03:40 AM 24/09/2018  | 

Hồ Hoàn Kiếm với tháp Rùa rêu phong cổ kính được xem như trung tâm giao lưu văn hoá của Hà Nội. Xung quanh hồ là những công trình kiến trúc nguy nga tráng lệ đan xen những di tích cổ xưa tạo nên những nét đặc trưng riêng của Hà Nội. Từ khi người Pháp đặt chân đến đây, họ đã quy hoạch và xây dựng lại thành phố với dáng vẻ đô thị kiểu hiện đại. Với ý định mở mang khu Hồ Gươm thành khu dành riêng cho người Pháp, họ tập trung xây dựng các dinh thự, cơ quan hành chính ngay tại khu trung tâm, mở con đường quanh bờ hồ, sửa sang Hồ Gươm thành nơi vui chơi hóng mát, đồng thời mở các công viên, quảng trường tạo không gian xanh cho thành phố. Cùng trên dải đất bên hồ, vườn hoa Chavassieux (nay là vườn hoa Diên Hồng), ở gần khu nhà khách Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và khách sạn Métropole ra đời từ thời Pháp thuộc được coi là điểm đến đầy ấn tượng của du khách. Đài phun nước ở đây được ghi nhận là đài phun nước cổ nhất ở Hà Nội.

1

Vườn hoa Chavassieux, nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III

Năm 1897, người Pháp đã mở các cuộc tuyển chọn các bản vẽ thiết kế để xây dựng công trình đài tưởng niệm Léon Jean Laurent Chavassieux (1848 – 1895), phó Toàn quyền Đông Dương trên chính phần mộ của ông ở nghĩa trang cũ của Hà Nội, với tổng kinh phí dự tính là 3250 đồng. Cuối cùng bản thiết kế của Kiến trúc sư Harlay đã được chọn và nhà thầu Guillaume được giao thi công công trình này. Cùng năm đó, Đốc Lý Hà Nội đã tiến hành tổ chức cuộc vận động quyên góp tiền để xây dựng công trình này. Năm 1898, công trình đã được nghiệm thu.

2.1 (1)2.2 (1)

 

Nghị định số 263 ngày 30/4/1897 của Thống sứ Bắc Kì về việc mở cuộc tuyển chọn bản vẽ thiết kế công trình đài tưởng niêm Chavassieux, phó Toàn quyền Đông Dương, nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Ngày 29/9/1899, Hội đồng Thành phố Hà Nội đã họp bàn việc chọn vị trí dựng đài phun nước tại công trình đài tưởng niệm này với mong muốn nơi đây sẽ trở thành nơi tổ chức các lễ hội và vui chơi của công chúng, đem lại dấu ấn nghệ thuật hấp dẫn cho người Âu và người bản xứ. Sau khi thảo luận, Hội đồng đã quyết định chọn vị trí đài phun nước nằm đối diện với dinh Thống sứ Bắc Kì và giới hạn bởi các đại lộ Henri Rivière, Courbet và phố Cựu Lâu nay là các phố Ngô Quyền, Lý Thái Tổ và phố Lê Thạch. Kinh phí dự tính cũng được trích từ các khoản tiền quyên góp. Kiến trúc sư Harlay là người chịu trách nhiêm chọn nhà thầu và giám sát thi công.

Đài phun nước hình tròn được xây ở giữa vườn hoa, có một trụ đá to hình vuông, cao khoảng 3,5m. Ở giữa và trên trụ đá ấy chính là tiểu sành đựng di hài của Chavassieux. Xung quanh có những con cóc bằng đồng phun nước lên trụ đá, các họa tiết trang trí cổ điển, bắt mắt, đó là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc của phương Đông và phương Tây. Vì thế người Hà Nội quen gọi là vườn hoa Con Cóc. Đặc biệt, ngoài những con cóc bằng đồng ấy còn có hình tượng những con rồng đang chầu hướng về 4 chân trụ đá thể hiện sức mạnh và sự uy nghiêm.

Đến năm 1901, công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Sau 1945, vườn hoa được đổi tên thành vườn hoa Diên Hồng. Cho đến nay, sau hơn 100 năm tồn tại, đài phun nước vẫn giữ được những nét đẹp xưa.

 

Tài liệu tham khảo

1.Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, hồ sơ 9482.

 

MINH PHÚC