12:15 PM 23/04/2018  | 

Theo Gia phả họ Nguyễn làng Vân Dương, ông Nguyễn Quý (1796 – 1852) quê gốc ở phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa; sinh ra và lớn lên ở làng Vân Dương, tổng An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên; là con trai cả của Kình tiết Kỵ úy Vệ Nội hầu Nguyễn Văn Hưng và bà Trần Thị Luật. Ông là người đã có nhiều công lao trong việc bảo vệ bờ biển miền Trung, dưới các triều vua Thiệu Trị, Tự Đức.

Nhà Nguyễn rất chú trọng việc phòng thủ bờ biển, Đà Nẵng lại giữ vị trí chiến lược của đất nước mà trực tiếp là kinh đô Huế nên ngay trong những năm đầu triều Nguyễn, cửa biển Đà Nẵng đã được các vua Gia Long, Minh Mạng tăng cường đồn lũy, phòng thủ. Dưới thời Thiệu Trị, Vua chú trọng việc đặt súng và phái biền binh coi giữ nơi đây. Theo Đại Nam thực lục chính biên, mùa đông năm Thiệu Trị thứ hai (1842), Vua bảo bộ Binh về phép thuỷ chiến, súng là đắc lực hơn hết, vì vậy truyền Chỉ cho Vệ uý vệ Loan giá Tôn Thất Tường và Quản vệ doanh thần cơ Nguyễn Quýkiểm xem các hiệu thuyền Vân điêu, Phi hồng, Thanh loan, Định dương và Bình dương mỗi chiếc thuyền nên đặt bao nhiêu súng và bao nhiêu biền binh pháo thủ, liệu dự trù trước cho được chu tất ổn thoả rồi tâu lên”. Bộ Binh xin đem những cây súng nguyên đặt ở Kinh và ở tấn sở Đà Nẵng tỉnh Quảng Nam, hiệu số chia đặt, phái các pháo thủ đi theo thuyền coi giữ. Vua thuận cho, bèn sai chọn lấy 5 suất đội hộ vệ trưởng ở doanh thần cơ chia ngồi coi giữ trên các thuyền để cho đắc lực[1].

Năm sau (1843), có hơn 20 chiếc thuyền của giặc nhà Thanh đến đậu ở đảo Đại Chiêm thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam. Tỉnh phái Phó quản cơ là Lê Văn Hưu đi tuần ngoài biển, gặp đám thuyền giặc. Lê Văn Hưu vì giặc nhiều, mình ít, không địch nổi, bèn kéo đi. Phó lãnh binh Nguyễn Nghĩa nghe tin báo, lập tức đem thuyền quân ra để chặn đánh. Vua nghe biết, lấy làm lạ, nói: “Bọn giặc Thanh ẩn hiện ở ngoài biển, làm ngăn trở các thuyền buôn đi lại, nay lại dám vượt vào đảo Đại Chiêm đến vài mươi chiếc thuyền, chẳng qua chỉ thừa cơ để cướp lương ăn cho sống đó thôi. Chỉ là cho Lê Văn Hưu gặp chúng thì lui ngay, rất là hèn nhát. Vậy, trước hãy cách chức, giao cho tỉnh tra xét để nghị tội”. Lập tức sai tỉnh Quảng Nam sửa soạn một chiếc thuyền đồng để phái ra biển, thự Vệ uý vệ Loan giá là Tôn Thất Năng, thự Lang trung bộ Binh là Lê Quốc Hương phải đi ngay bắt [Lê Văn Hưu] phát vãng sung quân để trị tội. Lại phái thêm thự Chưởng vệ Thuỷ sư là Đoàn Khác, Phó vệ uý doanh thần cơ là Nguyễn Quýchia nhau đi thuyền hiệu Bình hải và Tuần hải. Lại tư ngay cho thuyền quân tuần dương nhất tề chở đi mặt biển Nam – Ngãi, hội đồng đánh giặc…[2].

Châu bản Thiệu Trị còn lưu bản Tấu của Bộ Binh về việc kê khai số lượng pháo, biền binh trên các thuyền bọc đồng, trong đó có việc sai phái Phó vệ úy Nguyễn Quý đến Quảng Nam xem xét, kiểm tra số lượng các loại pháo cần đặt thêm là bao nhiêu:

Bộ thần vâng xét trừ thuyền Thanh Loan hiện đậu ở tấn Đà Nẵng tỉnh Quảng Nam, đã sai phái Phó vệ úy Nguyễn Quý đến tỉnh này xem xét, kiểm tra các loại pháo cần đặt thêm là bao nhiêu, tâu trình đầy đủ lên… Châu phê: Được[3].

Cửa biển Đà Nẵng là nơi thuyền Tây dương ra vào, việc phòng bị cần phải nghiêm mật. Vì vậy, năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), Phó vệ uý vệ Trung doanh thần cơ là Nguyễn Quý được phái đi xem xét vụng Trà Sơn, chỗ nào nên dựng pháo đài, luỹ đài đặt cỗ súng. Về sự việc này, Đại Nam thực lục chép: Nhân sai bọn Mai Công Ngôn đốc đồng với Phó vệ uý vệ Trung doanh thần cơ là Nguyễn Quý, thự Lang trung bộ Binh là Vũ Duy Ninh xem xét chỗ vụng Trà Sơn, chỗ nào nên dựng pháo đài, luỹ đài đặt cỗ súng, mà có thể chế ngự được bọn Tây dương, thì nhất nhất vẽ thành bản đồ, nói cho minh bạch, dán kín lại[4].

