09:39 PM 03/11/2024  | 

Triều Nguyễn có một cơ quan khoa học tự nhiên về khí tượng gọi là Khâm thiên giám - nơi tập trung quan viên chuyên quan sát, chiêm nghiệm thiên văn, liệu đoán khí tượng thủy văn, khí hậu, có nhiệm vụ dự báo thời tiết, làm lịch âm dương ban hành cả nước, quản lý tài liệu thư tịch về thiên văn, lịch pháp; chọn ngày giờ tốt cho mọi hoạt động của Vua, triều đình và các công việc sản xuất nông nghiệp cùng lễ nghi ngoài dân gian.

Bản tấu của Khâm thiên giám ngày 28 tháng 1 năm Bảo Đại thứ 14 (18/3/1939) về việc gặp độ nguyệt thực (Nguồn: TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn)

 

Khâm thiên giám được lập thời Vua Gia Long (1802 – 1819) và được cải cách hoạt động quy củ hơn dưới triều Vua Minh Mệnh (1820-1840). Năm 1827, đắp đài Quan tượng - đài quan sát khí tượng, khí hậu, thời tiết. Năm 1918, Khâm thiên giám chuyển từ Nam đài tới chỗ Thái y viện (nay trên đường Hàn Thuyên, phường Thuận Thành, thành phố Huế). Trải qua thời gian, trụ sở Khâm thiên giám và đài Quan tượng đã bị hư hỏng không còn nguyên vẹn như dáng vẻ ban đầu, tuy nhiên đài Quan tượng được phục dựng mới hoàn toàn theo kiến trúc cũ vào năm 2013.

Khâm thiên giám được lập và hoạt động dưới thời Vua Gia Long, nhưng đến thời Vua Minh Mệnh mới chính thức xây dựng trụ sở Khâm thiên giám ở phường Nam An trong Kinh thành [1]. Ngày Kỷ Mùi tháng Hai năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), đắp đài Quan tượng, trên đài dựng đình Bát phong[2], phía ngoài dựng cột và treo cờ để xem hướng gió. Chức năng của Khâm thiên giám “giữ chiêm nghiệm khí hậu, trên xem bầu trời, dưới xét núi sông đều là phận sự phải làm[3]. Bên cạnh đó, khi triều đình và Hoàng gia làm bất cứ công việc lớn nhỏ nào đều do Khâm thiên giám đảm trách việc chọn ngày lành tháng tốt. 

Quan tượng đài tọa lạc trên pháo đài Nam Minh ở góc Tây Nam của Kinh thành. Đây là nơi để các nhà chiêm tinh của cơ quan Khâm thiên giám dùng kính thiên văn quan sát mặt trời, mặt trăng và các tinh tú; nhằm xác định toạ độ địa lý của các tỉnh thành, vùng miền trên đất nước. Một số minh chứng cụ thể được khai thác từ Châu bản triều Nguyễn ghi chép công việc của Khâm thiên giám tại đài Quan tượng. Bản tấu của chúng thần Khâm thiên giám ngày 19 tháng Mười hai năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) về việc xét nghiệm thiên văn: “Chúng thần ngày đêm vâng trực chờ xét nghiệm tinh tú ở đài quan sát khí tượng. Vào khắc Dần hôm nay thấy sao Thiên Thị Viên ở mặt đất bắt đầu có mây móc ngưng che dầy đặc. Chúng thần vâng xét nghiệm xem, ngôi sao này tới nay khí nhạt, dường như vẫn y như vậy. Vâng đó từ đường chân trời lên tới vì sao ấy cao 35 độ. Lúc ấy khí âm chưa tan hết, khí dương vẫn phát thành ánh sáng. Việc xét nghiệm đạt tới chưa được rõ ràng chính xác. Xin cho phép chúng thần chờ xét nghiệm được xác thực thì phúc tâu lên[4]. Bản phiến của Khâm thiên giám ngày 15 tháng Chín năm Tự Đức thứ 7 (1854) báo: “Giờ Dần hôm nay có nguyệt thực. Chúng thần sức thuộc viên trực tại trước cửa điện Cần Chánh và đài Quan tượng chờ quan sát. Đúng giây thứ 5 khắc đầu giờ Dần thấy bắt đầu khuyết. Đến giây thứ 10 đầu khắc giờ Mão thấy lại tròn[5].

