Nhạc sĩ Văn Cao đã ngỡ ngàng thốt lên như vậy trước vẻ đẹp của tháp Chăm huyền thoại, khi lần đầu đặt chân đến Bình Định. Trước đó, nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier đã phát hiện tháp Dương Long là tháp gạch cổ Chămpa hoành tráng nhất Đông Nam Á. Cuộc trò chuyện với PGS. TS Khảo cổ học Ngô Văn Doanh sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cụm tháp này.
* Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Phàm những chỗ xưng là tháp đều là nơi hỏa táng của quốc vương và vương hậu Chiêm Thành”, vậy tháp Dương Long có phải là điểm tạo táng của một nhân vật chính yếu nào thời đó không thưa ông?
PGS. TS Ngô Văn Doanh: Hiện chưa có căn cứ để khẳng định tháp Dương Long là điểm tạo táng. Những gì hiện còn ở phế tích chỉ chứng tỏ cụm tháp Dương Long là nơi thờ ba vị thần tối cao của Hinđu giáo, đó là Shiva (thần hủy diệt), Vishnu (thần bảo tồn) và Brahma (thần sáng tạo). Đây là một công trình đặc biệt trong nghệ thuật xây dựng đền tháp và là di sản một thời vàng son rực rỡ của vương quốc cổ Chămpa.
* Trong số các di tích đền tháp cổ Chămpa hiện còn, khu tháp Dương Long ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định nổi bật lên không chỉ ở kích thước đồ sộ, mà còn ở hình dáng đặc biệt, không giống với của những ngôi đền tháp vuông truyền thống Chămpa. Có phải vì vậy mà kể từ khi được biết đến như một di tích kiến trúc cổ Chămpa có giá trị, tức là vào cuối thế kỷ XIX, khu đền tháp Dương Long đã hấp dẫn đối với mọi người?
PGS. TS Ngô Văn Doanh: Đúng vậy, ngay từ thế kỷ XIX, khu tháp Dương Long đã được chú ý và ca tụng trên các báo chí phương Tây. Ví dụ, ông Lemire đã viết về tháp Dương Long như sau: “Trên các cửa sông Đông Phố, gần chợ Đình, hiện còn ba tháp Chàm, người Pháp gọi là tháp Ngà voi, người Annam gọi là Tháp Dương Long. Chúng được xây trên một ngọn đồi, trong một cánh rừng mít và xoài tuyệt đẹp. Các tháp rất cao và được bảo vệ tốt hơn các tháp ở Thi Nại. Tháp ở chính giữa lớn hơn và được trang trí đẹp hơn hai tháp kia. Các cửa tháp đều được tạo thành từ bốn cái cửa bằng đá lớn và thường cao hơn mặt đất. Đỉnh của các tháp được đắp một bông sen nở. Cho đến nay, ba tháp này là ba tháp Chàm đẹp nhất mà chúng ta được chiêm ngưỡng. Chúng đáng được lưu ý trước hết về mặt chiều cao, về quy mô đồ sộ và phong phú của các công trình điêu khắc nổi bật trên các khối đá lớn.”
* Vậy trên những dấu tích hiện còn khi đó (cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX), người phương Tây có phát hiện nào đáng chú ý về kiến trúc ban đầu của cụm tháp không thưa ông?
