09:19 PM 09/05/2023  | 

Phần 2: Nguyên tắc sử dụng và hình dạng dấu trong Châu bản triều Nguyễn (1802-1945)

Phần trước chúng tôi đã đề cập, ấn triện sử dụng trong Châu bản triều Nguyễn tuy phong phú, đa dạng về thể loại và chế tác nhưng lại có nguyên tắc sử dụng nhất định, đặc biệt là vị trí đóng dấu.

Đối với các kim bảo của hoàng đế thường có nguyên tắc riêng, mỗi kim bảo được dùng cho một loại văn thư chỉ định. Trong châu bản chỉ lưu được hình dấu của rất ít kim bảo như Quốc gia tín bảo, Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành, Ngự tiền chi bảo và kiềm bảo Văn lý mật sát. Kim bảo Quốc gia tín bảo, được đóng lên chữ “mỗ niên” giữa mặt niên hiệu trong các văn bản về “việc trưng binh, nhập ngũ, tuyên triệu tướng suý[1]. Khác với Quốc gia tín bảo, kim bảo Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành lại dùng đóng phần giấy trắng bỏ không đầu trang. Dấu đóng chỉ mang tính hình thức, còn cuối văn bản vẫn dùng kim bảo Quốc gia tín bảo.

Hình dấu Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành đóng trên phần giấy trắng bỏ không đầu trang và hình dấu Quốc gia tín bảo đóng trên phần niên đại

Khác với phần lớn kim bảo, Ngự tiền chi bảo có kích thước nhỏ, được khắc Chân thư dùng đóng trên “các chỉ dụ, chương sớ, sổ sách, tất cả mọi việc thường làm[2]. Tuy nhiên, dấu không chỉ đóng trên dòng niên hiệu trên các tờ tấu của quan trấn, quan thành và các nha đi thanh tra; dấu còn đóng trên mặt chữ “khâm thử” và chỗ giấy bỏ không cuối tập đối với những bản có chữ phê son.

Việc sử dụng kim bảo Văn lý mật sát có một ý nghĩa đặc biệt vì có vai trò như một kiềm bảo. Là kiềm bảo nên dấu được đóng trên chữ số mục, chữ tẩy xoá, bổ sung và giáp lai trong mọi chỉ dụ, chương sớ, sổ sách.

Tuy cùng là kim bảo nhưng mỗi ấn lại có vai trò, chức năng riêng nên được đóng vào những vị trí, văn bản khác nhau để phù hợp với từng loại. Đây cũng là điểm đặc biệt trong kim bảo của hoàng đế so với ấn tín của hoàng thân, ấn của đình thần, ấn của các cơ quan và các cấp chính quyền khác. Vì mỗi kim bảo chỉ dùng đóng trên một số văn thư nhất định nhưng các loại ấn tín khác, kể cả ấn của hoàng thân thì được dùng chung cho nhiều loại hình văn bản do bộ, viện, tự, nha, ty, sở và chính quyền đó ban ra. Tuy nhiên, các loại ấn tín này cũng được quy định cụ thể về vị trí đóng dấu.

Về vị trí đóng dấu đối với ấn của hoàng thân, ấn của đình thần, ấn của các cơ quan trung uơng, ấn trong quân đội và ấn của chính quyền địa phương có thể chia thành hai giai đoạn: từ năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) về trước và từ cuối năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) về sau.

Từ Gia Long đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), các ấn này phần chính được đóng dưới chữ “nhật” dòng đề niên hiệu và đóng lệch về một bên để tỏ ý tôn kính. Từ cuối năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), theo quy định chung, ấn được đóng trên chữ “mỗ nguyệt” dòng niên hiệu. Đối với văn bản có nhiều nha môn cùng tham dự thì dấu đóng ở vị trí này nhưng được đóng sang hai bên của dòng niên hiệu. Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, dấu được đóng ở các vị trí sau:

Dấu Thái y viện quan phòng đóng trên chữ “mỗ nguyệt” dòng niên đại

Thứ nhất, khi các bộ, viện, tự sao chép lại chỉ dụ của vua, dấu được đóng dưới chữ “cung lục”.

Thứ hai, vị trí đóng đối với dấu của Nội các. Đây là cơ quan mang tính chất văn phòng của nhà vua, vì vậy có nhiều dạng văn bản khác nhau. Ngoài vị trí đóng trên chữ “mỗ nguyệt” trong tấu sớ, dấu của cơ quan này còn được đóng phần đầu văn bản, dưới tên người phụng chép khẩu dụ của vua; đóng dưới hoặc bên cạnh phần họ tên người sao chép bản châu phê. Trên loại văn bản này, dấu Nội các còn được đóng trên những chữ quan trọng, những chữ sao lại lời phê của nhà vua.

