10:51 PM 18/11/2020  | 

Bài viết nhân dịp kỷ niệm 650 năm ngày mất của Vạn thế sư biểu Nhà giáo – Chu Văn An, chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11.

Trường Trung học Bảo hộ. Ảnh trong L’Asie Nouvelle, No spécial consacré à l’instruction publique, 31 décembre 1937.

Trường Chu Văn An được thành lập ngày 9-12-1908 bằng Nghị định số 3526 của Toàn quyền Đông Dương Paul Beau[1] trên cơ sở sáp nhập Trường Thông ngôn Hà Nội (Ecole d’Interprètes deHanoï)[2], Trường Sư phạm Hà Nội[3] và Trường Trung học Jules Ferry ở Nam Định[4] với tên gọi ban đầu là Trường Cao đẳng Bảo hộ(Collège du Protectorat).

Trường Cao đẳng Bảo hộ được đặt tại Hà Nội, thuộc nhóm  Grand Bouddha (Quán Thánh), gồm hai cấp:

1. Cấp Tiểu học (le Petit Collège) với thời gian học kéo dài 4 năm và chương trình học là chương trình của các trường tiểu học Pháp-Việt. Phần dạy văn hoá Pháp do giáo viên người Pháp đảm nhiệm (ở lớp dự bị, số giờ học tại các lớp tiếng Pháp được quy định là 5).

Những học sinh không phải là người Việt có thể được miễn học chữ Hán-Nôm và chữ Quốc ngữ theo yêu cầu của họ để tập trung vào các môn chuyên ngành. Học sinh người Việt vào học tại cấp Tiểu học phải có kiến thức về chữ Quốc ngữ và trải qua kỳ thi tuyển.

2. Cấp Cao đẳng tiểu học (le Grand Collège) kéo dài 5 năm. Trong ba năm đầu, học sinh học theo chương trình chung, đến năm thứ tư học sinh được phân theo 4 Ban tuỳ theo ngành nghề mà họ lựa chọn (Ban Sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học; Ban Hành chính đào tạo thư ký cho các cơ quan hành chính công và tư; Ban Thương mại và Ban Kỹ thuật đào tạo nhân viên cho các cơ quan kỹ thuật và công nghiệp).

Các lớp chuyên ngành có thể chung cho nhiều ban. Chương trình giảng dạy này được bổ sung bằng các bài tập thực hành, trong đó khóa thực tập thực hành dành cho học sinh Ban Kỹ thuật được tổ chức tại Trường Đào tạo nghề của Hà Nội, còn các buổi thực hành dành cho học sinh Ban Sư phạm và Ban Thương mại được tổ chức tại Trường Nông nghiệp Hà Nội. Ngoài ra, đối với học sinh năm thứ 4 còn có những chuyến dã ngoại, tham quan các nhà máy, Bảo tàng Thương mại dưới sự hướng dẫn của các giáo viên khoa học...

Trường Cao đẳng Bảo hộ có một Hội đồng giáo viên được tổ chức hàng tháng dưới sự chủ trì của Hiệu trưởng để xem xét tình hình hoạt động của trường về các việc khen thưởng, kỷ luật học sinh và tình hình học tập của học sinh. Ngoài ra, trường còn có một đội ngũ nhân viên công vụ gồm một Tổng Giám thị (có thể thay thế bằng một giáo viên giám sát), một nhân viên quản lý và một số giám sát viên người bản xứ với trách nhiệm cụ thể cho từng chức danh. Số giờ giảng dạy tại cấp Tiểu học của giáo viên người Âu được Nghị định ngày 9-12-1908 quy định là 19 giờ còn tại cấp Trung học là 22 giờ.

Trường Cao đẳng Bảo hộ tiếp nhận học sinh nội trú, bán trú và ngoại trú. Nội quy của trường quy định cụ thể, chi tiết về những sinh hoạt cá nhân, về chế độ học tập tại trường đối với học sinh như học sinh nội trú không được hút thuốc, đọc sách, nói chuyện vào ban đêm và phải xuống nhà ăn với trang phục phù hợp và phải tuân theo tín hiệu của giáo viên giám sát; muốn ra khỏi trường phải được phép; không được tắm trong ao hồ, trèo cây, mua hoa quả, thực phẩm hoặc các hàng hoá bán rong trong giờ ra chơi... Học sinh ở cấp Tiểu học phải nói tiếng Pháp với nhau trong các giờ ra chơi, còn học sinh ở cấp Trung học phải luôn luôn nói tiếng Pháp, trừ trong các giờ học chữ Quốc ngữ hoặc chữ Hán-Nôm. Tất cả các học sinh vắng mặt 3 lần trong một tháng hoặc 4 lần trong một quý và không được cho phép từ trước, có thể bị kỷ luật: treo học bổng và có thể bị đuổi học tạm thời hoặc vĩnh viễn...

