Trước tình trạng khủng hoảng nhà ở tại Đông Dương bắt đầu từ sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất và ngày càng trở nên trầm trọng, ngày 09 tháng 01 năm 1929, Đảng bộ Trung Kỳ-Bắc Kỳ của Đảng Xã hội đã gửi đơn lên Toàn quyền Đông Dương, đề nghị ban hành tại thuộc địa này các đạo luật chính quốc về đầu cơ bất hợp pháp đồng thời thành lập Văn phòng Nhà ở giá rẻ Đông Dương. Luật về chương trình xây dựng nhà ở giá rẻ đã được ban hành ở Pháp từ năm 1928. Tiếp đó, ông Fleury, một nhân viên bán đấu giá ở Hà Nội, đề xuất thành lập một Công ty Nhà ở giá rẻ dưới dạng công ty cổ phần với số vốn dự kiến là 1 triệu đồng Đông Dương để xây 120 ngôi nhà trên các miếng đất do chính quyền thuộc địa quyên góp. Trong hai năm 1929-1930, những đề xuất nói trên đã được các cơ quan của thành phố Hà Nội và phủ Toàn quyền Đông Dương nghiên cứu. Các phương án về vị trí xây nhà, huy động kinh phí đã được tính đến nhưng cuối cùng đều không mang lại kết quả cụ thể nào[i].
Dự án xây nhà giá rẻ để bán cho người dân theo phương thức trả góp được khởi động lại vào năm 1936. Trong thời gian từ cuối năm 1936 đến đầu năm 1938, rất nhiều công văn giấy tờ đã được trao đi đổi lại giữa Đốc lý Hà Nội, Thống sứ Bắc Kỳ, Giám đốc Nha Kiểm tra tài chính, Giám đốc Sở Trước bạ, Tài sản và Tem Đông Dương và Toàn quyền Đông Dương. Nhiều dự thảo nghị định về vấn đề này đã được trình lên các cấp chính quyền nhưng không được phê duyệt. Trong một công văn gửi Thống sứ Bắc Kỳ ngày 05 tháng 7 năm 1937, Đốc lý Hà Nội Virginiti đã than phiền rằng: "Vào tháng 12 năm 1936, khi tôi trình bày trước Hội đồng thành phố về dự án nhà ở giá rẻ, tôi không nghĩ sẽ vấp phải nhiều khó khăn như vậy và tôi những tưởng rằng chính quyền cấp trên sẽ tạo điều kiện hết sức để tôi thực hiện, trong thời gian ngắn nhất, một dự án quan trọng hàng đầu trong số các cải cách xã hội được Chính phủ Cộng hòa (Pháp) khuyến nghị"[ii].
Chỉ đến ngày 03 tháng 02 năm 1938, Toàn quyền Đông Dương mới ban hành nghị định phê duyệt chủ trương nói trên. Theo nghị định này, đối tượng được mua nhà trả góp phải thỏa mãn 4 điều kiện: (1) Cư trú tại Hà Nội và đã đóng thuế thân ít nhất 3 năm; (2) Đã kết hôn hợp pháp; (3) Có công việc thu nhập ổn định và (4) Không sở hữu ngôi nhà nào khác.
Mỗi năm, Đốc lý Hà Nội sẽ trình bày trước Hội đồng thành phố toàn bộ hồ sơ dự án xây nhà giá rẻ bao gồm: (1) Danh sách các miếng đất dùng để xây nhà, có bản đồ vị trí; (2) Loại hình nhà ở sẽ xây dựng trên mỗi miếng đất (3) Dự toán chi phí mua đất, chi phí xây dựng và mức trả góp và (4) Các công cụ tài chính đề xuất để thực hiện dự án.
Sau khi dự án được phê duyệt, thành phố sẽ thông báo rộng rãi cho dân chúng và tiếp nhận hồ sơ đăng ký gồm đơn viết trên giấy dán tem kèm theo các giấy tờ chứng minh. Hội đồng xét duyệt hồ sơ gồm có Đốc lý (Chủ tịch), 2 ủy viên hội đồng người Pháp, 2 ủy viên hội đồng người An Nam và Giám đốc Sở Địa chính Hà Nội. Kết quả xét duyệt được yết thị tại các văn phòng của Tòa Đốc lý và đăng báo. Những người không qua xét duyệt có 1 tháng để khiếu nại. Trong vòng 15 ngày sau khi có kết quả cuối cùng, những người qua xét duyệt phải hoàn thành các thủ tục ký hợp đồng, đóng phí trước bạ, nộp tiền đặt cọc, nếu không quyền mua trả góp sẽ tự động được chuyển cho người xếp sau. Thời gian trả góp dao động từ 10 đến 20 năm[iii].
