Trong phần “Cuộc chiến” công văn” (bài “Chuyện ít biết về Hà Nội: Hồ Gươm và những điều chưa kể”)[i], nhà văn - nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến viết một đoạn như sau:
“Sau khi chiếm trọn Hà Nội năm 1883, công sứ Pháp đầu tiên ở Hà Nội là Bonnal đã cho quy hoạch hồ Gươm. Tết năm 1893, họ tổ chức khánh thành con đường rộng 10 m quanh hồ. Sau đó cho trồng cây tạo cảnh và lấy bóng mát. Nhưng đến năm 1925, hội đồng thành phố ra nghị quyết lấp hồ. Lý do là “theo nguyện vọng của dân chúng Hà Nội muốn có một không gian rộng rãi để vui chơi, vì thế cần thiết phải mở rộng quảng trường Négrier” (nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục). Không thể di dời nhà dân vì làm như vậy kinh phí rất lớn nên chỉ còn cách lấp hồ. Hội đồng thành phố đã họp và thống nhất phương án lấp 20 m hồ ở phố Francis Garnier (Đinh Tiên Hoàng hiện nay) và 10 m ở phía tây (phố Lê Thái Tổ hiện nay) để trồng cây, làm tiểu cảnh.
Tháng 3.1925, dự án được thực hiện. Công việc đang tiến hành thì Viện Viễn Đông Bác cổ có công văn hỏa tốc gửi thống sứ Bắc kỳ, kiến nghị cho dừng vì lý do “phá hoại các di tích lịch sử ven hồ”. Ngay lập tức ngày 1.5.1925, Thống sứ Bắc kỳ J.Krautheimer có công văn gửi đốc lý Hà Nội yêu cầu tạm dừng nhưng Đốc lý Louis Frédéric Eckert vẫn cho san lấp. Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Léon Finot tức tối gửi tiếp công văn thông báo cho thống sứ: “Đốc lý Hà Nội vẫn tiếp tục lấp hồ”. Trong công văn gửi thống sứ, đốc lý Hà Nội cho rằng: “Nghị định của Toàn quyền Đông Dương giao quyền quản lý các di tích lịch sử cho Viện Viễn Đông Bác cổ vẫn chưa ký và chưa đăng trên công báo nên không thể áp dụng vào việc thành phố đang làm. Mặt khác, nếu nghị định được ký thì bờ hồ cũng không thể xếp vào di tích lịch sử”. Đốc lý Eckert yêu cầu thống sứ xóa bỏ lệnh cấm. Trước lý lẽ đó thống sứ Bắc kỳ đã cho phép thành phố tiếp tục công việc. Và Viện Viễn Đông Bác cổ cũng gửi công văn không chịu trách nhiệm về những gì thành phố đã làm, đồng thời yêu cầu thành phố thông báo những công việc tiếp theo là gì. San lấp xong, thành phố cho trồng cây, lát vỉa hè và diện tích hồ từ đó đến nay không thay đổi”.
Bài viết của Nguyễn Ngọc Tiến đã đem lại “hiệu ứng” có tính chất “dây chuyền” vì tính “giật gân” của tư liệu được dẫn chứng. Một loạt bài trên các trang mạng xã hội đã copy gần hết nội dung bài viết của Nguyễn Ngọc Tiến như “Những sự tích ở Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội”[ii], “Hà Nội còn một chút này”[iii], “Việc mở rộng đường ở Hồ Gươm”[iv]…chủ yếu để quảng bá cho du lịch Hà Nội.
Để tìm hiểu sự thật của “Cuộc chiến hồ sơ” được nhắc tới trong đoạn viết đó, chúng tôi đã khảo sát một số tài liệu trong năm 1925 của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và tìm thấy một hồ sơ của Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ có nội dung tương đối trùng sát với “Cuộc chiến hồ sơ”. Đó là hồ sơ số 73511/04 với tiêu đề “Về việc Viện Viễn đông Bác cổ Pháp chịu trách nhiệm bảo quản các công trình lịch sử phản đối việc lấp một phần Hồ Nhỏ (Petit Lac)[v] ở Hà Nội 1925”[vi].
