Kể từ Sắc lệnh ngày 9/5/1889 bãi bỏ chức Tổng Trú sứ Trung-Bắc Kỳ (Résident Général de l’Annam-Tonkin) thì đứng đầu hệ thống chính quyền của thực dân Pháp tại Bắc Kỳ là viên Thống sứ Bắc Kỳ (Résident supérieur du Tonkin) và tại Trung Kỳ là viên Khâm sứ Trung Kỳ (Résident supérieur de l’Annam). Cả hai viên chức cấp cao này đều được đặt dưới quyền giám sát và điều khiển tối cao của viên Toàn quyền Đông Dương, trực thuộc Bộ Thuộc địa.
Chúng tôi xin giới thiệu Nghị định ngày 01/04/1892 của Toàn quyền Đông Dương quy định quyền hạn của Khâm sứ Trung Kỳ và Thống sứ Bắc Kỳ, nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò lịch sử của hai viên chức cấp cao này.
Nghị định gồm 4 phần, 73 điều:
Phần I. Quyền hạn riêng của Khâm sứ Trung Kỳ
Điều 1. Theo điều 4 Sắc lệnh ngày 17/10/1887, được sự ủy quyền và dưới quyền quản lý của Toàn quyền, Khâm sứ Trung Kỳ có các quyền hạn được trao cho người đại diện Chính phủ nước Cộng hòa Pháp theo Đạo luật ngày 15/6/1885 thông qua Hiệp ước Giáp Thân.
Phần II. Quyền hạn riêng của Thống sứ Bắc Kỳ
Điều 2. Thống sứ Bắc Kỳ điều hành Chính quyền bản xứ, thực hiện quyền kiểm soát theo quy định tại điều 7 Hiệp ước ngày 06/6/1884. Thống sứ phê chuẩn các văn bản chính thống liên quan đến đội ngũ nhân sự làm việc trong Chính quyền bản xứ do Kinh lược quản lý. Tuy nhiên, trước tiên Thống sứ phải trình lên Toàn quyền những vấn đề như:
1° Bổ nhiệm chức Tổng đốc hay Chủ tỉnh;
2° Bổ nhiệm, cách chức, giáng chức hoặc treo chức quan lại từ bậc tứ phẩm trở lên.
Điều 3. Nhân danh Toàn quyền, Thống sứ chuẩn y các phán quyết của Tòa án hỗn hợp liên quan đến quân nổi loạn và cướp phá; phê chuẩn và áp dụng các khoản tiền phạt và khung hình phạt khác đối với các làng, trừ trường hợp giải tán một làng, việc này phải do Chính quyền bản xứ đề nghị.
Điều 4. Thống sứ chịu trách nhiệm thông qua các khoản chi của Chính quyền bản xứ; giám sát việc thu thuế; quyết định một số trường hợp giảm thuế cho người bản xứ nhưng số tiền thuế được giảm không vượt quá 5.000 đồng bạc/tỉnh.
Điều 5. Thực thi quyền giám sát tối cao đối với các thành viên Sở Tư pháp.
Điều 6. Giám sát Sở Học chính, cấp giấy phép cho việc mở trường và có thể ra lệnh đóng cửa các trường vì lợi ích đạo đức hay trật tự công cộng.
Điều 7. Thống sứ cũng được giao nhiệm vụ giám sát các cửa hàng tổng hợp và kho cảng Hải Phòng.
Phần III. Quyền hạn chung của Khâm sứ Trung Kỳ và Thống sứ Bắc Kỳ
Điều 8. Khâm sứ và Thống sứ thực hiện quyền điều hành tối cao các cơ quan dân sự thuộc thẩm quyền của họ.
Điều 9. Trình Toàn quyền những nghị định liên quan đến các cơ quan này.
Điều 10. Người đứng đầu các cơ quan dân sự được đặt dưới quyền quản lý trực tiếp và được liên hệ với Khâm sứ và Thống sứ.
Điều 11. Quyết định các hình thức kỷ luật như: treo chức đối với nhân viên các cơ quan dân sự có mức lương từ 6.000 phơ răng trở xuống và đề nghị Toàn quyền đưa ra các hình thức kỷ luật đối với các nhân viên hưởng lương từ 6.000 phơ răng trở lên. Mọi hình thức kỷ luật đều phải được báo cáo lên Toàn quyền.
