“Đi phượt” hay đi chơi đây đó, thấy danh lam thắng cảnh hay lạ, có bao giờ bạn hỏi: Chỗ này ngày xưa thế nào? Làm sao trở thành chốn du lịch hấp dẫn? Nhiều lần tôi tự hỏi như thế, có thể vì là dân học sử và rồi làm báo được bay nhảy nhiều nơi. Nhưng dù là ai đi nữa, chắc chúng ta đều không thể chỉ chụp ảnh “check in” hay la cà một thoáng trước cảnh đẹp và những kiến trúc kỳ thú. Mỗi chuyến du ngoạn - cái từ bây giờ hiếm dùng, ra khỏi nhà là một lần học hỏi, một lần vương vấn.
Quả thật, đi là chết trong lòng một ít, một nhà văn Pháp đầu thế kỷ XX viết như vậy mà sau này Xuân Diệu đổi chữ đi thành chữ yêu càng làm ý nghĩa lữ hành và tình yêu đôi lứa - cả hai suy cho cùng đều là những cuộc phiêu lưu, càng thêm day dứt. Hay như Chế Lan Viên đã tạc nỗi khắc khoải sau mỗi lần ra đi bằng câu thơ: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.
“Lây” cái bịnh ấy, cho nên khi có cơ hội rong ruổi ba miền đất nước và các xứ sở xa gần, tôi vẫn không quên tìm tòi thêm qua sách vở và thực tế các câu chuyện “cổ tích” của những nơi đã thăm viếng. Và đây, thêm một dịp may, khi tôi xem triển lãm trực tuyến “Đông Dương xứ sở diệu kỳ” vào tháng 7 năm 2022. Triển lãm được “lên sóng” bởi Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - một “kho báu” tư liệu xưa và cũng là người bạn thân thiết với duyên nợ học hành và biên soạn của tôi tại Hà Nội từ thập niên 1980 đến nay. Thật ngạc nhiên, qua nhiều hình ảnh và văn bản đương thời, tôi được trông thấy một Đông Dương với rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng hiện tại nhưng ngày ấy còn khởi đầu hoang sơ, song không kém phần diễm lệ.
Thế rồi, tôi bàn với chị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm cùng hai bạn Bùi Hệ và Hoàng Hằng - những người đã đồng hành với tôi khi biên soạn cuốn sách về kiến trúc Hà Nội. Chúng tôi thống nhất thực hiện cuốn sách mới với nhan đề "Du lịch Đông Dương xưa". Cuốn sách là một cách “nối dài” triển lãm đồng thời được bổ sung thêm nhiều tư liệu và trang viết khảo tả cùng cảm nhận của một người đương thời đối với các điểm du lịch “đến từ ngày hôm qua”.
Thử vào vai một hướng dẫn viên và là “lữ khách”, tôi biên soạn sách không theo thứ tự địa lý Bắc - Trung - Nam hay Việt Nam - Lào - Campuchia. Ngược lại, các chương sách được bố trí như một chùm “tour chuyên đề”. Này nhé, tại sao không bắt đầu từ các chuyến đi thăm biển đảo - vốn là đặc sản của Việt Nam! Sau đó cùng nhau lên non - những “ốc đảo ôn đới” độc đáo của một Đông Dương nhiệt đới. Thế là thám hiểm “rừng vàng biển bạc” với người xưa. Và rồi, tiếp tục cuộc hành trình khám phá các di tích lịch sử bao gồm thành quách, đền đài, kiến trúc và bảo tàng tiêu biểu ở cả ba nước. Kết thúc “tour về miền quá khứ”, du khách trở lại các đô thị Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn, Vientiane, Luang Prabang và Phnôm Pênh - thời kỳ nên thơ chưa bị bê-tông hóa.
Phúc Tiến