Hồ sơ này gồm 8 văn bản, được bắt đầu bằng Công điện số 5537/A ngày 1-5-1925 của Thống sứ Bắc Kỳ René Robin gửi Đốc lý Hà Nội yêu cầu tạm thời ngừng tất cả các công việc lấp đất trên bờ của Hồ Nhỏ vì có sự phản kháng của Viện Viễn đông Bác cổ, cơ quan chịu trách nhiệm bảo quản các công trình lịch sử ở Đông Dương và kết thúc bằng công văn số 544 ngày 5-5-1925 của Giám đốc Viện Viễn đông Bác cổ gửi Thống sứ Bắc Kỳ tỏ rõ lập trường của mình về việc Thành phố tiến hành lấp đất trên bờ của Hồ Nhỏ và muốn biết thủ tục đã được Đốc lý tiến hành từ trước đối với các công việc tiếp theo, những việc có thể liên quan đến một trong những di tích lịch sử đã được xếp hạng của Thành phố.
Qua hồ sơ số 73511/04, chúng ta có thể tóm tắt diễn biến của vụ việc này như sau:
Ngày 1-5-1925, Giám đốc Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội Louis Finot gửi công văn số 526 lên Thống sứ Bắc Kỳ J.Louis René Robin phản ánh việc lấp đất trên vỉa hè ở đầu phía Bắc của Hồ Gươm dọc theo Đại lộ Francis Garnier[vii] và Đại lộ Beauchamps[viii] của Thành phố Hà Nội[ix] và yêu cầu người đứng đầu xứ Bắc Kỳ cho ngừng công việc lại vì khu vực đó có cụm công trình lịch sử đền Ngọc Sơn, trong đó có ngọn Tháp Bút, đang được Viện Viễn đông Bác cổ Pháp trình lên Toàn quyền Đông Dương để được phê chuẩn là một trong những công trình lịch sử trên toàn Đông Dương[x].
Cùng ngày 1-5-1925, ngay sau khi nhận được thư của Giám đốc Louis Finot, Thống sứ Bắc Kỳ René Robin đã lập tức gửi công điện số 5537/A cho Đốc lý Hà Nội yêu cầu tạm thời ngừng tất cả các công việc lấp đất trên bờ của Hồ Nhỏ.
: Công văn Khẩn (Urgent) số 793A ngày 2-5-1925 của Đốc lý Hà Nội Eckert gửi Thống sứ Bắc Kỳ trả lời công điện số 5537/A ngày 1-5-1925 của Thống sứ về việc ngừng tạm thời các công việc lấp đất ở Hồ Nhỏ (trang đầu). RST, hs: 73511/04.
Công văn Khẩn (Urgent) số 793A ngày 2-5-1925 của Đốc lý Hà Nội Eckert gửi Thống sứ Bắc Kỳ trả lời công điện số 5537/A ngày 1-5-1925 của Thống sứ về việc ngừng tạm thời các công việc lấp đất ở Hồ Nhỏ (trang cuối). RST, hs: 73511/04.
Hôm sau, ngày 2-5-1925, Giám đốc Viện Viễn đông Bác cổ Pháp gửi tiếp công văn số 526 cho Thống sứ Bắc Kỳ thông báo về việc đổ đất ở ven Hồ Nhỏ vẫn đang tiếp tục tiến hành.
