Năm 1858, Pháp nổ súng ở cửa biển Đà Nẵng mở đầu cho cuộc xâm lược nước ta. Ngày 28/11/1861, Pháp đưa ra bản Tuyên cáo chiếm lĩnh Côn Đảo. Năm 1862, người Pháp tiến hành xây dựng tại đây một hệ thống nhà tù lớn nhất Đông Dương để giam giữ, lưu đày những tù nhân mà chúng xếp vào hàng trọng tội: tù chính trị, tù cộng sản, tù khổ sai… Cũng từ đây, một loạt nghị định về quy chế đã được ban hành nhằm củng cố, hoàn thiện hệ thống cơ cấu tổ chức, nhân sự ở nhà tù Côn Đảo. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung Nghị định ngày 11/12/1889 của Thống đốc Nam Kỳ Danel về quy chế của Nhà tù Côn Đảo, đặc biệt là các quy định rất cụ thể về đội ngũ nhân sự tại nhà tù này.
Đội ngũ nhân viên dân sự thừa hành trong Ban Giám đốc, Ban Quản trị, đội lính gác và giám sát tại Nhà tù Côn Đảo được quy định theo bảng dưới đây. Bảng này cũng ấn định một số chức danh cũng như tiền lương, phụ cấp các loại.
CHỨC DANH |
SỐ LƯỢNG |
LƯƠNG |
PHỤ CẤP HÀNG THÁNG |
GHI CHÚ |
||
CHÂU ÂU |
THUỘC ĐỊA |
|
||||
Nhân sự người Âu |
||||||
|
|
Phơ răng |
Đồng bạc |
Phơ răng |
|
|
Giám đốc |
1 |
6.000 |
3.157.89 |
480.00 |
Phí văn phòng |
|
Kế toán |
1 |
Tùy theo hạng |
1.500.00 |
Nhân viên biệt phái tại chính quyền trung ương |
||
Nhân viên kế toán phụ |
1 |
Tùy theo hạng |
600.00 |
Nhân viên biệt phái tại chính quyền trung ương |
||
Lính gác trưởng |
1 |
2.500 |
1.296.04 |
|
|
|
Lính gác hạng 1 |
4 |
2.000 |
1.036.83 |
|
1 lính gác tại khu vực trạm xá và hưởng phụ cấp 150 phơ răng/tháng |
|
Lính gác hạng 2 |
3 |
1.700 |
881.32 |
|
||
Lính gác hạng 3 |
3 |
1.300 |
673.94 |
|
||
Nhân viên trồng trọt |
1 |
3.000 |
1.555.25 |
|
||
Nhân sự bản xứ |
||||||
Lính gác ta-gan hạng 1 |
4 |
“ |
336.00 |
|
|
|
Lính gác ta-gan hạng 2 |
4 |
“ |
308.90 |
|
|
|
Trưởng bộ phận trồng trọt hạng 1 |
1 |
“ |
144.00 |
|
|
|
Trưởng bộ phận trồng trọt hạng 2 |
1 |
“ |
120.00 |
|
|
|
Giám thị chính hạng 1 |
1 |
“ |
180.00 |
|
Đội hạng 1 |
|
Giám thị chính hạng 2 |
2 |
“ |
144.00 |
|
Đội hạng 2 |
|
Giám thị hạng 1 |
1 |
“ |
132.00 |
|
Thư lại |
|
Giám thị hạng 2 |
3 |
“ |
120.00 |
|
Cai |
|
Giám thị hạng 3 |
15 |
“ |
96.00 |
|
Bếp |
|
Giám thị hạng 4 |
38 |
“ |
84.00 |
|
Lính |
|
Thợ máy tàu xà lúp và xưởng cưa |
1 |
“ |
300.00 |
|
|
|
Xưởng trưởng |
1 |
“ |
300.00 |
|
|
|
Giám đốc Nhà tù
Giám đốc có thẩm quyền trên toàn khu vực đảo Côn Lôn và những phần bên trong nhà tù do ông ta phụ trách. Ngoài ra, Giám đốc còn đảm nhiệm công việc của nhân viên hộ tịch, cảnh sát tư pháp trên đảo và một số quyền hạn khác như:
– Thi hành các quy định liên quan đến chế độ kinh tế, đảm bảo an ninh và kỷ luật bên trong nhà tù;
– Áp dụng các hình phạt đối với nhân viên dưới quyền, trừ một số trường hợp đặc biệt quy định trong Nghị định hiện hành, và báo cáo lên Tổng thư ký Nam Kỳ những trường hợp chịu án phạt nặng. Mọi quyết định của Giám đốc được ghi trong một cuốn sổ đặc biệt nêu rõ lý do phạt, hình thức, thời gian, ngày thi hành án, ngày mãn hạn;
– Chú trọng đến công việc của tù nhân và áp dụng biểu giá liên quan đến chuyển nhượng vật phẩm do tù nhân làm ra; giám sát việc thực thi các quy định liên quan đến cách thức thi công các công trình cũng như thời gian thực hiện;
– Trường hợp tù nhân vượt ngục, có âm mưu phản nghịch hay xảy ra hỏa hoạn, Giám đốc có quyền yêu cầu chính quyền quân sự tiến hành trưng tập, áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo số lượng tù nhân và duy trì an ninh tại nhà tù;
– Hàng tháng, trình Tổng thư ký Nam Kỳ các chứng từ kế toán theo quy định và 2 tuần một lần, gửi báo cáo về những sự vụ xảy ra tại nhà tù, tình hình nhân sự và đưa ra các đề xuất cũng như biện pháp cần thiết nhằm cải thiện tình hình. Vào ngày 1/6 hàng năm, Giám đốc gửi danh sách tù nhân được đề nghị ân xá hoặc giảm án;
– Áp dụng các biện pháp an ninh, trật tự, kỷ luật, vệ sinh được cho là cần thiết với điều kiện báo cáo lên Tổng thư ký trong thời hạn sớm nhất;
– Trường hợp Giám đốc nhà tù từ trần, vắng mặt hoặc vì lý do nào đó, việc điều hành đảo tạm thời giao cho kế toán viên, trừ khi Thống đốc có quyết định khác.
