Ranh giới
Thái Bình nằm ở phía đông nam đồng bằng châu thổ Bắc Kỳ, phía Bắc giáp Hải Dương, phía Nam và phía Tây giáp Nam Định và Hà Nam, phía Đông giáp vịnh Bắc Kỳ, phía Tây Bắc giáp Hưng Yên. Sông Hóa, sông Luộc và sông Hồng bao quanh, tạo thành vành đai nước của tỉnh.
Dân số
Thái Bình được đánh giá là tỉnh đông dân nhất Bắc Kỳ, với gần 800.000 dân trong đó có 192 người Hoa và khoảng 40 người Âu[1].
Kỹ nghệ
Hai ngành có tầm quan trọng nhất định của tỉnh đều nằm trong tay người Hoa.
Dệt chiếu
Tại các làng Hải Triều và Thanh Triều thuộc huyện Hưng Nhân, có hai xưởng của người Hoa là Minh Ky và Van Sinh, lần lượt sở hữu 500 và 400 máy dệt với tổng cộng 1.600 công nhân. Cói dùng để dệt chiếu xuất xứ từ các huyện Tiền Hải, Thụy Anh, Thanh Quan và nhất là hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định. Một picul cói giá 2 đến 2.5 đồng, thậm chí lên tới 3.6 và 4 đồng. Mỗi năm, hai nhà máy ở Hải Triều và Thanh Triều tiêu thụ khoảng 90.000 picul cói. Mỗi máy dệt sản xuất khoảng 7kg chiếu mỗi ngày, tổng cộng 6.300.000kg chiếu mỗi năm, tương đương 12.000 cuộn chiếu dài 35 mét. Trong đó, khoảng 200 đến 300 cuộn tiêu thụ tại địa phương, số còn lại xuất sang Trung Hoa.
Trồng dâu nuôi tằm
Có hai nhóm thợ dệt lớn, một ở làng Phương La, tổng Lap Bac, huyện Hưng Nhân; còn nhóm lớn nhất với sản phẩm tơ mộc rất được ưa chuộng ở Hà Nội và Nam Định nằm ở Nguyên Xá, phủ Tiên Hưng.
Khung cửi dệt lụa rất thô sơ. Một khung cửi dệt được khoảng 100 thước vải trong 10 ngày. Giá một thước vải chừng 10 xu. Ở hai làng Nguyên Xá và Phương La ước tính tổng cộng 25 đến 30 khung cửi.
Ngoài ra, Công ty Đông Ích có một nhà máy kéo sợi lớn, với trang thiết bị hiện đại và có thể sản xuất từ 5 đến 6000kg tơ sống loại 1, được thị trường chính quốc ưa chuộng.
Các nghề phái sinh từ việc đánh bắt thủy hải sản
Dân chúng sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản cũng làm mắm và bán cá khô. Ước tính khoảng 90.000 đến 100.000 dân tham gia công việc này.
Cuối cùng, có thể kể đến nghề làm đường ở hầu hết các làng và thuốc lào ở một vài tổng.
Nghề muối cho đến gần đây vẫn là một trong những nguồn thu chính của tỉnh.
Đơn vị hành chính
Tính đến năm 1913, Thái Bình có 3 phủ, 12 huyện[2], trong đó:
Phủ Kiến Xương: 4 huyện, 32 tổng, 286 làng.
Huyện Trực Định: 7 tổng, 77 làng, 33.028 đinh (inscrit).
Huyện Vũ Tiên: 9 tổng, 70 làng, 20.000 đinh.
Huyện Thư Trì: 6 tổng, 70 làng, 19.000 đinh.
Huyện Tiền Hải: 8 tổng, 77 làng, 12.216 đinh.
Phủ Thái Ninh: 4 huyện, 34 tổng, 254 làng.
Huyện Thanh Quan: 11 tổng, 84 làng, 22.500 đinh.
Huyện Đông Quan: 8 tổng, 63 làng, 12.118 đinh.
