Vị trí và diện tích. Bắc Kỳ nằm giữa Trung Kỳ và Trung Hoa, trải dài từ 18o đến 20o vĩ Bắc và từ 102o đến 10o kinh Đông.
Địa giới của Bắc Kỳ được xác định như sau: Phía Bắc giáp các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Hoa); phía Nam giáp vịnh Bắc Kỳ; phía Đông giáp Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Hoa) và biển Đông; phía Tây giáp Luang-Prabang (Lào) và Thanh Hoá.
Bắc Kỳ được chia làm 2 miền: miền núi hay còn gọi là Thượng du và miền đồng bằng gọi là Trung châu tiếp giáp với biển. Bắc Kỳ có hệ thống sông ngòi dày đặc. Tầm quan trọng của Bắc Kỳ chủ yếu đến từ các tuyến đường thương mại lớn hình thành bởi sông Cái. Mọi hoạt động xuất nhập khẩu chính của Việt Nam và khu vực biên giới với láng giềng Trung Hoa đều diễn ra thông qua tuyến đường tương đối thuận lợi này.
Châu thổ Bắc Kỳ được hình thành từ hai châu thổ sông Hồng và sông Thái Bình. Hai sông này - hoàn toàn tách biệt và nối với nhau bởi hai con sông (sông Đuống và sông Luộc) - chia Châu thổ thành 2 phần gần tương đương cả về diện tích đất đai, số khu đô thị cũng như hoạt động sản xuất và giao thương. Phần châu thổ giáp biển nhất có địa hình bằng phẳng, trũng và màu mỡ. Hàng năm, ít khi có các trận lũ trên các sông.
Những đợt mưa lớn thường bắt đầu vào tháng 5, còn các trận lũ thường diễn ra trong tháng 8. Các cơn bão xảy ra thường xuyên.
BẮC KỲ HÀNH CHÍNH
Tổ chức hành chính: Bắc Kỳ gồm có 23 tỉnh và 3 đạo quan binh.
Tỉnh
Bắc Giang |
Hưng Hoá |
Sơn Tây |
Bắc Cạn |
Hưng Yên |
Sơn La |
Bắc Ninh |
Kiến An |
Thái Bình |
Hà Đông |
Lạng Sơn |
Thái Nguyên |
Hải Dương |
Nam Định |
Tuyên Quang |
Hải Ninh |
Ninh Bình |
Vĩnh Yên |
Hà Nam |
Phúc Yên |
Yên Bái |
Hoà Bình |
Quảng Yên |
|
Đạo quan binh:
Cao Bằng
Tiểu quân khu Cao Bằng và Bảo Lạc
Hà Giang
Tiểu quân khu Hà Giang và Bắc Quang
Lào Cai
Tiểu quân khu Lào Cai, Bảo Hà và Cốc Lếu
Hai thành phố: Hà Nội và Hải Phòng
Tỉnh. Đứng đầu mỗi tỉnh dân sự là quan cai trị người Pháp nắm quyền kiểm soát chính quyền bản xứ, trực tiếp hơn ở Trung Kỳ và Cao Miên. Dưới quyền của quan cai trị là những người đại diện - điều hành các trung tâm hoặc đồn hành chính tại một số tỉnh. Các quan Công sứ - Chủ tỉnh cũng đặt dưới quyền của Thống sứ, quyền hạn được quy định bằng sắc lệnh.
Giúp việc cho Thống sứ là Hội đồng Bảo hộ và Thống sứ giữ chức Chủ tịch. Các thành viên của Hội đồng gồm: tướng lĩnh hoặc tư lệnh tối cao quân đội đồn trú Bắc Kỳ; tư lệnh Hải quân; người đứng đầu các cơ quan hành chính; đại diện cho Chánh Sở Tư pháp; đại diện của Nha Kiểm tra tài chính; đại diện các phòng thương mại Hà Nội, Hải Phòng; đại diện phòng Canh nông Bắc Kỳ…
Tổ chức tư pháp. Vào thời điểm này, ở Hà Nội và Hải Phòng có một số toà án Pháp: một toà đại hình có trụ sở đặt tại Hà Nội. Tại các tỉnh, việc xét xử do các toà án tỉnh thụ lí và giải quyết, hoặc là đối với một số vụ kiện liên quan đến người bản xứ thì chính quyền An Nam sẽ chịu trách nhiệm nhưng bản án vẫn phải được trình lên toà án Pháp thông qua.
Đạo quan binh. Tổ chức quân sự tại khu vực phía Bắc Bắc Kỳ khá lớn mạnh. Theo Nghị định ngày 06/8/1891, Bắc Kỳ được thành 2 phần:
- Vùng châu thổ chia thành các tỉnh và đặt dưới chính quyền dân sự;
- Khu vực miền núi bao quanh châu thổ tới tận Trung Hoa được chia thành các đạo quan binh. Dưới các đạo quan binh này là các tiểu quân khu, quân khu.v.v...
Tổ chức này được hình thành vì những lí do sau đây:
- Khu vực miền núi không thể áp dụng chế độ hành chính như ở vùng châu thổ, vừa bởi đặc điểm địa hình khiến khu vực này khó tiếp cận theo mọi hướng, vừa bởi điều kiện sống của cư dân nơi đây.