Về chế độ cấp học bổng, Nghị định ngày 9-12-1908 quy định: có 80 suất học bổng nội trú được chia đều cho 5 năm học tại cấp Trung học và được trả bằng ngân phiếu hàng tháng nhằm tiết kiệm cho trường. Ngoài ra, còn có 40 suất bán học bổng khác trị giá 4 đồng bạc Đông Dương mỗi tháng. Những học sinh được hưởng học bổng có thể vào học nội trú và sẽ phải nộp thêm phí nhà trọ. Còn nếu ở ngoại trú, tổng số học bổng sẽ được cấp cho họ bằng tiền mặt và đó sẽ là khoản hỗ trợ học tập. Những học sinh Đông Dương có bằng Tiểu học Pháp-Việt có quyền ở nội trú miễn phí tại cấp Trung học.

Hàng năm, Chính quyền Bảo hộ cấp một số học bổng ngoại trú và nội trú cho những học sinh được xếp thứ hạng cao trong kỳ thi lấy bằng Tiểu học. Các suất học bổng này được duy trì trong suốt thời gian học của người được hưởng trừ trường hợp họ không còn xứng đáng do sao nhãng trong học tập hoặc có thái độ chống đối Chính quyền Bảo hộ. Những học sinh không được nhận học bổng buộc phải đóng học phí.

Để được cấp học bổng toàn phần và học bổng bán phần của Chính quyền Bảo hộ, học sinh phải trải qua một kỳ thi tuyển. Các thí sinh tham dự kỳ thi này phải  có bằng Tiểu học Pháp-Việt và có độ tuổi từ 13 đến 16 (tính đến ngày 1-9 của năm mà họ dự thi). Một số suất học bổng có thể do các nước Đông Dương, các tỉnh và thành phố cấp. Những học sinh được nhận các suất học bổng này có thể được nhận vào ở trong ký túc xá của cấp Trung học và cấp Tiểu học.

Dưới tác động của cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai của Albert Sarraut[5] (từ tháng 12-1917), chương trình học của Trường Bảo hộ đã có một số thay đổi lớn.

Tháng 8-1922, theo Nghị định số 2424/E ngày 22-8-1922 của Thống sứ Bắc Kỳ,Trường Cao đẳng Bảo hộ được phép mở một lớp dự bị sư phạm để đào tạo các giáo viên hướng dẫn bậc tiểu học Pháp-Việt[6].

Đến niên khoá 1924-1925, Trường được phép mở thêm cấp Trung học đệ nhị cấp, cho học trò đã có bằng Cao đẳng tiểu học, để thi bằng Trung học bản xứ(Brevet de l’enseignement secondaire local), thường gọi là Tú tài bản xứ[7].

Năm 1929, theo Nghị định ngày 24-4-1929 của Toàn quyền Đông Dương, Trường Cao đẳng Bảo hộ (Collège du Protectorat) được đổi tên thành Trường Trung học Bảo hộ (Lycée du Protectorat), tức là từ diện Cao đẳng (Collège, từ tiểu học đến đệ nhất cấp) chuyển sang Trung học (Lycée, từ tiểu học đến đệ nhị cấp), có danh hiệu là Lypro (viết tắt của Lycée du Protectorat). Tuy nhiên do trường được xây dựng trên đất làng Thụy Khuê ở vùng Kẻ Bưởi (ven hồ Tây) nên người dân và các học sinh có tinh thần phản kháng lại người Pháp không gọi tên chính thức do người Pháp đặt mà gọi là Trường Bưởi.

Từ năm 1930 đến năm 1939, cùng với cácTrường Sư phạm đào tạo giáo viên nam tiểu học (nay là Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng), Trường Brieux (Trường Hàng Cót, nay là Trường Trung học cơ sở Thanh Quan) cùng các trường thuộc khu vực phía Bắc và phía Nam Hà Nội, Trường Thực hành và Trường Kỹ nghệ thực hành, Trường Trung học Bảo hộ được bổ sung thêm môn giáo dục thể chất do các quân nhân, hạ sĩ quan người Pháp và người Đông Dương chịu trách nhiệm giảng dạy.

