12:49 PM 10/01/2025  | 

Nếu cuốn sách ảnh Indochine pittoresque & monumentale (Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ) của Pierre Dieulefils mang đến cho độc giả những bức bức ảnh tuyệt đẹp về xứ Đông Dương (Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ) một thuở, thì cuốn du ký Le tour d'Asie: Cochinchine, Annam, Tonkin (Vòng quanh châu Á: Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ) của ký giả - nhà lữ hành Marcel Monnier mang đến cho độc giả nhiều thông tin hơn thế - một bức tranh toàn cảnh và tráng lệ về ba xứ của Đông Dương thuộc Pháp. Sách Vòng quanh châu Á, NXB Dân trí.

Hành trình của Monnier trên đất Việt Nam xuất phát từ Sài Gòn, trước đó tàu cập Vũng Tàu (Cap Saint-Jacques), từ đô thành Sài Gòn đến các vùng phụ cận, từ sông Đồng Nai đến thác Trị An, từ xứ người Thượng đến Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc của đất Nam Kỳ lục tỉnh. Monnier cũng đặt chân đến Nam Vang (Phnom-Penh, Cao Miên), ghé Angkor rồi đến Băng Cốc (Bangkok, Xiêm La). Tiếp đó, đoàn của Monnier theo đường thủy ra Ngũ Hành Sơn (Tourane, Trung Kỳ), theo đường cái quan từ Tourane ra Huế tham quan những đền đài, lăng tẩm của đất kinh kỳ… Monnier tiếp tục theo đường thủy ra Bắc Kỳ, hành trình lần lượt qua Hải Phòng, vịnh Hạ Long, Hòn Gai, Kế Bào, Hà Nội, Yên Thế, rồi từ Lạng Sơn đến ải Nam Quan. Một hành trình dài đằng đẵng, những chuyến phiêu lưu và những ngày lưu trú, cùng những quan sát tinh tế cho phép người lữ hành tiếp thu và ghi chép những nét đặc sắc về đời sống văn hóa tinh thần của người Việt cuối thế kỷ 19.

Monnier ghé Chợ Lớn vào dịp tết Nguyên đán, với Chợ Lớn trong những ngày này như một Trung Hoa chưa bị u hóa, “ta tưởng mình đang lạc vào một trong những thành phố nhộn nhịp nhất Trung Hoa”. Monnier có ba mươi tháng lưu trú ở Trung Hoa nên so sánh của ông có sự cân nhắc và trải nghiệm. Việc những cộng đồng di cư có ý thức lưu giữ các phong tục tập quán không phải hiếm, hoặc quên hẳn hoặc bảo tồn một cách triệt để, vế bảo tồn này chúng ta có thể nhìn thấy ở cộng đồng Công giáo Bắc di cư ở các xứ đạo Biên Hòa (Đồng Nai)…

Hiện nay, có tua vòng quanh Sài Gòn bằng xe bus hai tầng, hình thức du lịch ngắm cảnh này thời Monnier đã có. Tua này trong Le tour d'Asie: Cochinchine, Annam, Tonkin Monnier gọi là Tour d’inspection, tua hóng mát hay tua tham quan thành phố vào buổi chiều (17h đến 19h) trên những xe ngựa bốn bánh, từ Sài Gòn, qua Gia Định, vào Chợ Lớn rồi về lại Sài Gòn. Hình thức du lịch này cũng được ghi chép trong tài liệu xuất bản thập niên 1930. Trước đó, vào năm 1893, Pierre Barrelon đã viết về Tour d’inspection trên tờ Le tour du monde (Paris), tua này còn được gọi là tua thanh tra, vì đi ngang qua Tòa Bố tỉnh Gia Định (nay là trụ sở UBND quận Bình Thạnh, TP. HCM, số 6 Phan Đăng Lưu), người Pháp gọi là L'inspection de Gia-Dinh (hạt thanh tra Gia Định), nên gọi là Tour d’inspection.

Tua hóng mát hay “tua thanh tra” đi qua cầu Bình Lợi, ảnh: Collection P. Dieulefils

Theo Monnier, ở Hà Nội tua này gọi là Tour de Bois, vào buổi chiều khi công việc đã đâu vào đấy, các viên chức dân sự và quân sự ra ngoại thành hóng mát quanh vườn Bách thảo, qua đường Quán Thánh (Grand-Bouddha) trên những xe ngựa bốn bánh. “Từ lúc 4 giờ [chiều], các kỵ sĩ và đoàn tùy tùng đã xuất hiện, những con ngựa nhỏ trong xứ, hung hăng, giậm chân, giẫm bước, những xe ngựa bốn bánh, những cái giỏ dễ thương mắc vào xe, loại thùng xe nhẹ ở khu nghỉ mát suối nước nóng. Còn bên bờ Hồ Nhỏ [Hoàn Kiếm], người ta thi nhau trình diễn những bộ trang phục thoáng mát”.

