Kỳ 1: Ràng rịt cửa tổ lúc trời chưa mưa
Vào đầu thế kỷ XIX, để xây dựng và bảo vệ đất nước, đối phó với âm mưu xâm lược từ bên ngoài, triều Nguyễn vừa phải quan tâm bảo vệ biên giới trên đất liền, vừa phải quan tâm đến việc bảo vệ vùng biển đảo. Khác hẳn mối đe dọa biên giới trước đó chủ yếu đến từ đất liền, đến giai đoạn này, các thách thức bảo vệ đất nước còn đến từ phía biển. Thực dân phương Tây là một thách thức phi truyền thống đến từ phía biển với thuyền chiến và đại bác. Từ những lý do về an ninh - quốc phòng khiến các cửa biển được xem là quan trọng, xung yếu của vùng biển đều được các vua Nguyễn chú tâm phòng thủ. Trong hệ thống phòng thủ vùng biển thì Đà Nẵng là nơi được quan tâm bố phòng đặc biệt nhất.
Các vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức đều rất quan tâm đến việc phòng thủ đất nước. Vua Gia Long từng khẳng định đạo giữ nước “lúc yên đừng quên lúc nguy. Đó thực là đạo giữ nước yên dân"[1]. Vua Minh Mạng cho rằng: “Đường lối dụng binh phải phòng bị trước khi có việc và ngăn ngừa trước khi giặc chưa đến”[2]; “việc binh có thể 100 năm không dùng đến, nhưng không thể một ngày không phòng bị”[3]. Tư tưởng, quan điểm bảo vệ đất nước được các vua triều Nguyễn thể hiện bằng việc xây dựng quân đội và củng cố quốc phòng, đặc biệt là xây dựng hệ thống phòng thủ ven biển nhằm đối phó với thực dân phương Tây.
Nếu Thuận An là cửa ngõ của kinh đô Huế thì Đà Nẵng là hải cảng có vai trò rất quan trọng trong an ninh, quốc phòng. Trong mắt các nhà hàng hải phương Tây, Đà Nẵng nổi lên là một cảng biển rất thuận lợi cho hoạt động kinh tế và cả quân sự. Chính vì thế, trong các báo cáo của họ thì Đà Nẵng hiện lên như một điểm cần phải chiếm hữu.
Sơ đồ đồ đồn lũy phòng thủ phía bắc vịnh Đà Nẵng (TL Võ Nguyên Phong)
Minh Mạng từng có lời dụ bảo bộ Binh về vị thế quân sự của Đà Nẵng: “Nay trẫm chế tạo tàu đồng là muốn giữ những chỗ yếu hại ven biển, làm xưởng chứa sẵn đấy, để lúc có việc dùng đến. Vả lại chỗ yếu lại không đâu bằng vụng Trà Sơn. Tàu ngoại quốc đến chỉ có thể đỗ ở đấy, mà chướng khí rất dữ, giếng độc hơn 10 cái. Trước có tàu Tây dương tránh gió đến đấy, cuối cùng bị nước độc làm hại, do đấy mà nói rằng người ngoại quốc dù có muốn dòm ngó cũng không sao làm được. Hơn nữa do đó ta lại giữ được chỗ hiểm để có thể vận dụng tàu thuyền kia mà"[4].