PGS. TS Ngô Văn Doanh: Tuy chưa làm một cuộc khai quật khảo cổ nào, nhưng chỉ trên những dấu tích hiện còn vào đầu thế kỷ XX, nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier đã nhận thấy các tháp Ngà hình như là bộ phận của một tổng thể quan trọng với mặt bằng chung, có lẽ bao gồm một khu vực rộng gần như vuông, ở giữa là các tháp. Phía trước khu vực đó có một khoảnh chữ nhật khác gắn vào theo chiều dài. Các khu khác nhau đó được biểu lộ bằng những vết tường rất rõ rệt. Ngoài các tháp ra, trong khu chính, theo H.Parmentier, dường như còn cả một tòa nhà dài theo hướng Nam, nhưng chỉ còn lại những đống gạch, còn có hai hoặc ba kiến trúc nhỏ ở đằng sau các tháp. Ngoài ra, ông đoán rằng, đã từng có một phòng nhiều cột kiểu của Đông Dương nối liền hai khu vực mà bây giờ chỉ còn nhận ra được phòng đó qua các cuộc đào bới của những người đi tìm gạch. Trong khu vực này, ở phía Nam, còn thấy vết tích của một tòa nhà nối dài qua những đống sụp đổ. Ngoài ra, trên cơ sở khảo cứu những dấu tích và hiện vật, ông H.Parmentier còn nhận thấy là phần nền của các ngôi tháp Dương Long được xây ốp đá ở ngoài. Theo ông, cứ liệu này được minh xác bởi sự có mặt của rất nhiều tảng đá la liệt trên mặt đất chung quanh. H.Parmentier đã cho xếp đống lại những tảng rải rác đây đó và sau một cuộc khảo sát trên gần một nghìn mảnh, ông đã cho gộp tất cả những tảng có một mặt chạm khắc vào chỗ ngôi tháp gần nơi chúng được phát hiện nhất, chỉ có một vài tảng phải để lại tại chỗ vì nặng quá.
* Chỉ cần qua những mô tả của H.Parmentier, chúng ta đã có thể ít nhiều hình dung được quy mô to lớn của khu đền Dương Long xưa cũng như khối lượng đá khổng lồ được sử dụng trong xây dựng các ngôi tháp ở đây.
PGS. TS Ngô Văn Doanh: Thế mà, chỉ gần tám chục năm sau, thời gian, chiến tranh và sự hủy hoại của con người đã khiến cho cả khu tháp Dương Long trở nên hoang phế thêm nhiều. Năm 1977 và các năm sau đó, tôi đã đến nghiên cứu Dương Long nhiều lần. Thế nhưng, ngoài ba ngôi tháp ra, chúng tôi không còn thấy bất kỳ một dấu vết của các công trình kiến trúc khác cũng như cả nghìn mảnh đá mà ông H.Parmentier đã gom lại. Khi đó, chúng tôi đã ghi lại là, không chỉ thời ông H.Parmentier, mà gần trăm năm sau, người dân quanh vùng vẫn tiếp tục tới gò Dương Long đào lấy gạch về làm các công trình phụ và lấy đá về đẽo cối để bán. Thật là may và rất kịp thời, sau năm 1975, Nhà nước và chính quyền các cấp ở địa phương đã kịp thời can thiệp để bảo vệ và giữ gìn khu di tích cổ kính và quý giá này. Và, chỉ sau mấy năm thống nhất đất nước, vào năm 1980, khu tháp Dương Long cùng nhiều đến tháp Chămpa khác ở miền Trung đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử nghệ thuật Quốc gia. Ngay sau khi được xếp hạng là di tích Quốc gia, khu tháp Dương Long không chỉ được bảo vệ khỏi mọi sự phá hoại của con người và thiên nhiên, mà còn bắt đầu được gìn giữ và tu bổ một cách khoa học.
Tháp Dương Long, nhìn từ hai mặt Đông và Tây (ảnh do nv cung cấp)
* Những lần khảo cứu để giúp việc tu sửa có làm xuất lộ thêm điều bí ẩn, kỳ diệu nào của các ngôi đền tháp Dương Long không thưa ông?