Điều 12. Lập bảng nâng bậc cho nhân sự người Âu trong tất cả các cơ quan dân sự và quyết định việc thuyên chuyển liên quan đến họ. Tuy nhiên, việc thuyên chuyển Công sứ và Phó Công sứ – Tỉnh trưởng sẽ do Toàn quyền quyết định và việc thuyên chuyển nhân viên hưởng lương dưới 4.000 phơ răng sẽ do Trưởng các đơn vị trực tiếp quản lý quyết định.
Điều 13. Tiếp nhận bản kê khai của các đại lý.
Điều 14. Trình Toàn quyền những đề nghị liên quan đến khen thưởng, hưu trí, tiền lương và trợ cấp.
Điều 15. Chuyển tới Toàn quyền bản nhận xét đánh giá đến về hạnh kiểm và năng lực của các nhân viên dưới quyền do người đứng đầu các cơ quan, chính quyền gửi đến.
Điều 16. Được sự ủy quyền của Toàn quyền, Khâm sứ và Thống sứ được phép bổ nhiệm và cách chức nhân sự bản xứ thuộc Chính quyền Bảo hộ, trừ nhân sự Phủ Toàn quyền.
Điều 17. Khâm sứ và Thống sứ trình Toàn quyền nghị quyết về việc phân bổ ngân quỹ hàng tháng cho các cơ quan dân sự tại Trung kỳ và Bắc Kỳ; thực hiện việc phân bổ ngân quỹ cho các cơ quan thuộc thẩm quyền của mình.
Điều 18. Theo Nghị định ngày 31/12/1891, Khâm sứ và Thống sứ chịu trách nhiệm trình tài khoản hành chính của Trung Kỳ và Bắc Kỳ.
Điều 19. Trình Toàn quyền phê chuẩn các khoản chi cung ứng và công trình mà dự toán đã có hoặc không có trong ngân sách. Tuy nhiên, Khâm sứ và Thống sứ được phép quyết các khoản chi cung ứng và công trình có trị giá giới hạn là 1.500 phơ răng.
Điều 20. Ký kết các giao kèo cung ứng và những công trình được tiến hành tại Trung Kỳ và Bắc Kỳ và làm cho các giao kèo trên có hiệu lực, trừ những trường hợp như:
1° Giao kèo cung ứng kéo dài trên 1 năm hoặc có trị giá vượt 10.000 đồng bạc;
2° Giao kèo công trình mà ước tính vượt hoặc không có trong chương trình được Toàn quyền phê chuẩn. Trường hợp này, các giao kèo phải được trình lên Toàn quyền thông qua.
Điều 21. Trong cùng giới hạn và điều kiện, Khâm sứ và Thống sứ phê chuẩn các tập điều kiện được lập phục vụ cho việc đấu thầu cung ứng và các công trình cũng như biên bản về những cuộc đấu thầu này.
Điều 22. Tập trung các thông tin và gửi tới Toàn quyền những đề xuất liên quan tới chế độ tiền tệ.
Điều 23. Giám sát hoạt động kế toán của thành phố, kế toán ngân khố, thuế quan, bưu điện và điện báo .v.v…
Điều 24. Chịu trách nhiệm về cung ứng thiết bị cũng như giám sát hoạt động liên quan đến thuế gián thu, quản lý và lĩnh canh.
Điều 25. Giám sát việc thu các khoản thu trong ngân sách và đề nghị Toàn quyền biện pháp sử dụng các khoản thu đó hoặc lập khoản thu mới.
Điều 26. Phê chuẩn sổ thuế không dành cho người bản xứ và làm cho nó có hiệu lực.
Điều 27. Quyết định việc miễn các loại thuế trên và phê chuẩn bảng kê thuế suất không thu được.
Điều 28. Khâm sứ và Thống sứ cùng quyết định giá biểu để thu theo giá hàng.
Điều 29. Đưa ra phán quyết đối với các cuộc giao dịch có trị giá lên tới 10.000 phơ răng giữa chính quyền và những kẻ phạm tội. Những cuộc giao dịch vượt quá số tiền trên sẽ được trình lên Toàn quyền phê chuẩn.