Ngay trong ngày 2-5-1925, trong công văn khẩn số 793/A ngày 2-5-1925 trả lời công điện số 5537/A ngày 1-5-1925 của Thống sứ Bắc Kỳ về việc ngừng tạm thời các công việc lấp đất ở Hồ Nhỏ, Đốc lý Hà Nội Eckert cho rằng Nghị định mà Viện Viễn đông Bác cổ nhắc tới vẫn chưa được Toàn quyền Đông Dương ký và chưa được công bố trên Công báo nên không thể áp dụng vào việc mà Thành phố đã thực hiện ở bờ của Hồ Nhỏ. Mặt khác, nếu Nghị định đã được ký kết thì các bờ của Hồ cũng không thể xếp hạng như các di tích lịch sử được. Hơn nữa, Hồ Nhỏ trước kia chỉ như một cái ao mà ở đó người bản xứ vẫn đến câu cá hàng ngày và xung quanh hồ là các nhà lợp gianh của họ. Chính các công sở của Thành phố đã từng bước dọn quang Hồ và đem lại cho Hồ dáng vẻ như ngày nay.
Tuy trong công văn có đoạn viết: “Tôi hiểu rằng dân chúng ở Hà Nội lo lắng công việc[xi] có thể đe dọa đến tính cách và vẻ đẹp của Hồ Gươm, viên ngọc quý của Thành phố”[xii] nhưng người đứng đầu Thành phố vẫn yêu cầu Thống sứ bỏ lệnh cấm, cho phép tiếp tục công việc lấp đất tại Hồ Nhỏ vì công việc này “là một sự tôn trọng diện mạo sau này cho Thành phố và mang lại sự cải thiện thiết yếu cho đường sá của Hà Nội”.
Sau khi nhận được những lời giải thích của Đốc lý về công việc lấp đất ở Hồ Nhỏ, ngày 4-5-1925, Thống sứ Bắc Kỳ đã gửi Đốc lý Hà Nội công văn số 5625/A cho phép Thành phố tiếp tục công việc lấp đất ở phía bắc Hồ Nhỏ, bao quanh đại lộ Francis Garnier và đại lộ Beauchamp. Trong công văn, mục đích của việc này được xác định rõ: “Mục tiêu thiết yếu là gia cố các bờ hồ hiện đang bị đào bới và cho phép tiếp tục làm vỉa hè bao quanh, tôi cho rằng dự án đầu tiên được biểu thị bằng đường màu xanh lam từ bên kia rue Fellonneau[xiii] tới đại lộ Beauchamps phải được thực hiện độc lập”[xiv]. Mục tiêu này hoàn toàn trùng khớp với kế hoạch xây dựng, bảo dưỡng và lát gạch vỉa hè các đường phố Hà Nội trong hai năm 1924-1925 được nhắc tới trong biên bản các phiên họp Hội đồng Thành phố Hà Nội về các công việc chỉnh trang đường phố Hà Nội 1924-1925[xv].
Như vậy, mục đích của việc lấp đất một phần Hồ Nhỏ vì “theo nguyện vọng của dân chúng Hà Nội muốn có một không gian rộng rãi để vui chơi, vì thế cần thiết phải mở rộng quảng trường Négrier” mà Hội đồng Thành phố phải ra quyết định “lấp 20 m hồ ở phố Francis Garnier” và “10 m ở phía tây” là không chính xác, nếu không nói là sai về bản chất bởi nếu vậy thì diện tích Hồ Gươm đã bị thu hẹp lại và cầu Thê Húc sẽ trở thành cây cầu bắc trên mặt đất (!).
Cùng ngày 4-5-1925, sau khi nhận được giải thích của Đốc lý về công việc lấp đất ở Hồ Nhỏ, Thống sứ Bắc Kỳ đã gửi công văn số 5624/A cho Giám đốc Viện Viễn đông Bác cổ báo tin quyết định cho phép Thành phố tiếp tục công việc.
Một ngày sau khi nhận được công văn của Thống sứ, ngày 5-5-1925, Giám đốc Viện Viễn đông Bác cổ đã gửi công văn số 544 cho người đứng đầu xứ Bắc Kỳ bày tỏ ý kiến “sẵn sàng chấp nhận công việc mà Thành phố đang tiến hành để bảo vệ người dân trước những hiểm nguy mà họ gặp phải khi đi du lịch trên bờ Hồ Nhỏ”.