PGS. TS Ngô Văn Doanh: Vào tháng 4 năm 1985, trong khi dọn dẹp để giúp cho việc bảo vệ ba ngôi tháp, Bảo tàng tỉnh Nghĩa Bình (gồm hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi) và đoàn chuyên gia trùng tu di tích của Ba Lan đã phát hiện ra gần một chục bức phù điêu đá lớn (tất cả đã được đưa về bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định). Trong số đó, có những bức phù điêu lớn còn khá nguyên vẹn và có giá trị cho việc tìm hiểu mỹ thuật và tôn giáo của khu đền tháp Dương Long, như chiếc trán cửa lớn (cao 1,30m, rộng 0,88m và dày 0,23m) thể hiện thần Siva, chiếc trán cửa nhỏ (cao 0,78m, rộng 0,88m và dày 0,18m) thể hiện hình chim thần Garuda, mảng phù điêu dài 1,88m thể hiện ba nhân vật đang ngồi khá sinh động… Chúng tôi đã có những giới thiệu và nghiên cứu về các hiện vật đá này của Dương Long.
* Vậy sau đó, những cuộc khai quật phục vụ cho việc trùng tu lớn đã diễn ra như thế nào?
PGS. TS Ngô Văn Doanh: Để phục vụ cho việc trùng tu lớn, trong những năm 2006, 2007 và 2008, đã có ba cuộc khai quật lớn được tiến hành xung quanh (chủ yếu là hai mặt Đông và Tây) ba ngôi tháp ở Dương Long. Kết quả thu được từ ba cuộc khai quật này thật lớn và gây bất ngờ cũng thật lớn đối với các nhà nghiên cứu và du khách trong và ngoài nước. Theo tổng kết của Bảo tàng Bình Định, trong diện tích hơn 3.000m2 khai quật, đã thu được 3.464 hiện vật, trong đó có 1.987 hiện vật đá. Ngoài các hiện vật ra, những đợt khai quật lớn này đã làm xuất lộ toàn bộ phần bó chân nền bằng đá khổng lồ và tinh xảo của ba ngôi tháp, đã phát hiện ra chân móng, tường và ngói, có nhiều khả năng, là của một ngôi nhà dài phía trước ngôi tháp giữa, đã tìm thấy chân móng của một miếu thờ cùng chiếc bệ thờ bằng gạch vuông mang vật thờ là chiếc Yoni bằng đá ở mặt phía Tây của ba ngôi tháp. Ngoài ra, trong kiến trúc đầu, còn phát hiện một bệ thờ bằng gạch cùng một bệ yoni bằng đá bên trên (106cm x 82cm x 53cm). Theo chúng tôi, những dấu tích và hiện vật của kiến trúc phía Đông có thể chính là, như H.Parmentier đã nhận thấy, của tòa nhà tiền tế (mandapa) thường xuất hiện phía trước các ngôi đền trung tâm của các khu tháp Chămpa, như các tòa nhà cột ở Đồng Dương và Pô Nagar (Tháp Bà Nha Trang). Còn hai kiến trúc nhỏ phía Tây thì là hai ngôi đền nhỏ mà ông H.Parmentier đã nhìn thấy dấu vết. Ngoài ra, theo chúng tôi, trong số hàng ngàn hiện vật đá đã được phát hiện trong ba đợt khai quật, cũng có không ít những tảng đá mà H.Parmentier đã gom lại bên ba ngôi tháp từ gần trăm năm trước.
Bộ phận bó chân bệ tháp Bắc và tháp Giữa (ảnh do nv cung cấp)
* Phát hiện mới và có ý nghĩa nhất cho việc nghiên cứu ba ngôi tháp Dương Long là gì thưa ông?