Kế nghiệp Minh Mạng, vua Thiệu Trị cũng rất quan tâm đến tổ chức xây dựng hệ thống phòng thủ. Thiệu Trị từng dụ rằng: “Cương giới về hải phận của bản triều rộng, dài, những chỗ xung yếu ở nơi ven biển đều đặt pháo đài để nghiêm việc phòng giữ”[5]. Thiệu Trị năm thứ 5 (1845), quy định chi tiết về kiểm soát tàu thuyền nước ngoài đến Đà Nẵng trước tiên phải kéo cờ để tiện ghi nhận. Khi thuyền vào thì phải tới gạn hỏi rõ ràng. Nếu lấy củi thì chỉ được lấy ở Sơn Trà, lấy nước ở chợ Hàn, không được vào làng xóm. Chỉ cho ở lại một vài ngày là phải nhổ neo. Muốn lên bờ đi chợ, mua thức ăn thì không được đi quá 10 người và không được mang binh khí. Có hàng hóa muốn bán thì phải kê khai đầy đủ. Đặc biệt là không được ở lại trong dân. “Nếu ai trái lệnh thì lập tức bắt giữ, chiểu theo luật "kẻ nước ngoài vào cõi" mà xử tội chém đầu. Còn người cho ở thì cũng xét tội như kẻ phạm pháp”[6]. Ngày 04 tháng 03 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), sau sự kiện tàu Pháp tới gây sự tại Đà Nẵng, Thiệu Trị đã có khẳng định vị thế quan yếu tại đây: “đất Đà Nẵng có vị thế đặc biệt quan trọng, lại thống lĩnh toàn hạt, có sông rộng, núi cao lớn, hùng vĩ, biển cả mênh mông, nay cử Tổng đốc Bố chính Lãnh binh là Hữu Quân Đô thống phủ Đô thống Tân Lộc hầu Mai Công Ngôn trấn giữ, để khống chế tình hình”[7].
Tư tưởng phòng bị đất nước tiếp tục được truyền dẫn cho vua kế nghiệp là Tự Đức. Tuy vậy Tự Đức kế nghiệp trong bối cảnh quan hệ với phương Tây ngày càng căng thẳng. Áp lực phương Tây gia tăng, điển hình là tháng 8 năm Tự Đức thứ 9 (1856), tàu Pháp lại tới gây sự tại Đà Nẵng. Vua Tự Đức rất tức giận, quở mắng rằng quan quân sợ hãi và không biết phòng bị. Vua sai Tổng đốc Trần Tri chấn chỉnh các đài bảo tìm cách làm mạnh thế quân. Tăng cường 100 Cấm binh đến Hải Vân, 100 quân tới thành Trấn Hải (Thuận An); sai Đào Trí, Trần Hoằng đến Đà Nẵng phối hợp với Trần Tri, Nguyễn Huy Lịch tổ chức phòng giữ.
Toàn cảnh vịnh Đà Nẵng (TL Võ Nguyên Phong)
Như vậy cho đến giữa thế kỷ XIX, triều Nguyễn đã được báo động về nguy cơ bị tấn công. Áp lực mất nước ngày càng lộ rõ, vua Tự Đức ý thức được điều này, một báo cáo của triều Nguyễn nói rõ: "bọn mọi rợ Âu Châu rất cương quyết và rất bền gan; những sự nghiệp mà họ không hoàn thành được thì họ giao cho con cháu họ hoàn tất; những chương trình mà họ không có thì giờ thực hiện, thì họ giao cho kẻ hậu sanh thực hiện. Họ không bỏ qua một mưu lược nào cả. Và không thối chí bất cứ sự khó khăn nào. Đó là điều khiến ta đáng lo ngại hơn hết"[8]. Việc phải thường xuyên đối phó với sự gây hấn của phương Tây, biết số phận của hai nước lớn Trung Hoa và Ấn Độ cũng như một số nước khác đã quy tụ những nỗi lo lắng vào hệ thống phòng thủ Đà Nẵng và khu vực liên quan. Việc lựa chọn Đà Nẵng để xây dựng hệ thống phòng thủ là có cơ sở.
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002): Đại Nam thực lục, Tập 1, tr. 811.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002): Đại Nam thực lục, Tập 1, tr. 460
[3] Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, Tập 5, tr. 406
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004): Đại Nam thực lục, tập 2, tr. 760
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004): Đại Nam thực lục, tập 6, tr. 170
[6] Nội các triều Nguyễn (2005): Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, Tập 5, tr. 418, 419
[7] Châu bản triều Nguyễn, triều Tự Đức, Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, HN, tập 112
[8] Silvestre, “La Politique Francaise dans L’ Indochine”, Les Annales de l’École des Sciences Politiques, 1895. Dẫn lại theo Nguyễn Hữu Châu Phan, Bối cảnh VN trước khi người Pháp đến, Nghiên cứu Huế, tập 2, 2011. tr. 63.
Lê Tiến Công