Miếu Tiên y nằm trên đường Lương Y, phường Thuận Lộc, thành phố Huế là một ngôi miếu nhỏ nhưng là nơi thắp sáng y đạo, là nơi tôn vinh các vị tiên y cả đời cống hiến cho y học. Ban đầu, miếu được xây dựng trên mảnh đất ở xã An Ninh Thượng, An Ninh Hạ, huyện Hương Trà. Châu bản triều Nguyễn cho biết: “Miếu Tiên y vào năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) vâng ân chuẩn cấp cho căn nhà công, một khoảnh đất ở xã An Ninh và 500 quan tiền để đủ xây dựng”[1].
Bản tấu ngày mồng 08 tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840)
của Nội các về việc hỏi lịch sử miếu Tiên y
Ngoài ra, bản phụng chỉ ngày 27 tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) của Nguyễn Hữu Thận, Lương Tiến Tường cho biết thêm: “ngôi nhà đất tọa lạc ở xứ Thiên Mụ thuộc 2 xã An Ninh Thượng, An Ninh Hạ của huyện Hương Trà cùng với đất phải nộp thuế là 1 mẫu 7 sào, truyền thưởng cấp cho Thái y viện để dựng đền thờ Tiên y. Cho miễn thuế từ năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) về sau”[2].
Theo Đại Nam thực lục chính biên, sau khi miếu xây xong, vua Minh Mệnh cho đặt “định lệ lễ miếu Tiên y (hàng năm, xuân - đông 2 kỳ tế, cấp tiền lễ phẩm 80 mân)”[3]. Sử liệu Châu bản ghi rõ rằng: “hàng năm tế hai lần vào mùa đông và mùa xuân. Mỗi lễ cấp 40 quan tiền do Viện Thái y thực hiện. Duy đồ thờ và phu miếu do Viện đó phải tự giải quyết”[4].
Theo sử liệu này, ban đầu việc sắm sửa lễ phẩm tế lễ ở miếu được giao cho Thái y viện, sau vua Minh Mệnh ban Dụ giao số tiền cho phủ Thừa Thiên chuẩn bị lễ phẩm, còn việc hành lễ vẫn do một viên ngự y đảm nhiệm.
Ngoài hai lễ tế vào mùa xuân, mùa đông hàng năm thì khi vua, thái hậu, hoàng hậu được điều trị khỏi bệnh hay khi có việc quan trọng liên quan tới y đạo, vua thường phái người đến miếu Tiên y lập đàn tế. Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), Thái hoàng thái hậu bị bệnh, Quản viện Thái y viện Vũ Quýnh, Viện sứ Trần Viết Cát hết lòng chăm lo thuốc thang. Sau khi bệnh tình Thái hoàng thái hậu thuyên giảm, vua truyền cho “Bộ Lễ chuẩn bị đầy đủ đồ lễ tới miếu Tiên y ban một đàn tế”[5].
Chính sử chép việc này như sau: “Trước đây, Thái hoàng thái hậu bị bệnh, không được vui, vua ngày đêm hầu thuốc thang; Viện Thái y vì dâng thuốc có chút công hiệu, nên Quản viện là Vũ Quýnh, Viện sứ là Trần Viết Cát đều được thưởng thêm 1 cấp chua ở dưới tên, 3 cuốn sa, 10 lạng bạc; Y chính Hoàng Đức Hạ được 1 đồng kim tiền, 30 lạng bạc, 10 tấm đoạn, 2 cuốn sô sa. Sai Bộ Lễ đến tế ở miếu Tiên y”[6].
Như vậy, sử liệu và chính sử cho chúng ta biết miếu Tiên y xây dựng từ năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) và hàng năm tế chính hai lần vào mùa xuân và mùa đông.
Sau khi lên ngôi, vua Tự Đức đã cho dời miếu Tiên y đến phường Thường Dụ. Đại Nam thực lục chính biên chép: “Dời miếu Tiên y đến phường Thường Dụ trong kinh thành. (Nguyên trước miếu dựng ở bên tả chùa Thiên Mụ)”[7].