Trong những nhà lữ hành đến Việt Nam thời Pháp thuộc, Léon Werth được xem là người viết văn hay thông qua tác phẩm Cochinchine: Voyages (Nam Kỳ ngao du) phê phán chế độ thực dân Pháp ở Nam Kỳ; bác sĩ Hocquard, trong tác phẩm Une campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc Kỳ) viết về Bắc Kỳ và một phần Trung Kỳ, vừa viết hay lại còn dí dỏm. Marcel Monnier trong vai trò một ký giả kỳ cựu lại có văn tài, vì thế độc giả có thể đọc Le tour d'Asie: Cochinchine, Annam, Tonkin (Vòng quanh châu Á: Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ) của ông như một tác phẩm văn chương và hơn thế nữa.

Xin trích một đoạn văn: “Bạn đọc có thích những thành phố cổ xưa không? Bản thân tôi rất yêu chúng. Bạn đọc có muốn lang thang trong những con ngõ quanh co từ ngày nọ sang ngày kia, từ chợ này sang chợ khác, quầy hàng này sang quầy hàng khác, vẩn vơ trong bầu không khí trung cổ, giữa những phường hội, những nhóm đốc công và quản lý? Hãy quan sát Hà Nội. Chỉ riêng những cái tên đường thôi cũng đủ giúp bạn đọc mường tượng ra diện mạo của nó, những bức tranh sống động mà nó đang chứa đựng. Những cái tên này xứng đáng với một chương trình, một danh mục trọn vẹn của bảo tàng, những cái tên mà ngài Đốc lý hiện nay muốn tôn trọng, còn những biển tên nhằm tưởng niệm các danh nhân chính trị hoặc quân sự sẽ dành lại cho những đại lộ của thành phố mới. Tại đây, bạn đọc sẽ thấy phố Hàng Nón, Hàng Chiếu, Hàng Bồ, Hàng Da giống như ngày trước. Tiếng leng keng của đồng bạc và đồng kẽm cho bạn biết phố Hàng Bạc từ xa. Trong tiếng búa đe inh ỏi, chúng ta sẽ tự mình khám phá phố Hàng Đồng, dưới ánh nắng chói chang, những sạp nồi niêu và lư hương trên phố tóe ra những tia lửa”, hoặc “Ngay lúc này, ở đây đang có một cuộc sống, một sự vận động, một niềm vui phố phường tương phản hoàn toàn với sự tĩnh mịch đến buồn ngủ của nhiều thành phố thuộc địa khác. Những gương mặt thư thái hơn, những cuộc chuyện trò, thảo luận dễ chịu hơn, tất cả đều cho thấy niềm vui sống, thái độ mạnh mẽ chấp nhận những khó khăn ban đầu, một niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Có thể tôi nhầm. Có thể tôi bị vẻ bề ngoài đánh lừa”…

Nhật ký hành trình của Marcel Monnier lần lượt từ Nam Kỳ ra Trung Kỳ rồi tới Bắc Kỳ, ở mỗi nơi dừng chân ông đều quan sát tỉ mỉ đời sống thường nhật của người dân và ghi chép lại một cách cẩn thận, những dòng du ký chân thật của ông giúp cho độc giả ngày nay có được các thông tin quý giá về con người và vùng đất Việt Nam xưa, “hiểu để yêu và yêu để hiểu”.

 

Tour hóng mát ở Sài Gòn. Ảnh sưu tầm

 

Dưới góc nhìn của Marcel Monnier - một nhà báo, nhà văn, và nhiếp ảnh gia người Pháp, cuốn sách sẽ đưa bạn trở về quá khứ, mở ra những góc nhìn hiếm hoi và đầy sống động về Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc. Hành trình này không chỉ là một chuyến du ngoạn thời gian mà còn là cơ hội để chiêm ngưỡng một giai đoạn lịch sử đã qua, nơi vẻ đẹp và cuộc sống của Việt Nam đan xen cùng những thay đổi lớn lao.

 

Nguyễn Quang Diệu