Tỉnh Sơn La ngày nay, nguồn: sưu tầm
Vị trí và diện tích. Địa giới tỉnh Mường Sơn La, một trong những tỉnh lớn nhất Bắc Kì được xác định như sau: phía Bắc giáp với Sip Song Pan Nah và Vân Nam; phía Nam giáp tỉnh Thanh Hoá (Trung Kì); phía Tây giáp vương quốc Luangprabang (Lào); phía Đông giáp đạo quan binh IV.
Dân cư. Người Thái chiếm khoảng 10.000 người, là lực lượng dân số chính của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Sơn La còn có 2.000 người Hoa, 5.000 người Xá và 9.000 người Mèo, có rất ít người Việt sinh sống tại đây.
Đường giao thông. Mặc dù sông Đà Giang (sông Bờ) là tuyến đường thuỷ rất khó lưu thông song có thể nói đây vẫn là tuyến đường duy nhất nối tỉnh Sơn La với vùng châu thổ Bắc Kì. Tại đây, người ta chỉ có thể đi lại bằng thuyền độc mộc nhưng với tốc độ khá chậm, mệt nhọc, đôi khi lại nguy hiểm. Vào mùa mưa lũ từ tháng 7 dến cuối tháng 9, việc lưu thông trên con sông này hoàn toàn bị ngưng trệ.
Để tới Sơn La, người ta phải đi qua Sơn Tây, Việt Trì và Chợ Bờ. Trong bản chỉ dẫn về Bắc Kì, chúng tôi đã chỉ rõ điều kiện mà chuyến hành trình được thực hiện bằng tàu hơi nước của Công ty Vận tải đường sông. Tại Chợ Bờ, du khách sử dụng thuyền độc mộc, tạo thành đoàn người rời Chợ Bờ để tới Ta Bu vào ngày hôm sau qua Vạn Yên nơi đặt nhiệm sở của Quan cai trị-Công sứ Pháp ở Sơn La.
Sau đó, đoàn người tiếp tục lên đường tới Lai Châu, điểm cuối cùng của chuyến hành trình trên sông Đà Giang; và từ điểm này tại Điện Biên Phủ (Mường Then), còn có một tuyến đường bộ dẫn tới Luang Prabang.
Tỉnh Sơn La có sông Đà Giang (sông Bờ) chảy qua. Sông này từ Lai Châu chảy xuống nơi mà những con thuyền độc mộc nhỏ bé có thể ngược lên tới tận Bắc Tan Trại (biên giới Trung Quốc). Đây là con đường được các đoàn người Trung Quốc sử dụng là chủ yếu.
Trên thực tế, có khá nhiều tuyến đường bộ dành cho xe ngựa, tuy nhiên, do thiếu nhân công nên khả năng giao thông trên những tuyến đường này thường xuyên không được đảm bảo. Đó là các tuyến đường sau:
– Tuyến Lai Châu – Điện Biên Phủ, nối vùng thượng Nậm Tè với Tây Lào và Sip Song Panh Nah. Chuyến hành trình kéo dài 4 ngày còn lộ trình từ Điện Biên Phủ tới Luang Prabang là 8 ngày.
– Tuyến Lai Châu – Mường Hou (Lào)
– Tuyến Lai Châu – Lào Cai
– Tuyến Lai Châu – Sơn La (được người Hoa sử dụng nhiều nhất)
– Tuyến Mường Hét – Ta Khoa kéo dài tới Lai Châu, Lai Sơn và Sơn La
– Tuyến Vạn Yên – Hưng Hoá.
Sản vật. Điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh Sơn La không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, song ẩn chứa trong những cánh rừng đại ngàn lại là vô số nguồn tài nguyên quý giá. Tuy nhiên cho đến nay, việc khai thác lâm sản còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân: dân bản xứ lười biếng; hệ thống đường giao thông tuyệt đối không có và khí hậu độc hại nên rất ít người Âu có thể lưu trú lâu dài tại đây.
Điều kiện khí hậu trên các đỉnh núi thì thuận lợi hơn song có lẽ còn lâu người ta mới có thể sống được tại đây do hệ thống giao thông liên lạc chưa có.
Người dân Sơn La, nhất là người Mèo rất chăm chỉ trong việc chăn nuôi. Họ thường đem gia súc có sừng xuống Đạo quan binh 4 để bán và mang lợn qua Chợ Bờ để bán cho các tỉnh Bắc Kì.
Khu vực Vạn Bú của tỉnh Sơn La là vùng đất chứa nhiều mỏ quặng. Tại đây, người ta phát hiện thấy nhiều mỏ vàng, quặng thiếc, đồng, kẽm và có cả xaphia nữa.
Tỉnh lị và các châu. Tỉnh lị Sơn La cách Hà Nội 250 km và cách Hải Phòng 350 km.
Tỉnh Sơn La được chia làm:
– 9 châu: Sơn La (4 xã), Yên (3 xã), Tuần Giáo (3 xã), Tuần (5 xã), Mai Sơn (5 xã), Thân (5 xã), Mộc (6 xã), Phú Yên (5 xã) và Điện Biên Phủ (14 xã).
– 2 trung tâm hành chính Vạn Yên và Điện Biên Phủ.
Châu Mộc và châu Phú Yên thuộc trung tâm hành chính Vạn Yên. Châu Điện Biên Phủ thuộc trung tâm hành chính Điện Biên Phủ.
Hoàng Hằng, Nguyễn Sinh