Nếu lấy hồ Hoàn Kiếm làm điểm mốc thì đây là nơi phân chia khá chính xác Hà Nội thành 2 khu phố chính: một bên là khu phố mới với các đại lộ và nhà cửa rộng lớn cho người Âu và một bên là khu phố cũ với các con phố chật hẹp, đông đúc với các cửa hàng buôn bán. Để hiểu thêm về khu phố cổ này, bạn hãy ngược lên phố Hàng Đào sẽ thấy một quảng trường nhìn ra hồ Hoàn Kiếm. Đi theo đường tàu điện qua phố Hàng Đào, phố Hàng Ngang và phố Hàng Đường bạn sẽ đến chợ Đồng Xuân và Tháp nước Hà Nội. Từ con đường chính của khu phố cổ này tỏa ra nhiều con phố, rẽ phải đến đê sông Hồng và rẽ trái đến trục đường gồm các phố Hàng Tre, Hàng Bồ, Hàng Điếu và đoạn cuối của phố Đường Thành. Từ chỗ đó, các bạn có thể đi đến cuối phố Hàng Đào bằng một tuyến tàu điện khác chạy qua phố Hàng Bông và phố Hàng Gai. Vì vậy bạn sẽ gần như thấy được tuyến đường của đa giác đặc biệt của Hà Nội xưa, bên trong là các phố nghề thủ công chật hẹp đan xen nhau: một bên là phố Hàng Buồm, phố Hàng Mắm, phố Hàng Bạc.., bên kia là phố Hàng Hòm, Hàng Thiếc, Thuốc Bắc, Lò Rèn và nổi tiếng là phố Chả Cá.
Một góc phố Hàng Thiếc
Thực sự Hà Nội đã thay đổi nhiều so với thời được gọi là thành phố với 36 phố phường. Người ta không còn bán rổ rá đan bằng tre trong phố “Hàng Bồ”. Các cửa hàng trong phố Hàng Bút bán lẻ bút và bút máy hiện đại. Về món đặc sản chả cá với mắm tôm nổi tiếng, các bạn sẽ thấy trong phố mang cái tên này chỉ còn hai hoặc ba nhà là giữ được mùi vị đặc trưng cuốn hút của thời đó.
Suốt hai mươi năm qua, hầu như ở khắp nơi, nhiều công trình mới đã thay thế những ngôi nhà cũ. Mới đây người ta hay chú ý đến ngôi nhà không tầng với hai mái uốn cong theo phong cách của thế kỷ trước. Thường thấy hơn phong cách ở đầu thế kỷ này là gạch xây với khung gỗ cao lên một tầng thu nhỏ, cách mặt đất vài mét. Chùa và đền thờ nằm xen kẽ với các cửa hàng có các biển hiệu sắc màu.
Chùa Bạch Mã hiện nay ở phố Hàng Buồm được ghi trên bản đồ thành phố thời Hồng Đức (1490). Mặc dù không được chỉ rõ trên bản đồ nhưng người ta vẫn xác định được khá dễ dàng vị trí của khu phố buôn bán và thủ công nằm giữa Thành nhà Lê “hình khẩu súng chĩa về phía sông Hồng” và chính con sông này. Sông Tô Lịch chảy ở phía bắc nối Hồ Tây với Sông Hồng. Hồ Hoàn Kiếm nằm trải dài ở phía nam, nối với sông Hồng và được gọi là Hồ Thủy Quân. Khu phố buôn bán và thủ công được gọi là Kẻ Chợ. Kẻ Chợ khi ấy thịnh vượng nhờ vào vị trí địa lý đặc biệt bởi ba mặt tiếp giáp với đường sông nên đây chính là nơi giao thương và kho chứa hàng hoá không chỉ cho thủ đô mà còn cho khắp cả nước.
