08:39 AM 16/04/2018  | 

Sử sách đã ghi chép rất cụ thể về Luật hồi tỵ triều Nguyễn với những qui tắc khắt khe, triệt để. Trong quá trình khảo sát tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, chúng tôi đã tìm thấy gần 50 văn bản tài liệu gốc về Luật hồi tỵ trong khối Châu bản triều Nguyễn. Các văn bản trên đều được viết bằng chữ Hán-Nôm trên giấy dó, có bút tích ngự phê của Hoàng đế. Đây là minh chứng tiêu biểu và xác thực nhất khi nghiên cứu lịch sử, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

Để quản lý, giám sát quan lại nhằm hạn chế tiêu cực và ngăn chặn tệ nạn quan liêu cát cứ, từ xa xưa, tiền nhân đã đặt ra nhiều qui định chặt chẽ về chế độ quan lại trong đó “Luật hồi tỵ” được coi là một trong những qui định quan trọng.

Luật hồi tỵ (“Hồi” (回) nghĩa là trở về, “tỵ” (避) là né tránh), với ý nghĩa ban đầu để tránh việc quan lại trở về chốn xuất thân làm quan. Từng thời kỳ, từng quốc gia khi áp dụng “Luật hồi tỵ” lại có những thay đổi cho phù hợp song đều nhằm một mục đích là ngăn ngừa tệ tham nhũng của quan lại, giúp chính quyền trung ương tập quyền kiểm soát quyền lực

Luật hồi tỵ xuất hiện sớm nhất vào thời nhà Tùy (Trung Quốc). Theo đó, các quan lại ở địa phương khoảng 3,4 năm sau đó được bổ nhiệm ở nơi khác, không được mang theo người thân (cha, mẹ, con cái trên 15 tuổi).

Ở Việt Nam, Luật hồi tỵ được ban hành lần đầu tiên dưới thời vua Lê Thánh Tông, thể hiện rõ nét nhất trong Lê triều Hình luật (hay còn gọi là Luật Hồng Đức) qui định đối với các quan đứng đầu bộ máy chính quyền, trong đó chú trọng nhất là cấp xã. Vua Lê Thánh Tông cho rằng, “quan xã” là những người dễ bị ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ gia đình, làng mạc nên khó giữ được sự công tâm trong công việc. Vì vậy, quan lại không được bổ nhiệm tại quê hương, không được lấy vợ hoặc thiếp ở địa phương mình đang tại vị. Qui định này vẫn được duy trì và hoàn thiện đến triều Minh Mệnh và các triều vua sau đó.

Trong quá trình khảo sát tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, chúng tôi đã tìm thấy gần 50 văn bản tài liệu gốc về Luật hồi tỵ trong khối Châu bản triều Nguyễn. 

Triều đại

Số lượng văn bản

Minh Mệnh

3

Thiệu Trị

5

Tự Đức

25

Thành Thái

4

Duy Tân

7

Bảng thống kê số lượng văn bản về Luật hồi tỵ trong khối Châu bản triều Nguyễn 

Một số nội dung của Luật hồi tỵ được lịch sử ghi chép rằng:

Các khảo quan (quan coi thi, chấm thi) có người thân thích dự thi ở trường mình thì phải báo lên cấp trên để tránh đi. Nếu cố tình không khai báo sẽ bị trọng tội vì cố ý làm trái

Tờ 195 tập 1 Minh Mệnh, Châu bản triều Nguyễn có bút phê của vua Minh Mệnh là một minh họa cho qui định này:

 anh1

 

Châu bản Minh Mệnh, tờ 195, tập 1

“Các quan Khâm sai trường thi Hội tâu: Thư lại ty Thanh lại Bộ Hộ là Nguyễn Thừa Tín nguyên sung Đằng lục, có con là Hương cống Nguyễn Thừa Giảng vào dự thi mà (viên ấy) không xin hồi tỵ. Chúng thần đã bắt Nguyễn Thừa Tín, giao cho viên Tuần sát ngoài trường thi giam giữ.

Châu phê: Nguyễn Thừa Tín giao cho Bộ Lại tra xét, chức vụ hiện khuyết giao cho Bộ Hộ nhanh chóng chọn người khác thay, đưa vào trường thi làm việc.

