04:30 AM 01/08/2016  | 

Các phông tài liệu lưu trữ tiếng Pháp giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I là di sản quý giá của dân tộc Việt Nam. Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, tài liệu của các phông này đã phục vụ có hiệu quả cho việc nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đồng thời góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong thông đạt số 1C/VP ngày 03-01-1946 của chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho các Bộ trưởng của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khi nói về tài liệu lưu trữ, Người đã khẳng định đó là: “Những tài liệu có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia”

Các phông tài liệu lưu trữ tiếng Pháp phản ánh hầu hết các mặt hoạt động của bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương và Việt Nam, bộ máy chính quyền Việt Nam và các mặt hoạt động của xã hội Việt Nam thời kỳ thực dân Pháp cai trị Đông Dương.

Các phông tài liệu lưu trữ tiếng Pháp bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Điều 02 của Nghị định ngày 26-12-1918 về công tác lưu trữ do viên Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ký qui định như sau:

“Kho Lưu trữ TW của Đông Dương ở Hà Nội có nhiệm vụ bảo quản các loại tài liệu sau:

1.Tài liệu của Phủ Toàn quyền Đông Dương, của các công sở và các cơ quan trực thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương;

2.Tài liệu của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ và các tỉnh của Bắc kỳ;

3.Tài liệu của các cơ quan, công sở giải thể có giá trị thuần tuý về mặt lịch sử”.

Trong thực tế, nguồn tài liệu lưu trữ tiếng Pháp hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I bao gồm hai khối:

Các phông tài liệu hành chính

Gồm khoảng 60 phông tài liệu của các cơ quan quản lý hành chính công quyền, các cơ quan chuyên môn, tòa án, công ty, một số hội… của Đông Dương, của Bắc Kỳ, tòa công sứ các tỉnh Bắc Kỳ và Tòa Đốc lý Hà Nội.

Cụ thể như sau:

1.Tài liệu của các cơ quan cấp Đông Dương:

– Các cơ quan quản lý hành chính: Phông Đô đốc và Thống đốc (Les Amiraux et Gouverneurs): 1861-1896; Phông Phủ Toàn quyền Đông Dương (Gouvernement général de l’Indochine): 1887-1945.

– Các cơ quan chuyên môn: Nha Tài chính Đông Dương (Direction des Finances): 1899-1945; Tổng Thanh tra công chính Đông Dương (Inspection générale des Travaux publics de l’Indochine): 1891-1945…

DSC_3396

Kho tài liệu lưu trữ tiếng Pháp

2. Tài liệu của các cơ quan cấp kỳ, tỉnh:

– Cơ quan quản lý hành chính: Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (La Résidence supérieure au Tonkin): 1886-1945

– Các cơ quan chuyên môn: Sở Công chính Bắc Kỳ (Le Service des Travaux publiques du Tonkin): 1874-1959; Sở Học chính Bắc Kỳ (Le Service le l’Enseignement du Tonkin): 1886-1941…

– Tòa công sứ các tỉnh gồm 12 phông tài liệu của tòa công sứ của các tỉnh Bắc Kỳ, trong đó có: Tòa Đốc lý Hà Nội (La Mairie de HaNội): 1886-1945; Tòa Công sứ Bắc Ninh (La Résidence de Bắc Ninh): 1818-1924; Tòa Công sứ Hà Đông (La Résidence de Hà Đông): 1882-1928…

 – Tài liệu của các tòa án: Tòa án Thượng thẩm Hà Nội (La Cour  d’Appel de Hà Nội): 1866-1945; Tòa án Đệ nhất cấp Hải Phòng (Le Tribunal de Première instance de Hải Phòng): 1890-1929; Tòa án Hòa giải Đà Nẵng (Le Tribunal de Paix de Tourane): 1899-1913.

 – Các phông tài liệu của các hội, công ty: Tổng hội Viên chức Đông Dương (L’Association générale syndicale des Fonctionnaires et Agents de l’Indochine): 1918-1940; Công ty Sợi, Bông Bắc Kỳ (La Société cotonière du Tonkin): 1908-1959; Công ty Than Hòn Gay (La Société francaise des Charbonnages du Tonkin): 1886-1940.