PGS. TS Ngô Văn Doanh: Có lẽ, theo chúng tôi, phát hiện mới và có ý nghĩa nhất cho việc nghiên cứu ba ngôi tháp Dương Long chính là những mảng bó nền tháp khổng lồ bằng đá (cao tới 2,30m). Và thật lý thú, hình dáng, cấu trúc và hoa văn trang trí của hệ thống bó nền của ba ngôi tháp lại khá là khác nhau. Bộ bó nền tháp Giữa không chỉ còn giữ lại được nhiều nhất và đầy đủ nhất mà còn có cấu trúc và được trang trí khác hẳn so với bộ bó nền của hai ngôi tháp hai bên. Ngoài phần chân khá cao để trơn, các mặt ngoài của bộ bó nền tháp Giữa đều được trang trí bằng một loạt băng trang trí: dưới cùng là băng hoa văn cánh sen kép nhọn, tiếp đến là ba băng cánh sen lớn ngửa và băng hình vú; trên dải hoa văn hình vú, lại xuất hiện hai băng hoa văn cánh sen ngửa lớn và một băng trang trí đặc biệt thể hiện những chiếc đầu Kala há miệng để một rắn Naga nhô đầu ra. Những chiếc đầu Kala trang trí bó nền tháp Giữa ở Dương Long này mang những nét của các đầu Kala thuộc phong cách Tháp Mắm rất rõ: không có hàm dưới; đôi tai và đôi sừng đã biến thành những nét trang trí và nhập vào chiếc băng nhỏ trang trí vây quanh đầu theo kiểu một vương miện; đường máng dưới mũi biến mất và nhập vào chiếc môi trên có hình dáng như một đường viền và được vẽ phỏng theo kiểu môi của người; những chiếc răng nanh làm khóe môi cong lên như thường thấy ở các phong cách trước đó đã kém phát triển hơn.
Mặc dù không còn lại đầy đủ và nhiều chỗ còn chưa hoàn thành, thế nhưng, qua những đoạn còn lại, có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt về cấu trúc, hình dáng và trang trí hệ thống bó chân nền của tháp Nam và tháp Bắc so với của tháp Giữa. Toàn bộ các mặt ngoài bộ bó chân bệ của hai ngôi tháp Nam và Bắc đều là các mặt phẳng được trang trí bằng các hình áp vuông bằng nhau với một phần thân vuông ở giữa và hai phần chân, đầu loe dần lên trên, xuống dưới thành hai hình đối xứng với nhau. Đặc biệt, góc của các mặt ngoài bộ bó nền ở tháp Nam và tháp Bắc không để trơn, mà được trang trí bằng những hình chim thần Garuda đang đứng trong một tư thế hùng dũng và mạnh mẽ: giơ hai tay lên trên, ưỡn ngực ra phía trước và đạp hai chân xuống con rắn Naga ở bên dưới. Tuy chưa hoàn thành, thậm chí còn đang ở dạng phác thảo, các hình Garuda ở các góc tường bó nền tháp Nam và tháp Bắc Dương Long, về cơ bản thuộc kiểu dáng có nhiều nét giống với các Garuda của Tháp Mắm và Hưng Thạnh: tư thế đứng thẳng, có kích thước béo mập, với tứ chi rất ngắn và một cái đầu rất lớn phỏng theo đầu của loài chim ăn thịt.
* Tháp Dương Long được đánh giá là “thuộc vào loại trái với lẽ thường”, cụ thể tháp Dương Long giống và khác đền tháp Chămpa truyền thống như thế nào?
PGS. TS Ngô Văn Doanh: Theo H.Parmentier, cái làm cho các tháp Dương Long này khác với mặt bằng thường lệ của các tháp Chămpa truyền thống, là do sự có mặt của ba cái khám lớn không sâu lắm bên trong; hơn nữa ở bên ngoài, do nguyên tắc dô ra của mỗi trụ ốp khi chúng càng tiến dần vào giữa. Kiểu cấu trúc này đã khiến các tháp có một mặt bằng vuông cạnh cong. Và kiểu mặt bằng này vẫn tiếp tục ở các tầng mái thu nhỏ dần ở bên trên. Do vậy cả khối tháp dễ chuyển sang hình dáng tròn ở đỉnh tháp. H.Parmentier cho rằng, đây là một kiếu cấu trúc hoàn toàn Cao Miên và cũng chính là nguyên tắc xây dựng của phần lớn các ngôi đền (prasat) Khơ Me. Ngoài ra, cũng theo H.Parmentier, còn nhiều chi tiết trang trí đã làm cho nghệ thuật đặc biệt này của các tháp Dương Long xích gần với nghệ thuật Cao Miên, đặc biệt là sự vắng mặt rất hiếm hoi của những hình điểm góc và những bộ phận trang trí góc của các tầng mái.
