11:08 AM 08/09/2024  | 

Sách mới "Du lịch Đông Dương xưa" vừa phát hành do Phúc Tiến, cây bút quen thuộc về di sản trên Tạp chí Người Đô Thị, làm chủ biên. Đây là sách của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội) chủ trương nhằm giới thiệu toàn cảnh các tuyến lữ hành và điểm du ngoạn trước 1945 của Việt Nam, Lào và Campuchia. Thông qua nhiều hình ảnh, bản đồ, sách báo và văn bản quý hiếm từ các kho lưu trữ, đặc biệt là những câu chuyện "đời xưa" ít biết, tác giả mời chúng ta cùng "đi phượt miền quá khứ", cách đây hơn 100 năm.

 

Sách "Du lịch Đông Dương xưa"

 

Với bốn chương sách và hơn 150 trang trình bày trang nhã, cùng nội dung không ít chi tiết mới lạ, bạn đọc sẽ có một hành trình lý thú về các vùng đất tiêu biểu của Đông Dương xưa. Mở đầu là chương "Biển vàng, đảo ngọc" đưa ta đến đảo Bạch Long Vĩ, vịnh Hạ Long kỳ bí và các vùng biển Cam Ranh, Nha Trang, Vũng Tàu, Sầm Sơn và Đồ Sơn giàu đẹp. Đặc biệt, bạn đọc sẽ tham dự chuyến đi săn cá và mực ngoài khơi Phú Quốc, vào ban đêm, rất hấp dẫn. Và rồi, chúng ta cùng lên núi, qua chương "Ốc đảo ôn đới" dạo chơi Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì, Bạch Mã, Bà Nà và Đà Lạt - những trung tâm nghỉ dưỡng trên cao nguyên, được khám phá và xây đắp công phu, vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.

 

Sơ đồ phân lô lần 1, cốt 1000 tại khu nghỉ dưỡng Ba Vì, 1943, nguồn: TTLTQGI

 

Không chỉ thưởng ngoạn thiên nhiên, với chương "Thưởng ngoạn lịch sử", bạn đọc sẽ đi thăm và tìm hiểu lai lịch việc tôn tạo các di tích lịch sử rạng rỡ như đền Angkor, kinh thành Huế, cổ thành Hà Nội và Thanh Hóa cùng Hải Vân Quan. Kế đến là vào cửa các"kho báu" - bảo tàng Louis Finot (Hà Nội), Khải Định (Huế) và Blanchard de la Brosse (Sài Gòn), nơi lưu giữ nhiều cổ vật quý giá của Việt Nam và các nước Á Đông.

Ở chặng cuối hành trình, với chương "Đô hội giao hòa Đông - Tây", sách mời bạn đọc "check-in" Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn, Luang Prabang, Vientiane và Phnom Penh - những thành phố thân quen nhưng có nhiều nét duyên dáng khác biệt với ngày nay.

Sách có phần mở đầu bằng các lời nhận xét trích dẫn của người xưa - Việt Nam và quốc tế về thiên nhiên và văn hóa của Đông Dương. Đáng chú ý ngay từ năm 1911, ông Abel Ballif, Chủ tịch Hội Du lịch Pháp, đã phát hiện nét quyến rũ trước nhất: "Chính là màu sắc bản địa được những dân tộc chung sống tại đây bổ sung thêm chút gì đó mới mẻ và thú vị". Vâng, không gì khác hơn là bản sắc dân tộc, bản sắc vùng miền mới là điều du khách quan tâm nhất, chứ không phải là những sản phẩm hào nhoáng, đâu đâu cũng có!

 

Một số nhận xét của người đương thời về thiên nhiên và văn hóa Đông Dương, trích sách “Du lịch Đông Dương xưa”

 

Trong sách, tác giả không chỉ viết về Đông Dương xưa kiều diễm mà còn thu thập và gởi gắm phần nào thông tin về cách làm du lịch thuở ấy. Chúng bao gồm việc thám hiểm các nơi hoang vu nhưng quyến rũ, kết hợp đi chơi với nghỉ dưỡng, quy hoạch và xây dựng các thị trấn du lịch, quảng bá trong và ngoài nước thông qua nhiều phương tiện v.v... Mặt khác, tác giả thuật lại câu chuyện sinh thành đầy gian nan của các khu du lịch nổi tiếng ở Việt Nam mà ngày nay chúng ta đang thừa hưởng một cách mỹ mãn. Nhiều trang viết kể chuyện những con đường lên núi và trên đảo được hình thành bằng máu và mồ hôi của nhiều thế hệ tù nhân và lao công. Trong đó, thật xúc động, bức bưu ảnh về người khiêng kiệu lên núi, khi chưa có đường bộ, chính là những phụ nữ vấn khăn, mặc yếm đầy nhọc nhằn. Chính những câu chuyện lịch sử đó đều cần thiết cho cả người chơi và người làm du lịch hiện tại, cùng học hỏi. Với các bạn trẻ thích "đi phượt", tác giả đề nghị các cuộc lữ hành không chỉ là thú tiêu khiển bình thường. Đây cũng là dịp để chúng ta suy ngẫm thêm nhiều điều bổ ích về đất nước, con người và bản thân.

Bài: Thư Điểm, Tạp chí Người Đô Thị, số 147 (9/2024).

Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Thư Điểm