Tài liệu kỹ thuật

Các công trình kiến trúc

Đây là các công trình dân dụng do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế, được xây dựng trong thời kỳ thực dân Pháp cai trị Việt Nam, gồm có: trụ sở làm việc của các cơ quan, công sở của Pháp; trường học, bệnh viện và tư dinh của một số quan chức người Pháp ở Hà Nội và trụ sở làm việc của một số cơ quan, công sở, tư dinh của quan chức người Pháp ở một số tỉnh của Bắc Kỳ. Trong đó có một số công trình tiêu biểu sau:

– Trụ sở làm việc của một số cơ quan, công sở: Dinh của Phủ Toàn quyền Đông Dương (Palais du Gouvernement général de l’Indochine – Phủ Chủ tịch hiện nay); Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (Palais de la Résidence supérieure au Tonkin – Nhà Khách của Chính phủ hiện nay); Nha Tài Chính Đông Dương (Trụ sở của Bộ Ngoại giao hiện nay); Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương (Trụ sở của Thư viện Quốc gia hiện nay) …

– Trường học, bệnh viện: Trường Đại học Đông Dương (Trường Đại học Quốc gia và Đại học Dược hiện nay); Trường Viễn Đông Bác cổ (Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hiện nay); Bệnh viện René Robin (Bệnh viện Bạch Mai hiện nay)…

– Một số Công trình ở các tỉnh: Tòa Công sứ Pháp ở Hải Phòng, Nam Định…

Các công trình thuỷ lợi

Có khoảng 20 công trình thủy lợi ở các tỉnh Bắc Kỳ, như Đập Đáy, Đập Liễn Sơn… và gần 20 công trình ở các tỉnh miền Trung và Nam Bộ.

Các công trình giao thông

Có tài liệu của khoảng 40 công trình, gồm: các cầu trên đường quốc lộ, đường liên tỉnh, đường hàng tỉnh.

Tài liệu lưu trữ tiếng Pháp với một số công trình nghiên cứu khoa học

Tài liệu lưu trữ tiếng Pháp hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I là nguồn tài liệu quan trọng đối với công tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có thể kể đến một số công trình nghiên cứu, luận án tiến sỹ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu sau:

* Cố Tiến sỹ sử học Pháp Charles Fourniau – Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt, nguyên Phóng viên Báo Nhân đạo “l’Humanité” của Đảng CS Pháp. Ông đã từng sống và làm việc ở Việt Nam từ năm 1963 đến 1965 trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ với cương vị là Phóng viên của Báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp.

New Image

Tiến sỹ sử học Pháp Charles Fourniau (người đứng hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng với nhóm thực hiện chương trình hợp tác về xây dựng bộ danh mục Nguồn sử liệu cận đại Việt Nam (1858 – 1945), ảnh chụp năm 1993 tại trụ sở cũ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I ở 31B Tràng Thi 

Khi thực hiện Luận án tiến sỹ “Les contacts franco Vietnamien  au Tonkin et en Annam de 1885 à 1895” (Cuộc chinh phục Trung Kỳ và Bắc Kỳ của thực dân Pháp từ năm 1885 đến 1896), ông đã sử dụng nguồn tài liệu lưu trữ tiếng Pháp của Kho Lưu trữ TW thuộc Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng (nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia I).

Ông Charles Fourniau còn là Chủ nhiệm của công trình “Danh mục Nguồn sử liệu về Lịch sử cận đại Việt Nam giai đoạn 1858-1945” (Répertoire des sources de l’histoire moderne du Việt Nam de 1858 à 1945) – công trình hợp tác giữa Lưu trữ Pháp và Lưu trữ Việt Nam, sử dụng tài liệu lưu trữ phông “Phủ Thống sứ Bắc Kỳ” của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và phông “Đô đốc, Phủ Toàn quyền Đông Dương” của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại (CH Pháp).