Huyện Thụy Anh: 9 tổng, 69 làng, 12.000 đinh.
Huyện Phụ Dực: 6 tổng, 38 làng, 6.000 đinh.
Phủ Tiên Hưng: 4 huyện, 29 tổng, 255 làng
Huyện Thần Khê: 9 tổng, 64 làng, 15.000 đinh.
Huyện Quỳnh Côi: 7 tổng, 53 làng, 10.022 đinh.
Huyện Duyên Hà: 7 tổng, 73 làng, 15.000 đinh.
Huyện Hưng Nhân: 7 tổng, 85 làng, 14.800 đinh.
Bản đồ huyện Quỳnh Côi trong sách "Địa dư huyện Quỳnh Côi" của Ngô Vi Liễn, 1933 (gallica.bnf.fr)
Thành phố Thái Bình
Thành phố mới cùng tên với tỉnh đã từng bước lớn lên bên bờ sông Trà Lý. Dù mới thành lập và dù tốc độ phát triển còn chậm do đặc tính cố hữu của đời sống nông nghiệp, Thái Bình không thiếu những nét duyên dáng và hấp dẫn riêng. Một đại lộ rộng rãi, trồng những cây lớn đang cố gắng tỏa bóng xuống mặt đường sáng lóa, tạo thành trục chính của thành phố.
Con đường bắt đầu từ cổng thành, chạy đến bờ kè, hai bên đường là la liệt hàng quán của thương nhân bản xứ và những cửa hàng hiện đại của người Hoa trong những căn nhà gạch.
Nhánh bên phải, dọc sông Trà Lý là các tòa nhà hành chính yên tĩnh và nghiêm trang, một góc thành phố thiếp ngủ giữa những vườn xanh.
Nhánh còn lại là khu thương mại. Khu vực này của Thái Bình rợp dưới bóng những mái lớn của chợ và những lá cờ đỏ treo trên các cột buồm của những con thuyền Trung Hoa nặng nề đổ về từ Cát Bà; đông đúc, ồn ào và đầy những tiếng huyên náo vào những ngày thuyền về hay những phiên chợ. Trên bờ kè, những phiến gỗ chất đống, những cây tre khô tạo thành một hàng rào khổng lồ đợi thương lái; trên dòng nước tĩnh lặng của sông Trà Lý, những con thuyền tam bản tất bật, trong lúc cách đó không xa, con tàu sà lúp của Tòa Công sứ đổ cái bóng duyên dáng lên mặt nước xám đục.
Tỉnh lỵ Thái Bình cách Hà Nội 100km, Hải Phòng 75km và ga Nam Định 20km. Tại tỉnh lỵ có một trạm hải quan, một kho rượu và muối, một phòng Công chính, một phân đội Lính khố xanh, một bưu cục và một bệnh viện bản xứ. Từ Thái Bình, có đường bộ cho phép xe cộ lưu thông đến Nam Định, Phủ Lý, Hưng Yên, Ninh Giang cũng như các đồn lính khố xanh, các trụ sở phủ, huyện và các chợ trong tỉnh.
Lễ hội làng Bình Cách, tỉnh Thái Bình (bibliotheques-specialisees.paris.fr). Nguồn: Annuaire général de l'Indochine, 1913, tr.174-183 (TTLTQGI)
[1] Số liệu đến năm 1913. Theo Niên giám năm 1924, Thái Bình có 884.150 người Nam, 404 người Hoa và 56 người Âu.
[2] Theo số liệu năm 1924, Thái Bình có 3 phủ, 9 huyện và 1 thành phố: Phủ Kiến Xương (huyện Vũ Tiên, Thư Trì, Tiền Hải), phủ Thái Ninh (huyện Đông Quan, Thụy Anh, Phụ Dực), phủ Tiên Hưng (huyện Hưng Nhân, Duyên Hà, Quỳnh Côi) và thành phố Thái Bình.
Minh Phúc (lược dịch)