Mặc dù tỏ rõ lập trường của mình là “không kiểm soát công việc được thực hiện ở đó miễn là nó không ảnh hưởng đến di tích được xếp hạng”, Giám đốc Viện Viễn đông Bác cổ vẫn bày tỏ sự hoài nghi vì “liệu điều kiện này có được đáp ứng trong trường hợp hiện tại hay không”. Lý do của sự hoài nghi này được Giám đốc viết rõ trong thư: “Theo những gì tôi có thể nhận ra, đó không chỉ là vấn đề gia cố bờ[xvi] mà còn là việc mở rộng vỉa hè trên diện rộng, có khả năng dẫn đến những hậu quả cho Chùa[xvii] và khu vực xung quanh mà tôi sợ sẽ là đáng tiếc”[xviii].
Công văn số 544 ngày 5-5-1925 của Giám đốc Trường Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội Louis Finot gửi Thống sứ Bắc Kỳ (trang đầu). RST, hs: 73511/04.
Công văn số 544 ngày 5-5-1925 của Giám đốc Trường Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội Louis Finot gửi Thống sứ Bắc Kỳ (trang giữa). RST, hs: 73511/04.
Công văn số 544 ngày 5-5-1925 của Giám đốc Trường Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội Louis Finot gửi Thống sứ Bắc Kỳ (trang cuối). RST, hs: 73511/04.
Mặc dù trong hồ sơ số 73511/04 không có tài liệu giai đoạn sau đó nhưng chúng ta cũng có thể thấy rõ điều “đáng tiếc” mà Giám đốc Viện Viễn đông Bác cổ nhận thấy trong công văn gửi Thống sứ Bắc Kỳ số ngày 5-5-1925 đã không xảy ra vì chỉ hơn mười ngày sau, vào ngày 16-5-1925, Quyền Toàn quyền Đông Dương Monguillot đã ký Nghị định xếp loại các công trình lịch sử trên lãnh thổ Đông Dương vào danh mục các công trình lịch sử Đông Dương trong đó cụm di tích Đảo và quanh Hồ Nhỏ được quy định gồm Tháp Bút, Đài nghiên, Cầu gỗ ra đảo Ngọc Sơn (cầu Thê Húc), các công trình trong khu vực đảo Ngọc, tháp nhỏ hình bát giác được xây nhiều tầng ở giữa Hồ Nhỏ và một công trình nhỏ có ba gian nhìn ra Hồ Nhỏ[xix].
Với Nghị định ngày 16-5-1925 của Quyền Toàn quyền Đông Dương Monguillot, Thành phố Hà Nội bắt buộc phải điều chỉnh lại công việc đang tiến hành ở khu vực này, dẫn đến kết quả như chúng ta đã thấy ngày nay, đó là cụm di tích lịch sử ở phố Francis Garnier vẫn còn nguyên vẹn và cầu Thê Húc vẫn vắt qua một phần Hồ để dẫn vào đảo Ngọc.
Ngược lại thời gian đầu khi chính quyền thuộc địa thực hiện chính sách biến Hà Nội từ nhượng địa thành thành phố, chúng ta thấy rất rõ việc mở các con phố xung quanh Hồ Nhỏ còn có nhiều bất cập.
Trong quá trình mở con đường nối khu nhượng địa với khu vực Trường Thi và Hoàng thành cũ, khi xây dựng qua khu vực hồ Hoàn Kiếm, chính quyền thuộc địa quyết định giữ lại khu vực quanh Hồ Nhỏ với chiều rộng ít nhất là 20 mét (theo tinh thần của công văn số 399 ngày 3-11-1886 của Chánh Văn phòng Tổng Trú sứ Trung-Bắc Kỳ gửi Thống sứ Bắc Kỳ)[xx]. Nhưng vì nhiều lý do trong đó có việc đền bù cho các chủ sở hữu có nhà bị trưng dụng để làm đường nên cuối cùng con đường này chỉ được mở với chiều rộng là 10 mét[xxi].
