Công sứ: Ông Richard
Dân số: 600.000 người An Nam
Đơn vị hành chính:
Bốn phủ: Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Mỹ Đức.
Mười huyện: Từ Liêm, Đan Phượng, Vĩnh Thuận, Thượng Phúc, Thanh Trì, Phú Xuyên, Sơn Lãng, Thanh Oai, Yên Đức, Chương Mỹ.
Số tổng: 100. Số xã: 775.
Tỉnh lỵ: Cầu Đơ.
Tòa Công sứ Cầu Đơ - tỉnh lỵ của tỉnh Hà Nội
Vị trí địa lý: Tỉnh Hà Nội tiếp giáp các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam và Sơn Tây.
Diện tích tỉnh Hà Nội xấp xỉ 1.300 km². Thế đất bằng phẳng, trừ một vài điểm hơi cao ở những nhánh núi cuối cùng của sông Đà. Những nhánh núi này đã biến mất khi đến địa phận tỉnh Hà Nội và tạo thành vùng đất mấp mô duy nhất tại đây.
Con sông Hồng chịu tác động của thủy triều tới tận Hà Nội. Lòng sông rộng, sâu và nhiều cát, đôi khi gây cản trở việc đi lại trên sông.
Hà Nội nằm trong vùng đồng bằng châu thổ, nghĩa là được hình thành từ các lớp phù sa do sông ngòi bồi đắp. Những lớp đất bồi này đã đẩy lùi biển ra xa có lẽ là nguyên nhân duy nhất hình thành nên các tỉnh đồng bằng.
Đất đai của tỉnh Hà Nội vô cùng màu mỡ, nặng, nhiều đất sét, có sắc đỏ nhạt.
Người An Nam trồng nhiều lúa. Ngoài ra, họ còn trồng ngô, lạc, đậu Hà Lan, đậu tương, thầu dầu, trầu, cau, mía, tre, dâu để nuôi tằm...
Các đồn điền của người Âu được khai thác triệt để và mang lại những kết quả tuyệt vời. Sự hiện diện của Hà Nội đã tạo điều kiện cho người dân xung quanh dễ dàng tiêu thụ các sản phẩm của mình, đặc biệt là các loại rau củ như khoai lang, cà rốt, súp lơ, măng tây...
Ngành kỹ nghệ rất phát triển và hầu hết đều tập trung ở Hà Nội hoặc những vùng lân cận.
Thợ khảm, thợ thêu, thợ gốm, thợ làm xoong chảo, thợ rèn, thợ gạch đã tìm được thị trường tiêu thụ tại thủ đô của Bắc Kỳ, nơi nhiều dân buôn khéo léo đã tới làm ăn tại đây.
Phu xe kéo tại Hà Nội
Ngày nay, xe kéo tay được sử dụng rộng khắp và có xu hướng thay thế hình thức vận chuyển bằng cáng vì tiện lợi hơn. Những con đường đẹp trải dài khắp tỉnh, cho phép phương tiện hạng nhẹ này dễ dàng lưu thông.
Các công trình công ích trên địa bàn được đẩy mạnh với quy mô lớn.
Toàn bộ đê điều được gia cố để chống ngập lụt. Những con đê này là những lũy đất dày và đồ sộ, có khả năng ngăn lũ hàng năm. Trong trận lũ năm 1891, các lũy đất này bị sạt lở nghiêm trọng và phải sửa chữa lại toàn bộ.
Tại làng Dai Ho[1], một công trình thủy lợi lớn đã được xây dựng và người bản xứ đánh giá cao những lợi ích mà nó mang lại.
Xung quanh Hà Nội, hàng loạt đồn điền mọc lên trên các tuyến đường.
Cầu Đơ là tỉnh lỵ hiện nay của tỉnh Hà Nội.
Mới đây, Tòa Công sứ đã được xây dựng. Các khu định cư của người Âu được tập hợp lại với nhau, và Cầu Đơ ngày càng giữ vai trò quan trọng.
Một con đường nối liền Hà Nội - Cầu Đơ, và phải qua sông Nhuệ, song hiện nay đã có một cây cầu xinh xắn dài 37 mét nối đôi bờ, nằm ở lối vào Cầu Đơ từ hướng Hà Nội.
Một người dân bản xứ cưỡi ngựa khi di chuyển trong làng
Chính quyền bản xứ quản lý người An Nam dưới sự kiểm soát của Công sứ tỉnh, người giám sát việc tổ chức các công việc liên quan đến thuế, tư pháp, giáo dục, v.v.
Giống như ở những nơi khác, các đơn vị hành chính của tỉnh Hà Nội bao gồm: phủ, huyện, v.v..
Tỉnh Hà Nội này từ lâu đã trở thành nơi diễn ra những cuộc giao tranh đẫm máu. Nhiều người Pháp từng bỏ mạng tại đây như Françis Garnier, Balny d'Avricourt, Henri Rivière, v.v.
Tương lai của tỉnh Hà Nội hứa hẹn sẽ có nhiều triển vọng tốt đẹp. Thương mại và kỹ nghệ phát triển từng ngày cùng với việc kiến tạo hệ thống đường giao thông thuận tiện cũng như các cơ sở kinh doanh. Các tuyến đường sắt xuyên qua tỉnh sẽ trở thành một nguồn an sinh cho lực lượng lao động. Hi vọng rằng trong tương lai, những tuyến đường này sẽ trở thành nguồn của cải quý giá đối với các nhà canh nông và kỹ nghệ khi họ dễ dàng tìm được phương tiện vận chuyển hàng hóa của mình.
Nguồn: Xứ Bắc Kỳ năm 1900 của Robert Dubois.
[1] Chúng tôi chưa xác minh được tên địa danh - ND.
Hoàng Hằng