Mặt tiền Học viện Quốc gia Hành chính trên đường Alexandre de Rhodes, Sài Gòn
* Về cơ cấu tổ chức
Trường Quốc gia Hành chính đặt dưới quyền điều hành trực tiếp của Bộ Quốc gia Giáo dục với hạn học là 2,5 năm. Giúp việc cho Trường là Hội đồng hoàn bị và Hội đồng giáo sư.
– Hội đồng hoàn bị có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất các phương án khuếch trương Trường Quốc gia Hành chính về phương diện trường sở, dụng cụ, học cụ cùng các vấn đề liên quan đến việc cải thiện nhà trường.
– Hội đồng giáo sư có nhiệm vụ: quyết định về kỷ luật học đường, thưởng phạt sinh viên; nghiên cứu chương trình giảng dạy, đề nghị sửa đổi, soạn thảo các chi tiết; nghiên cứu các vấn đề khác do Hiệu trưởng giao.v.v…
* Điều kiện nhập học
Để được nhận vào Trường, sinh viên phải có đủ các điều kiện sau:
– Mang quốc tịch Việt Nam;
– Có bằng Tú tài II trở lên;
– Độ tuổi từ 20 đến 28 tính đến ngày 31/12 của năm nhập học;
– Hạnh kiểm tốt và chưa từng can án;
– Có đủ sức khoẻ để làm việc;
– Cam kết làm việc trong Chính phủ trong thời hạn ít nhất 10 năm sau khi tốt nghiệp.
Những công chức chính ngạch, hợp đồng hay công nhật, tuổi từ 20 đến 30 có thâm niên công tác tối thiểu 2 năm và có lý lịch tốt, có thể xin dự thi tuyển sinh nếu có văn bằng Tú tài I và được tuyển thẳng vào trường nếu có bằng Tú tài II.
Kỳ thi tuyển sinh được tổ chức theo chương trình thi Tú tài I. Kỳ thi gồm có các bài thi viết sau: 1 bài luận bằng tiếng Việt, 2 bài tính, 1 bài dịch viết từ tiếng Việt sang tiếng Pháp.
* Chế độ sinh viên
Sinh viên không phải là công chức hưởng học bổng 1.200 đồng/tháng và được hỗ trợ kinh phí đi lại từ nhà đến trường và ngược lại vào dịp tựu trường và sau khi tốt nghiệp.
Nếu sinh viên là công chức (chính ngạch, hợp đồng hoặc công nhật) được hưởng nguyên lương, phụ cấp và được cấp tiền đi lại nhưng không hưởng số tiền học bổng nêu trên. Tiền lương và kinh phí đi lại của những công chức này do công sở nơi công chức đó làm việc đài thọ.
Trường hợp sinh viên tự ý bỏ học, bị đuổi học do vi phạm kỷ luật, không chấp thuận việc bổ dụng vào ngạch hành chính hoặc không làm việc đủ thời hạn theo cam kết với Chính phủ sau khi tốt nghiệp phải hoàn trả lại số tiền học bổng đã hưởng.
Nếu sinh viên là công chức chính ngạch, làm việc theo hợp đồng thời vụ hoặc công nhật vi phạm một trong các điều trên phải hoàn lại số tiền lương và phụ cấp đã hưởng trong thời gian theo học.
Nhưng nếu vì lý do sức khoẻ không đủ khả năng làm việc được Cơ quan y tế xác nhận, sinh viên được miễn hoàn lại số tiền trên đây.
* Chương trình học
Chương trình học do Hội đồng giáo sư đề xuất và phải được Bộ Quốc gia Giáo dục thông qua. Chương trình gồm có phần lý thuyết và phần thực hành.
– Năm thứ nhất: tổ chức hành chính và tư pháp trong nước; kế toán hành chính; giáo dục công dân; vệ sinh – xã hội; Việt văn; Pháp văn.
– Năm thứ hai: dân luật (nguyên tắc căn bản dân luật – nhân thân – tài sản); hình luật; luật xã hội; kinh tế xã hội; kinh tế hoạ.
Ngoài các giờ học lý thuyết, sinh viên bắt buộc phải theo các lớp thực hành, nghĩa là thuyết trình về một vấn đề nào đó liên quan đến bài học lý thuyết, tiến hành nghiên cứu tại một xí nghiệp hoặc một công sở dưới sự hướng dẫn của giáo sư.
* Thi lên lớp
Hết năm thứ nhất, sinh viên thi lên lớp. Kỳ thi lên lớp gồm các môn: tổ chức hành chính và tư pháp trong nước; kế toán hành chính; giáo dục công dân hay vệ sinh-xã hội; bài dịch Việt-Pháp.
Mỗi bài thi được chấm từ 0 đến 20 điểm, sinh viên nào bị điểm 0 buộc phải ở lại lớp. Sinh viên đạt điểm trung bình từ 10/20 trở lên được lên lớp. Nếu số điểm trung bình dưới 5/20, sinh viên phải thôi học.
Sinh viên nào đã học lại một năm mà vẫn trượt ở kỳ thi lên lớp sẽ không được học lại nữa.
* Thi tốt nghiệp
Kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức 2 lần vào tháng 6 và tháng 9 hàng năm. Chỉ những sinh viên học hết năm thứ 2 mới được dự thi tốt nghiệp.
Kỳ thi tốt nghiệp gồm thi viết, thi vấn đáp và thuyết trình (trần thuyết).
Mỗi bài thi được chấm từ 0 đến 20 điểm. Bài nào có điểm số dưới 5/20 sẽ bị loại. Chỉ những thí sinh đạt điểm trung bình các bài thi viết từ 10/20 điểm trở lên mới được thi vấn đáp và thuyết trình.
Những thí sinh đạt tổng số điểm trung bình cả 3 phần thi từ 12/20 điểm trở lên mới trúng tuyển.
* Bổ dụng
Sau khi Tổng trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục duyệt y, danh sách sinh viên trúng tuyển được gửi đến Bộ Nội vụ để chuyển giao cho Thủ hiến các phần.
Sinh viên ở mỗi phần được bổ dụng theo nghị định của Thủ hiến theo thứ tự trên dưới trong danh sách.
Tuy nhiên, sinh viên sinh quán tại một phần có thể xin tuyển dụng tại một phần khác, nếu được Thủ hiến hai phần ưng thuận. Vì nhu cầu công vụ, Chính phủ có thể bổ dụng sinh viên sinh quán tại một phần đến làm việc tại một phần khác.
Sinh viên tốt nghiệp Trường Quốc gia Hành chính được bổ dụng làm viên chỉ huy ngạch hành chính tập sự và được uỷ nhiệm quyền bang tá hoặc quận trưởng hoặc chủ sự các phòng Hành chính tại các tỉnh sau khi đã tập việc ở các quận hoặc toà tỉnh trưởng trong thời gian từ 3 đến 6 tháng.
“Tài đức và tình tương thân tương ái” chính là khẩu hiệu của các sinh viên Trường Quốc gia Hành chính ngay từ khi mới thành lập.
__________________________
Tài liệu tham khảo: Hs 5099, phông Bảo Đại Đà Lạt, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
Hoàng Hằng, Tuyết Minh