Bìa cuốn sách "Tổ chức bộ máy các cơ quan trong chính quyền thuộc địa ở Việt Nam qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1862 – 1945)"
Từ khi chiếm đóng ba tỉnh miền Đông Nam Kì (1862) cho đến trước Cách mạng tháng Tám (1945), trong vòng hơn 80 năm, thực dân Pháp đã lúc ráo riết, lúc từng bước “cài đặt” chế độ cai trị, thiết lập bộ máy các cơ quan trong chính quyền thuộc địa ở Việt Nam.
Bộ máy khá hoàn chỉnh, tinh vi đó trên thực tế đã là cánh tay đắc lực giúp thực dân Pháp triển khai các kế hoạch từ chiếm đóng, bình định cho tới khai thác, bóc lột Việt Nam – một thuộc địa màu mỡ, béo bở của Pháp ở Đông Dương.
Qua hệ thống tư liệu và tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) đã biên soạn và xuất bản công trình “Tổ chức bộ máy các cơ quan trong chính quyền thuộc địa ở Việt Nam qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1862 – 1945)” nhằm đem lại cho người đọc một bức tranh toàn cảnh về tổ chức bộ máy các cơ quan trong chính quyền thuộc địa do thực dân Pháp thiết lập ở Việt Nam, bao gồm các cơ quan cấp Đông Dương và cấp Kì (sắc lệnh, nghị định, quyết định về việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ của người đứng đầu), các cơ quan cấp tỉnh (văn bản pháp quy về việc thành lập tổ chức các tỉnh, thành phố, đạo quan binh và các trung tâm hành chính lớn…), tổ chức chính quyền cấp xã (một số văn bản về cải lương hương chính…)…
Các tài liệu được dịch, tóm tắt, giới thiệu trong công trình này đều là tài liệu tiếng Pháp.
Ngoài phần nội dung chính, công trình còn phần Phụ lục gồm Từ điển chú giải tên các cơ quan và chức danh nhân sự của các cơ quan này; Danh sách Toàn quyền Đông Dương, Thống sự Bắc Kì và Thống đốc Nam Kì qua các giai đoạn; Danh mục các văn bản pháp quy được lựa chọn và sắp xếp theo thời gian; Sách dẫn tra cứu theo tên các cơ quan.
Công trình không chỉ góp phần cung cấp những sử liệu quan trọng về việc thiết lập bộ máy tổ chức các cơ quan trong chính quyền thuộc địa giai đoạn 1862 – 1945 mà còn giúp các độc giả hiểu hơn về quy trình, cách thức xây dựng các văn bản pháp quy đương thời.
Điểm tích cực của các văn bản hành chính đó là thường quy định rất chi tiết những vấn đề có liên quan như mức lương, phụ cấp, khen thưởng… nên các văn bản có thể áp dụng mà không cần văn bản hướng dẫn đi kèm.
Theo GS.NGND Đinh Xuân Lâm, qua công trình này, ta có thể “rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết cho nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và việc cải cách hành chính hiện nay”.
Dù câu chuyện mà công trình đề cập cách nay mới khoảng một thế kỉ rưỡi, chưa phải những chuyện quá “cố cựu” nhưng nếu ta có thể qua đó “Ôn cố, tri tân” thì chính là đã cấp cho tư liệu một sức sống mới và tìm thấy giá trị đương đại trong những phông tư liệu tưởng chừng khô khan và cũ kĩ.
Một số trang ảnh
Hồng Nhung