Ernest Hébrard (1875-1933) là kiến trúc sư, nhà khảo cổ học và là nhà quy hoạch người Pháp, từng giữ chức Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Đông Dương.
Trong thời gian ở Đông Dương, từ năm 1921, Hébrard đã để lại nhiều dấu ấn với các công trình kiến trúc tiêu biêu cho phong cách Đông Dương tại Hà Nội như: Université Indochinoise (Đại học Đông Dương) năm 1923-1926; Direction des Finances de l’Indochine (Sở Tài chính Đông Dương) năm 1925-1928; Ecole Française d’Extrême - Orient (Viện Viễn đông Bác cổ Pháp) năm 1928-1932; Nhà thờ Cửa Bắc (Nhà thờ Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo) năm 1925-1930.
Bản vẽ mặt chính diện toàn nhà chính công trình Université
Indochinoise. Ảnh TTLTQG 1.
Trong khuôn khổ của dự án các năm 1920-1923, Hébrard với tư cách là Kiến trúc sư trưởng, đã có những đồ án quy hoạch chung và mở rộng các trung tâm Sài Gòn, Chợ Lớn, Đà Lạt, Phnom Penh, Nam Định và Hà Nội.
Ở Hà Nội, đồ án của Hébrard tập trung vào khu trung tâm hành chính, gồm các công sở trung ương, đặc biệt là khu Toàn quyền ở Hà Nội. Trong đồ án này, Sở Tài chính, Sở Học chính, Sở Tư Pháp và Sở Nông nghiệp được bố trí theo trục đối xứng xuyên tâm, trong đó Phủ Toàn quyền mới nằm trên trục chính, còn toà nhà cũ của Phủ Toàn quyền thì giao cho Hội đồng Đông Dương. Đồ án này đã đáp ứng được yêu cầu của Toàn quyền Maurice Long[1] và được Toàn quyền Martial Merlin[2] phê chuẩn năm 1925, được thực hiện từ việc quy hoạch góc tam giác ở giao lộ Puginier[3].
Bản vẽ mặt chính diện Nhà thờ Cửa Bắc trên đại lộ Carnot (phố Phan
Đình Phùng ngày nay). Ảnh TTLTQG 1.
Vì những đóng góp của Hébrard đối với việc quy hoạch Hà Nội, sau khi Hébrard mất (đầu năm 1933), Hội đồng thành phố Hà Nội đã quyết định lấy tên ông đặt cho một quảng trường của thành phố. Quyết định này được đưa ra thảo luận trong vấn đề thứ 17 tại phiên họp thường kỳ ngày 29-5-1933.
Tại phiên họp thường kỳ này, Đốc lý Hà Nội đã đọc báo cáo về việc đó như sau: “Một trong những người tiền nhiệm của tôi đã chỉ định thành lập một Uỷ ban chịu trách nhiệm lập danh sách tên những người Pháp hay người Việt có thể đặt cho những đường phố cho đến nay còn chưa có tên…
Chúng ta vừa biết tin ông Michel Ernest Hébrard, cựu Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Đông Dương thuộc Pháp mới qua đời.
(...)
Tôi nhấn mạnh với các ông về những việc mà ông Ernest Hébrard đã làm phục vụ việc mở rộng và quy hoạch hài hòa cho Thành phố Hà Nội. Các công trình của ông vẫn còn hiện diện trong tất cả chúng ta”[4].
Thay mặt giới kiến trúc sư ở Hà Nội, ông Leclanger[5] đề xuất nên lấy tên của Hébrard để đặt cho một trong những phố ngay tại khu mà vị kiến trúc sư tài hoa này đã quy hoạch:
“Tôi hân hạnh đề xuất với các ông việc lấy tên của Ernest Hébrard để đặt cho một quảng trường (square) ở Hà Nội hiện đang được quy hoạch[6], ở rìa hướng tây của đại lộ Victor Hugo[7], giữa các đại lộ Puginier và đại lộ Général Bichot[8]”.
Tất cả các thành viên Hội đồng nhất trí (trích biên bản phiên họp ngày 24-5-1933, đã ký: Tissot[9]).
Như vậy, từ cuối năm 1933, Hà Nội đã có một quảng trường mang tên Ernest Hébrard - kiến trúc sư, nhà quy hoạch thành phố Hà Nội ở khu vực Phủ Toàn quyền Đông Dương.
Square Hébrard. Ảnh trong Indochine hebdomadaire illustré, N o spécial
164-165, 28 octobre 1943.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp (tháng 3 năm 1945) và sau khi Nhật giao quyền quản lý về mặt hành chính các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho người Việt vào ngày 20-7-1945, bác sĩ Trần Văn Lai[10] được mời làm Đốc Lý Hà Nội.