Sang thế kỷ XX, Khâm thiên giám không còn đảm nhiệm nhiều chức năng như trước, chỉ còn làm lịch (âm lịch) và xem ngày giờ tốt hay xấu phục vụ các hoạt động của Vua và triều đình. Tháng Mười năm Khải Định thứ 3 (1918), “dời dựng Khâm thiên giám tới chỗ Thái y viện cũ (lúc đầu dựng ở góc Tây Nam Kinh thành, gần đài Vọng Vân, đến lúc ấy vì nơi đó vắng vẻ lại trải lâu ngày hư hỏng nên chuẩn dời dựng)[6]. Tại đây, công sở Khâm thiên giám được xây dựng và hoạt động cho đến khi triều Nguyễn cáo chung vào năm 1945.

Tổ chức hành chính của Khâm thiên giám dưới sự quản lý chung của một vị Đại thần kiêm quản, vị quan này đứng đầu một cơ quan cấp Bộ khác. Trưởng quan trực tiếp điều khiển ở Khâm thiên giám là chức Giám chánh hàm Chánh ngũ phẩm, Phó có chức Giám phó hàm Tòng ngũ phẩm. Chánh phó ở đây thường đặt mỗi chức một người. Đội ngũ nhân viên ở đây gồm các vị Ngũ quan chính, Linh đài lang, Thư lại và Vị nhập lưu Thư lại. Tại các tỉnh có Ty Chiêm hậu là chi nhánh của Khâm thiên giám. Bản tấu của Bộ Lại ngày 21 tháng Tư năm Thành Thái thứ 19 (1907) về việc bổ “Nguyễn Như Bỉnh xin thăng thụ Giám chánh, Trương Văn xin giữ hàm đó làm Tả giám phó. Nguyễn Văn Kiều xin xét bổ Hữu giám phó; Phan Cảnh Cung xin giữ hàm cũ làm lãnh Ngũ quan chính; Tô Duy Phan xin giữ hàm cũ bổ lãnh Linh đài lang[7].

Chính sách thu hút nhân tài, phục vụ cho hoạt động khoa học, đảm bảo điều kiện để duy trì chức năng của Khâm thiên giám thể hiện qua công việc bổ dụng nhân sự vào làm việc tại cơ quan chuyên môn này, không có sự phân biệt địa vị xã hội là quan hay dân mà chỉ chú trọng đến sự hiểu biết của nhân sự về lĩnh vực thiên văn, địa lý. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), nhà Vua dụ: “Cho Bộ Lễ thông tư các tỉnh Bắc kỳ không cứ quan dân, như có người hơi biết chiêm nghiệm tinh tượng, suy xét mưa gió, cùng thông hiểu lịch thất chính (mặt trời, mặt trăng và 5 sao là kim tinh, hỏa tinh, mộc tinh, thổ tinh, thủy tinh), thì Thượng ty đều cấp bằng cho tới Kinh để liệu bổ dụng[8].

Công việc hằng ngày ở Khâm thiên giám: “Phàm suy tính để chiêm nghiệm sai độ của từng năm, bình trật để phân đều khí hậu, ghi chép lịch số để nêu đúng năm và mùa, miêu tả sắc mây và hình vật để xem đoán tượng trời, xem ngày giờ để chọn tốt lành, coi giọt lậu để báo trống canh. Mọi sự có quan hệ về cách suy tính ấy đều giao cho Khâm thiên giám. Đại thần quản lý Khâm thiên giám do đặc cách kén chọn cử ra, không nhất định là viên quan nào. Giám chánh coi giữ công việc trong giám, Phó giám làm phó phụ hiệp sức làm việc giám. Các thuộc viên có ngũ quan Chánh linh đài lang, Khác cẩn ty cùng Bát, Cửu phẩm và Vị nhập lưu thư lại được phân phái làm việc suy tính chiêm nghiệm[9]. Vua Tự Đức phê: “Chuẩn y cho bổ nhậm Cao Chính Thuyết làm Chánh Cửu phẩm Thư lại” trên bản tấu của Bộ Lại ngày 26 tháng Tư năm Tự Đức thứ 12 (1859) xin bổ Thuộc viên của Bộ Lại là người biết về lịch pháp làm Giám thuộc Chánh cửu phẩm Thư lại[10].