Bản phụng dụ ngày mồng 02 tháng 10 năm Tự Đức thứ 2 (1849) của Nguyễn Cửu Trường, Nguyễn Du, Nguyễn Văn Phong, Mai Anh Tuấn về việc tìm đất dựng miếu Tiên y
(Nguồn: TTLTQGI)
Lý do vua Tự Đức cho chuyển miếu Tiên y từ xã An Ninh Thượng, An Ninh Hạ huyện Hương Trà đến phường Thường Dụ được viết rõ trong Châu bản: “Nguyên năm trước có xây dựng miếu Tiên y ở bên tả chùa Thiên mụ, đó là vùng đất thấp trũng, quy thức lại nhỏ hẹp mà các đồ thờ trong đó còn sơ lược chưa đầy đủ, cần phải tu bổ sửa sang, định rõ điển nghi”.[8] Vì vậy, vua giao Bộ Công “xem xét chọn nơi đất cao rộng, dời chuyển xây dựng lại miếu rộng rãi thêm cho được thích hợp và đợi đến kỳ đầu xuân sang năm, lính các ban tập hợp đầy đủ sẽ tiến hành xây dựng ngay”[9]. Sau khi xem xét, Bộ Công trình bày: “Chỉ có một nơi đất thoáng ở phường Thường Dụ thuộc bên trái trong kinh thành. Địa thế nơi ấy bằng phẳng, thoáng mát lại đẹp. Vâng bàn ngôi miếu đó xin nên chuyển về xây dựng ở đấy”[10]. Bản tấu được vua Tự Đức phê chuẩn đồng ý cho dựng miếu Tiên y ở phường Thường Dụ.
Riêng nghi thức thờ tự, tế lễ, vua giao Bộ Lễ “xét kỹ điển lễ rõ ràng và sự tích những vị thánh y, danh y ngày xưa, tiến lên để coi”[11]. Sau đó vua Tự Đức cho thờ các vị: Thái Hạo Phục Hy thị, Viêm Đế Thần Nông thị, Hoàng Đế Hiên Viên thị; lại phối thờ 4 vị: Câu Mang thị, Phong Hậu thị, Chúc Hỏa chính, Lực Mục thị và cho tòng tự 30 vị danh y. Đồng thời, vua quy định: “Hàng năm lấy ngày giáp tháng trọng xuân (tháng 2 âm lịch) trọng đông (tháng 11 âm lịch) sai quan tam phẩm đến tế. (Trước do ngự y Viện sứ đến tế)”[12].
Dưới triều Nguyễn, miếu Tiên y là một trong những miếu thờ quan trọng, lễ tế được tổ chức long trọng thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và tôn vinh các bậc tiên y, thánh y đã làm rạng rỡ y đức, y thuật. Vì vậy, miếu được quan tâm và thường xuyên cho tu sửa. Đến triều Thành Thái, miếu vẫn tiếp tục được tu bổ và cho tế tự vào ngày giáp tháng 2, tháng 11 âm lịch như quy định.
Tuy nhiên, cùng sự thay đổi của thời gian và những thăng trầm của lịch sử, miếu Tiên y đã có thời kì bị bỏ hoang. Năm 1991, các vị bô lão địa phương tự nguyện đóng góp dựng lại ngôi miếu. Năm 2002, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp kinh phí để trùng tu, tôn tạo miếu Tiên y. Đặc biệt, cuối năm 2015, miếu được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Những năm gần đây, Hội Đông y Thừa Thiên - Huế tiếp tục tôn tạo và lập thêm bài vị của Thiền sư Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đưa vào thờ tự đồng thời khôi phục lại nghi thức tế tự.
Từ khi xây dựng đến nay, miếu Tiên y đã 200 năm thắp sáng y đạo. Người xưa dựng miếu tế tự tôn vinh các vị tiên y, ngày nay chúng ta có ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2 nhằm tôn vinh các cán bộ y tế. Thiết nghĩ, dù là dựng miếu tri ân các bậc tiền nhân hay ngày truyền thống tôn vinh những người đang cống hiến hết mình cho nền y học, đều là những việc làm vô cùng ý nghĩa.
Nguyễn Hường
[1] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh tập 76, tờ 20.
[2] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh tập 10, tờ 129.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 2, tr.849.
[4] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh tập 76, tờ 20.
[5] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị tập 33, tờ 194.
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 6, tr.939.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 7, tr.163.
[8] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 11, tờ 294.
[9] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 11, tờ 294.
[10] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 9, tờ 90.
[11] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 9, tờ 90.
[12] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 7, tr.170.