- Dân số định cư ở của khu vực này nằm rải rác, thưa thớt, nguồn thu từ thuế không đủ đáp ứng nhu cầu của một chính quyền tương tự như chính quyền ở vùng châu thổ.
- Khu vực này chính là lớp phòng thủ tự nhiên về mặt quân sự cho vùng châu thổ trước ngoại bang và điều quan trọng nữa là phải duy trì thường trực ở đây một lực lượng quân sự đủ mạnh để chống lại ngoại xâm và bảo vệ các vùng phụ cận của vùng châu thổ.
Địa giới giữa các khu dân sự và quân sự thay đổi theo hướng có lợi cho phát triển kinh tế của công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp.
Việc quản lý một trong những đạo quan binh này giao cho một sĩ quan cao cấp, thực thi các quyền hành chính và tư pháp trao cho các Công sứ-Chủ tỉnh trong phạm vi lãnh thổ phụ trách. Về tư pháp, chỉ huy tiểu quân khu đảm nhiệm chức năng, quyền hạn giao cho các Công sứ-Chủ tỉnh của Bắc Kỳ theo Sắc lệnh ngày 15/9/1886.
NỀN HỌC CHÍNH CỦA BẮC KỲ
Nghị định tháng 4/1904 đã cải tổ nền học chính Bắc Kỳ dựa trên nền tảng mới. Xuất phát từ yêu cầu của Uỷ ban đặc biệt phụ trách nghiên cứu vấn đề này, Toàn quyền phân biệt rõ chương trình giáo dục dành cho thanh niên Pháp sống tại thuộc địa với chương trình dành cho dân bản xứ.
Chương trình giáo dục của Pháp chia thành giáo dục tiểu học và giáo dục trung học. Chương trình tiểu học được giảng dạy tại các trường Bảo hộ của Hà Nội và Hải Phòng. Chương trình trung học dạy tại trường Paul Bert, Hà Nội.
Hàng năm, một hội đồng giám khảo cấp bằng tiểu học, bằng sơ đẳng và bằng cao đẳng thuộc chương trình tiểu học cho những ứng viên có đủ điều kiện về tuổi và kiến thức.
Giáo dục Pháp-Việt được dạy tại các trường thuộc xứ Bảo hộ và trường hàng tỉnh. Nhân sự giảng dạy gồm giáo viên tiểu học người Pháp và người bản xứ do Trường Sư phạm Hà Nội tổ chức đào tạo.
Đứng đầu Nha Học chính là một Giám đốc phụ trách việc đưa các chương trình giáo dục của Pháp giảng dạy tại thuộc địa.
Giáo sư trường trung học phải có bằng cử nhân. Giáo viên tiểu học phải có các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của Chính phủ Pháp.
Giáo dục tư thục cũng rất phát triển. Bên Cơ đốc giáo có một trường dòng lớn tại Hà Nội: Trường Puginier. Ở Hà Nội và Hải Phòng còn có các trường học do các Nữ tu điều hành.
NÔNG NGHIỆP - THƯƠNG MẠI - KỸ NGHỆ
Các nông sản chính của Bắc Kỳ gồm: gạo, lụa tơ tằm, bông, cây dâu, mía, cà phê, đay, chàm, cây sơn, ngô, tầm ma trắng, cao su, thầu dầu, quế, gừng, cánh kiến chất lượng cao, v.v...
Vùng đất Bắc Kỳ cũng là nơi có nhiều cánh rừng che phủ với các loại lâm sản quý như: gỗ lim, gỗ mun, gỗ trắc, gỗ đàn hương song lại rất khó tiếp cận. Những khu rừng này chỉ được khai thác khi các tuyến đường giao thông được thiết lập.
Khu vực miền núi có khá nhiều mỏ: Vàng, bạc, đồng, chì, thiếc, sắt, antimon.v.v... với trữ lượng nhỏ.
Khu vực ven biển có: Vùng mỏ than đá với diện tích đo được gần 1.000 km2. Than đá chủ yếu là loại antraxit, chất lượng tốt. Thời điểm này ở Việt Nam có 3 công trường khai thác than đá tại Hòn Gai, đảo Ké Bào và Nông Sơn cách Đà Nẵng 80 km.
Trong 6 tháng đầu năm 1906, tổng kim ngạch nhập khẩu vào Bắc Kỳ lên tới 101.363.625 phơ răng; kim ngạch xuất khẩu đạt 89.924.184 phơ răng.
Phòng Thương mại và Canh nông Hà Nội (sách Xứ Bắc Kỳ của Robert Dubois năm 1900)
Xưởng Gạch của các ông Bourgoin và Meiffre tại Hà Nội (sách Xứ Bắc Kỳ của Robert Dubois năm 1900)
Nhà máy Giấy do Hãng M.F.H Schneider thành lập cạnh Hồ Tây, thêm vào đó là Xưởng In lớn đã nuôi sống hàng trăm hộ gia đình. Ngoài ra, còn có các xưởng gạch; nhà máy điện và nhà máy nước đá...
Nguồn: S.189 - Tổng Niên giám Hành chính, Thương mại và Kỹ nghệ Đông Dương, tr. 327-332 bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Hoàng Hằng - Lê Xuyến (dịch)