Những thời khắc phân sao nhật thực, nguyệt thực thì Khâm thiên giám theo phép mà suy tính, trước 3 tháng vẽ thành đồ bản tâu lên và tư cho các địa phương đến ngày ấy lên chỗ cao mà xem nghiệm. Tuy nhiên, nhà Nguyễn nghiêm khắc đối với quan viên không tính toán đúng các hiện tượng của tự nhiên. Ngày 30 tháng Giêng năm Tự Đức thứ 28 (1875) Nội các tấu xin chiếu luật “Thất chiêm thiên tượng” xử Chánh giám Trần Văn Thừa, Phó giám Cao Chính Thuyết và Trần Sủng đánh 60 gậy, phạt bổng 1 năm do không tính toán chính xác nhật thực [11].

Tháng Giêng năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), triều đình cho “chế cấp ấn Khâm thiên giám bằng chất đồng, dấu kiềm Khâm thiên giám bằng ngà(Nguồn: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỉ, quyển 19, trang 5)

 

Để nâng cao vai trò chuyên trách của Khâm thiên giám, khẳng định pháp lí của bộ máy công quyền trong việc chuyên trách về thiên văn, dự báo thời tiết, chiêm nghiệm các hiện tượng của tự nhiên, làm lịch, chọn các ngày tốt để cử hành các việc trọng đại của triều đình. Ngày Kỷ Sửu, tháng Giêng năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), triều đình cho “chế cấp ấn Khâm thiên giám bằng chất đồng, dấu kiềm Khâm thiên giám bằng ngà[12].

 

Khâm thiên giám ấn, kích cỡ: 7,7 cm x 7,7 cm.

 

Khâm thiên giám là cơ quan đảm nhận nhiệm vụ xem ngày lành tháng tốt để tổ chức những lễ nghi quan trọng cấp nhà nước như ngày giờ lễ Tế giao, lễ Đăng quang, lễ công bố bảng vàng khoa cử, phong hay khai ấn[13]. Hàng năm cứ đến các tháng Xuân Hè có mưa được bao nhiêu phân tấc, thì căn cứ theo từng ngày để ghi chép, rồi cuối mỗi tháng tập hợp làm phiến tấu một lần. Ngày mồng 2 tháng Ba năm Tự Đức thứ 32 (1879), Trần Tiễn Thành tâu: “Vâng xét từ đầu tháng Ba đến cuối tháng Ba, ngày nào có mưa, chờ đo lượng nước tích được trong bồn đồng bao nhiêu phân tấc: Giờ Sửu ngày mồng 1 tháng Ba có mưa lúc mưa lúc tạnh, đến giờ Dậu ngày mồng 3 tạnh, nước tích được 4 phân, đất thấm 1 tấc 2 phân; Giờ Dậu ngày 19, có mưa lúc mưa lúc tạnh, đến giờ Tuất ngày 20 tạnh, nước tích được 1 tấc 9 phân, đất thấm 5 tấc 7 phân; Giờ Dậu ngày 26, có mưa lúc mưa lúc tạnh, đến giờ Mão ngày 27 tạnh, nước tích được 3 phân, đất thấm 9 phân[14].

