1. Một số cách xác định tương đối thời điểm lập làng ở Nam bộ
* Dựa vào các sách, thư tịch cổ
Các sách mang tính địa chí có thể giúp xác định thời điểm xuất hiện làng thời Nguyễn ở Nam bộ có thể kể đến như:
Sách “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” của Lê Quang Định (1759 - 1813): đây được xem là bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn. Bộ sách được viết từ rất sớm, khi hoàng đế Gia Long vừa đăng quang, đang trong thời gian tổ chức và ổn định triều chính sau mấy trăm năm đất nước phải trải qua nạn binh đao, cát cứ. Thời điểm biên soạn sách đất nước đã thống nhất, biên cương được mở rộng phía Bắc từ Tuyên – Lạng, phía Nam đến Hà Tiên. Đây vừa là một thư tịch chính thống nhằm khẳng định cương vực của quốc gia, vừa tỏ rõ ý thức độc lập, văn hiến của một dân tộc tự cường vào đầu thế kỷ XIX. Từ bộ sách này, có thể xác đinh được tên một số thôn có đầu triều Gia Long.
Sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825): là một quyển địa chí viết về miền đất Gia Định bằng chữ Hán cổ và chữ Nôm, là một sử liệu quan trọng về Nam bộ thời Nguyễn. Sách này ghi chép rất công phu và tỉ mỉ về núi sông, khí hậu, hành chính, thành trì, cũng như về phong tục tập quán, sinh hoạt của dân cư tại vùng đất Gia Định từ lúc Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất này (năm 1698) cho đến những năm đầu thế kỷ 19. Bộ sách được xem là một trong những công trình nghiên cứu đặc sắc nhất thời nhà Nguyễn, được người đương thời đánh giá cao, tin cậy, coi như một tác phẩm kinh điển và ở khía cạnh nào đó là tác phẩm chính thức về Nam Bộ dưới góc độ địa lý và lịch sử. Thông qua Gia Định Thành thông chí (phần Cương vực chí) có thể giúp xác định tương đối những thôn, làng ra đời từ trước thời Gia Long cho đến thời điểm tác giả hoàn thành bộ sách (khoảng từ 1820 - 1822).
Sách “Đại Nam Nhất thống chí” là bộ tổng tập đầy đủ địa chí các tỉnh và các đơn vị hành chính tương đương của nước Đại Nam nửa cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Bộ sách tổng hợp những ghi chép tường tận về các mặt cương vực, lãnh thổ, hình thế, phong tục, cổ tích,... cho đến ruộng đất, hộ khẩu, nhân vật của địa phương. Cuốn sách ghi chép thống kê từ cấp đơn vị nhỏ nhất là thôn và tương đương cho đến cấp tỉnh và lớn hơn nữa là khu vực như Bắc Thành, Gia Định thành. Trong đó khu vực thành Gia Định được ghi chép gồm năm trấn Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên… Đại Nam Nhất thống chí giúp xác định tương đối một số thôn, làng ra đời trong khoảng từ đầu triều Nguyễn đến cuối thời vua Tự Đức.
* Dựa vào Địa bạ triều Nguyễn Tại Nam Kỳ, đến năm 1836 thời vua Minh Mạng mới tiến hành đo đạc ruộng đất và lập địa bạ. Tháng 2 năm Bính Thân (1836), vua Minh Mạng phái Trương Đăng Quế - đương giữ chức Binh bộ Thượng thư Cơ mật đại thần và Lại bộ Thượng thư Nguyễn Kim Bảng làm Kinh lược đại sứ, Thự Lễ bộ Hữu thị lang Tôn Thất Bạch và Thự Thông chánh sứ Nguyễn Đắc Trí làm Phó sứ đến Nam kỳ kinh lý, đo đạc lập địa bạ. Đến tháng 7 cùng năm, đoàn kinh lược sứ đã hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ đạc điền lục tỉnh Nam kỳ. Mỗi địa bạ được lập thành 3 bản: một bản lưu ở Bộ Hộ (Giáp bản), một bản lưu ở tỉnh (Ất bản), một bản lưu ở địa phương (Bính bản). Tất cả những thôn được lập địa bạ trong năm này giúp xác định thời điểm lập thôn là trước năm 1836. Hiện tại, khối Địa bạ triều Nguyễn, trong đó có địa bạ Nam kỳ lục tỉnh hiện đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Hà Nội.
* Dựa vào Sắc phong: việc xác định thời điểm lập làng trễ nhất cũng có thể dựa vào sắc phong thần được cấp cho thôn sớm nhất. Việc triều đình ban cấp sắc phong thần mà đại đa số là sắc phong Thành hoàng bổn cảnh cho các thôn chứng tỏ thôn ấy đã được khai lập trước đó và đã chính thức được triều đình công nhận về mặt hành chính. Do đó cũng có thể coi là một căn cứ xác định thời điểm lập làng trễ nhất nếu không tìm được tài liệu nào sớm hơn.