Từ ngày 29-9-1933, theo Nghị định số 4751 của Toàn quyền Đông Dương, Trường Trung học Bảo hộ được phép mở thêm Ban Thương nghiệp[8].

Thông tín bạ của Trường Trung học Chu Văn An thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục, chính phủ Quốc gia Việt Nam (ảnh sưu tầm).

Từ niên khóa 1942-1943, ngoài Ban Cao đẳng tiểu học, Trường Trung học Bảo hộ còn mở thêm hai Ban là Ban Trung học cận đại (Cycle secondaire moderne) và Ban Trung học cổ điển Viễn Đông (Cycle secondaire Extrême - Oriental), theo Nghị định của Toàn Quyền Đông Dương ngày 5-5-1942.

Từ niên khóa 1943-1944, để tránh oanh tạc của phi cơ đồng minh, trường phải dời Hà Nội, chia ra làm ba nơi:

- Ban Cao đẳng tiểu học chuyển vào Phúc Nhạc (Ninh Bình), tại Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc.

- Ban Trung học cổ điển Viễn Đông (đệ nhất và đệ nhị cấp), và Ban Trung học cận đại (Cycle secondaire moderne) đệ nhị cấp chuyển vào Sầm Sơn, Thanh Hóa.

- Ban Trung học cận đại đệ nhất cấp được dạy tại Hà Đông, cùng với Ban Trung học đệ nhất cấp của trường Albert Sarraut.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hoàng Xuân Hãn trong chính phủ Trần Trọng Kim đã đổi tên thành Trường Quốc lập Trung học hiệu Chu Văn An, Hiệu trưởng người Việt Nam đầu tiên là giáo sư Hoàng Cơ Nghị (tốt nghiệp Cử nhân Lý Hóa tại Paris)[9].

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, học sinh của trường phải học tạm ở thị xã Hà Đông vì trường lúc này bị dùng làm nơi đóng quân của quân đội Tưởng Giới Thạch.

Năm 1946, theo Nghị định ngày 3-8 của Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Đặng Thai Mai, ông Dương Quảng Hàm được bổ nhiệm Quyền Hiệu trưởng.

Đầu năm 1946, Trường chuyển về Việt Nam Học xá (nay là khu Đại học Bách Khoa – Hà Nội). Sau kỳ nghỉ hè 1946, trường lại chuyển về một trường Trung học nữ sinh Pháp (bây giờ là Trụ sở của Bộ Tư Pháp).

Kháng chiến Toàn quốc bùng nổ, Trường Chu Văn An trong vùng tạm chiếm bị binh đoàn xe tăng Pháp chiếm đóng nên học trò phải học tại Trường Félix Faure là một Trường Nữ cao đẳng tiểu học Pháp ở phố Hàng Cót.

Niên khóa 1949-1950, trường dời đến Trường Nữ sinh Đồng Khánh (nay là Trường Trưng Vương) ở phố Hàng Bài. Từ niên khóa 1950-1951 cho đến năm 1954, trường đặt trụ sở tại Trường Cao đẳng tiểu học Đỗ Hữu Vị cũ (nay là Trường Phan Đình Phùng), Hiệu trưởng cuối cùng của trường ở Hà Nội là Vũ Ngô Xán. Năm 1954, sau Hiệp định Genève, một bộ phận của trường chuyển vào Sài Gòn, vẫn mang tên Trường Chu Văn An, và tồn tại đến 1975.

Tại vùng kháng chiến, ngày 29-5-1947, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã ký Nghị định số 143/NĐ mở tại vùng Việt Bắc một trường trung học lấy tên Trường Trung học Việt Bắc. Đây chính là ngôi trường mà nhiều người gọi là “Trường Chu Văn An kháng chiến” do thầy giáo Trần Văn Khang làm Hiệu trưởng. Sau ngày giải phóng Thủ đô, Trường Chu Văn An đã được mở lại ở Hà Nội, nhưng tới đầu năm học 1956, trường mới trở về địa điểm Trường Bưởi cũ với ban giáo sư điều hành mới, dạy theo chương trình giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hai cựu học sinh Trường Trung học Chu Văn An: GS Hoàng Xuân Hãn (bên phải) và Nguyễn Mạnh Tường (ảnh sưu tầm).

