Những ngày qua, thông tin về việc thành phố Hà Nội cải tạo vườn hoa Lý Thái Tổ thành 3 khu vực chính để đảm bảo cảnh quan và công năng sử dụng phù hợp với Di tích cấp Quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm đang được dư luận rất quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều.
Hãy cùng chúng tôi lật giở những trang sử cũ để tìm hiểu về những câu chuyện xung quanh vườn hoa này nhé!
Hình thành một không gian xanh
Chắc hẳn không phải ai cũng biết vườn hoa Lý Thái Tổ có tên gọi chính thức ban đầu là vườn hoa Paul Bert và được xây dựng trên phần đất của chùa Phổ Giác hay còn gọi là chùa Tàu. Chúng ta có thể nhìn thấy rõ vị trí của ngôi chùa cổ này trên bản đồ Hà Nội năm 1873 được đánh số 64[1]:
Bản đồ Hà Nội năm 1873, nguồn: TTLTQGI
Năm 1873, Pháp đánh chiếm Hà Nội. Thực chất, Hà Nội lúc này là một điểm dân cư hỗn hợp với khu hành chính, khu buôn bán, nhiều làng mạc nằm sát nhau[2]. Hồ Gươm vẫn mang dáng dấp của ao hồ nông thôn với những cầu ao phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày. Từ năm 1884 trở đi, Hồ Gươm trở thành trung tâm và điểm xuất phát cho kế hoạch xây dựng Hà Nội thành “một thành phố kiểu Âu” của người Pháp. Họ bắt tay vào việc làm đường nối khu Nhượng địa với khu vực Trường Thi - Hoàng Thành cũ và đường quanh Hồ. Đặc biệt, vào năm 1886, ngay sau khi nhậm chức Tổng Trú sứ Trung - Bắc Kỳ, Paul Bert đã tiến hành quy hoạch, chỉnh trang khu vực Đông và Nam hồ Hoàn Kiếm và cho di dời chùa Phổ Giác về khu vực cuối phố Ngô Sĩ Liên ngày nay[3] để xây dựng cụm 4 công trình là tòa Đốc lý, Kho bạc, Dinh Thống sứ và Bưu điện.
Công văn số 248 ngày 28/5/1886 của Kỹ sư, Chánh Sở Công chính gửi Thống sứ Bắc Kỳ về dự án xây trụ sở cho một số cơ quan ở xung quanh hồ Gươm, nguồn: TTLTQGI
Kinh phí xây dựng 4 công trình trên là 420.000 phơ - răng chưa kể chi phí san lấp một khối lượng lớn ước khoảng 20.000m3 đất vì khi đó đất tự nhiên ven hồ bị xẻ và ngập nước[4].
Các tòa nhà được nghiệm thu tạm thời vào cuối năm 1887 và khu đầm lầy ngăn cách các tòa nhà được san lấp để xây dựng vườn hoa. Đây được cho là việc làm rất cần thiết và hữu ích đối với các công sở xung quanh[5]. Do ban đầu chưa có tên nên người dân gọi nó là “vườn hoa bốn tòa” (vì nằm giữa bốn tòa nhà).
Công văn số 1123 ngày 26/11/1887 của Phó Công sứ Hà Nội gửi quyền Tổng Trú sứ Trung - Bắc Kỳ yêu cầu ban hành nghị định tuyên bố việc xây dựng vườn hoa là vì mục đích công cộng, nguồn: TTLTQGI
Số phận hai bức tượng
Tượng “Nữ thần tự do”
Ngay những năm đầu đặt chân đến Hà Nội, với mục đích phô trương sự văn minh, kỹ thuật tân tiến của Pháp cùng ý đồ “khai hóa” mang ánh sáng văn minh đến các xứ thuộc địa, người Pháp đã tổ chức một cuộc triển lãm tại Hà Nội vào năm 1887 và trưng bày bức tượng “Nữ thần tự do” tại đây. Kết thúc triển lãm, bức tượng được Hội Huynh đệ Bắc Kỳ (Fraternité Tonkinois) mượn tạm để khánh thành trụ sở. Sau đó, tượng được trao lại cho chính quyền Hà Nội để đặt ở một vườn hoa của thành phố[6].
Vườn hoa bốn tòa (vườn hoa Lý Thái Tổ ngày nay) được chọn làm nơi đặt tượng cho đến trước khi thành phố quyết định đặt bức tượng này trên đỉnh tháp Rùa ngay sau ngày 14/7/1890[7].
Tượng Paul Bert, Tổng trú sứ Trung - Bắc Kỳ (18/4 -11/11/1886)
Paul Bert là vị Tổng Trú sứ Trung - Bắc Kỳ đã có đóng góp lớn trong việc quy hoạch, tổ chức lại Hà Nội trước khi chính thức trở thành nhượng địa của Pháp vào năm 1888, vì thế chính quyền Pháp đã tôn vinh bằng cách đặt tên phố, tên trường và đúc tượng. Tượng Paul Bert được đúc từ Pháp bằng ngân sách của chính quyền cùng sự đóng góp của vua Đồng Khánh và một số quan lại. Để kỷ niệm ngày Quốc khánh Pháp (14/7/1890), chính quyền Pháp đã mang tượng Paul Bert từ Pháp qua và đặt tượng tại vườn hoa bốn tòa và cũng từ đó vườn hoa này có tên gọi là vườn hoa Paul Bert.
Tượng Paul Bert được đặt tại vườn hoa này cho đến năm 1945 khi thành phố Hà Nội có quyết định thay đổi tên phố và vườn hoa từ tên Pháp sang tên Việt.
Vườn hoa Nhà kèn
Ngoài những bức tượng, điểm nhấn của vườn hoa Paul Bert xưa chính là tòa nhà bát giác được người Pháp xây dựng năm 1892 và cải tạo lớn vào năm 1901. Đây là địa điểm thường xuyên diễn ra các chương trình chào mừng ngày Quốc khánh Pháp với những buổi hòa nhạc ngoài trời và khiêu vũ đồng quê[8].
Ngoài ra, nhà Bát giác còn là nơi dành cho đội quân nhạc (hay còn gọi là đội kèn binh) tập kèn, biểu diễn góp vui vào mỗi cuối tuần nên vườn hoa này còn được người dân gọi là “vườn hoa Nhà kèn”
Các tên gọi sau Cách mạng tháng 8 năm 1945
Năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, thị trưởng Trần Văn Lai cho hạ tượng Paul Bert cùng với một số tượng do người Pháp dựng trong thành phố. Vườn hoa Paul Bert đổi tên thành vườn hoa Chí Linh - địa danh một vùng núi phía Tây Thanh Hóa, một căn cứ của nghĩa quân Lê Lợi.
Năm 1984, nhằm thắt chặt tình hữu nghị Việt - Ấn, vườn hoa mang tên cố Thủ tướng Ấn độ Indira Gandhi
Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2004) và chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố Hà Nội đã quyết định xây dựng tượng đài vua Lý Thái Tổ tại vườn hoa lịch sử này và từ đó vườn hoa mang tên vườn hoa Lý Thái Tổ[9].
Ngày nay, vườn hoa Lý Thái Tổ không chỉ là điểm đến thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan mà còn là một trong những không gian công cộng quan trọng bên hồ Hoàn Kiếm - địa điểm luôn được lựa chọn để tổ chức các sự kiện văn hóa lớn của Thủ đô. Nơi đây không đơn thuần chỉ là một điểm đến để tìm lại những khoảnh khắc bình yên trong cuộc sống, một điểm nghỉ ngơi trong hành trình du lịch mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa - lịch sử của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.
Nguyễn Hằng