2. Châu bản xác định năm tách lập làng
Châu bản là các văn bản thuộc thẩm quyền Hoàng đế ban hành và các loại tấu sớ của các cơ quan trung ương (Nội các, Cơ mật viện, Quốc sử quán, Tôn nhân phủ, Lục bộ…) hoặc của các tỉnh thần địa phương tâu lên được hoàng đế phê chuẩn băng mực son (châu phê). Đó là cơ sở chính thống để Quốc sử quán biên soạn các bộ lịch sử của Nhà nước như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Quốc triều chính biên toát yếu.... Khối tài liệu này có vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác nghiên cứu lịch sử văn hóa và cả kinh tế, chính trị của nước nhà nói chung, của địa phương nói riêng trong hai thế kỷ XVIII, XIX.
Châu bản là khối văn thư hành chính của triều Nguyễn nên phản ánh gần như toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế, xã hội, con người ở Việt Nam giai đoạn thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế…Chính vì vậy có thể coi Châu bản triều Nguyễn là những tư liệu gốc vô cùng giá trị, bổ sung rất nhiều thông tin cho công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa.
Trong khối tài liệu châu bản, chúng ta có thể tìm thấy các thông tin về việc khai lập một số thôn dưới triều Nguyễn. Chẳng hạn như trường hợp sau: Khi khảo sát để viết lịch sử các đình làng trên địa bàn huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi có xem được sắc phong của các thôn: thôn Tân Hòa, thôn Tân Lộc và thôn Tân Phước. Ba thôn này đều thuộc huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang dưới triều Nguyễn. Ba thôn đều được cấp sắc phong Thành hoàng bổn cảnh vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (tức ngày 8 tháng 1 năm 1853). Tuy nhiên khi tra cứu địa bạ Minh Mạng (1836) thì chỉ có thôn Tân Lộc, như vậy 2 thôn Tân Hòa và Tân Phước phải thành lập sau thôn Tân Lộc và trước năm 1853. Khi tìm đọc trong khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn, chúng tôi đã phát hiện tờ châu bản Thiệu Trị tập 13, tờ số 210, nhờ đó có thể xác định được chính xác năm lập 2 thôn Tân Hòa và Tân Phước.
Châu bản ghi chép việc thành lập 2 thôn Tân Phước, Tân Hòa, nay thuộc địa phận huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp, năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) - Nguồn: Trung tâm LTQG 1
Bản dịch nghĩa nội dung Châu bản như sau:
“Ngày mùng 9 tháng 3 nhuận năm Thiệu Trị nguyên niên (1841)
Bộ Hộ phúc trình:
Sách tấu của tỉnh An Giang trình bày rằng: Theo Nguyễn Văn Tấn thôn Tân Lộc huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành bẩm rằng: Thôn đó đất rộng người đông, mỗi khi có việc thu thuế, bắt lính khó mà nhanh chóng được, xin chia làm 3 thôn. Đã sức cho phủ viên phủ đó xét tuỳ theo địa thế giáp nhau số đinh điền nhiều ít thiết lập làm 2 thôn Tân Phước và Tân Hoà. Thôn Tân Lộc vẫn theo nguyên tên gọi cũ. Bộ thần sức cho tra cứu sổ bạ cũ, chiếu theo tên thôn mới thiết lập đinh điền đều phân chia lập sổ tưởng đã thoả hợp nghĩ nên theo y lời xin.
Cung nghĩ phụng chỉ: Chuẩn y lời tấu. (Châu điểm)”
Như vậy, qua tờ Châu bản trên, chúng ta có thể biết được hai thôn Tân Phước và Tân Hòa được thành lập vào năm 1841 dưới thời Hoàng đế Thiệu Trị. Hiện nay, địa phận thôn Tân Lộc thuộc về xã Tân Thành; thôn Tân Hòa thuộc về xã Tân Hòa và thôn Tân Phước vẫn thuộc xã Tân Phước, huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp.
Việc xác định được thời điểm lập làng cụ thể sẽ giúp cho việc viết lịch sử địa phương được chính xác và Châu bản nêu trên có thể xem là tờ “khai sinh” cho các làng ấy. Mặc dù không hẳn làng nào cũng có và còn Châu bản tương tự nhưng thông qua trường hợp trên, chúng tôi tin rằng sẽ còn rất nhiều bí ẩn thú vị nằm trong khối Châu bản chờ chúng ta khám phá!
Nguyễn Thanh Thuận