03:07 AM 04/07/2018  | 

Trường THCS Thanh Quan ở phố Hàng Cót (trước đây là Trường Nữ sinh tiểu học Brieux) là một trong số ít những ngôi trường có tuổi đời hơn 100 năm song vẫn còn giữ được nét cổ kính và duyên dáng theo lối kiến trúc Pháp giữa lòng thủ đô.

 

4

Trường Brieux (ảnh sưu tầm)

Năm 1910, Trường Nữ sinh tiểu học Pháp-Việt ở phố Takou (phố Hàng Cót) chính thức được đổi tên thành Trường Brieux (tên nhà viết kịch người Pháp) theo Nghị định ngày 12/8/1910 của Toàn quyền Đông Dương.

 

1

Nghị định số 2436 ngày 12-8-1910 của Toàn quyền Đông Dương về việc đổi tên Trường Nữ sinh Pháp – Việt Hà Nội thành Trường Brieux [Trường Hàng Cót, nay là Trường THCS Thanh Quan], kí hiệu GGI – A, hồ sơ 68, văn bản 379, tờ 383

Theo Báo cáo số 2931A ngày 17/9/1910 của Kiến trúc sư chính – Chánh Sở Công thự, ban đầu, Trường Nữ sinh được bố trí tạm thời trong 2 ngôi nhà số 51 và 53 của ông Dieulefils trên phố Jules Ferry (phố Hàng Trống). Hợp đồng thuê nhà có hiệu lực từ 01/12/1907 với thời hạn kéo dài từ 3 đến 9 năm với giá thuê nhà là 130 đồng bạc Đông Dương/tháng (sau đây viết tắt là đồng). Tuy nhiên, do chi phí thuê nhà ngày càng tăng, hơn nữa, hai ngôi nhà không còn đáp ứng được cả về diện tích cũng như công năng sử dụng. Do vậy, trường được bố trí tạm thời trong một nhà hát trên phố Takou. Đây là nhà hát cũ của Trung Quốc được xây dựng vào những năm 1890 và các nhà thầu Pées & Chazeau đã cải tạo lại thành trường học vào các năm 1912-1913 với kinh phí lên tới 1.820 đồng. Riêng phần quét vôi, làm cửa kính do ông Vĩnh Ký đảm nhiệm với số tiền là 597 đồng. Sau khi hoàn thiện, trụ sở mới này bao gồm 10 phòng học, 01 khu vực đại sảnh dùng làm sân chơi và xưởng. Lâu dần, các dãy nhà này trở nên chật chội do số lượng học sinh ngày càng tăng. Hơn nữa, trong quá trình cải tạo, do sử dụng nguyên vật liệu loại thường, công trình xuống cấp nghiêm trọng.

Trong những năm 1917-1918, trường Brieux được cải tạo thêm một lần nữa và do các nhà thầu Verneuil và Gravereaud thực hiện với gói thầu trị giá 800 đồng. Công trình được nghiệm thu vĩnh viễn vào ngày 20/8/1918.

Trong Báo cáo số 168A ngày 22/11/1923, Kiến trúc sư-Chánh Sở Công thự  Charles Lichtenfelder phản ánh các lớp học và nhà phụ thuộc của trường Brieux trên phố Takou đã hư hỏng nặng, buộc phải phá bỏ, đồng thời đưa ra dự án xây dựng lại trường. Ngày 28/11/1923, Thống sứ Bắc kỳ chính thức thông qua dự án tại vị trí cũ trên phố Takou theo bản vẽ do chính Charles Lichtenfelder thiết kế. Theo đó, tầng trệt dành làm khu vui chơi, vệ sinh và có cầu thang nối; khu nhà tầng dành cho các lớp học. Ông Aviat là người trúng thầu công trình với kinh phí dự kiến là 46.166 đồng. Công trình chính thức được nghiệm thu vào ngày 06/9/1926.

3

 Bản vẽ tổng thể trường Brieux do Charles Lichtenfelder, Kiến trúc sư – Chánh Sở Công thự lập ngày 17/6/1924, tỉ lệ 0,005, kí hiệu KT 312-4.

Năm 1948, trường Brieux được đổi tên thành Thanh Quan, tên nữ sĩ Nguyễn Thị Hinh hay còn gọi là bà Huyện Thanh Quan.

Trải qua hơn 100 năm xây dựng và trưởng thành, trường Brieux trước đây (trường Trung học cơ sở Thanh Quan ngày nay) đã có nhiều thay đổi song dấu ấn kiến trúc của ngôi trường thời Pháp này vẫn còn khá đậm nét.

Tài liệu tham khảo

1.Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, HCBK – 39, tờ 26

2.Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, KT 312-4, tờ 4, 8-9, 12

 

HOÀNG HẰNG