Nghề thủ công từ sớm đã trở thành một nghề tập trung ở Kẻ Chợ và được Vua, các quan lại khuyến khích. Vả lại nhiều người trong số họ là “những người chủ” của các xưởng thủ công. Vào thế kỷ XI, anh em Trần Hoà, Trần Điện và Trần Điền đã sang Trung Quốc học nghề kim hoàn đến khi thành thợ thì trở về nước phát triển nghề kim hoàn và truyền lại nghề cho đời sau. Trần Tướng Công, Đại sứ Việt Nam tại trung Quốc dưới thời Lê Nhân Tông (1443-1460) đã đưa vào Kẻ Chợ những kỹ thuật sơn mài của tỉnh Hồ Nam. Đầu thế kỉ thứ XVIII, Thiền sư “Không Lộ” học đúc đồng ở Trung Quốc và trở thành ông chủ của các thợ đồng thanh… Sau này xuất hiện những kỹ thuật ở trong nước như chạm khảm sơn mài nhờ Nguyễn Kim thời Lê Hiển Tông (1740-1787). Dưới triều Nguyễn, bên cạnh những thợ thủ công độc lập, những xưởng của nhà nước cũng được mở ra và tập hợp thành nhóm các thợ thêu, thợ chạm khảm, thợ khảm men huyền, thợ sơn mài,thợ điêu khắc, thợ làm đồ ngà, thợ kim hoàn theo kiểu làm khoán.
Mặc dù qua hai lần bị tàn phá năm 1786 và khoảng năm 1820, Hà Nội vẫn luôn là thành phố Viễn Đông đẹp như tranh vẽ cho đến khi người Pháp xuất hiện. Để xây khu phố tây và các doanh trại, họ đã phá hủy nhiều công trình cổ như điện Kính Thiên và chùa Báo Ân với 180 gian. Sông Tô Lịch cũng bị lấp và Hồ Thủy Quân cũng biến mất để mở phố Huế. Việc nhập khẩu khối hàng hóa từ nước ngoài phá vỡ nghề thủ công của Hà Nội. Phường chạm khảm sơn mài phải nhường chỗ cho các nhà buôn thuộc địa với các cửa hàng tranh ảnh lớn của Mẫu quốc do họ dựng lên ở phố Paul Bert nay là phố Tràng Tiền.
Khi đi qua chỗ đường vòng của khu phố truyền thống, bạn sẽ thấy sự đổi thay về thương mại và nghề thủ công của Hà Nội. Các cửa hàng nằm trên phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Bồ trưng bày nhiều hơn các mặt hàng của địa phương. Cửa hàng thiếc chiếm số đông tràn ra phố cùng tên. Phố Hàng Mã vẫn bày bán những chiếc nón và ngựa Xích Thố dùng để thờ trong dịp lễ cầu an hoặc cầu mưa. Ngoài ra họ còn chuyên làm các loại biển hiệu cho lễ mít tinh và đồ chơi cho trẻ em, đặc biệt vào dịp tết Trung thu. Khi xuất khẩu hàng thủ công ngày càng phát triển, các cửa hàng đồ da, khảm trai và thêu càng được nhân rộng trong khu phố cổ.
Một thợ thủ công ở phố Hàng Mã đang làm Ngựa Xích Thố
“Tâm hồn” của Hà Nội xưa ẩn mình trong khu phố truyền thống với các con phố chật hẹp mang những cái tên ấn tượng. Phong trào cách mạng văn hóa lớn Đông Kinh Nghĩa Thục – với sự đứng đầu của các nhà nho như Lương Văn Can đầu thế kỷ được tổ chức tại chính nơi đây. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, tên Đông Kinh Nghĩa Thục và tên của nhà nho Lương văn Can đã được đưa vào khu phố cổ Hà Nội và dùng để đặt tên cho đường phố.
Hà Nội luôn tôn trọng những giá trị xưa của nó. Vào những ngày đặc biệt, các bạn sẽ thấy người Hà Nội đặt những bó hoa để tưởng nhớ những người con đã hy sinh vì Hà Nội ở các góc phố chính, nơi mà họ đã ngã xuống, khi đó tiếng chuông trong các đền chùa cũng vang lên một cách ngẫu nhiên trong khu phố truyền thống.
Người dân Hà Nội sẽ luôn ghi nhớ những ngày tháng vinh quang và vất vả của mình qua những con đường còn mang đầy dấu tích.
MINH PHÚC (Lược dịch từ bài viết “Le vieux quartier de Hanoi” của tác giả Nguyễn Xuân Sảng đăng trong cuốn “le Vietnam en marche” 1956-1958, kí hiệu tra tìm SV 399,Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.)