Nhân dịp "Thanh minh” vào ngày 05 tháng 4 năm 1942, tại ngôi đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt, ở Gia Định, đã diễn ra một nghi lễ long trọng với sự tham gia của nhiều quan chức người Pháp và người An Nam.
Trên đường Tour de l'Inspection (con đường dọc kênh Tàu Hủ, Sài Gòn - ND), một thời là địa điểm ưa thích của những người dạo chơi buổi tối của Sài Gòn cũ, từ cây cầu thứ hai trên rạch Thị Nghè nhìn sang phải là ngôi đền và lăng mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt, công thần bậc nhất của vua Gia Long.
Lê Văn Duyệt, nhà yêu nước lỗi lạc, vị tướng quả cảm, trên hết là một người bạn trung thành của người Pháp, dân tộc mà ông đã quý mến ngay từ khi mới chỉ có một nhóm nhỏ người Pháp, theo lời kêu gọi của Mgr Pigneau de Béhaine, giám mục hiệu tòa Adran, đã giúp vua Gia Long giành lại ngôi vương trước quân Tây Sơn và lập nên vương triều Nguyễn ngày nay.
Lê Văn Duyệt sinh năm 1763 tại làng Nhị Bình (thuộc tỉnh Định Tường). Ông là con trai cả trong một gia đình nông dân gồm 4 người con. Tuy nhiên, tạo hóa lại không dành ưu ái cho ông. Ông không chỉ có thân hình nhỏ bé mà khi sinh ra còn bị khuyết bộ phận sinh dục, khiến người đời không xác định được giới tính thật của ông nên gọi ông là Đại thái giám (Grand Eunuque).
Tuy là người thấp bé, nhưng Lê Văn Duyệt lại có sức mạnh hơn người và có tài thao lược.
Năm 1780, Gia Long lúc đó là vương Nguyễn Ánh trong khi chạy trốn khỏi phiến quân Tây Sơn và mắc kẹt tại Ba Giồng, đã gặp Lê Văn Duyệt. Nhận thấy ông là người tài giỏi, thông minh và có tinh thần yêu nước nồng nàn, Nguyễn Ánh đã cho ông gia nhập đoàn tùy tùng.
Vì biết Lê Văn Duyệt là người ái nam ái nữ bẩm sinh nên chúa Nguyễn đã tuyển ông làm thái giám, lãnh nhiệm vụ bảo vệ cung quyến. Lê Văn Duyệt buộc phải bằng lòng với vị trí khá mơ hồ này, đó là tháp tùng hoàng tộc mọi lúc, mọi nơi, trước khi bộc lộ rõ tài binh nghiệp của mình trong các trận chiến chống quân Tây Sơn.
Sau này, ông cầm quân thắng nhiều trận lớn, nghiệp binh nhanh chóng thăng tiến cho tới chức chỉ huy Tả quân. Năm 1812, Lê Văn Duyệt được cử làm Tổng trấn thành Gia Định với nhiệm vụ giải quyết xung đột giữa Xiêm và Cao Miên, cả hai quốc gia này đều muốn vua Gia Long giữ vai trò làm trọng tài.
Năm 1819, ông được phái đi Kinh lược ở Bắc thành để dập tắt cuộc nổi dậy diễn ra tại Thanh Hóa và Nghệ An. Nhiệm vụ hoàn thành, Lê Văn Duyệt trở lại triều đình Huế và ở cạnh Gia Long cho đến khi nhà vua băng hà vào năm 1820.
Sau khi kế vị vua cha, Minh Mạng cử Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn thành Gia Định lần thứ hai để trấn áp cuộc nổi dậy của người Cao Miên tại Trà Vinh. Trên thực tế, đây là cơ hội để vị vua này loại trừ khỏi triều đình vị tướng già trung thực và cương nghị - người không ủng hộ việc vua Minh Mạng phản đối người Pháp và cộng đồng công giáo sống trên lãnh thổ An Nam.
