12:22 AM 21/02/2025  | 

Nếu sự thâm nhập của Tây y vào đời sống xã hội Việt Nam được phản ánh rộng rãi qua nhiều nguồn tài liệu của chính quyền cũng như trên báo chí Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 thì đối với cơ quan đầu não của Nam triều, sự thâm nhập của Tây y dường như chỉ có thể tìm hiểu thông qua tài liệu của chính quyền. Vậy Tây y đã xuất hiện và được sử dụng trong triều đình nhà Nguyễn như thế nào?

Thế kỷ 19 đánh dấu một mốc đặc biệt trong lịch sử Việt Nam nói chung cũng như lịch sử triều Nguyễn nói riêng khi triều đình nhà Nguyễn thừa nhận sự bảo hộ của Pháp đối với Việt Nam bằng Hòa ước Giáp Thân (1884). Từ đây, đời sống xã hội Việt Nam chứng kiến những biến chuyển trên nhiều lĩnh vực. Dưới tác động của chính quyền bảo hộ, nhiều thiết chế, chuẩn mực phương Tây dần thấm vào đời sống xã hội Việt Nam cũng như trong hoạt động cụ thể của bộ máy Nam triều từ trung ương tới địa phương. Trên phương diện y tế, Tây y chính thức được chính quyền bảo hộ sử dụng và ngày một thâm nhập vào đời sống xã hội Việt Nam, song song với Đông y - vốn bao đời được các vương triều Việt Nam cũng như người dân sử dụng.

Nếu sự thâm nhập của Tây y vào đời sống xã hội Việt Nam (với các thiết chế y tế thực thi bởi chính quyền thuộc địa, mạng lưới bệnh viện ngày một dày hơn trên phạm vi cả nước, việc đưa Tây y vào chương trình giảng dạy, số lượng nhân viên y tế đào tạo theo Tây y, số lượt người dân tới khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế...) được phản ánh rộng rãi qua nhiều nguồn tài liệu của chính quyền cũng như trên báo chí Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 thì đối với cơ quan đầu não của Nam triều, sự thâm nhập của Tây y dường như chỉ có thể tìm hiểu thông qua tài liệu của chính quyền. Vậy Tây y đã xuất hiện và được sử dụng trong triều đình nhà Nguyễn như thế nào?

Nhìn lại lịch sử triều Nguyễn (1802 - 1945), vị vua khai sáng là Gia Long trong thời gian ở ngôi (1802 - 1819) từng sử dụng bác sĩ người Pháp là Despiau và Treillard[1] nhưng sự xuất hiện của họ không làm thay đổi thói quen chữa bệnh bằng Đông y của triều đình nhà Nguyễn. Việc chăm sóc sức khỏe trong cung đình hầu như vẫn do các thầy thuốc Thái y viện đảm nhiệm. Trong giai đoạn 1876 - 1884, trong Phái bộ của người Pháp (Légation) tại Huế cũng có bác sĩ song cũng không tạo được ảnh hưởng gì đối với triều đình nhà Nguyễn vì vua Tự Đức hạn chế tối đa sự qua lại của các quan trong triều với người Pháp[2]. Tình hình chỉ bắt đầu có sự thay đổi từ năm 1885 trở đi, khi Bắc Kỳ mau chóng bị tách khỏi sự quản lý của Nam triều và rơi vào tay chính quyền bảo hộ, còn tại Trung Kỳ, quyền lực của Nam triều cũng dần bị khống chế. Cùng với sự hiện diện thường xuyên của bác sĩ người Pháp (“Tây y quan”) ở cung đình, Tây y dần thâm nhập vào sinh hoạt của triều đình nhà Nguyễn.

 

 

Bác sĩ Ưng Thông, Tham lý Y tế của Nam triều, nguồn: Souverains et notabilités d’Indochine, Éditions du Gouvernement Général de l’Indochine, IDEO, 1943
 

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Dương cho biết, nếu như vào năm 1889, Tổng Trú sứ Rheinart còn phải “năn nỉ” phía Nam triều cho phép một bác sĩ người Pháp khám bệnh cho vua Đồng Khánh khi ấy ốm nặng[3] thì vào năm 1895, vua Thành Thái đã cho gọi Giám đốc Bệnh viện Huế lúc ấy là bác sĩ Henry vào cung chăm sóc sức khỏe cho bà phi thứ nhất và bà phi thứ hai vượt cạn cách nhau hai ngày[4]. Tới đời vua Duy Tân (1907 - 1916), tình hình đặc biệt khác trước. Vua Duy Tân được người Pháp chọn để nối ngôi và có bác sĩ người Pháp theo dõi sức khỏe định kỳ. Lúc này, sự hiện diện của các bác sĩ người Pháp trong triều đình trở thành nghiễm nhiên bởi việc này đã được Nam triều xác nhận bằng văn bản. Thực lục- Đệ lục kỷ Phụ biên chép, vào năm Duy Tân thứ 3 (1909) có quy định: “Cứ 3 giờ ngày 15 hàng tháng, viên quản biện nên cho người đem xe ngựa tới bệnh viện mời quý quan thầy thuốc vào đại nội thăm khám”[5].

Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe cho nhà vua, bác sĩ người Pháp còn đảm nhiệm việc khám chữa bệnh cho các thành viên hoàng tộc và đại quan triều đình. Như vào năm 1912, theo một báo cáo của Sở Y tế Trung Kỳ, ngoài 15 lần thăm khám cho nhà vua, 9 lần cho các bà Thái hậu, bác sĩ người Pháp còn tiến hành khám bệnh định kỳ (15 ngày/lần, chưa kể trường hợp đột xuất) cho các thành viên hoàng tộc trong cung An Lang (là nơi sinh sống của các công chúa, và các cung phi, các con của vua Thành Thái cùng người phục vụ, cả thảy khoảng 60 người)[6]. Hay trong năm 1915, số lượt thăm khám cho triều đình là 44 lượt trong đó 11 lượt cho nhà vua, 3 lượt cho Hoàng thái hậu, 12 lượt cho thành viên hoàng tộc trong cung An Lang, 18 lượt cho các quan Thượng thư và gia đình của họ[7].

Và không chỉ riêng đại quan triều đình mà quan lại làm việc trong bộ máy của Nam triều nói chung cũng dần tiếp cận với bác sĩ Tây y khi một số quy định hành chính mới được ban hành (các năm 1912, 1923, 1925). Theo đó, các trường hợp quan lại muốn nghỉ do ốm đau hay xin về hưu sớm vì lý do sức khỏe đều phải có sự chẩn khám và giấy chứng nhận của “quan thầy thuốc”. Như quy định năm 1912 ghi nhận trong Thực lục - Đệ lục kỷ Phụ biên (Q.25) về thể lệ cáo bệnh: “quan viên đang mắc bệnh hoặc dưỡng bệnh muốn cáo muốn nghỉ phải có quý quan thầy thuốc chẩn khám cấp giấy chứng nhận mới cho”. Hay quy định năm 1925 về việc xin nghỉ hưu sớm do điều kiện sức khỏe: “Ai vì việc công mắc bệnh nguy hiểm hoặc bị thương tích tàn tật không làm việc được nữa mà có đủ giấy chứng nhận và giấy khám nghiệm của quý quan thầy thuốc thì bất kể tuổi tác và làm việc bao lâu cũng được cấp tiền hưu bổng” (Thực lục - Đệ thất kỷ, Q.10). Do liên quan tới quyền lợi thiết thực của bản thân (hưởng lương bổng trong thời gian nghỉ) nên các quan trong bộ máy hành chính của Nam triều, dù muốn hay không cũng phải tiếp xúc với bác sĩ và qua đó, dần làm quen với Tây y. Và như vậy, một cách tự nhiên, thủ tục hành chính mới liên quan tới y tế này dần dần tạo ra thay đổi trong nếp sinh hoạt y tế của tầng lớp quan lại người Việt tại triều đình cũng như tại các địa phương.

Việc vua, thành viên hoàng tộc và các đình thần thường xuyên được bác sĩ người Pháp khám, chữa bệnh cũng đồng nghĩa với việc đối tượng được các thầy thuốc Thái Y viện chữa bệnh không còn như trước nữa (theo hai tờ bẩm, trình của Thái y viện năm 1930, 1931 thì vào thời điểm ấy, chỉ có hai bà mẹ vua Khải Định cùng người phục vụ và các viên thái giám, các cung nhân tiền triều dùng thuốc của Thái y viện). Không chỉ làm thay đổi thói quen chữa bệnh của vua, thành viên hoàng tộc và các đình thần, ở một mức độ nhất định, Tây y cũng thâm nhập hoạt động của chính các thầy thuốc triều đình. Nếu dưới đời vua Đồng Khánh (1886 - 1888), thông qua việc được cử tới Sứ quán để học chủng đậu hay điều phái sang bệnh viện để “tiện cho việc học tập”, một vài thầy thuốc Thái y viện đã tiếp cận phương pháp Tây y thì tới thập niên 1930 dưới đời vua Bảo Đại, bên cạnh bác sĩ riêng của vua Bảo Đại (người Pháp), Nam triều có hẳn một bộ phận chăm sóc sức khỏe theo lối Tây y (Service du Y tế hay Y tế sở) với các thành viên đều là người Việt. Bác sĩ Ưng Thông, thành viên Hoàng tộc và là người tốt nghiệp Trường y Hà Nội khóa đầu tiên, được cử làm Tham lý Y tế[8].

Từ đời vua Thành Thái, sự hiện diện thường xuyên của bác sĩ Pháp trong cung đình dần tạo ra thay đổi trong nếp sinh hoạt y tế của triều đình nhà Nguyễn. Việc chăm sóc sức khỏe hoàng cung thay vì do các thầy thuốc Thái y viện, dần do bác sĩ người Pháp đảm trách. Vai trò của bác sĩ Tây y càng được khẳng định khi hoạt động chuyên môn của họ là một tiêu chí bắt buộc phải có (giấy chứng nhận sức khỏe) trong một số thủ tục hành chính mới, thành thử Tây y ngày một thâm nhập vào sinh hoạt của cung đình cũng như của các quan trong guồng máy Nam triều.