Mặc dù chỉ giữ chức vụ Đốc lý Hà Nội trong gần 1 tháng nhưng bác sĩ Trần Văn Lai đã làm được 02 việc chính:
1. Quy định dùng tiếng Việt để ghi chép các giấy tờ, sổ sách tại Tòa Đốc lý[11].
2. Thành lập Hội đồng xét việc đổi tên các phố và công viên của thành phố Hà Nội.
Ngày 03-8-1945, sau cuộc họp lần thứ ba, Hội đồng đã quyết định đổi tên một số vườn hoa ở Hà Nội như sau: “Vườn Bách Thảo đổi là Lam Sơn, vườn hoa Paul Bert đổi là Thăng Long, vườn hoa Hàng Đậu đổi là Chi Lăng, vườn hoa Cửa Nam đổi là Tây Sơn, vườn hoa trước phủ Toàn quyền đặt tên là Ba Đình, vườn hoa cạnh Phủ Toàn quyền đặt tên là Văn Lang, vườn Erkert[12] đổi là Lãng Bạc, vườn Con cóc đổi là Hồng Đức, vườn hoa đài kỷ niệm lính Khố xanh đổi là Thọ Xương, vườn Hébrard đổi là Kính Thiên, Place Négrier gọi là Đông Kinh Nghĩa Thục ...”[13].
Từ năm 1945 đến nay, tên Kính Thiên mà Hội đồng thành phố Hà Nội đổi từ vườn hoa mang tên Hébrard vẫn được giữ nguyên. Ngày nay vườn Kính Thiên đã trở thành nơi tập kết các loại hoa, cây cảnh trang trí cho khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và là nơi tiếp khách đến liên hệ công tác với Ban quản lý bảo vệ Lăng[14].
TS. Đào Thị Diến
Tài liệu tham khảo:
- Bulletin municipal de Hanoi 1933.
- Ngô Thế Long, Tên phố và công viên Hà Nội trước năm 1954, Tạp chí Xưa và Nay, số xuân 347+348 tháng 1-2010.
- https://loctung.com/du-an/vuon-lon-hon-10ha/vuon-kinh-thien-ha-noi-18.html
- https://vi.wikipedia.org//Ernest_Hébrard
[1] Toàn quyền Đông Dương nhiệm kỳ từ 20-2-1920 đến 15-3-1923 (chết).
[2] Toàn quyền Đông Dương nhiệm kỳ từ 10-8-1923 đến 27-7-1925.
[3] Năm 1945 đổi tên thành phố Dân Chủ Cộng Hoà, năm 1949 đổi thành đại lộ Nguyễn Tri Phương, nay là phố Điện Biên Phủ.
[4] Bulletin municipal de Hanoi 1933.
[5] Leclanger sau được lấy tên đặt cho một phố ở Hà Nội, năm 1945 đổi thành phố Phan Thanh Giản, năm 1949 đổi thành phố Lê Trực, từ năm 1951 đổi tên thành phố Lê Phụng Hiểu.
[6] Tức khu Toàn quyền ở Hà Nội nay là khu vực Ba Đình.
[7] Lúc này chỉ còn một đoạn ngắn tương đương với phố Hoàng Diệu ngày nay.
[8] Đổi tên thành phố Cửa Đông từ 1945.
[9] Thời gian này, ông Tissot Honoré đang là Thống sứ danh dự ở Đông Dương. Năm 1941 Honoré Tissot được lấy tên đặt cho đại lộ République (mở năm 1909), năm 1945 đại lộ Honoré Tissot đổi tên thành đại lộ Dân Quyền (nay là phố Hoàng Văn Thụ).
[10] Trần Văn Lai (sinh 1894 tại Hà Nội, mất năm 1975). Ông từng là Đốc lý thành phố Hà Nội trong chính phủ Trần Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội năm 1954, sau 1954 là Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội, đại biểu Quốc hội nước VNDCCH khóa 3 (khu vực Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
[11] Có thể do thời gian tồn tại của chính phủ Trần Trọng Kim quá ngắn, sau đó lại có nhiều sự kiện đã xảy ra ở Hà Nội trong thời kỳ lịch sử này nên tài liệu lưu trữ của Tòa Đốc lý Hà Nội (từ 20-7-1945 đến 2-9-1945) do bác sĩ Trần Văn Lai đứng đầu đã bị thất lạc.
[12] Nay là vườn hoa Tây Hồ.
[13] Dẫn theo Ngô Thế Long, Tên phố và công viên Hà Nội trước năm 1954, Tạp chí Xưa và Nay, số xuân 347+348 tháng 1-2010, tr. 66-72.
[14] Vườn Kính Thiên có diện tích gần 1ha thuộc quận Ba Đình, do Ban Quản lý bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. https://loctung.com/du-an/vuon-lon-hon-10ha/vuon-kinh-thien-ha-noi-18.html
TS. Đào Thị Diến