Sau một số năm thực hiện Chương trình, hai bên đã làm xong và in thành các bộ mục lục của các Séries: M (về Lao động, Khai thác thuộc địa và Chế độ điền thổ), N (về Nông nghiệp, Lâm nghiệp), L (Về Thương mại, Công nghiệp và Du lịch), U ( về Thuế quan, thuế gián thu).

* Luận án DEA (Diplôme d’Etude Approfondie – tương đương Thạc sỹ) của Gilles Raffi và Philippe le Failler:

Gilles Raffi và Philippe le Failler cùng tham gia trong công trình hợp tác giữa Lưu trữ Pháp và Lưu trữ Việt Nam về xây dựng bộ “Danh mục nguồn sử liệu cận đại Việt Nam giai đoạn 1858-1945” tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại ở Aix-en-Provence (CH Pháp) trong những năm 1988, 1989 do TS Charles Fourniau làm Chủ nhiệm.

Luận án của Gilles Raffi: “Hải Phòng, nguồn gốc và việc đưa vào sử dụng cảng của Thành phố ở thời kỳ của chế độ lãnh sự Pháp ở Hải Phòng” (Haiphong, les origines et l’implantation du port de la ville à l’époque consulairre) và Luận án của Philippe le Failler: “Đông Dương và phong trào chống thuốc phiện” (L’Indochine et le mouvement anti-opium) đều có sử dụng nguồn tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại của CH Pháp để làm luận án của mình.

Sau khi bảo vệ thành công luận án, cả Gilles Raffi và Philippe le Failler đều đã sang Việt Nam làm việc. Gilles Raffi từng có thời kỳ giảng dạy tại Trường Đại học Cần Thơ vào khoảng những năm 2003, 2004. Philippe le Failler đã làm việc nhiều năm tại Cơ quan Đại diện Trường Viễn Đông Bác cổ của Pháp tại Việt Nam ở Hà Nội (Ecole francaise d’Extrême Orient “EFEO”).

* Tác giả Tạ Thị Thuý với Luận án tiến sỹ “Đồn điền của người Pháp ở Bắc Kỳ giai đoạn 1884-1918” bảo vệ tại Trường Cao học Khoa học Xã hội Paris năm 1993 có sử dụng nguồn tài liệu lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại (CH Pháp).

Cuốn “Việc nhượng đất khẩn hoang ở Bắc Kỳ giai đoạn 1919-1945” xuất bản năm 2001 tại Nhà Xuất bản Thế giới, được nghiên cứu từ nguồn tài liệu của các phông “Phủ Toàn quyền Đông Dương”, “Phủ Thống sứ Bắc Kỳ”, “Sở Công chính Bắc Kỳ” của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và các phông “Đô đốc, Thống đốc”, “Toàn quyền Đông Dương”, “Đông Dương cũ và mới” của Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại (CH Pháp).

* Các tác giả: Ts. Vũ Thị Minh Hương (nguyên Cục Trưởng Cục Văn thư-Lưu trữ nhà nước), Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin (nguyên đại diện Trường Viễn Đông Bác cổ của Pháp tại Việt Nam ở Hà Nội) với công trình “Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng, xã Bắc Kỳ”, do NXB Văn hóa, Thông tin xuất bản năm 1998. Đây là công trình hợp tác với Cơ quan Viễn Đông Bác cổ của Pháp tại Việt Nam ở Hà Nội được biên soạn chủ yếu trên tài liệu lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

* Đến nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã xuất bản một số ấn phẩm liên quan đến nguồn tài liệu lưu trữ tiếng Pháp, trong đó có cuốn: “Lịch sử Hà Nội qua tài liệu Lưu trữ”, phần Địa giới hành chính Hà Nội từ 1873 đến 1954. Cuốn sách do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2000.     