Châu bản triều Nguyễn cũng đề cập tháng 5 năm Thiệu Trị thứ 7, Phó vệ úy vệ Trung doanh thần cơ Nguyễn Quý cùng một số người được phái đến xem xét tình hình thiết lập đồn lũy phòng thủ bờ biển tại Quảng Nam: Chúng thần hai bộ Binh, Công vâng có tờ phiến lục: Ngày nọ nhận được tập của quan tỉnh Quảng Nam Mai Công Ngôn trình bày việc trù nghĩ các công việc phòng thủ bờ biển cùng tâu xin các khoản. Phụng chỉ: Truyền giao cho 2 bộ Binh, Công hội đồng duyệt nghị rõ ràng cặn kẽ tâu lên đầy đủ. Lại tập tấu trình bày việc thí nghiệm các hạng đại bác và xin đổi cấp. Phụng chỉ truyền giao cho Bộ Binh duyệt nghị tâu lên đầy đủ. Chúng thần đã đem 2 tập tấu đó cùng các bản đồ duyệt lại rõ ràng. Lại đòi viên chuyên phái xem xét hình thế là Phó vệ úy vệ Trung doanh thần cơ Nguyễn Quý và Lang trung ty Trực tỉnh Bộ Binh Vũ Duy Ninh và các giám thành Lê Mẫn, Phạm Văn Chưởng đến chất vấn về hình thế hiện tại. Hội đồng xem duyệt đã xong. Trong đó có thành đài nào và đặt các đồn bảo nào, cần đặt các hạng pháo nào, đường kính nòng từ 4 tấc 2 phân đến 2 tấc 1 phân mỗi nơi bao nhiêu khẩu… Châu điểm.[5]

Để tăng cường phòng thủ cửa biển Đà Nẵng, Vua Gia Long cho xây dựng hai pháo đài (về sau đổi làm thành) Điện Hải và An Hải. Năm Thiệu Trị 7, Vua sai đặt đại bác, pháo ở các thành. Phó vệ úy Nguyễn Quý cũng được tham gia vào việc này:

anh bai viet 1

 

Châu bản Thiệu Trị Tập 43, tờ 229 ghi dấu Phó vệ úy Nguyễn Quý có công trong việc bảo vệ bờ biển Đã Nẵng, nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Hai Bộ Binh và Bộ Công tâu: Ngày mùng 3 tháng này, chúng thần vâng đem việc chước nghĩ lượng đặt đại bác tại 4 thành ở tấn Đà Nẵng, đánh dấu lên bản đồ tâu lên. Vâng được huấn thị, lại được sắc truyền về cửa pháo, truyền cho kiểm tra theo mẫu các cửa pháo tại kinh thành để tham khảo thực hiện.  Vâng sắc: “bốt pháo Diên Chủy nên chiếu theo các bốt nhất luật tại các cửa khẩu khai pháo ân trong tường cái đặt khoảng 7,8 khẩu đại pháo để tránh lúc có việc vận chuyển bị bất tiện, khâm mệnh”. Nay các bốt này xin tuân vâng xây dựng để đặt 7 khẩu pháo tại cửa pháo. 2 khẩu Hồng Y pháo, nay vâng tặng đặt thêm 2 khẩu Thảo Nghịch Tướng Quân pháo, 1 khẩu Hồng Y pháo, rồi sức cho Phạm Văn Chương đợi sửa bản vẽ và nên đặt các hạng pháo nào cần vâng tiến trình. Lại tra hướng trực diện 2 thành Điện An không đặt đại pháo, chất vấn Tôn Thất Đắc, Nguyễn Quý xưng rằng các góc thành đều lượng tính thiết đặt đại pháo, có khẩu đặt thẳng hướng để bắn trực diện, có khẩu đặt lệch hướng để bắn xiên, đủ lực phòng ngự. Còn như hướng trực diện lâm thời nếu gần nơi phóng kích chỉ dùng pháo Quá Sơn cho nhẹ, nhanh. Nên ở hướng trực diện lại đặt đại pháo, khi nào khai hỏa thì lính pháo thủ hướng hai bên góc đài phía trước phát pháo hiệu thực để truyền nghe biết tiện bắn, kính dám cùng phúc tâu[6].