Điều 30. Thừa ủy quyền và thừa lệnh của Toàn quyền, Khâm sứ và Thống sứ phê chuẩn các biên bản về những thiệt hại cũng như việc xử phạt của các cơ quan dân sự.
Điều 31. Cho phép bán đồ cung ứng và các vật dụng của cơ quan dân sự được coi là không hữu ích và không thích hợp cho tiêu dùng.
Điều 32. Thừa ủy quyền của Toàn quyền, Khâm sứ và Thống sứ được giao nhiệm vụ giám sát các bệnh viện và kho lương thực.
Điều 33. Khâm sứ và Thống sứ được giao quyền kiểm soát chung.
Điều 34. Ra nghị định trục xuất và giam giữ các Á kiều mà sự hiện diện của họ được cho là nguy hiểm đối với an ninh và trật tự công cộng.
Điều 35. Đề nghị Toàn quyền ban hành quyết định trục xuất người Âu khi thấy cần thiết.
Điều 36. Cấm treo các biển báo, tranh ảnh được coi là nguy hại và có thể ra lệnh tháo bỏ nếu cần.
Điều 37. Phụ trách giám sát các nhà tù; nếu xét cần thiết, có thể cho phép sử dụng các bị án vào làm việc tại các công trường, nhà xưởng và quy định điều kiện sử dụng loại lao động này phù hợp với quy định của luật pháp và chỉ thị của Toàn quyền.
Điều 38. Cho phép lập các tiểu khu và nếu cần, có thể tuyên bố bãi bỏ hoặc giải tán.
Điều 39. Đề xuất lên với Toàn quyền việc sửa đổi, bổ sung các nghị định và quy định hiện hành liên quan đến vấn đề lưu trú của Á kiều.
Điều 40. Cấp giấy xuất cảnh, giấy phép lên tàu và lưu trú phù hợp với quy định hiện hành.
Điều 41. Phụ trách việc kiểm soát và điều tiết dòng chảy.
Điều 42. Quy định hoạt động đánh bắt tại các sông ngòi và phạm vi được đánh bắt.
Điều 43. Quy định điều kiện xây dựng các nhà xưởng có tính chất nguy hiểm, thiếu vệ sinh và áp đặt các biện pháp vệ sinh đối với các thành phố hoặc cá nhân.
Điều 44. Ban hành các nghị định chung hoặc đặc biệt liên quan đến các khu nhà ở không hợp vệ sinh cũng như những khu nhà dành cho việc bốc dỡ hàng và kho chứa chất nổ.
Điều 45. Theo đề nghị của Sở Y tế, Khâm sứ và Thống sứ cho phép hoặc cấm các tàu đến từ bên ngoài liên hệ với đất liền, cho phép lập hoặc dỡ bỏ các trạm cách ly kiểm dịch cũng như ấn định thời gian cách ly; quy định rõ vị trí các trại hủi cũng như các trại cách ly khác.
Điều 46. Cho phép khai quật và chuyển hài cốt của người Âu về Pháp.
Điều 47. Nhân danh Toàn quyền, Khâm sứ và Thống sứ được cấp giấy phép hành nghề ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ cho các viên chức y tế và dược sĩ không thuộc diện biệt phái, sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định.
Điều 48. Khâm sứ Trung Kỳ và Thống sứ Bắc Kỳ có quyền hạn đối với các Hội đồng thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng theo quy định tại các nghị định về việc thành lập hoặc tổ chức ba Hội đồng trên, đặc biệt là Nghị định ngày 31/12/1891 và 25/3/1889.
Điều 49. Đảm bảo thi hành các quyết định liên quan đến phòng thương mại, đặc biệt là việc thi hành nghị định ngày 16/02/1889.
Điều 50. Kiến nghị với Toàn quyền những sửa đổi bổ sung liên quan đến việc tổ chức và quyền hạn của các hội đồng thành phố, hoặc ủy ban thành phố cũng như các phòng thương mại.
Điều 51. Đề nghị Toàn quyền việc tạm ngừng hoạt động của các hội đồng hoặc ủy ban thành phố cũng như các phòng thương mại, giải tán các cơ quan trên nếu xét thấy cần thiết để duy trì trật tự trị an.
Điều 52. Kiểm soát việc quản lý sổ hộ tịch và chấm dứt việc đăng ký hộ tịch vào cuối năm.