Khâm thiên giám còn là nơi đào tạo nhân lực để bổ dụng vào các chức danh quản lý và chuyên môn ở Khâm thiên giám tại Kinh và Ty Chiêm hậu ở các địa phương. Tháng Mười hai năm Tự Đức thứ 9 (1856), nhà Vua cho “chuẩn định điều lệ khoa học của Khâm thiên giám. (Một khoản về phép suy tính, do các viên Giám chánh, Giám phó và ngũ quan chánh giảng dạy, trừ ra những người ở giám sau khi làm việc xong mới học tập thì không kể, ngoài ra có người nào xin tình nguyện học tập, thì mỗi tháng cấp cho tiền 1 quan, gạo 1 phương. Về phép dạy: Năm đầu dạy phương pháp suy tính lịch Hiệp kỷ; năm thứ nhì dạy phương pháp lịch Thất chính (tức là Mặt Trời, Mặt Trăng và 5 sao Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ); năm sau dạy phương pháp suy tính nhật thực, nguyệt thực và ngày nên làm việc gì, ngày nên kiêng việc gì, nên bỏ nên thêm. Dạy được 1 người thành tài, thì thưởng cho kỷ lục 2 thứ và 3 lạng bạc; được 2 người thành tài thưởng cho gấp đôi; không được người nào phạt 6 tháng lương. Một khoản: Học thiên văn, phép dạy cũng định làm 3 năm. Năm đầu dạy về hình thể 28 vì sao và những sao đi theo; năm thứ nhì dạy về khu vực của 3 sao Tử vi, Thiên thị, Thái vi; năm sau lấy chỗ đóng của 5 sao, cùng là hình thể của các sao mà bản đồ của Trung và Tây hợp lại vẽ ra và những phần đất thuộc về 28 ngôi sao trên trời cốt được thuộc làu. Trong 3 năm dạy được 1 người thành tài thì chiếu theo khoản trên đây mà thưởng cấp cho; được 2 người cũng chiếu lệ bội thưởng; không được người nào cũng phạt như khoản nói trên. Một khoản: cấp thêm sách vở. Một khoản: làm thêm dãy nhà dài để làm nhà in, lấy nhà sảnh đường của giám ấy làm chỗ học tập)[15].

Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có kế hoạch tu bổ khuôn viên Khâm thiên giám xưa đã xuống cấp, nằm trên đường Hàn Thuyên (Đại nội Huế), hy vọng sau khi di tích này được phục hồi, thì thế hệ sau có thể biết đến cơ quan khoa học kỹ thuật triều Nguyễn, mà cụ thể ở đây là thiên văn học, lịch pháp, khí tượng thủy văn của nước ta trong giai đoạn thế kỉ XIX. Từ đó, thế hệ ngày nay sẽ có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn trong việc đánh giá vai trò của triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

 

Chú thích ảnh minh họa

1. Bản tấu của Khâm thiên giám ngày 28 tháng 1 năm Bảo Đại thứ 14 (18/3/1939) về việc gặp độ nguyệt thực (Nguồn: TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn)

2. Tháng Giêng năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), triều đình cho “chế cấp ấn Khâm thiên giám bằng chất đồng, dấu kiềm Khâm thiên giám bằng ngà(Nguồn: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỉ, quyển 19, trang 5)

3. Hình dấu: Khâm thiên giám ấn, kích cỡ: 7,7 cm x 7,7 cm.

(Nguồn: TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn)

 

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, Huế 1992, tập 1, tr.64.

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 2, NXB Giáo dục, H. 2007, tr. 596.

[3] Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 15, NXB Thuận Hóa, Huế. 1993, tr. 480.

[4] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[5] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỉ, NXB Văn hóa – Văn nghệ, Tp Hồ Chí Minh. 2012, tr. 217.

[7] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[8] Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 15, NXB Thuận Hóa, Huế. 1993, tr. 446.

[9] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 3, NXB Giáo dục, H. 2007, tr. 946.

[10] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[11] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[12] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 2, NXB Giáo dục, H. 2007, tr. 263.

[13] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[14] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[15]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 7, NXB Giáo dục, H. 2007, tr. 496.

Thu Thủy