Ngày 28 tháng 3 năm Minh Mệnh 3”

Quan lại không những không được làm quan ở nơi trú quán mà còn không được làm quan ở quê vợ, quê mẹ, thậm chí cả nơi học tập lúc còn nhỏ

Thần Nguyễn Cấp tâu: Ngày 3 tháng này, kính vâng minh dụ: Thự Bố chánh sứ Bình Định Nguyễn Văn Cấp, cho đổi là Nguyễn Cấp, điều đến làm thự Bố chánh sứ Quảng Trị. Thần kính xét, ngày tháng 5 năm ngoái, phụng Thượng dụ: Bố chánh, Án sát đều là chức vụ quan lớn ở một nơi rất quan trọng. Truyền từ nay về sau, phàm Đình thần đề cử, trừ là quê chính, theo lệ nên hồi tỵ (né tránh) ra, còn lại dù không phải là quê chính, mà có ngụ cư hoặc quê mẹ, quê vợ và lúc nhỏ học ở đó thì phải làm tập tâu rõ đợi chỉ. Thần nguyên khi làm việc ở Kinh, đã lấy người tỉnh Quảng Trị là Nguyễn Thị Tình làm vợ. Vậy thì tỉnh đó là quê vợ. Nay thần chịu ơn được điều đến giữ chức hàm ở tỉnh đó (Quảng Trị), thần không dám im lặng. Châu phê: Sẽ có chỉ riêng

Ngày 28 tháng 11 năm Minh Mệnh 19[1]

 

 anh2 

Châu bản Minh Mệnh, tờ 203, tập 74

Bộ Lại tâu: Thự Tuần phủ Trị Bình Nguyễn Đình Hưng dâng sớ trình bày: Chức Lại mục huyện Hải Lăng đang khuyết, xét thấy Phan Khắc Lưu là người mẫn cán, có thể bổ làm Lại mục huyện ấy. Nhưng viên ấy quê quán tại huyện này, theo luật phải hồi tỵ, xin điều bổ làm Lại mục huyện Minh Linh. Lại mục huyện Minh Linh xin điều bổ làm Lại mục huyện Hải Lăng. Bộ thần vâng xét thấy đã thỏa đáng. Cung nghĩ phụng chỉ: Chuẩn y tập tấu. Châu điểm.

Ngày 2 tháng 12 năm Thiệu Trị 6” [2]

 anh3

 

Châu bản Thiệu Trị, tờ 312, tập 36

Các lại dịch, nha môn ở các Bộ, kinh đô và các tỉnh là con, anh em ruột, anh em con chú, con bác thì phải tách ra, đổi bổ đi nơi khác

“Hộ lý quan phòng Tuần phủ Hưng Yên, Thự Bố chánh sứ Nguyễn Hữu Tố kính tâu: Nay căn cứ tờ bẩm của Thí sai kinh lịch ty Án sát sứ thuộc tỉnh là Ngô Huy Thiêm trình rằng: Viên đó cùng Chánh bát phẩm Thư lại ty Bố chánh sứ Ngô Huy Xuyên vốn là anh em ruột, vào tháng 12 năm ngoái viên ấy được bổ Thí sai kinh lịch, viên ấy là thủ lãnh còn em là Ngô Huy Xuyên hàm Bát phẩm, vậy nên chăng cho hồi tỵ, bẩm xin thẩm xét. Chúng thần phụng xét tháng 6 năm Thiệu Trị 7 Đình thần duyệt bàn một tập tâu xin tránh né đã vâng bàn chuẩn định, trong đó có điều khoản: Các nha môn hai ty Bố chánh, Án sát  thuộc tỉnh đều có chuyên trách. Trong đó ấn quan ở hai ty đó và các người tá lãnh, phàm công việc có mối quan hệ lẫn nhau nên cho tránh né. Nay người em hiện nhận hàm Bát phẩm thư lại mà viên ấy lại làm Thí sai kinh lịch, không dám coi thường. Xin kính cẩn tâu trình rõ ràng. Về Ngô Huy Thiêm, Ngô Huy Xuyên có nên cho tránh né, cúi đợi Thánh chỉ.

Phụng chỉ: Chuẩn cho Ngô Huy Xuyên tránh né, chuyển cho tỉnh Nam Định bổ nhiệm vào chức khuyết.

Ngày 11 tháng 9 năm Tự Đức 1” [3]

Người có quan hệ thông gia, thầy trò không được làm quan cùng một địa phương

“Ngày 16 tháng này tiếp nhận tờ tư của Đốc thần Hải Yên Phan Tam Tỉnh trình bày: Huyện viên huyện Tiên Minh là Chu Duy Tĩnh bẩm rằng huyện ấy thuộc phủ Nam Sách kiêm quản, viên Tri phủ mới là Nguyễn Khắc Phổ có quan hệ thông gia với viên ấy, theo lệ phải né tránh, bẩm xin giải quyết. Quan tỉnh ấy trộm xét, viên này làm việc ở huyện ấy lâu năm, việc quan và dân đều yên ổn. Chu Duy Tĩnh nghĩ nên lưu lại huyện ấy làm việc. Bộ thần vâng tra lệ định năm Thiệu Trị 4 nghĩ nên cho viên đó được né tránh, xin đem viên ấy cải bổ Tri huyện Lập Thạch. Còn thiếu Tri huyện huyện Tiên Minh xin do bộ thần sẽ chọn cử bổ sung. Châu điểm.