Đại lộ Francis Garnier là một trong những phố được xây dựng đầu tiên, có quyết định xây dựng từ năm 1884 với tên gọi ban đầu là đại lộ quanh Hồ Nhỏ (boulevard autour du Petit Lac) hoặc đại lộ Hồ Nhỏ (boulevard du Petit Lac) hay đại lộ ven Hồ (có sách gọi là phố ven Hồ - boulevard du Lac), nhưng đến tháng 4-1885 mới được phác thảo và khoảng trước năm 1891 mới được bắt đầu xây dựng. Tuy nhiên, khi được mở đến đoạn có cụm di tích đảo Ngọc ở quanh Hồ Nhỏ thì con đường không được mở đúng theo chiều rộng 10 mét như đã quyết định bởi có sự tồn tại của đền Bà Kiệu ở phía đối diện. Giả sử Thành phố Hà Nội có ý định mở rộng đoạn đường này nhân việc thực hiện kế hoạch xây dựng, bảo dưỡng và lát gạch vỉa hè các đường phố Hà Nội năm 1925 như một việc đã rồi (điều này cũng đã được Giám đốc Louis Finot đã đoán trước) và như vậy thì số phận của ngọn Tháp Bút chắc chắn sẽ bị đe dọa. Nhưng điều đó đã không xảy ra vì có sự can thiệp quyết liệt của Viện Viễn đông Bác cổ Pháp mà bằng chứng là sự ra đời của Nghị định ngày 16-5-1925 của Quyền Toàn quyền Đông Dương Monguillot.
Sự việc được lặp lại đúng vào mười hai năm sau. Năm 1937, cũng với lý do mở rộng đường, Thành phố có ý định chuyển đền Bà Kiệu đi nơi khác và cũng được sự ủng hộ của Thống sứ Bắc Kỳ thì Viện Viễn đông Bác cổ lại vào cuộc[xxii]. Bằng công văn số 3197 ngày 7-9-1937 gửi Thống sứ Bắc Kỳ, Giám đốc Viện Viễn đông Bác cổ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử đối với đền Bà Kiệu ở giữa đại lộ Francis Garnier và Hồ Nhỏ vì công trình này có giá trị về mặt kiến trúc mà mặt chính của nó được xây theo kiểu Trung Hoa. Đề nghị này của Viện Viễn đông Bác cổ đã không nhận được sự ủng hộ của Đốc lý Hà Nội vì Đốc lý không thừa nhận giá trị về mặt kiến trúc của đền Bà Kiệu còn Thống sứ Bắc Kỳ thì cho rằng nếu Viện Viễn đông Bác cổ góp một phần kinh phí vào việc di dời đền để mở rộng đường thì Thành phố sẽ đồng ý xếp hạng di tích lịch sử cho đền Bà Kiệu[xxiii].
Mặc dù thiếu tài liệu để chứng minh giải pháp đó có được thực hiện hay không song sự tồn tại của đền Bà Kiệu ngày nay cho thấy sự can thiệp của Viện Viễn đông Bác cổ trong việc giữ gìn một di sản của Hà Nội ở quanh Hồ Gươm đã thành công. Kể từ năm 1937 tới nay, Hồ Gươm cùng các di tích ven Hồ, bao gồm cả đền Bà Kiệu ở bên đối diện, vẫn sừng sững uy nghi cùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
[i] https://thanhnien.vn/chuyen-it-biet-ve-ha-noi-ho-guom-va-nhung-dieu-chua-ke-185694998.htm 14/09/2017
[iii] https://home.vn/thread/ha-noi-con-mot-chut-nay.351843721003805. Đây vốn là tên cuốn sách của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, phát hành năm 2021. Bài viết trong đường link cũng là một phần bài “Vì sao gọi là Bờ Hồ” từ trang 60-65 trong cuốn sách này.
[v] Tức Hồ Gươm.
