Lai lịch và số phận của một con tàu
Tàu sân bay Arromanches (R95) là tàu sân bay chiến đấu hạng nhẹ, có thể chứa đến 10 máy bay mẫu Colossus. Bắt đầu được đóng ngày 01/6/1942 ở xưởng đóng tàu Vickers-Armstrongs (N.Y.H. Walker), Newcastle-upon-Tyne, Vương quốc Anh và hạ thủy ngày 30/9/1943, thực hiện nhiệm vụ từ tháng 12/1944 và phiên chế vào Hải quân Hoàng gia Anh dưới tên gọi Colossus. Tháng 8/1946, Hải quân Pháp thuê với thời hạn 5 năm và đặt tên là Arromanches - thành phố diễn ra cuộc đổ bộ Normandi ngày 06/6/1944.
Năm 1947, tàu sân bay này làm nhiệm vụ ở Bắc Phi cùng với thiết giáp hạm Richelieu. Năm 1948, Arromanches tham chiến ở Đông Dương với hai phi đội: 4F (trang bị 10 máy bay ném bom SBD Dauntless và hai chiếc tiêm kích Supermarine Seafire) và 8F. Nhiệm vụ kéo dài 3 tháng, trong đó có 6 tuần tham chiến (152 nhiệm vụ với 255 giờ bay)
Năm 1949, Arromanches trở về Pháp và bắt đầu đại tu vào năm 1950. Cuối tháng 8/1951, Arromanches trở lại Đông Dương tham chiến, được trang bị với phi đội chiến đấu 1F (gồm các máy bay tiêm kích Grumman F6F Hellcat) và 3F (trang bị các máy bay ném bom bổ nhào Curtiss SB2C Helldiver). Sau khi được mua lại từ Hải quân Hoàng gia Anh vào năm 1951, Arromanches tiếp tục tham gia cuộc chiến Đông Dương với nhiệm vụ tham gia tấn công các tuyến giao thông, vận tải và chiến dịch hỗ trợ không lực tầm gần. Tháng 6/1952, nó trở về cảng Toulon và đến cuối tháng 8, quay trở lại tham chiến Đông Dương với các phi đội 12F (được trang bị các máy bay tiêm kích F6F Hellcat) và 9F (được trang bị các máy bay máy bay ném bom thế hệ SB2C Helldiver). Cuối tháng 02/1953, Arromanches trở lại Toulon và đến ngày 09/9/1953 rời cảng này đến Đông Dương ngày 29/9 cùng tàu khu trục hộ tống Sénégalais, các phi đội 3F (với 12+4 máy bay SB2C.5) và 11F (12+6 máy bay F6F.5) cùng hai máy bay trực thăng cứu hộ 58S. Từ tháng 3 đến tháng 5/1954, Arromanches tham gia tích cực vào chiến dịch của quân Pháp ở Điện Biên Phủ.
(ảnh tàu Arromanches, Lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp)
Năm 1974, sứ mệnh quân sự của Arromanches bị xóa sổ trong phiên chế Hải quân Pháp, thay vào đó vỏ tàu được sơn tên gọi mới Q525 và đến năm 1978, số phận của nó được định đoạt khi chính phủ Pháp quyết định phá dỡ con tàu.
Arromanches trong chiến dịch Điện Biên Phủ[1]
Ngày 20/11/1953, theo lệnh của tướng Henri Navarre - Chỉ huy trưởng quân Pháp ở Đông Dương, cuộc hành binh Hải Li (Castor) được phát động, lính Pháp được thả dù chiếm đóng lòng chảo Điện Biên Phủ nhằm xây dựng ở đây một căn cứ không lục quân vừa bảo vệ Lào vừa cản bước tiến của quân Việt Minh[2].
Arromanches đóng vai trò rất quan trọng trong không lực hải quân Pháp ở Đông Dương, đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hoạt động quân sự của con tàu được đề cập khá chi tiết trong thư số 236 EM3/270S ngày 29/5/1954 của phó đô đốc Auboyneau - Chỉ huy lực lượng hải quân Pháp ở Viễn Đông gửi tướng Lauzin - Chỉ huy không quân Pháp ở Viễn Đông.
