Kỳ 2: Hệ thống liên hoàn, đối ứng
Tuyến phòng thủ tại Đà Nẵng được xây dựng từ thời vua Gia Long đến Tự Đức với nhiều sức người sức của, thường xuyên tăng cường quân đội và vũ khí bố phòng mới tạo nên hệ thống phòng thủ “liên hoàn” ở cửa biển này.
Ngay từ khi vừa thống nhất nhất đất nước, năm 1802, vua Gia Long đã cho xây dựng tại cửa biển Đà Nẵng một căn cứ quân sự đầu tiên là tấn biển Đà Nẵng, còn gọi là tấn Hàn. Tấn Đà Nẵng ở bên Hữu cửa biển (thuộc quận Sơn Trà hiện nay), “đặt 1 thủ ngữ, 1 hiệp thủ và 17 thủ binh”[1]. Chức năng của các cửa tấn dưới triều Nguyễn là xét hỏi người qua lại và phòng thủ nói chung. Minh Mạng cho rằng Đà Nẵng là chỗ “địa đầu quan yếu”[2] nên cấp cho tấn 2 con ngựa, tấn thủ sở tại khi gặp việc thượng khẩn thì cho phi ngựa đệ đi. Việc tối khẩn và thứ khẩn thì cho đệ bằng ngựa. Khi lựa chọn tấn thủ cho tấn Đà Nẵng, vua Thiệu Trị cho rằng “tấn Đà Nẵng là tấn trọng địa nên cần có người am hiểu đường thủy, hiểu biết sự lý hơn người mới có thể sung bổ”[3].
Tại cửa biển Đà Nẵng, ngoài cửa Hàn có tấn Đà Nẵng thì tại cửa sông Cu Đê có tấn Cu Đê (một số tài liệu ghi Câu Đê) cũng được xây dựng từ đầu thời Gia Long “đặt một viên thủ ngữ và thủ dân để tuần phòng ngoài biển, xét hỏi những người đi lại”[4].
Sở dĩ ngay từ đầu vua Gia Long chọn xây dựng tại Đà Nẵng hai điểm phòng thủ bởi đây là cửa ngõ quan trọng khi muốn vào sâu hơn trong nội địa. Các nhà chép sử triều Nguyễn khi xét về tích xưa đều đánh giá rất cao hai cửa biển này.
Tháng 2 năm Gia Long thứ 12 (1813), vua Gia Long cho xây dựng thêm tại cửa biển Đà Nẵng đài Điện Hải và đồn An Hải. Nếu như hai tấn Đà Nẵng và tấn Cu Đê vừa có tính chất quân sự vừa có tính chất hành chính là “xét hỏi người qua lại” thì đài Điện Hải và An Hải là hai cứ điểm hoàn toàn mang tính chất quân sự, là điểm phòng thủ chủ yếu tại cửa biển Đà Nẵng. Tuy là hai điểm phòng thủ nhưng ban đầu chỉ mới được gọi là “đài” và “đồn” và chưa được xây dựng kiên cố. Do xây gần bãi cát, bị xói mòn nên đến năm 1823 phải di chuyển thành Điện Hải sang vị trí khác[5]. Sách “Đại Nam nhất thống chí” cho biết thành Điện Hải ở phía tả tấn Đà Nẵng, “chu vi 139 trượng, cao 1 trượng 2 thước, hào sâu 7 thước, mở 3 cửa, dựng 1 kỳ đài và 30 sở pháo đài. Năm Gia Long thứ 12 (1813) đắp đài ở tấn Đà Nẵng hơi gần bãi biển; năm Minh Mạng thứ 4 (1823) dời đến chỗ hiện nay và xây bằng gạch, năm thứ 15 (1834) đổi làm thành; năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) xây lại”[6]. Thành An Hải, ở phía hữu tấn Đà Nẵng, “chu vi 41 trượng 2 thước, cao 1 trượng 1 thước, hào sâu 1 trượng, mở 2 cửa, dựng 2 kỳ đài và 22 sở pháo đài. Năm Gia Long thứ 12 đắp bằng đất, gọi là bảo An Hải, năm Minh Mạng thứ 11 (1830) xây bằng gạch, năm thứ 15 (1834) đổi làm thành”[7].
Trong hai thành thì Điện Hải có vị trí quan trọng và được đầu tư bố phòng cao hơn thành An Hải. Ban đầu, đặt ở thành 1 thành thủ uý, lại có 1 lãnh binh kiêm giữ cả 2 thành Điện Hải, An Hải và pháo đài Định Hải. Hàng năm phái một vệ lính ở Kinh (khoảng 500 người) đến đóng giữ. Đến tháng 3 năm Minh Mạng thứ 17 (1836), bộ Binh cho rằng đây là nơi trọng địa ở bờ biển, có nhiều tàu thuyền tụ họp vì thế cho đặt 300 quân tại Điện Hải, 200 quân tại An Hải. Để tiện cho việc thường trực và nghỉ ngơi, đầu năm 1837, vua Minh Mạng cho phái một phần lính thủy, một phần lính bộ làm sao đủ 500 quân thường trực để chia phái đóng giữ.