[vi] Fonds de la Résidence supérieure du Tonkin (RST), hs: 73511/04. Au sujet de l’Ecole Française d’Extrême-Orient, chargée de la conservation des monuments historiques contre les travaux de comblement d’une partie du petit Lac, Hanoï 1925.
[vii] Phố Đinh Tiên Hoàng.
[viii] Phố Lê Thái Tổ.
[ix] Thực hiện bởi Sở Quản lý Đường bộ Thành phố Hà Nội (Service de la Voirie municipale de Hanoï). Theo Nghị định ngày 3-7-1896 của Toàn quyền Đông Dương A. Rousseau, Sở quản lý Đường bộ chịu trách nhiệm thực hiện việc xây dựng hè phố trong Thành phố Hà Nội. RST, hs: 79024.
[x] Vào thời điểm này, Đền Ngọc Sơn cùng đài Tháp Bút đã là một trong bảy công trình đã được xếp hạng trong danh mục các công trình lịch sử ở Đông Dương theo Nghị định ngày 24-11-1906 của quyền Toàn quyền Đông Dương Destenay. JOIF, 1906, tr. 1816.
[xi] Tức công việc đắp đất đang tiến hành ở khu vực có ngọn Tháp Bút.
[xii] Nguyên văn tiếng Pháp “Je comprends que les habitants d’Hanoi s’inquiètent de travaux qui pourraient menacer le caractère et la beauté du Petit Lac, joyau de la Cité”.
[xiii] Phố Lò Sũ.
[xiv] Nguyên văn trong tài liệu: “Le but essentiel étant de consolider les rives actuellement affouillées et de permettre la continuation du trottoir de ceinture, j’estime que le 1re projet tel qu’il est indiqué par le trait bleu plain depuis le travers de la rue Fellonneau vers l’avenue Beauchamps doit seul exécuté” (trong hồ sơ số 73511/04 có kèm theo một bản sơ đồ quy hoạch đại lộ Francis Garnier, khu vực giữa phố Philarmonique (phố Hồ Hoàn Kiếm) và quảng trường Négrier (khu vực quanh đài phun nước Bờ Hồ hiện nay), vẽ trên giấy can với tỷ lệ 1/500).
[xv] Fonds de la Mairie de Hanoï (MHN), hs: 4187. Extraits des procès-verbeaux du Conseil municipal de Hanoï concernant la construction, l’entretien et le carrelage des troittoirs des rues de la Ville de Hanoï 1924-1925 (Trích biên bản các phiên họp Hội đồng Thành phố Hà Nội liên quan đến xây dựng, bảo dưỡng và lát gạch vỉa hè các đường phố Hà Nội 1924-1925).
[xvi] Bờ của Hồ Nhỏ.
[xvii] Đền Ngọc Sơn.
[xviii] Nguyên văn tiếng Pháp: “Autant que j’ai pu m’en rendre compte, il ne s’agit pas seulement d’une consolidation, mais d’une large extention de la berge, susceptible d’entrainer pour la Pagode et ces abords des conséquence que je crains regrettble”.
[xix] Arrêté du 16 Mai 1925 của Gouverneur général de l’Indochine p.i portant le classement les immeubles et objets divers situés dans les limites territoriales indochinoises parmi les monuments historiques de l’Indochine. MHN, hs: 3713.
[xx] RST, hs: 5830.
[xxi] Theo Quyết định ngày 22-8-1886 của Phó Công sứ (Vice-Résident) ở Bắc Kỳ. Tạp chí Người dẫn đường xứ Bảo hộ Trung-Bắc Kỳ (Moniteur de l’Annam et du Tonkin), 1886, tr. 174-276.
[xxii] Lúc này Giám đốc Viện Viễn đông Bác cổ Pháp đã trở thành một trong năm thành viên của Uỷ ban quy hoạch, làm đẹp và mở rộng thành phố ở trung ương theo Nghị định ngày 21-9-1931 của Toàn quyền Đông Dương. JOIF, 1931, No 78, p. 3202.
[xxiii] RST, hs: 73514/02.
TS. Đào Thị Diến