Lính gác trưởng
Lính gác trưởng được lựa chọn trong số hạ sĩ quan đã giải ngũ hoặc trong số lính gác hạng 1 của thuộc địa. Đặt dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc, hàng ngày, lính gác trưởng báo cáo lên Giám đốc tình hình công việc chung mà ông ta phụ trách và về tất cả những việc liên quan đến trật tự trị an và kỷ luật tại nhà tù.
Ngoài ra, lính gác trưởng còn giữ một số chức năng, quyền hạn khác:
– Điều hành, giám sát và giảng dạy về kỹ thuật quân sự, cách bắn súng cho đội lính gác địa phận và giám thị bản xứ;
– Giám sát bữa ăn của tù nhân. Chịu trách nhiệm trước việc để xảy ra tình trạng biển thủ lương thực;
– Có mặt khi kế toán viên phân phát lương thực và giám sát số lượng cũng như chất lượng thực phẩm.
– Giám sát công việc của bộ phận vệ sinh và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh, đường sá. 2 lần/ngày, lính gác trưởng triệu tập tù nhân;
– Trực tiếp hoặc cho nhân viên dưới quyền kiểm tra phòng ốc, phòng ngủ, cửa ra vào, cửa sổ, song sắt, tàu thuyền, ngư trường… để tránh việc tù nhân vượt ngục. Vào 6g tối, lính gác trưởng triệu tập tất cả những lính gác không có lịch trực và thông báo đến họ bảng phân công công việc của ngày hôm sau do Giám đốc quy định, đồng thời đưa ra những yêu cầu cần thiết liên quan đến từng bộ phận và công việc vào ban đêm…
Lính gác
Theo quy định hiện hành, đội ngũ lính gác đặt dưới sự chỉ đạo và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định do lính gác trưởng đặt ra. Họ ăn, ở tại nhà tù và chỉ vắng mặt khỏi khu vực hoạt động (nơi ở của Giám đốc, các khu nhà làm việc, khu vực nhà xưởng, ngư trường, nhà ở của trưởng bộ phận trồng trọt, nhà ở của nhân viên kế toán, nhà ở của bác sĩ và sĩ quan, nhà ở của lính gác trưởng, phòng y tế của nhà tù, banh, trại lính, trạm quân y lưu động, khu vực lều trại của thợ cơ khí và xưởng trưởng, nhà ở của lính gác, nơi trạm trú của lính bảo an…) khi Giám đốc nhà tù đồng ý.
Lính gác hoàn toàn chịu trách nhiệm trước việc để tù nhân vi phạm các quy định của nhà tù cũng như tổn thất do tù nhân gây ra mà không thông báo đến lính gác trưởng. Ngoài ra, lính gác còn được giao một số nhiệm vụ sau:
– Trực tiếp báo cáo lên lính gác trưởng tất cả những việc liên quan đến an ninh, trật tự tại nhà tù. Dù vì bất kỳ lý do nào, lính gác cũng không được dời bỏ nhiệm sở.
– Kiểm soát mọi hàng hóa ra vào nhà tù và chỉ cho phép giám thị bản xứ ra ngoài khi lính gác trưởng cho phép;
Trường hợp làm trái lệnh hoặc vi phạm các quy định, tùy theo tính chất nghiêm trọng mà lính gác chịu một trong những hình phạt sau: bị khiển trách và ghi vào sổ, cấm túc hoặc cấm trại trong 15 ngày, bị giam trong 8 ngày, cách chức. Mọi lính gác say xỉn trong khi làm nhiệm vụ đều bị treo chức, thậm chí có thể bị sa thải theo quyết định của Thống đốc.