Nhờ ông Nguyễn Quý có nhiều công lao đóng góp nên năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), nhân dịp lễ mừng vạn thọ của vua Thiệu Trị, ông được thăng làm thự Vệ úy:

Sắc cho Phó vệ úy Trung vệ, doanh Thần cơ là Nguyễn Quý. Nay nhân dịp lễ mừng vạn thọ, ân trạch ban ra rộng khắp, nên gia ơn cho ngươi được thăng làm thự Vệ úy vệ đó. Hãy quản suất biền binh trong vệ, phàm mọi việc công phải theo lệ mà thi hành. Nếu phép quân không nghiêm thì đã có điển chương ở đó. Hãy tuân theo![7]

Theo bản Tấu của Bộ Binh ngày 16 tháng 5 năm Thiệu Trị 7 (1847) còn lưu lại trong tài liệu Châu bản triều Nguyễn về việc kê khai số đại bác thành Trấn Hải: Nay căn cứ Hiệp lãnh thị vệ Lê Thúc Đôn truyền sắc chỉ: Truyền cho Bộ phái ra 1 viên Lang trung của Bộ đến thành Trấn Hải kiểm tra rõ các loại pháo đồng, pháo gang hiện đặt ở thành đó là bao nhiêu, làm phiến tấu lên rõ ràng. Bộ thần đã phái ngay Thự lang trung Phạm Bá Tùng ở ty Hỏa pháo cùng với thự Phó vệ úy vệ Trung doanh Thần Cơ là Nguyễn Quý đến thành đó, căn cứ theo sổ sách phụng ghi đo kiểm tra lại. Gồm có hạng pháo nào hiện đặt, hiện cất giữ tại thành đó, cùng đường kính, độ dài của nòng là bao nhiêu xin cùng làm phiến kê khai tâu lên…[8]

anh bai viet 2

 

Châu bản Thiệu Trị  tờ tập 293, tờ 43 có ghi Phó vệ úy doanh Thần Cơ Nguyễn Quý đến kiểm tra các hạng pháo ở thành Trấn Hải, nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Ghi nhận công lao của ông trong sự nghiệp, ngày 7 tháng Giêng năm đầu Tự Đức (1848), Vua ban sắc phong: 

Trẫm nghĩ: nối nghiệp thanh bình mà trị nước, trước phải rộng nối võ công, nhớ công cũ để trao quan, việc binh nhung nhằm phó thác. Gặp thời lành đến, sắc mệnh rộng ban.

Này khanh, Thự Thần Cơ doanh Trung vệ Vệ úy Nguyễn Quý:

Cung tên tráng chí, thao lược anh tài. Gươm ngựa giỏi dang võ nghệ, theo chủ tướng khó nhọc sẻ chia, vận trù hiến sách chỉ huy, huấn luyện sư đồ thêm mạnh. Thủy chung một tiết, sau trước đều chăm. Quả thực tài năng ngự chúng, thưởng công trọng điển nên ban. Nay đặc thụ Anh dũng Tướng quân, Vệ úy Trung vệ doanh Thần Cơ, ban cho cáo mệnh. Ngõ hầu dốc hết tâm lực, phấn đấu không sợ nơi khó khăn, làm vuốt làm nanh, giúp rập để đền ơn ủy thác. Tiếng hay vĩnh viễn, công cả vẻ vang. Kính thay![9]

Cũng theo sắc phong lưu trữ ở Nhà thờ họ Nguyễn ngày 23 tháng 3 năm Tự Đức thứ 2 (1849), ông được thăng làm Thự Chưởng vệ sự Cẩm Y vệ, chuyên quản các đội Túc trực:

Sắc cho Nguyễn Quý, là Vệ úy Trung vệ, doanh Thần cơ, trải việc binh đã lâu, lại khá thạo phép quân. Nay chuẩn cho ngươi được thăng làm Thự Chưởng vệ sự Cẩm Y vệ, chuyên quản các đội Túc trực, hãy quản suất các viên binh đinh thuộc quyền, phàm mọi việc công phải theo lệ mà phụng hành. Phải nên nghiêm theo quân lệnh, hăng hái việc binh để xứng với sự ủy nhiệm của trẫm. Hãy tuân theo!

Như vậy, tài liệu Châu bản triều Nguyễn hiện còn cùng với một số nguồn sử liệu khác cho thấy trong sự nghiệp của mình dưới triều vua Thiệu Trị và Tự Đức, ông Nguyễn Quý đã có nhiều công lao trong việc tham gia bảo vệ bờ biển miền Trung.

[1]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục Chính biên, Tập 6, Đệ Tam kỷ – Quyển XXV.

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục Chính biên, Tập 6, Đệ Tam kỷ – Quyển XXX.

[3] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Thiệu Trị, tờ 133, tập 17.

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục Chính biên, Tập 6, Đệ Tam kỷ – Quyển LXVI.

[5] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Thiệu Trị, tờ 186, tập 43.

[6] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Thiệu Trị, tờ 229  tập 43.

[7] Sắc phong lưu trữ ở Nhà thờ họ Nguyễn, do ông Nguyễn Bái – cháu nội đời thứ 14 của dòng họ Nguyễn ở làng Vân Dương cung cấp.

[8] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Thiệu Trị, tờ 293, tập 43.

[9] Sắc phong lưu trữ ở Nhà thờ họ Nguyễn, do ông Nguyễn Bái – cháu nội đời thứ 14 của dòng họ Nguyễn ở làng Vân Dương cung cấp.

 

Hồng Nhung – Hoàng Nguyệt Trung tâm Lưu trữ quốc gia I