Trong bối cảnh không còn quyền tự chủ, các ông vua nhà Nguyễn phải chấp nhận sự hiện diện của bác sĩ người Pháp (điều này cũng đồng nghĩa với sự thâm nhập của Tây y vào đời sống cung đình). Dẫu vậy, sự thâm nhập của Tây y trong sinh hoạt cung đình nhà Nguyễn, cũng như trong đời sống xã hội Việt Nam là một tất yếu trên phương diện y tế, không nằm ngoài xu thế chung của quá trình hiện đại hóa ở Việt Nam diễn ra vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Và những người đứng đầu Nam triều không phải không nhận thấy những ưu thế của nó. Như vua Khải Định cho rằng hiệu quả thuốc Tây “mau lẹ”, đồng thời ông cũng đánh giá cao phép chẩn đoán bệnh của Tây y “Nay xem y học Thái tây có ống nghe bệnh, có kính hiển vi, có thuốc xét nghiệm máu, có ống nghe phổi, tinh lại mong cho tinh hơn, có thể nói là đạt tới chỗ thần diệu vậy…” (Ngự giá như Tây ký御駕如西記). Thậm chí, vua Khải Định còn có ý tưởng tham phỏng phép khám bệnh của Tây y rồi dùng Nam dược điều trị - kết hợp tận dụng thế mạnh của cả hai nền y học Đông-Tây [9]... Tới đời vua Bảo Đại, với sự ra đời của Service du Y tế hay Y tế sở thập niên 1930, triều đình nhà Nguyễn đã có một bộ phận chăm sóc sức khỏe của triều đình theo lối Tây y do người Việt Nam (được đào tạo theo Tây y) đảm nhiệm. Sự tồn tại của Y tế sở bên cạnh Thái y viện trong danh sách chi trả lương cho nhân viên cũng như chi phí mua sắm thiết bị vật tư dành cho bộ phận này càng khẳng định vị trí chính thức của Tây y trong hoạt động y tế của triều đình nhà Nguyễn. 

 

 

 

 

 

 

[1] Despiau, Treillard chưa từng một lần được nhắc tới trong sử sách triều Nguyễn đời vua Gia Long cũng như ở các đời vua kế nối, và chúng ta chỉ biết được điều đó nhờ vào nguồn tài liệu nước ngoài (dẫn theo Nguyễn Thị Dương, Les médecines traditionnelles au Việt Nam à l’époque de la colonisation française (1862-1945), Luận án Tiến sỹ bảo vệ năm 2019 tại Trường Đại học Paris Diderot-Paris 7, chương 3).

 

[2] Bác sĩ L. Gaide kể rằng, M. Rheinart, khi còn là Xử lý thường vụ ở Huế, trong lá thư năm 1880 viết rằng một vị quan triều đình Tự Đức làm việc ở Tòa Thương bạc có con đầu lòng chết vì đậu mùa, ba đứa con còn lại cũng bị nhiễm bệnh, khi Rheinart gợi ý nên nhờ bác sĩ người Pháp tới chữa thì viên quan đó dường như muốn đồng ý ngay tức khắc song ông ta còn phải xin phép nhà vua (L.Gaide, «Note sur les premiers médecins de la Légation et de la Résidence générale d’Hué », BVAH 1924, dẫn theo Nguyễn Thị Dương, Les médecines traditionnelles au Việt Nam à l’époque de la colonisation française (1862-1945).

[3] Le rapport en date du 2 février 1889 du Résident général de la République française en Annam et au Tonkin (Rheinart) à Monsieur le Gouverneur général de l’Indochine sur la mort de Đồng Khánh, ANOM, GGI, 9574 (dẫn theo Nguyễn Thị Dương, Les médecines traditionnelles au Việt Nam à l’époque de la colonisation française).

[4] Gaide, “La médecine européenne en Annam autrefois et de nos jours”, BAVH, Tome 4, Oct-Déc.1921.

[5]Thực lục- Đệ lục kỷ Phụ biên, Q. 22.

[6] Phông Khâm sứ Trung Kỳ, Hồ sơ 686 RSA/HC, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV.

[7] Phông Khâm sứ Trung Kỳ, hồ sơ 890 RSA/HC, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV.

[8] Theo Nguyễn Thị Dương, “Thái y viện triều Nguyễn đời Bảo Đại”, Nghiên cứu và Phát triển (Huế), số 02 (128), 2016.

[9] Theo Nguyễn Thị Dương, “Vua Khải Định với ý tưởng cải cách Đông y”, Nghiên cứu và Phát triển (Huế), số 9 (126), 2015.

 

Nguyễn Thị Dương