Lính gác người Âu được lựa chọn trong số hạ sĩ quan, lính và lính thủy đã giải ngũ tại thuộc địa. Lính ta-gan do chính quyền trung ương tuyển dụng tại Sài Gòn. Tùy theo nhu cầu công việc, lính gác người Âu tại Nhà lao trung ương Sài Gòn và Nhà tù Côn Đảo có thể luân phiên thay nhau, song thời gian làm việc tại Côn Đảo không quá 2 năm liên tục.
Giám thị bản xứ
Giám thị bản xứ các hạng sống tại trại tạm trú. Đội ngũ nhân viên này đặt dưới quyền chỉ đạo của lính gác trưởng và lính gác. Họ chỉ ra ngoài sau khi Giám đốc hoặc lính gác trưởng cho phép. Lính gác trưởng là người ấn định số giám thị trong vòng 24g và phân bổ những giám thị khác để giám sát các nhóm phục vụ khác.
Giám thị bản xứ chịu trách nhiệm về những việc sau:
– Dẫn giải tù nhân, không đánh đập, lăng mạ họ; báo cáo tình hình công việc lên lính gác trưởng cũng như những trường hợp có thái độ bất hợp tác, không chịu lao động và tất cả các vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự tại nhà tù;
– Không bán đồ ăn, uống cho tù nhân; ăn uống với tù nhân; không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào đối với tù nhân cũng như gia đình họ; cho mượn hoặc vay tiền của tù nhân; tuyệt đối không dàn xếp, trao đổi thông tin với tù nhân…
Trường hợp làm trái lệnh hoặc vi phạm các quy định, tùy theo tính chất nghiêm trọng mà lính gác chịu một trong những hình phạt sau: bị cùm trong vòng 8 ngày, giam trong xà lim trong 1 tháng, không hưởng lương trong 15 ngày, cách chức.
Giám thị bản xứ hưởng khẩu phần ăn hàng ngày là 1kg gạo và 250g cá muối hoặc 400g cá tươi, và được cấp chiếu 6 tháng/lần.
Nhân viên trồng trọt
Đặt dưới quyền chỉ đạo của Giám đốc, nhân viên trồng trọt chịu trách nhiệm về việc trồng trọt, nhập kho nông sản, xay thóc, thử nghiệm giống cây trồng, cây ăn quả, vườn cây, giám sát thú nuôi lớn, chuồng ngựa, trang trại và tàu chở than.
Trừ trường hợp mất mùa hoặc tổn thất được một ủy ban do Giám đốc bổ nhiệm xác nhận, nhân viên trồng trọt chịu trách nhiệm về nông sản và những vấn đề liên quan đến bảo quản nông sản cho đến khi ghi chép vào sổ sách của kế toán.
Nhân viên trồng trọt trực tiếp cấp trâu, bò, ngựa, chuồng trại, thóc gạo cho lính gác theo phiếu đã được Giám đốc thông qua. Số lượng thóc tối đa là 4kg/1 thú nuôi lớn/ngày và có thể thay đổi theo thời vụ, tình trạng khan hiếm rơm cỏ và tính chất công việc.
Ngoài ra, nhân viên trồng trọt còn phụ trách một số việc như sau:
– Cấp rau, quả cho người lĩnh khẩu phần nếu họ có yêu cầu gửi lên Giám đốc. Chi phí cho khẩu phần ăn hàng ngày quy định như sau:
Đối với rau hạng 1, sĩ quan hoặc những người thuộc hàng quân nhân: 3 xu/ngày tức là 90 xu/tháng;
Đối với rau xanh hạng 2, những người lĩnh khẩu phần và người thuộc hàng quân nhân khác: 2 xu/ngày tức 60 xu/tháng;
Đối với hoa quả hạng 1, sĩ quan hoặc những người thuộc hàng quân nhân: 1 xu/ngày, tức là 30 xu/tháng.
– Tiến hành giết mổ gia súc và phân chia cho nhân viên nếu có nhu cầu và Giám đốc cho phép.
– Giám sát việc nhượng sữa với giá 10 xu/lít và thông báo đến Giám đốc nếu việc chuyển nhượng này gây tổn hại đến việc chăn nuôi gia súc.
– Trình Giám đốc phê duyệt phiếu cấp than cho nhân viên khi có yêu cầu và tiến hành cấp than cho họ.
– Hàng tháng, nộp lên Giám đốc bảng kê chi tiết các cuộc chuyển nhượng đã tiến hành trong tháng.
– Về phương diện kỹ thuật, tiếp nhận mọi chỉ thị từ Giám đốc Vườn bách thảo Sài Gòn, người cung cấp cây trồng khi nhân viên trồng trọt tại Nhà tù Côn Đảo có nhu cầu, tất nhiên việc này phải thông qua Giám đốc Nhà tù.