Tuy nhiên, trên thực tế, thành phố Hà Nội đã thử nghiệm xây nhà ở giá rẻ từ năm 1937[iv]. Báo cáo của Đốc lý Hà Nội vào năm 1940 cho biết dự án đầu tiên gồm 4 ngôi nhà 1 tầng ở đường Chapuis (nay là đường Thái Phiên). Việc xây dựng hoàn tất vào tháng 8 năm 1938 và cả 4 ngôi nhà đều đã có người mua. Mức trả góp cho 4 ngôi nhà này được tính như sau:
Trả góp 10 năm: mỗi tháng 30$50
Trả góp 12 năm: mỗi tháng 27$00
Trả góp 15 năm: mỗi tháng 23$50
Trả góp 20 năm: mỗi tháng 20$50
Tiếp đó, theo nghị quyết ngày 14 tháng 6 năm 1938, thành phố xây thêm 17 ngôi nhà, gồm 9 ngôi nhà 2 tầng và 8 ngôi nhà 1 tầng ở rue Jacquin (phố Ngô Thì Nhậm), rue Sergent Giac, ngõ Sergent Giac (ngõ Duy Tân), rue Chapuis (đường Thái Phiên), rue Charron (phố Mai Hắc Đế). Loạt nhà này hoàn thành năm 1940 và đến ngày 01/5 cùng năm đã có 16 người ký hợp đồng mua trả góp. Chỉ còn lại 1 nhà 1 tầng ở ngõ Sergent Giac.
Toàn bộ chi phí xây dựng là 73.655$59 đồng. Theo ước tính của Đốc lý Hà Nội, chỉ sau 8 năm, thành phố đã thu hồi phần lớn số tiền bỏ ra và các khoản thu từ năm thứ 9 trở đi được tính là lãi ròng.
Về mặt lý thuyết, dự án hướng tới đối tượng có thu nhập thấp. Tuy nhiên, số căn nhà được xây quá ít so với nhu cầu và không phải ai cũng có thể tiếp cận được. Chẳng hạn như trường hợp của Le Dang Gian. Ông này là thư ký tại Đại học Đông Dương và dù đã đệ đơn xin mua nhà nhưng với mức lương viên chức của mình, ông không thể thực hiện các yêu cầu ghi trong hợp đồng mẫu. Vì vậy, ngày 24 tháng 5 năm 1938, ông phải làm đơn gửi Đốc lý Hà Nội xin lùi thời hạn đóng tiền đặt cọc[v].
Với loạt nhà thứ hai, chi phí thực tế cao hơn nhiều so với dự toán khiến đã mức trả góp của người dân tăng đáng kể. 14 người mua nhà vì vậy đã ký tên vào một lá đơn đề nghị chính quyền giảm mức lãi suất sao cho hạ số tiền trả góp về gần với số dự kiến lúc đầu để họ có thể chi trả.
Từ năm 1942, Văn phòng Nhà ở giá rẻ như đề xuất của Đảng Xã hội và Công ty Nhà ở giá rẻ như kiến nghị của ông Fleury vào năm 1929 đã chính thức ra đời. Một số dự án xây nhà giá rẻ để bán và cho thuê đã được phê duyệt. Tuy nhiên, các dự án đều không thể hoàn thiện do những biến động chính trị và các đợt ném bom liên tiếp[vi].
[i] Hồ sơ 19, Phông Sở Địa chính Hà Nội; Hồ sơ 10859, Phông Sở Tài chính Đông Dương
[ii] Hồ sơ 22, Phông Sở Địa chính Hà Nội
[iii] Hồ sơ 22, Phông Sở Địa chính Hà Nội
[iv] Biên bản họp Hội đồng thành phố Hà Nội ngày 30 tháng 5 năm 1940, MHN4605
[v] Hồ sơ 22, Phông Sở Địa chính Hà Nội
[vi] Hồ sơ 11367, Phông Sở Trước bạ, Tài sản và Tem Đông Dương
Bùi Hệ