Ngày 24 tháng 10 năm Tự Đức 22” [4]

Bản tấu ngày 22 tháng 12 năm Tự Đức 32: “Thần là Hồ Trọng Đình tâu: Nay theo Ngự sử đạo Định Yên của bản viện là Trần Chí Tín trình rằng: Xét thấy lệ định là quan viên lớn nhỏ trong ngoài Kinh đô nếu như trong cùng 1 nha, người nào theo học mà tình nghĩa thầy trò mật thiết thì đều lệnh cho né tránh. Nay Chưởng ấn Hình khoa Nguyễn Liên đã là thầy giáo của viên ấy nên xin né tránh. Thần đã sức cho cứu xét là đúng sự thực. Nhưng chiểu theo lệ khoa đạo viện thần là được tự ý kết họp với nhau kiểm soát, xét thấy có khác với các nha khác. Về viên ấy nên chuẩn cho né tránh hay nên lưu lại viện. Dám xin tâu trình chờ chỉ. Châu điểm.”[5]

Tuy nhiên, một số qui định của Luật hồi tỵ đã được thay đổi cho phù hợp. Đó là dưới triều Tự Đức, những người dự thi có quan hệ ruột thịt mới phải né tránh còn “anh em của vợ lẽ” thì không cần áp dụng: “Đình thần ban Văn phúc trình: Hôm qua nhận được tờ phiến của quan khoa đạo Lê Lượng do Nội các sao lục trình bày: Vâng sung làm Chủ khảo trường thi Thừa Thiên là Lê Dụ, khoa này có người em vợ lẽ vào dự thi sợ rằng có chút liên quan, khẩn thiết xin chọn cử người khác để giữ nghiêm qui định trường thi. Vâng châu phê: Giao đình thần xem xét, giải quyết. Chúng thần tuân lệnh họp bàn xét duyệt lại. Trộm xét thấy trong điều lệ thi Hương có ghi: Phàm có người thân là anh em thúc bá, chú bác đồng đường và con cháu anh em vào dự thi thì chuẩn cho né tránh. Còn như anh em vợ lẽ thì không thấy đề cập đến. Viên phủ thần Lê Dụ xin tuân theo chỉ trước, vẫn sung làm Chủ khảo trường thi ấy để kịp kì thi. Châu điểm[6]

Luật hồi tỵ cũng không áp dụng đối với người cùng Tôn thất: “Bộ Binh tâu: Tháng 4 năm nay, tiếp nhận tờ tư của tỉnh thần Thanh Hóa Tôn Thất Giao trình về việc Thành thủ úy tỉnh ấy là Tôn Thất Lục và pháo thủ tam đội Tôn Thất Cật có quan hệ chú cháu, theo lệ nên cho hồi tỵ, tư lên để giải quyết. Bộ thần vâng mệnh xét lệ định, trong đó có một khoản: Nếu như trong nha nào ai có quan hệ thân thích từ để tang trở lên đều lệnh cho hồi tỵ. Nay Tôn Thất Cật và Tôn Thất Lục có quan hệ chú cháu, tuy nhiên hai viên này là người trong Tôn thất, chẳng như người thường. Vì thế Tôn Thất Cật có nên chiếu theo lệ cho hồi tỵ về bổ đổi bổ hay không? Châu điểm.”[7]

Khảo cứu những vấn đề lịch sử, trân trọng những giá trị từ trong quá khứ, chắt lọc để phát huy, hơn lúc nào hết “Luật hồi tỵ” là một bài học sâu sắc trong công cuộc phòng chống tham nhũng, thanh lọc bộ máy tổ chức cán bộ hiện nay. 

 

[1] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mệnh, tờ 203 tập 74.

[2] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Thiệu Trị, tờ 312, tập 36.

[3] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức, tờ 145, tập 6.

[4] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức, tờ 276, tập 209.

[5] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức, tờ 245, tập 331.

[6] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức, tờ 228, tập 222.

[7] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức, tờ 270, tập 176.

HẢI YẾN Trung tâm lưu trữ quốc gia I