Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học, nhiều đời có công bảo vệ đất nước. Cụ tổ 8 đời là Phụ quốc công thần Toàn quận công, cụ tổ 4 đời tên Chuẩn làm Binh Bộ thị lang Hương lĩnh hầu, ông nội là Mông làm Đồng binh chương sự. Cha là Mai Thế Trinh làm Tri huyện Thanh Trì, mẹ là Dương Thị Chi người làng Thịnh Hào (Đống Đa, Hà Nội).(2)
Theo sử liệu ghi chép, khoa thi Hương năm Đinh Dậu, Minh Mệnh thứ 18 (1837), ông bị trường thi Nghệ An đánh trượt, sau do cả trường thi Nghệ An chỉ lấy đỗ 5 người nên nhà vua lệnh cho duyệt lại quyển thi và lấy đỗ thêm 15 người trong đó có Mai Thế Tuấn.(3)
Ông tiếp tục dùi mài kinh sử, quyết chí đỗ đầu trong các khoa thi tiếp theo. Năm Canh Tý, Minh Mệnh thứ 21 (1840), ông đỗ đầu kì thi Hương. Năm Quý Mão, Thiệu Trị thứ 3 (1843) ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (đỗ Thám hoa). Vua Thiệu Trị mừng được người tài nên ban cho tên là Anh Tuấn, lại cho bài thơ để tỏ yêu dấu.(4) Tháng 12 năm 1843, nhà vua cho đặt chức Hàn lâm viện Trước tác, trật Chánh lục phẩm, ở dưới Chủ sự Lục bộ và trên Chủ sự các nha, bổ Tiến sĩ mới đỗ là Mai Anh Tuấn vào chức này(5). Tháng 5 năm 1847, ông được thăng thụ Thị giảng học sĩ vẫn sung Hành tẩu sở bí thư tòa Nội Các.(6)
Trang đầu bản tấu của Bộ Lại về việc điều tra gia cảnh của cố Mai Anh Tuấn để giải quyết chế độ chính sách.
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Tháng 2 năm Tự Đức thứ 4 (1851), ông dâng sớ can gián vua khẩn thiết, đại lược nói: “Về khoản sang Man đông, đã được đình chỉ, trong ngoài nghe thấy, đang mừng là phước cho thần dân trong nước. Nay lại lấy việc thương người bị nạn, hòa mục với nước láng giềng mà làm chuyến đi mưu việc buôn bán, thế thì lấy việc nghĩa mà đi, lấy lợi mà về trong một chuyến thuyền cùng phái cùng đi, mà những người đã sai đi có người là nho học, có người là buôn bán, biết người nước láng giềng gọi thuyền ấy là thuyền gì?”… Vua cho là Anh Tuấn nói khinh nhờn không kính, giao xuống nghị tội. Các quan ở viện Đô sát cùng dâng sớ xin khoan tha cho. Vua quở trách. Đến tháng 4, lệnh đổi bổ Mai Anh Tuấn làm Án sát sứ Lạng Sơn.(7)
Bấy giờ thế giặc đang bành trướng, người phần nhiều lấy làm nguy, ông vào bái mạng vua, tức thì tới nhận chức. Bản tấu của Bộ Lại ngày 17 tháng 5 năm Tự Đức thứ 4 (1851) chép: Hôm nay, nhận được sớ văn của Tuần phủ tỉnh Lạng Bằng Trương Hảo Hợp nói ngày mùng 2 tháng này (tháng 5), Mai Anh Tuấn hiện đã đến tỉnh (Lạng Sơn) nhận ấn triện của ty Án sát để làm việc. Mai Anh Tuấn lần đầu đến tỉnh, dân tình, địa thế đều chưa rõ, xin đợi viên đó xem xét rõ ràng tình hình rồi sẽ bàn bạc cùng Trương Hảo Hợp, theo từng khoản làm tập tâu trình.(8)
Lúc này, phỉ Thanh đang hoành hành ở khắp nơi trong tỉnh Lạng Sơn. Án sát sứ Mai Anh Tuấn mới nhận chức đã cùng Thự Chưởng vệ Nguyễn Đạc dẫn quân tiêu diệt phỉ. Mới hơn một tháng đã đánh thắng giặc ở Hữu Khánh. Tin thắng trận truyền về Kinh thành, vua Tự Đức ban thưởng cho Thự Chưởng vệ Nguyễn Đạc một Phi Long kim tiền loại nhỏ, Án sát sứ Mai Anh Tuấn được thưởng kỷ lục hai lần. Số biền binh, thổ dũng chiến đấu tại trận được thưởng chung 600 quan tiền giao Nguyễn Đạc theo loại cấp phát.(9)
Sau đó, giặc nước Thanh là Tam Đường tập hợp hơn 3.000 người ở các xã Hữu Sản (thuộc huyện An Bác, tỉnh Lạng Sơn) chia nhau đi cướp bóc. Thự Chưởng vệ Nguyễn Đạc cùng Án sát sứ Mai Anh Tuấn đem lính hơn 1.000 người tiến đánh, chém được hơn 10 thủ cấp, giặc bỏ trâu để rút lui, trốn nấp ở Thiết Khê (thuộc huyện An Bác). Nguyễn Đạc chia làm 3 đạo đuổi đánh. Cho Bùi Phó là Phó quản cơ Sơn Tây làm Hữu đạo, Nguyễn Thọ Kỷ là thự Phó cơ cơ Lạng dũng làm Tả đạo, đều tiến lên. Án sát sứ Mai Anh Tuấn tiếp ứng. Nguyễn Đạc tự đem Trung đạo đuổi đến trước Thiết Đàm, bị ruộng lầy ngăn trở, Nguyễn Đạc cùng biền binh (Tuyển phong, Võ cử) 80 người lội sang trước, giặc thấy quân ít, trở lại đánh sát lẫn nhau bắn chết Nguyễn Đạc. Nguyễn Thọ Kỷ, Mai Anh Tuấn đem quân qua đầm tiếp ứng, đều bị giặc giết chết.(10)