* Trong những năm qua đã có hàng vạn lượt độc giả trong và ngoài nước đến nghiên cứu tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số người nước ngoài chiếm khỏang 40%, chủ yếu đến từ các nước Pháp, Nhật, Mỹ, Anh, Canada, Đức… với các đề tài như: Phong trào yêu nước, chống Pháp cuối thế kỷ XIX; Tình hình kinh tế Việt Nam thế kỷ XIX; Định hướng và kiện toàn diện mạo kiến trúc các đường phố chính ở trung tâm Hà Nội; Pháp luật tố tụng Việt Nam thời kỳ phong kiến; Lịch sử nghệ thuật Việt Nam; Tổ chức chính quyền TW và địa phương thời Pháp thuộc; Các phong trào đấu tranh cho tiến trình giải phóng thuộc địa ở Việt Nam; Lịch sử đấu tranh của các chiến sỹ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Côn Đảo; Chính sách của thực dân Pháp với công giáo và Phật giáo Việt Nam giai đoạn 1858-1945; Thi Hương ở Nam Định; Lịch sử Y tế công ở Việt Nam; Người Hoa ở Việt Nam; Độc quyền rượu của Pháp tại Việt Nam; Phụ nữ và pháp luật; Cộng đồng người Nhật ở Việt Nam từ 1880 đến 1940…

Bàn về giá trị của tài liệu lưu trữ, một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã nhận định như sau:

* Giáo sư, nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Lâm:

Trong tham luận trình bày tại Hội thảo Khoa học kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Trung tâm Lưu trữ quốc gia I vào năm 2007, ông viết: “với kinh nghiệm bản thân làm công tác nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Việt Nam thời kỳ cận đại, tôi khẳng định rằng các nguồn tài liệu lưu trữ là vô cùng quan trọng, nếu không có nguồn tài liệu Hán Nôm, Pháp văn và Anh văn thì sẽ bị hạn chế lớn trong công tác nghiên cứu, sẽ mất đi tính phong phú và toàn diện của lịch sử”.

* PGS, Tiến sỹ Vũ Thị Phụng, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lưu trữ học và Quản trị Văn phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Trong bài: “Giá trị của tài liệu lưu trữ và trách nhiệm của các cơ quan lưu trữ” đăng trong Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam số 12, tháng 12-2008 đã khái quát giá trị của tài liệu lưu trữ đối với công tác nghiên cứu trong sáu lĩnh vực sau đây:

1. Trong lĩnh vực chính trị: Tài liệu lưu trữ có thể sử dụng làm bằng chứng để chứng minh chủ quyền quốc gia;

2. Trong lĩnh vực kinh tế: Các thông tin trong tài liệu lưu trữ thường xuyên được khai thác và sử dụng để phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế (dài hạn, ngắn hạn);

3. Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội: Thông tin trong tài liệu lưu trữ được khai thác và sử dụng để phục vụ cho việc nghiên cứu văn hóa của quốc gia, văn hóa các tộc người, văn hóa vùng, miền;

4. Trong lĩnh vực khoa học: Đó là tính kế thừa trong nghiên cứu khoa học;

5. Đối với hoạt động quản lý: Tài liệu lưu trữ là nguồn thông tin không thể thiếu;

6. Dưới góc độ xã hội: Tài liệu lưu trữ là nguồn thông tin phục vụ cho những nhu cầu chính đáng của nhân dân.

Nguồn tài liệu lưu trữ tiếng Pháp hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I là di sản quí giá, phục vụ rất có hiệu quả cho các công trình nghiên cứu về Khoa học Xã hội – Nhân văn và các ngành khoa học khác của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, viên chức Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã giữ gìn, bảo quản an toàn tuyệt đối tài liệu ngay cả trong thời kỳ chiến tranh ác liệt.

Hiện nay hầu hết các phông tài liệu tiếng Pháp đã được chỉnh lý, có công cụ tra tìm để phục vục độc giả được thuận lợi, nhanh chóng nhằm phát huy giá trị tích cực của tài liệu lưu trữ trong nghiên cứu khoa học và trong cuộc sống của người dân  ./. 

ĐINH HỮU PHƯỢNG