Bộ phận y tế
Bộ phận y tế tại Nhà tù Côn Đảo do 2 bác sĩ hải quân biệt phái đảm nhiệm. Họ sống bên trong khu vực nhà tù.
*) Quy định đối với bác sĩ trưởng
– Có mặt tại trạm quân y lưu động 2 lần/ngày để ghi chép những quy định liên quan đến việc điều trị và chế độ ăn uống đối với từng bệnh nhân;
– Trình Giám đốc kết quả khám bệnh cũng như tình trạng sức khỏe chung;
– Thanh tra phòng ngủ, khu nhà phụ, xưởng và địa điểm xử phạt tối thiểu 2 lần/tháng;
– Chăm sóc miễn phí và cấp thuốc theo đơn cho đội ngũ công chức, viên chức của nhà tù cũng như gia đình họ;
– Đề xuất các biện pháp vệ sinh cần thiết; cho ý kiến về những vấn đề liên quan đến sức khỏe của tù nhân và những câu hỏi do Giám đốc đặt ra đối với hoạt động y tế.
*) Quy định đối với bác sĩ dưới quyền
– Chịu trách nhiệm về thuốc men do bộ phận y tế sử dụng;
– Quản lý sổ sách để đăng ký những loại thuốc đã nhận hoặc sử dụng cũng như các khoản thu, chi thực hiện trong tháng trước đó…
Bác sĩ trưởng và bác sĩ dưới quyền hưởng phụ cấp lần lượt là 2.182 phơ răng/năm và 1.940 phơ răng/năm.
Bộ phận kế toán
Theo quy định, bộ phận kế toán được thành lập để kiểm soát tiền lương cũng như số tiền phải trả cho mỗi công chức hoặc viên chức. Hàng tháng, Giám đốc lập danh sách tiền lương cũng như tiền phụ cấp và gửi tới Tổng Thư ký. Mọi khoản thu chi thường xuyên hoặc đột xuất liên quan đến Nhà tù Côn Đảo đều được báo cáo lên Tổng Thư ký bằng văn bản.
Bệnh xá
Giám đốc là người lựa chọn đội ngũ y tá trong số tù nhân, theo đề nghị của bác sĩ. Họ làm việc tại khu vực bệnh xá đồng thời chịu trách nhiệm về vấn đề vệ sinh tại khu vực này. Vào thời điểm bình thường, có khoảng 4 y tá.
Trong trường hợp vi phạm hoặc thiếu trách nhiệm trong công việc, lính gác người Âu biệt phái đến bệnh xá cũng có thể chịu một trong những hình phạt: cấm trại hoặc bị bỏ tù.
Tù nhân biệt phái làm người ở
Tù biệt phái làm việc tại các văn phòng đảm nhiệm một số công việc như: nhân viên sao chụp văn bản, thông ngôn hoặc lính chạy giấy và người hầu phục dịch sĩ quan hoặc nhân viên khi có nhu cầu. Tù biệt phái làm người ở được phân bổ theo tỷ lệ sau:
Quan chức: 2 người;
Lính gác trưởng: 2 người;
Bác sĩ: 2 người;
Sĩ quan: 1 người;
Lính gác người Âu hoặc châu Á: 1 người
Tù làm nhân viên phục vụ không đi lại bên trong nhà tù từ 12g đến 13g30 trưa và sau 20g30 tối trừ khi có giấy phép.
Quân đội đồn trú và doanh trại
Quân đội đồn trú tại Côn Đảo gồm 1 đại đội thủy quân lục chiến do 1 đại úy và 1 thiếu úy chỉ huy. Đội quân này chịu trách nhiệm canh gác bên ngoài nhà tù. Tối thiểu 1 tháng/lần, Giám đốc kiểm tra doanh trại, trạm quân y lưu động, nhà cửa dành cho sĩ quan để giám sát việc bảo trì và tham khảo ý kiến của Tư lệnh khi muốn sửa sang doanh trại.
Hàng ngày, lính gác trưởng phái 2 tù nhân tới doanh trại: 1 người phụ trách bộ phận sản xuất bánh mỳ, 1 người phụ trách vệ sinh chung.
Hàng ngày hoặc hàng tuần, lính gác trưởng cho gửi đến doanh trại tối đa 1.500kg gỗ/người/ngày để nấu chín thức ăn với giá 1 xu/kg.
Vào ngày cuối cùng của mỗi tháng, lính gác trưởng nộp bảng tổng kết lượng gỗ đã cấp cho kế toán, có chữ ký xác nhận của Giám đốc.
HOÀNG HẰNG
Tài liệu tham khảo:
J 53 – Bulletin officiel de la Cochinchine française. 1889, tr.1031-1052.