Ngày 3 tháng 8 năm Tự Đức thứ 4 (1851) Bộ Binh làm bản phúc trình: Lần đó quan binh đánh dẹp thất bại, viên Vũ cử Vũ Duy Sưởng cùng Tổng lý thổ hào sở tại tìm được các viên bị phỉ giết hại gồm Thự Chưởng vệ Nguyễn Đạc, Án sát sứ Mai Anh Tuấn, Thí sai Phó quản cơ Nguyễn Thọ Kỷ và một viên Suất đội, 4 tên lính… Bản bộ vâng xét Nguyễn Đạc nguyên thuộc diện Thự hàm, Mai Anh Tuấn nguyên chịu án cách chức lưu nhiệm, Nguyễn Thọ Kỷ thuộc diện Thí sai Phó quản cơ. Lần này thất bại tuy do mạo hiểm mất thời cơ nhưng cũng đã hi sinh khi lâm trận. Vậy nên chăng xem xét theo ân điển, xin chờ chỉ giải quyết. Vua Tự Đức đã phê duyệt: Nguyễn Đạc truyền truy tặng thực thụ Chưởng vệ, Mai Anh Tuấn truyền miễn án phạt cách chức lưu nhiệm lại truy tặng hàm Hàn Lâm viện Trực học sĩ. Nguyễn Thọ Kỷ truyền cho thực thụ… Lại con của Nguyễn Đạc, Mai Anh Tuấn nếu đã trưởng thành truyền hai bộ Lại, Binh tra hỏi tâu trình đầy đủ chờ chỉ sao lục bổ dụng. Nếu còn nhỏ truyền bộ ghi chép lưu lại chờ sau này tâu trình xem xét.(11)
Khi nghe tin Mai Anh Tuấn hi sinh, vua bảo rằng: “Mai Anh Tuấn là người học trò mà theo việc đánh giặc, hăng hái tiến lên không nghĩ đến thân mà bị giết chết. Trẫm thương rỏ nước mắt”(12). Ngoài việc truy tặng phẩm hàm, nhà vua còn lệnh cho tỉnh Lạng Sơn đưa linh cữu của ông về quê chôn cất. Lại ban cho mẹ ông tiền, gạo và lụa để sống được đầy đủ. Ông được phối thờ ở gian thứ nhất bên hữu đền Trung Nghĩa tại Kinh thành Huế cùng với các danh thần triều Nguyễn.(13)
Kể từ khi ông mất, vua Tự Đức thương xót mãi không thôi. Vì vậy hằng năm nhà vua vẫn truyền cho quan viên Bộ Lại xem xét tình hình gia cảnh của ông để kịp thời động viên. Cụ thể, theo bản phụng Thượng dụ ngày 26 tháng 4 năm Tự Đức thứ 12 (1859) của Phạm Phú Thứ, Hoàng Văn Tuyển ở Nội các: Nguyên giữ chức Án sát sứ tỉnh Lạng Sơn, được tặng Hàn lâm viện Trực học sĩ Mai Anh Tuấn xuất thân khoa giáp mà tuẫn tiết nơi chiến trường, Trẫm thương tiếc lắm gia ân mãi không thôi. Năm trước đã giáng chỉ cho mẹ viên ấy là Dương Thị Chi tiền, gạo, lụa để chi dùng. Mẹ đẻ viên ấy năm nay đã ngoài 70 tuổi, viên ấy duy chỉ sinh được một người con là Mai Thế Doãn mới 16 tuổi mà viên ấy lại hy sinh vì nước, có thể nói là bề tôi lẫm liệt cho con viên ấy hưởng hậu lộc ở đời. Gia ân thưởng cho Dương Thị Chi 30 quan tiền, 10 thăng gạo, do tỉnh thần quê viên ấy chi ban cấp để (mẹ viên ấy) chi dùng đầy đủ. Còn Mai Thế Doãn đợi lớn lên cũng do tỉnh ấy tư bộ phúc trình đợi chỉ.(14)
Ông là một sĩ phu có khí phách, với mọi người luôn hòa nhã, thờ vua lấy điều trung can ngăn, khi lâm sự chí giữ nghĩa, Vì vậy, sau khi ông mất, sĩ phu đều tưởng nhớ phòng tiết, ở tỉnh thành Lạng Sơn và quê nhà Thanh Hóa đều dựng đền thờ. Phần mộ và miếu thờ ông tọa lạc tại làng Hoàng Cầu, được con cháu và dân làng hương khói cho đến ngày nay.
Chú thích tài liệu tham khảo:
(1), (2) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện (Viện Sử học dịch), Nxb Thuận Hóa, H.2006, tập 4, tr.237.
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 5, tr.137.
(4) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện (Viện Sử học dịch), Nxb Thuận Hóa, H.2006, tập 4, tr.237.
(5) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 6, tr628.
(6) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 6, tr 1141.
(7) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 7, tr 240.
(8) Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức.
(9) Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức.
(10) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 7, tr 258.
(11) Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức.
(12) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 7, tr 258.
(13) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 7, tr 537.
(14) Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức.
Lê Thông