Thứ 3, dấu được đóng dưới chữ “nhật” dòng niên hiệu, vị trí đóng dấu này thường là ấn của một số cơ quan cấp thấp và dấu tên riêng của quan chức phẩm hàm cao.

Thứ tư, dấu của chánh tổng, lý trưởng, dấu tên riêng của lại điển, quan lại phẩm hàm thấp đều được đóng dưới chữ ký phần cuối văn bản.

Thứ năm, dấu quan phòng chức vụ dùng đóng bên cạnh phần ghi chức danh của quan viên nhằm chứng thực nội dung trong văn bản. Một số hình dấu loại này được tìm thấy như hình dấu Lại bộ Tả Tham tri quan phòng đóng bên cạnh dòng ghi Lại bộ Tả Tham tri kiêm lãnh Hàn lâm viện sự vụ Phạm Đăng Hưng, Lại bộ Hữu Tham tri quan phòng đóng bên cạnh dòng ghi Lại bộ Hữu Tham tri kiêm lãnh Tào chính sự vụ Nguyễn Văn Hưng… trên bản tấu của đình thần về việc thăng bổ tri huyện các huyện trong châu bản năm Minh Mệnh thứ 8 (1827).

Nhìn chung, vị trí đóng dấu của mỗi loại ấn trong từng trường hợp đều có quy định rõ ràng. Đặc biệt, từ sau khi Minh Mệnh ban dụ chỉ quy định việc sử dụng dấu thì các nguyên tắc này được tuân thủ chặt chẽ. Riêng dấu kiềm, từ vua Gia Long cho đến hết triều Nguyễn vẫn dùng đóng giáp trang, số mục, các chữ sửa chữa hoặc thêm bớt theo quy định chung.

Bên cạnh loại hình và nguyên tắc sử dụng dấu là những điểm nổi bật của ấn triện trong Châu bản triều Nguyễn thì hình dạng dấu cũng có điểm nhấn quan trọng. Về hình dạng của dấu trong châu bản, chủ yếu được chế tác theo hình vuông và hình chữ nhật; chỉ một số ít có hình bát giác, hình tròn và hình bầu dục. Dấu hình vuông như Kim bảo Quốc gia tín bảo, Văn lý mật sát, ấn Phủ Tôn nhân, ấn của các hoàng thân công, ấn lớn của quan, kiềm ấn nhỏ, chương, tín chương và một số tín ký đều có hình dạng này.

Dấu hình chữ nhật thường là quan phòng, đồ ký, kiềm ký, triện hay ký triện và một số tín ký. Đặc biệt, Kim bảo Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành cũng được chế tác theo hình chữ nhật, viền ngoài trang trí họa tiết hai hình rồng uốn.

Dấu hình tròn chế tác rất ít, chỉ có một vài ấn làm sau này như dấu Kiêm đốc hành nhân ty, Đồng tôn tương tế phổ Ủy ban Trung ương Huế. Loại ấn này thường của các cơ quan, tổ chức nhỏ, không quan trọng, viền ngoài khắc tiếng Pháp, viền trong khắc hai kiểu chữ Pháp và Hán.

Dấu Kiêm đốc hành nhân ti

Dấu hình bát giác được chia làm hai loại. Một loại bát giác thường, gồm 8 cạnh đều nhau và đối xứng, để đường viền rộng khắc họa tiết. Trong châu bản chỉ có một hình duy nhất hình dạng như vậy là dấu Ngự tiền chi bảo chế tác vào thời vua Đồng Khánh. Loại thứ hai là hình bát giác khuyết, kiểu hình thoi, có 6 cạnh thẳng và 2 cạnh ở giữa lõm hình vòng cung, viền ngoài có đường họa tiết uốn theo hình dấu. Loại dấu tên riêng của quan viên và các lại điển chế tác tự do thường làm hình dạng này.

Dấu hình bầu dục hiếm thấy trên châu bản, chỉ có kim bảo Ngự tiền chi bảo đúc thời Gia Long và hình dấu An Cư tổng Chánh tổng thuộc chính quyền cấp tổng được làm sau này. Ngoài ra, những cơ quan lớn khác không thấy chế tác hình dạng này.

(Còn nữa)

Xem phần 1 tại link: Vài nét về hệ thống ấn triện trong Châu bản triều Nguyễn (1802 - 1945) (phần 1)


[1] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, Nxb. Thuận Hóa, 2005, tr.189.

[2] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 8, Nxb. Thuận Hóa, 2005, tr.30.

 

Nguyễn Hường - Đoàn Thủy