(ảnh Tướng Lauzin (bên phải) và thiếu tá Patou tên tàu Arromanches, trong cuốn Khái quát về Không quân Pháp ở Đông Dương, 1940-1954)
Bản báo cáo chia hoạt động của các phi đội trên tàu Arromanches trong chiến dịch Điện Biên Phủ thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ ngày 20/11/1953 (ngày bắt đầu chiến dịch Hải Li) cho đến trước ngày 13/3/1954 (ngày đánh dấu những tấn công đầu tiên của quân Việt Minh nhằm vào trung tâm đề kháng Béatrice - Him Lam của tập đoàn cứ điểm). Theo đó, trước ngày 20/11, hai phi đội chiến đấu trên tàu Arromanches tham gia các hoạt động không kích đánh phá các tuyến giao thông Tây Bắc để dọn đường cho cuộc hành binh Hải Li (Castor). Sau khi Hải Li bắt đầu, các phi đội chiến đấu của Arromanches tiếp tục vừa yểm trợ gián tiếp bằng việc chặt đứt các tuyến giao thông nhằm cầm chân các đơn vị chiến đấu của Việt Minh vừa yểm trợ trực tiếp. Tháng 12/1953, hoạt động của các phi đội trên Arromanches diễn ra cầm chừng do điều kiện thời tiết xấu. Trong suốt tháng 01/1954, hai phi đội 11F và 3F gia tăng hoạt động đánh phá chặt đứt tuyến đường tỉnh lộ 41 cũng như phá hủy kho tàng của Việt Minh. Ngày 08 và 09/01, tham gia cuộc hành binh "Bazar" nhằm vào Tuần Giáo[3].
Trong tháng 02/1954[4], Arromanches trung bình tham gia tác chiến 3 tuần liên tiếp mỗi tháng. Tuần thứ 4 trong tháng sẽ dành để tiếp tế và kiểm tra thiết bị. Hoạt động thường nhật gồm nhổ neo trong buổi sáng lúc 1 giờ, tùy thuộc vào nhiệm vụ được giao từ Đơn vị không vận chiến thuật Bắc Việt Nam (G.A.T.A.C Nord) cũng như điều kiện thời tiết. Hải quân Pháp thường áp dụng cách thức: từ 8 giờ sáng, cho tàu nhổ neo trong 60-90 phút để đợi các lệnh giao nhiệm vụ cũng như tình hình thời tiết thuận lợi.
Việc thả neo thường diễn ra khi đêm xuống trong khu vực các hòn đảo của Na Uy hoặc trong vịnh trú ẩn nếu dự kiến được tiếp tế. Cứ 5 ngày/lần, Arromanches được tiếp tế thực phẩm tươi và nước ngọt bằng tàu Aulne, tần suất 15-20 ngày/lần, sẽ được tiếp tế nhiên liệu và đạn dược, tùy theo nhiệm vụ hoạt động không quân quân sự đang tham gia. Các hoạt động trên thường diễn ra liên tục trong đêm nhằm hạn chế gián đoạn nhiệm vụ quân sự được giao.
Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ ngày 13/3 đến ngày 08/5/1954. Ngay khi các cuộc tấn công đầu tiên của Việt Minh được phát động nhằm vào các trung tâm đề kháng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, hòng gia tăng hiệu suất tác chiến của hai phi đội, phó đô đốc Auboyneau đồng ý đưa hai phi đội trên Arromanches vào đất liền, đặt dưới quyền chỉ huy của Đơn vị Không quân chiến thuật Bắc Việt Nam (GATAC Nord): phi đội 11F đóng ở sân bay Cát Bi và phi đội 3F đóng ở sân bay Bạch Mai. Theo phó đô đốc Auboyneau, quyết định ngoại lệ này giúp giảm thời gian bay tới mục tiêu và đặc biệt là thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ xuất kích lúc chập tối, trở về vào buổi tối nhằm đối phó với pháo phòng không của Việt Minh. Hầu hết các nhiệm vụ diễn ra trong suốt trận đánh Điện Biên Phủ là yểm trợ trực tiếp trong lòng chảo: ném bom các điểm yểm trợ đã rơi vào quyền kiểm soát của quân chiến đấu Việt Minh, các vị trí đặt pháo phòng không. Đặc biệt, cho đến tận cuối tháng 4, hàng ngày các máy bay F6F bảo vệ các máy bay Packet trong các lần thả dù. Báo cáo của phó đô đốc Auboyneau cũng cho biết, trong 57 ngày diễn ra trận đánh: 3 máy bay F6F bị bắn hạ, 7 chiếc khác bị trúng pháo phòng không, 2 chiếc SB2C bị bắn hạ và 6 chiếc khác bị trúng pháo phòng không.
(ảnh Đại úy không quân hải quân Pháp Fatou thuộc phi đội 3F trước giờ xuất kích đến Điện Biên Phủ, hồ sơ Z11271, Lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp)
Khi điều kiện thời tiết trên lòng chảo không cho phép can thiệp bằng không quân, các máy bay của hai phi đội tiến hành không kích nhằm vào tỉnh lộ 41 (ném bom các vị trí nhạy cảm, nghi có xe tải Việt Minh di chuyển) và không thám vùng thượng du. Từ ngày 23-30/4, để nhường chỗ cho các máy bay Corsair của phi đội 14F vừa mới tới Đông Dương, các máy bay SB2C trở về tàu sân bay Arromanches nhưng vẫn tiếp tục nhiệm vụ hỗ trợ cho Điện Biên Phủ, và ngày 29/4, tham gia cuộc hành binh "Surcouf" tấn công trung đoàn 95 ở bắc thành phố Vinh. Trong 57 ngày đêm (từ 13/3-8/5/954), các phi đội 11F và 3F của Arromanches đã 872 xuất kích, trong đó 752 lần với 2.046 giờ bay hỗ trợ cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tính đến ngày 01/5, phi đội 11F hứng chịu thiệt hại nặng về nhân sự lẫn thiết bị: gần 1/3 số phi hành đoàn mất tích, 7 máy bay mất tích kể từ ngày 01/10/1953 nên buộc Hải quân Pháp phải điều chiến đấu 14F đến thay thế phi đội này kể từ ngày 08/5.
Thời gian lưu trú từ 1953-1956 của các tàu sân bay Pháp ở Đông Dương:
Tàu |
1953 |
1954 |
1955 |
1956 |
Arromanches |
25/3-29/9 |
-13/7 |
|
|
La Fayette |
07/4-20/5 |
|
03/5-13/7 |
12/02-03/5 |
Bois Belleau |
|
03/5-7/7 Sửa chữa ở Hồng Kông |
|
|
[1]. Hồ sơ Z 11271, tài liệu lưu trữ cá nhân của tướng Lauzin (1903-1977), Lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp. Tướng Charles Lauzzin từng là chuyên gia tham gia phái đoàn đàm phán với chủ tịch Hồ Chí Minh ở Fontainebleau năm 1946, sau đó là chỉ huy Không quân Pháp ở Viễn Đông từ tháng 6/1953 đến tháng 6/1954.
[2]. Tham khảo bài viết "Tại sao Điện Biên Phủ?" trên website https://www.archives.org.vn/ki-i-tap-doan-cu-diem-dien-bien-phu.htm
[3]. Trong cuộc hành binh Bazar, không lực hải quân Pháp tham gia tới 63% hoạt động không kích.
[4]. Cuốn “Hải quân Pháp ở Đông Dương 1939-1956” (La Marine française en Indochine 1939-1956), Ban lịch sử Hải quân Pháp tháng 4/1953-tháng 5/1956, tập V, trang 135.
Ngọc Nhàn