Tuy phỏng theo cấu trúc ngôi đền Khơme bằng đá thời kỳ Angco Vat (thế kỷ XII), nhưng mô hình của các tháp Dương Long vẫn là mô hình của một ngôi đền tháp Chămpa truyền thống: ngôi tháp vuông gồm phần thân lớn bên dưới và ba tầng nhỏ dần theo chiều cao ở bên trên; ngoài cửa chính ở phía Đông, còn có ba cửa giả lớn ở ba mặt tường kia của phần thân tháp; các tầng bên trên được làm phỏng theo hình dáng và cấu trúc phần thân bên dưới (vì là các tầng trên, nên cả bốn cửa ở bốn mặt từng tầng đều là cửa giả); ngoài cửa thật và cửa giả, các mặt tường đều có các cột ốp và bộ gờ nổi dọc trên mặt tường nằm giữa hai cột ốp. Ngoài ra, như thường lệ, các tháp Dương Long vẫn chủ yếu được xây bằng gạch. Và thật đặc biệt, những yếu tố kiến trúc Chăm của các tháp Dương Long lại đều được làm theo những kiểu thức của các tháp Chămpa phong cách Bình Định: cửa vòm trên các cửa (cửa ra vào và cửa giả) có ba lớp và có hình ngọn lao nhô lên; các cột ốp trơn, không có trang trí; khoang tường giữa hai cột ốp có phần trung tâm nổi cao… Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã xếp các tháp Dương Long vào nhóm các đền tháp Chămpa thuộc phong cách Bình Định (thế kỷ XII – XIII). Ngoài ra, trên cơ sở đối chiếu so sánh với kiến trúc và các chi tiết trang trí của các ngôi đền Khơme, các nhà nghiên cứu nhận thấy, ngoài kiểu dáng và cấu trúc ngôi đền thuộc phong cách Angco Vat ra, ở các tháp Dương Long còn có những hình sư tử đá đứng chống đỡ các góc diềm và chiếc mi cửa đá mô phỏng và sao chép lại của phong cách Bayon (cuối thế kỷ XII). Vì vậy, niên đại của các tháp Dương Long được xác định là cuối thế kỷ XII.
Chính sự kết hợp giữa bình đồ vuông với các cạnh nhô dần ra về phía trung tâm, mô hình tháp nhiều tầng (nhiều hơn tháp Chămpa một tầng) và sử dụng một số yếu tố kiến trúc bằng đá (bó nền, cửa giả) của kiểu đền tháp Khơme thế kỷ XII với mô hình tháp vuông và vật liệu xây dựng là gạch của truyền thống đền tháp Chămpa đã sản sinh ra những tòa tháp đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc ở Dương Long. Vì các cạnh của mặt bằng vuông nhô dần đều ra ngoài về phía bốn cấu trúc cửa ở giữa bốn mặt, vì số tầng tăng thêm và vì không có các tháp góc và các trang trí nhô ra từ các đầu góc các tầng, nên khác vẻ dáng bề thế và trang trọng của các tháp Chăm truyền thống, các ngôi tháp Dương Long có hình dáng gọn chắc và nhẹ nhàng trông như chiếc ngà voi thẳng hay như cây măng tre khổng lồ vươn cao lên trời xanh. Hơn thế nữa, màu đỏ nóng của gạch đỏ như làm cho cả ba ngôi tháp nở to thêm, vững chãi và hoành tráng thêm.
*Xin chân thành cảm ơn ông!
Hồng Nhung (thực hiện)