Bóng râm và những thân cây cao lớn cành lá rậm rạp là một trong những đặc trưng nổi bật nhất của Sài Gòn, một trong những điều góp phần làm nên nét quyến rũ khó cưỡng của thành phố.
Bên cạnh đó, Sài Gòn còn cuốn hút du khách bởi hoạt động thương mại sầm uất và những công trình kiến trúc bề thế.
Nhà máy đóng tàu
Nhà máy đóng tàu nằm ở hợp lưu của kênh Avalanche (kênh Nhiêu Lộc) và sông Sài Gòn. Khu đất thuộc Nhà máy có dạng hình thang không cân, chu vi gần 2km. Nhà máy có lượng trang thiết bị lớn, có thể kể đến búa máy 2 tấn dùng để rèn những linh kiện lớn, thậm chí cả trục khuỷu. Ngoài vai trò quan trọng về mặt hàng hải và quân sự trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở Viễn Đông, nhờ công năng và trang thiết bị của mình, Nhà máy đóng tàu là cơ sở duy nhất có khả năng thực hiện việc sửa chữa tàu bè, máy móc… Đó là nơi chính quyền địa phương trông cậy khi cần đóng tàu, thuyền, linh kiện rèn…
Nhưng Nhà máy đóng tàu Sài Gòn còn giữ chân chúng ta bởi ụ cạn đáng chú ý của nó. Không phải ụ cạn cỡ nhỏ, nơi đưa vào sửa chữa thuyền mành, tàu sà lúp, thuyền máy và những sản phẩm cỡ nhỏ khác; mà là một công trình quy mô lớn, khởi công năm 1884, khánh thành năm 1888: ụ cạn này có thể tiếp nhận những tàu bè lớn nhất trên thế giới. Chiều dài của ụ cạn là 168 mét, dài hơn ụ cạn ở cảng Toulon 12 mét. Đó là một trong những dự án mà thuộc địa và cơ quan hàng hải có quyền kiêu hãnh.
Thảo cầm viên
Thảo cầm viên là một trong những khu vui chơi đáng chú ý nhất ở Viễn Đông, có thể so sánh với vườn Buitenzorg ở Java, Paradenia ở Tích Lan và các bộ sưu tập thực vật tuyệt đẹp ở Singapore và Calcutta. Thảo cầm viên có 2 nhà kính, một để trồng lan, dương xỉ và cây cảnh khác; ở đó có bộ sưu tập phong lan Nam Kỳ tương đối hoàn chỉnh.
Vườn ươm bao phủ 3,5 héc ta, là nơi thử nghiệm nhiều giống cây có ích; bên tả ngạn của kênh Avalanche là khu đất rộng khoảng 5 héc ta, dùng làm cánh đồng thực nghiệm cho đồng cỏ nhân tạo; trên cánh đồng trồng nhiều loại cỏ với kết quả khả quan, cho thấy ngành chăn nuôi ở Nam Kỳ không phải là điều không tưởng.
Tu viện Sainte-Enfance
Tu viện Sainte-Enfance (tu viện Saint Paul ngày nay) đẹp và rộng rãi, là trại trẻ mồ côi do các xơ dòng thánh Paul de Chartres điều hành; bên sườn tòa nhà chính – với phong cách hỗn hợp và trang trí theo kiểu An Nam – có một nhà thờ kiểu gô tích, với chóp tháp cao cao duyên dáng. Tu viện trải rộng từ đường Tây Ninh đến đại lộ Citadelle (đường Tôn Đức Thắng) – nơi có lối vào tu viện. Tòa nhà tuyệt đẹp – nơi nuôi dưỡng trẻ lai người Âu và người bản xứ có nguy cơ bị bỏ rơi – là một trong những công trình lâu đời nhất ở Nam Kỳ và xuất hiện trên mọi trang sử của thuộc địa.
Gần tu viện Sainte-Enfance là trường Bá Đa Lộc; trường dòng của Hội Thừa sai và tu viện Carmélites.
Bên trong nhà nguyện tu viện Saint Paul ngày nay, nguồn: sưu tầm
Bệnh viện quân sự
Bệnh viện quân sự nhìn ra đường La Grandière (đường Lý Tự Trọng) được xây dựng bằng gạch và sắt. Công trình đồ sộ này gồm hàng loạt tòa nhà nối với nhau bằng những hàng hiên dựng trên các cột đúc.
Dinh Toàn quyền
Dinh Toàn quyền là công trình có thể làm vẻ vang cho tất cả các thành phố trên thế giới. Dinh có mặt tiền dài 80 mét; hai tòa nhà phụ xây bên sườn tòa nhà chính trên có mái vòm ấn tượng, lối vào là một cầu thang đồ sộ và với hai hàng tay vịn mềm mại. Bên phải tầng trệt là văn phòng và các phòng ban của chính phủ, phòng lưu trữ; bên trái là phòng ăn. Chính giữa là một tiền sảnh rộng rãi nối liền hai cánh, nơi xuất phát của một cầu thang bằng đá cẩm thạch dẫn lên tầng 1. Cuối sảnh là phòng khánh tiết, một căn phòng vô cùng đẹp mắt có sức chứa hàng ngàn khách. Trần phòng được trang trí cầu kỳ với những ô lõm kẻ chỉ vàng, được chống đỡ bằng một hàng cột theo phong cách tối giản.
Dinh Toàn quyền tại Sài Gòn, nguồn: TTLTQGI
Tháp nước
Tháp nước cung cấp nước cho toàn thành phố. Một máy hơi nước công suất lớn bơm nước từ nguồn nước ngầm vô tận này lên đỉnh tháp, từ đó, nước được phân phát đến các khu của thành phố và cung cấp cho hầu hết các con đường và các hộ dân.
Tháp nước ngày nay, nguồn: sưu tầm
Đường Catinat
Đường Catinat (đường Đồng Khởi) giữa lòng thành phố là con đường nhộn nhịp nhất, đông đúc nhất Sài Gòn, ngay sát thương cảng và quân cảng. Đường Catinat bắt đầu từ khu vực cao của thành phố. Các công sở nằm ở đầu đường, xuôi xuống phía dưới, hai bên đường là những cây cổ thụ râm mát với rất nhiều ngôi nhà bằng đá và quảng trường – bao quanh bởi những vỉa hè được quy hoạch hoàn hảo, thấp thoáng các trụ lấy nước. Bên phải và bên trái đường san sát tiệm cà phê, khách sạn với phòng ốc tiện nghi, nhà hàng sang trọng…
BÙI HỆ (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Annuaire général de l’Indochine française 1900, S182.)