Bên cạnh hai thành Điện Hải, An Hải, tại Đà Nẵng còn được xây dựng tuyến phòng thủ hỗ trợ nhau, gồm pháo đài Định Hải (1823), Phong Hỏa (1840), pháo đài Phòng Hải (1840) và 7 bảo Trấn Dương (1847). Một số tài liệu ghi là “Trấn dương thất bảo” tuy nhiên nó chỉ tồn tại trên thực tế từ 1847 đến 1850 nên trong sách Đại Nam nhất thống chí vẫn chép là “tứ bảo” chứ không phải là “thất bảo”.
Hải Vân Quan xưa
Bên cạnh các điểm phòng thủ trên còn có các căn cứ có tính chất vừa phòng thủ vừa có tính chất quan sát, trong đó đáng chú ý là đài Hỏa Phong và Hải Vân Quan. Đài Phong Hỏa (Hỏa Phong đài) là pháo đài có nhiệm vụ đốt lửa báo hiệu mỗi khi có biến. Năm 1840 vua Minh Mạng cho xây dựng tại cửa biển Đà Nẵng một Phong Hỏa trên hòn Ngự Hải. Đây là một hòn đảo nhỏ còn gọi là Sơn Trà nhỏ, nằm đối diện với Sơn Trà và là điểm án ngự phía bắc của cửa biển Đà Nẵng.
Về điểm phòng thủ trên núi Hải Vân. Núi Hải Vân nằm giữa hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên, địa hình rất hiểm yếu, thời Minh Mạng cho đặt ở đây 3 quan ải, một trên đỉnh Hải Sơn và hai cái trên Hải Vân, có cho “xây đá làm bậc để tiện đường đi lại”[8]. Hải Vân Quan được xây năm 1826, và Hải Sơn Quan được xây năm 1831. Về việc phân công trú phòng ở Hải Vân Quan, có sự thay đổi theo từng thời điểm trong năm vì tại đây điều kiện khá khắc nghiệt. Do vị trí đặc biệt nên Hải Vân Quan rất được quan tâm với lực lượng thường trực tương đối lớn mà thời gian thay ban cũng thường xuyên hơn vì nơi đây “khí núi hơi nặng”[9].
Cho đến năm 1857, theo nhật ký của một người tới Đà Nẵng thì thành đồn tại đây đã được xây dựng tương đối bài bản: “Vũng Tourane là một trong những vụng biển an toàn nhất thế giới (…). Muốn vào thả neo trong vũng biển này, phải vượt qua những làn đạn chéo từ hai pháo đài vừa mới xây dựng, nhưng hiện nay chưa thấy có đại bác đặt trong các lỗ châu mai”[10].
Như vậy, trước như cầu bảo vệ độc lập và áp lực của phương Tây cho đến trước thời điểm Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, triều Nguyễn đã cho xây dựng tại Đà Nẵng một hệ thống các công trình phòng thủ khá dày đặc. Nếu tính từ cửa biển đi vào có thể bắt gặp đài Phong Hỏa trên đảo Sơn Trà nhỏ làm nhiệm vụ đốt lửa báo hiệu, đi vào trong có Định Hải, Chân Sảng (phía Nam Hải Vân) và Phòng Hải ở phía đối ứng trên núi Mỏ Diều, Sơn Trà. Tiến vào cửa sông Hàn thì có hai thành An Hải, Điện Hải phòng giữ. Trên núi Sơn Trà có 7 bảy bảo trấn dương. Phía núi Hải Vân có Hải Vân Quan và Hải Sơn Quan. Xét về vị trí và quy mô phòng thủ tại Đà Nẵng, hai thành Điện Hải và An Hải là những điểm phòng thủ quan trọng bậc nhất tại cửa biển này. Đây cũng là hai pháo đài được nhắc đến nhiều nhất khi nói đến tuyến phòng thủ Đà Nẵng. Cũng chính vì thế vậy đây là mục tiêu khai hỏa của tàu chiến phương Tây.
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn (1992): Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, NXB TH, Huế, tr. 373.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004): Đại Nam thực lục, tập 2, tr. 760
[3] Châu bản ngày 24.4. Thiệu Trị 7 (1847), tập 43, tờ 152.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn (1992): Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, NXB TH, Huế, tr. 372-373.
[5] Di tích thành Điện Hải hiện nay ở 24 Trần Phú, Thạch Thang, Hải Châu, Đà Nẵng
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn (1992): Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, NXB TH, Huế, 370.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn (1992): Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, NXB TH, Huế, tr. 370
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, sđd, tr. 131-132.
[9] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 5, sđd, tr. 660-661.
[10] Nguyễn Phan Quang (2002): Việt Nam thế kỷ XIX (1802 - 1884), Nxb. TPHCM, tr. 358-359.
Lê Tiến Công