Điều 53. Hợp pháp hóa chữ ký của các viên chức.
Điều 54. Hướng dẫn và trình Toàn quyền đơn xin nhập quốc tịch của người nước ngoài và người bản xứ.
Điều 55. Theo Dụ ngày 02/4/1817, Khâm sứ và Thống sứ được kiến nghị lên Toàn quyền việc nhận tài sản hiến tặng và di tặng cho chính quyền Bảo hộ.
Điều 56. Trình Toàn quyền phê chuẩn việc cấp các văn tự Pháp hóa ngoại lệ hoặc tạm thời cũng như các chứng chỉ hàng hải khác trong giới hạn và theo thể thức quy định của pháp luật, quyết định và sắc lệnh về vấn đề này.
Điều 57. Hướng dẫn và trình Toàn quyền đơn xin nhượng đất nông nghiệp hoặc hầm mỏ, và tiến hành thủ tục ban đầu theo quy định.
Điều 58. Giám sát việc thực thi các điều kiện và nghĩa vụ đối với những người được nhượng địa hoặc mỏ. Trong trường hợp không thực thi, có thể đề nghị Toàn quyền truất quyền của họ.
Điều 59. Đề nghị Toàn quyền cho miễn thuế bưu điện và điện tín.
Điều 60. Kiến nghị với Toàn quyền việc thành lập và bãi bỏ các trạm thuế quan, bưu điện và điện báo.
Điều 61. Ban hành nghị định liên quan đến các công trình của thành phố hoặc công trình công cộng cũng như các công trình trong giới hạn chương trình đã được Toàn quyền phê chuẩn cho năm đang diễn ra.
Điều 62. Quyết định việc xếp hạng và giáng hạng các tuyến đường lớn và thẩm cứu các dự án xây mới gắn với những tuyến đường này.
Điều 63. Trình Toàn quyền phê chuẩn các văn tự chuyển nhượng nhà cửa của Chính quyền Bảo hộ và các văn tự về việc mua hoặc trao đổi nhà cửa.
Điều 64. Lập bảng kê dân số, nông nghiệp hàng năm và chuyển tới Toàn quyền. Khâm sứ và Thống sứ cũng đồng thời gửi tới Toàn quyền bảng kê xuất nhập khẩu.
Điều 65. Phụ trách mối quan hệ với các hãng vận tải đường sông và đường biển.
Điều 66. Đề nghị Toàn quyền việc thành lập hoặc bãi bỏ trạm trung chuyển của các hãng vận tải đường sông.
Điều 67. Được sự cho phép của Toàn quyền, Khâm sứ và Thống sứ là người đại diện cho Chính quyền Bảo hộ Trung Kỳ và Bắc Kỳ trước các tòa án khi đối tượng tranh chấp có trị giá trên 10.000 đồng bạc. Khâm sứ và Thống sứ được tiến hành mọi hoạt động bảo lưu cho đến khi được phép.
Điều 68. Phê chuẩn các giao dịch có trị giá lên đến 2.000 đồng bạc.
Điều 69. Tiến hành những thủ tục trưng dụng cần thiết phục vụ việc thi công các công trình công cộng.
Phần IV. Quan hệ giữa Khâm sứ, Thống sứ với Toàn quyền và giữa họ
Điều 70. Khâm sứ Trung Kỳ và Thống sứ Bắc Kỳ trình Toàn quyền xem xét những vấn đề đặc biệt không được quy định trong Nghị định này.
Điều 71. Ba tháng một lần, Khâm sứ và Thống sứ gửi Toàn quyền báo cáo về tình hình chính trị, tài chính, thương mại, nông nghiệp và công nghiệp của Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Khâm sứ, Thống sứ thông tin cho nhau về những nhu cầu chung trong công việc và phối hợp hài hòa trong việc thuyên chuyển nhân sự giữa hai xứ. Liên quan đến nhân sự người Âu, Khâm sứ và Thống sứ trình các đề nghị bằng thỏa thuận chung lên Toàn quyền để ra quyết định.
Điều 72. Mọi quy định trước đây trái với các quy định trong Nghị định này đều bị bãi bỏ.
Điều 73. Khâm sứ Trung Kỳ và Thống sứ Bắc Kỳ chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Hoàng Hằng -Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Theo archives.gov.vn)