Trở lại với vị trí từng đảm nhiệm trước đây, Lê Văn Duyệt không còn đủ lực để bảo vệ những người bạn của ông ngày trước thoát khỏi sự truy hại của vua Minh Mạng.
Một ngày trong lúc tham dự một trận đá gà - thú vui yêu thích của Lê Văn Duyệt, ông nhận được bản chỉ dụ đầu tiên chống lại các tín đồ công giáo và người Pháp:
Ông kêu lên: "Sao lại như vậy! "Chúng ta sẽ truy hại các giáo hữu của giám mục Adran và cả những người Pháp mà nhờ họ, chúng ta mới có gạo để ăn. Không! Chừng nào hạ thần còn sống, hạ thần sẽ không làm như vậy. Hãy để đức vua làm những gì mà Ngài muốn sau khi thần chết".
Đối với một người am hiểu đạo lý truyền thống của người An Nam, đó là đặt việc phục tùng và kính cẩn chúa thượng lên hàng đầu, hẳn là Lê Văn Duyệt phải có lý do đặc biệt nào đó nên ông mới phản ứng như vậy. Thật vậy, Lê Văn Duyệt còn nhớ như in thời khắc lịch sử mà ông đã cùng những người bạn Pháp và giám mục Adran sát cánh bên nhau để đưa Gia Long trở lại ngôi vương.
Lương tâm của một nhà binh và của một con người trung thực, khẳng khái không cho phép ông làm ngơ trước những bất công khiến những người từng góp nhiều công sức vào việc khôi phục vương quốc An Nam có thể sẽ trở thành nạn nhân.
Bị mắt kẹt giữa một bên là mệnh lệnh của vua và một bên là lòng trung nghĩa đối với những người bạn của vua Gia Long, cuối cùng ông đã làm theo sự mách bảo của trái tim.
Hành vi chống đối mang tính lịch sử của ông đã gây trở ngại lớn cho những dự định của vua Minh Mạng trong suốt nhiều năm.
Tuy nhiên, Minh Mạng cũng không muốn trừng phạt Lê Văn Duyệt bởi đức vua hiểu rất rõ về vị lão tướng lừng danh này. Ông không chỉ là người được vua cha Gia Long ủy quyền mà còn là người đỡ đầuvà là người dạy dỗ mình.
Năm 1832, sau khi Lê Văn Duyệt từ trần, Minh Mạng đã cho xiềng xích mộ phần của ông và phạt 100 trượng. Tuy nhiên, hình phạt này không làm ảnh hưởng tới tiếng tăm của vị công thần này - người cùng Nguyễn Văn Thành, Võ Tánh, các sĩ quan Pháp và rất nhiều người bạn chiến đấu dũng cảm khác đã sát cánh cùng vua Gia Long để tiêu diệt quân Tây Sơn và lập ra vương triều Nguyễn.
Sau khi lên ngôi vào năm 1841, vua Thiệu Trị cho sửa sang, xây đắp mộ phần của Lê Văn Duyệt. Hiện nay (năm 1942), ngôi mộ đã được chính quyền Pháp và một ủy ban tôn giáo tu bổ, cải tạo kiên cố.
Lăng mộ Tả quân Lê Văn Duyệt, nguồn: sưu tầm
Hàng năm, vào dịp Thanh Minh - ngày lễ chung của những người đã khuất, một nghi lễ long trọng được tổ chức để tưởng nhớ Tả quân Lê Văn Duyệt, nhân tài kiệt xuất dưới triều Nguyễn.
Mặc dù không được học nhiều và không có bằng cấp như những người An Nam tài giỏi khác được trọng dụng phục vụ đất nước và đức vua song người dân Gia Định luôn kính trọng nhân cách, tài năng, đức độ của vị Tổng trấn đầu tiên này và xem ông như một vị thần.
Nguồn:
TC 826 - Tạp chí Đông Dương số 95, ngày 25/6/1942, hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Minh Phúc - Hoàng Hằng (dịch)