Trường Bưởi – Chu Văn An là một ngôi trường có truyền thống yêu nước, truyền thống ấy được ghi dấu bởi những tháng năm hào hùng của thầy trò Trường Bưởi vào những năm đầu thế kỷ XX. Là một ngôi trường do người Pháp lập ra nên mục tiêu giáo dục tinh thần dân tộc đã không bao giờ được nhà cầm quyền Pháp đặt ra trong chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, các học sinh trong trường đã đi ngược lại chủ trương đó thông qua những hành động cụ thể như tổ chức bãi khóa đòi ân xá nhà yêu nước Phan Bội Châu hay để tang Phan Chu Trinh, hưởng ứng phong trào Việt Minh, tham gia vào các nhóm luyện võ cổ truyền và truyền nhau các lời chào hỏi yêu nước học được từ thầy dạy võ của mình... Một số học sinh đã sớm tham gia các phong trào độc lập dân tộc như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng… 

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, rất nhiều học sinh Chu Văn An đã gia nhập tự vệ và bộ đội Việt Minh. Nhiều người sau đó trở thành cán bộ cao cấp của chính quyền như Nguyễn Xiển, Phan Anh... Một số sau này trở thành tướng lĩnh trong quân đội như Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, các thế hệ học sinh Chu Văn An sau này đã cầm súng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, nhiều người đã trở thành liệt sĩ và được phong Anh hùng lực lượng VTND như liệt sĩ – bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, liệt sĩ Nguyễn Văn Chư (học sinh miền Nam, được truy tặng danh hiệu Anh hùng). Nhiều học sinh và cả giáo viên của trường đã tham gia chiến đấu trong các binh chủng không quân, phòng không chống lại các cuộc không kích của Không quân Hoa Kỳ, trong đó có những người được phong Anh hùng như Nguyễn Tiến Sâm, Vũ Xuân Thiều… Giai đoạn Mỹ tiến hành chiến trang phá hoại bằng không quân ở miền Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội, trường đã phải đi sơ tán về Khoái Châu (Hưng Yên). Thời gian này, những hoạt động sôi nổi, khí thế của thầy trò Trường Chu Văn An đã trở thành cái nôi cho phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên Việt Nam.

Có thể nói rằng, các thế hệ giáo viên và học sinh Trường Chu Văn An đã thực hiện tốt đạo làm THÀY, đạo HỌC mà Nhà giáo Chu Văn An đã gửi lại cho hậu thế từ 650 năm trước.

Tài liệu tham khảo:

- TTLTQG I, các phông Phủ Toàn quyền Đông Dương (Gouvernement général de l’Indochine – Gougal); Tòa Khâm sứ Hà Đông (Résidence de Hadong –RHD), Sở Học chính Bắc Kỳ (HCBK).

- Trung tâm LTQG I, Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1873-1954), Đào Thị Diến (cb), tập 2, Nxb Hà Nội, 2010.

- Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội https://vi.wikipedia.org/wiki/

- https://tailieu.vn/doc/lich-su-truong-chu-van-an-632860.html

- https://sites.google.com/site/vuonxuancva5461/vai-net-lich-su-truong-chu-van-an

 


[1] Paul Beau chính thức nhậm chức Toàn quyền Đông Dương ngày 15-10-1902.

[2] Thành lập trước năm 1890 thời Paul Bert giữ chức Tổng Trú sứ Trung-Bắc Kỳ.

[3]Thànhlập và hoàn thiện theo các Nghị định ngày 30-6, 30-7, 9-9-1907 và 22-9-1910 với mục đích đào tạo và hoàn thiện chất lượng của các giáo viên dạy ấu học ở nông thôn.

[4]Thành lập từ trước 1908.

[5] Albert Sarraut được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương hai lần. Lần thứ nhất được bổ nhiệm theo Sắc lệnh ngày 1-6-1911, chính thức nhậm chức ngày 15-11-1911 và lần thứ hai được bổ nhiệm theo Sắc lệnh ngày 7-11-1916, chính thức nhậm chức ngày 22-1-1917.

[6]Lớp dự bị này sau đó được chuyển về Trường Sư phạm đào tạo giáo viên nam tiểu học bản xứ tại Hà Nội.

[7]Năm 1937, Ban Trung học bản xứ bị bãi bỏ.

[8]Ban Thương nghiệp hoạt động theo các điều kiện đã nêu trong Nghị định ngày 8-4-1933.

[9]Hiệu trưởng (proviseur) cuối cùng của trường Trung học Bảo Hộ thời Pháp thuộc là giáo sư Antoine Perucca, Giám học (censeur) cuối cùng là Dizès.

 

TS. Đào Thị Diến