Về tin tức này, trên báo có đăng: việc khánh thành hệ thống chiếu sáng mới bị chậm mất 5 ngày do sự chậm trễ hai tháng rưỡi trong khâu tiếp nhận vật liệu. Tất cả số vật liệu này đã được vận chuyển từ Dunkerque[1] bằng tàu hơi nước của công ti Gelatley, dự kiến sẽ khởi hành đúng ngày. Tuy nhiên, do công ti này không tìm đủ số lượng hàng hóa để vận chuyển nên chuyến đi đã bị trì hoãn mất hơn hai tháng. Ông Planté và Hermenier, 2 ông chủ của nhà máy điện, đã khởi kiện và giành thắng lợi một cách thuyết phục, nhưng điều đó không thể bù đắp được thời gian đã mất.
Nhờ nỗ lực của ông Laporte, kỹ sư của công ti kiêm Giám đốc nhà máy điện Hà Nội, việc “không thể” đã trở thành có thể... Hà Nội đã có điện.
Mong muốn Toàn quyền de Lanessan thấy thành phố tươi đẹp khi được chiếu sáng bằng điện trước khi về Pháp, Công ty đã mời Toàn quyền đến chứng kiến sự kiện. “Toàn quyền sẽ đến thăm nhà máy ngay trong tối nay” là thông báo chính thức đăng trên báo.
Phần nội dung đăng trên Mục điểm sự kiện, Tờ Tương lai Bắc Kì (L’Avenir du Tonkin) số ra Thứ 7, ngày 05 tháng 01 năm 1895. Nguồn. TVQG Pháp.
Nhà máy điện Hà Nội là cơ sở sản xuất điện đầu tiên ở thủ phủ Đông Dương, nằm trên đại lộ Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng), bên Hồ Hoàn Kiếm, ở trung tâm thành phố, bao quanh là các đại lộ rộng lớn. Theo bản Hợp đồng ngày 06 tháng 12 năm 1892 giữa Thành phố Hà Nội và nhà thầu Hermenier & Planté[2], việc cung cấp điệp chiếu sáng cho Hà Nội sẽ do 2 nhà thầu này đảm nhận trong vòng 20 năm. Việc chiếu sáng được thực hiện cho tất cả các con phố của Hà Nội. Các điều khoản trong bản Hợp đồng này quy định chi tiết về việc lắp đặt đèn, dẫn điện và cơ sở hạ tầng như việc sửa chữa vỉa hè, lòng đường liên quan đến việc lắp đặt đường điện. Bên cạnh đó, lịch chiếu sáng cũng ấn định cụ thể cho từng thời điểm trong năm cụ thể như sau:
- Từ 01 tháng 4 đến 31 tháng 8: Chiếu sáng từ 7h30 tối đến 4h30 sáng
- Từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 31 tháng 3: chiếu sáng từ 5h50 chiều đến 5h30 sáng.
Khoảng cách lắp đặt đèn là 30 mét một đèn và lắp ở hai bên đường.
Ngày 21 tháng 10 năm 1892, Công sứ - Đốc lí Hà Nội gửi thư số 1092 cho Thống sứ Bắc Kì về việc xin trợ cấp 10.000 đồng bạc[3] phục vụ dự án chiếu sáng bằng điện cho thành phố. Theo thư trả lời số 1163 ngày 16 tháng 11 năm 1892 của Thống sứ Bắc Kì, chi phí dự kiến chiếu sáng (cả vùng ngoại ô) cho 500 bóng đèn điện và 400 đèn dầu cùng chi phí bảo dưỡng lên đến 24.000 đồng.
Theo Công văn số 5508 ngày 05 tháng 12 năm 1892 của Thống sứ Bắc Kì, một khoản kinh phí 10.000 đồng được cấp cho ngân sách thành phố phục vụ việc chiếu sáng Hà Nội trong 4 năm. Ban đầu, việc chiếu sáng dự kiến từ ngày 01 tháng 8 năm 1894, nhưng do có các điều chỉnh nên nhà thầu dự kiến chỉ có thể bắt đầu chiếu sáng từ ngày 01 tháng 01 năm 1895.
Ngày 17 tháng 11 năm 1894, kĩ sư Laporte, giám đốc Nhà máy Điện gửi thư cho Thống sứ Bắc Kì báo cáo về việc đã hoàn thành lắp đặt Lò hơi và xin thử nghiệm sớm. Hai lò hơi tại Nhà máy Điện được thử nghiệm vào 2 giờ sáng ngày 20[4] tháng 11 năm 1894. Kĩ sử Mỏ Mallet, người theo dõi thử nghiệm gửi thư báo cáo cho Thống sứ Bắc Kì ngày 03 tháng 12 năm 1894. Biên bản thử nghiệm được kí ngày 22 tháng 11 năm 1894.
Bản vẽ lò hơi số 1. Nguồn: TTLTQGI
Bản vẽ lò hơi số 2. Nguồn: TTLTQGI
Hợp đồng năm 1892 được kí với thời hạn 20 năm. Sau khi kết thúc hợp đồng, nhà thầu sẽ bàn giao lại cho thành phố. Tuy nhiên, năm 1900, một văn bản bổ sung điều khoản về việc kéo dài thời hạn hợp đồng đến ngày 31 tháng 12 năm 1920. Năm 1908, hợp đồng này được Công ti Điện lực Đông Dương mua lại. Việc chuyển nhượng này đã được đưa ra thảo luận tại Hội đồng thành phố từ năm 1904[5].
Hợp đồng ngày 06 tháng 12 năm 1892 kí kết giữa Thành phố Hà Nội và nhà thầu Hermenier & Planté. Nguồn: TTLTQGI
Một bản thoả thuận được phê chuẩn vào ngày 29 tháng 7 năm 1912 giữa Công ti Điện lực Đông Dương và Thành phố Hà Nội quy định rằng từ ngày 1 tháng 1 năm 1921 - thời điểm dự kiến kết thúc hợp đồng nhượng quyền - cho đến ngày 31 tháng 12 năm 1937, Công ti Điện lực Đông Dương sẽ chịu trách nhiệm sản xuất và phân phối điện với chi phí do thành phố chi trả theo chế độ độc quyền quản lí.[6]
Hà Nội có điện từ năm 1895, cách đây đã 130 năm nhưng phải đến những năm 1920, việc sử dụng điện mới trở nên phổ biến hơn trong dân chúng. Thành phố có điện trở nên văn minh hơn và có cơ hội phát triển để bắt kịp với các thành phố khác đương thời.
[1] Một hải cảng ở Pháp
[2] Hai nhà thầu người Pháp này cũng là nhà thầu cung cấp điện chiếu sáng đầu tiên cho thành phố Hải Phòng trước đó.
[3] Tỷ giá năm 1892: 3f40=1 piastre
[4] Theo ngày ghi trên tiêu đề của Biên bản. Tuy nhiên, ngày tháng kèm chữ kí của kĩ sư giám sát Mallet được ghi là ngày 22 tháng 11 năm 1894.
[5] Biên bản họp Hội đồng thành phố ngày 02 tháng 01 năm 1904, Hội đồng đã xem xét việc chuyển giao hợp đồng chiếu sáng điện cho Công ti Điện lực Đông Dương.
[6] Công báo thành phố Hà Nội, ngày 01/3/1928, tr. 207
Đỗ Hoàng Anh