu phủ sứ ở Tĩnh Man Nguyễn Tấn đã bình định, giữ yên vùng đất này. Sau đó ông cho phân ban binh lính để yên định các dân tộc thiểu số. Châu bản triều Nguyễn cho biết: “giữ lại hơn 700 người phòng thủ các sở. Còn hai nghìn người do Quản đốc phân phái đi các cửa biển, chia đi các đường núi, phát bỏ cây cỏ, đồng thời tuần phòng các man, sách để giữ yên biên giới. Việc xong, chiếu lệ phân về các ban”.[9]

Đồng thời, Tiễu phủ sứ Nguyễn Tấn cho khai khẩn ruộng hoang ở vùng Tĩnh Man này. Đến năm Tự Đức thứ 18 (1865), số ruộng khai khẩn được là 225 mẫu. Theo bản phúc trình của Bộ Hộ thì “các cơ Tĩnh Man khai khẩn, thu hoạch được lúa để chi phát lương ăn hàng tháng. Từ năm Tự Đức thứ 18 (1865) đến nay, các cơ khai khẩn canh tác thành ruộng được 225 mẫu. Các vụ đã thu hoạch được số lúa 4.469 hộc, cấp lương ăn cho lính khai khẩn canh tác hết 2.391 hộc, còn hơn 2.017 hộc hiện đã nộp kho dự trữ[10].

Trang đầu bản phúc ngày 13 tháng 2 năm Tự Đức thứ 22 (1869) của Bộ Hộ về việc Tiễu phủ sứ Nguyễn Tấn cho khai khẩn ruộng hoang ở Tĩnh Man.

Nguồn: TTLTQGI

 

Như vậy, trong 8 năm làm Tiễu phủ sứ Tĩnh Man, Nguyễn Tấn không chỉ hoàn thành sứ mệnh của một nhà quân sự mà còn là một nhà dân tộc học với những am hiểu về người Thượng tỉnh Quảng Ngãi để có những chiến lược phủ dụ các dân tộc thiểu số nơi đây. Những am hiểu của ông về người Thượng ở Quảng Ngãi được gửi trong từng dòng chữ của cuốn “Vũ Man tạp lục thư”.

Năm 1871, Nguyễn Tấn bị bệnh. Trong bản tấu của Bộ Lại nói rõ: “Viên đó bị bệnh đau đầu, đã điều trị nhiều cách nhưng chưa giảm. Xin nghỉ 3 tháng lưu lại đồn số 1 của Tĩnh Man để làm việc và tiện chữa trị”.[11] Xem tấu, vua Tự Đức ngự phê “Truyền cho chữa nhanh chóng để sớm có thể sai phái”.[12]

Mùa hạ năm Tự Đức thứ 24 (1871), Nguyễn Tấn mất. Tài đức của ông không chỉ khiến triều đình cảm mến mà được quân binh dưới quyền và các hàng Man vô cùng kính trọng. Vì vậy, sau khi ông mất, người Thượng và người Kinh ở nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ngãi đã lập đền thờ và dựng bia ghi công đức.

Nguyễn Hường

 

 

[1] TTLTQGI, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh tập 64, tờ 131.

[2] TTLTQGI, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 332, tờ 30.

[3] TTLTQGI, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 332, tờ 30.

[4] Ôn Khê Nguyễn Tấn, Vũ Man tạp lục thư (Nguyễn Đức Cung sưu tầm, khảo cứu, phiên âm và chú giải), tr.132, Nxb Hà Nội, 2019.

[5] Ôn Khê Nguyễn Tấn, Vũ Man tạp lục thư (Nguyễn Đức Cung sưu tầm, khảo cứu, phiên âm và chú giải), tr.132, Nxb Hà Nội, 2019.

[6] Ôn Khê Nguyễn Tấn, Vũ Man tạp lục thư (Nguyễn Đức Cung sưu tầm, khảo cứu, phiên âm và chú giải), tr.133, Nxb Hà Nội, 2019.

[7] Ôn Khê Nguyễn Tấn, Vũ Man tạp lục thư (Nguyễn Đức Cung sưu tầm, khảo cứu, phiên âm và chú giải), tr.134, Nxb Hà Nội, 2019.

[8] Ôn Khê Nguyễn Tấn, Vũ Man tạp lục thư (Nguyễn Đức Cung sưu tầm, khảo cứu, phiên âm và chú giải), tr.131, Nxb Hà Nội, 2019.

[9] TTLTQGI, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 170, tờ 103.

[10] TTLTQGI, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 188, tờ 13.

[11] TTLTQGI, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 227, tờ 169.

[12] TTLTQGI, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 227, tờ 169.

Nguyễn Hường