08:20 AM 15/11/2023  | 

Châu bản triều Nguyễn là khối tài liệu hành chính còn lại duy nhất, tương đối toàn vẹn của chế độ quân chủ cuối cùng ở Việt Nam - hoàng triều Nguyễn (1802 - 1945) có lưu bút tích của các hoàng đế. Những bút tích Châu phê đó là nét độc đáo và đặc sắc trong Châu bản. Đồng thời, “Ngự bút mười đời vua, trăm rưởi năm chính sự” là những tư liệu đặc biệt quý hiếm góp phần minh trưng cho tín sử hoàng triều Nguyễn.

Châu bản triều Nguyễn là nguồn sử liệu vô giá, chứa đựng những thông tin tín thực. Sử liệu này đã từng được UNESCO xếp vào “Chương trình bộ nhớ thế giới”[i]. Năm 2014, UNESCO tiếp tục công nhận là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2017, UNESCO ghi danh Châu bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới.

Đoàn Việt Nam nhận bằng Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn. Nguồn: TTLTQGI

Dưới triều Nguyễn, Châu bản được lưu giữ cẩn thận trong tòa Đông các, là nguồn sử liệu để góp phần viết những bộ chính sử đương thời. Tuy nhiên, cùng những thăng trầm của lịch sử, Châu bản cũng phải trải qua nhiều cuộc thiên di. Đang lặng yên dưới mái tòa Đông các, năm 1942, khối Châu bản triều Nguyễn được đưa tới Viện Văn hóa Huế. Năm 1959, Viện đại học Huế đã tiếp nhận khối tài liệu này để biên dịch và làm mục lục; tiếp theo là cuộc thiên di lên Văn khố Đà Lạt, rồi lại chuyển về Sở Lưu trữ - Nha Văn khố. Sau khi miền Nam giải phóng, khối Châu bản triều nguyễn được đưa tới bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II[ii].

Tòa Đông các. Nguồn: Sưu tầm

Mấy chục năm xoay vần cùng thời cuộc nên khối Châu bản triều Nguyễn dẫu là nguồn sử liệu vô cùng giá trị nhưng đối với các học giả đây vẫn là một kho bí tịch. Tuy nhiên, năm 1991, Châu bản triều Nguyễn được đưa ra bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Lưu trữ nhà nước đã mở ra cánh cửa để các học giả và công chúng có thể tiếp cận tài liệu này.

Kho Châu bản triều Nguyễn. Nguồn: TTLTQGI

Sau kết quả kiểm kê vào năm 1993 cho thấy: “Số Châu bản còn lại ở trong tình trạng hư hỏng rất nặng” thì Cục Lưu trữ nhà nước đã trình Chính phủ “Đề án cấp cứu tài liệu Châu bản[iii] và được phê duyệt. Theo nguyên Cục trưởng Cục Lưu trữ nhà nước Dương Văn Khảm thì “Đây là một chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước, nhằm cứu vãn kho Châu bản, phục hồi, gia cố những văn bản bị hư hỏng và tổ chức bảo quản an toàn, đồng thời chương trình cũng có kế hoạch từng bước lập thư mục trích yếu để lần lượt công bố các tập Mục lục Châu bản triều nguyễn, tạo điều kiện cho các nhà khoa học khai thác kho tài liệu này.”[iv]

Kể từ đây, một hành trình vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị Châu bản triều nguyễn được thúc đẩy mạnh mẽ với nhiều bài viết, bài nghiên cứu và ấn phẩm được giới thiệu tới công chúng. Đặc biệt, năm 2011, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức trưng bày triển lãm “Ấn chương trên Châu bản triều Nguyễn (1802 - 1945)” nhằm giới thiệu hệ thống ấn triện trong sử liệu đó.

Năm 2012, ngự bút châu phê của 10/13 vị vua triều Nguyễn đã được giới thiệu tại Triển lãm tài liệu lưu trữ “Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn (1802 - 1945)”. Đối với nhiều nhà quản lí, nhiều học giả và công chúng, đó có lẽ là lần đầu tiên được chiêm ngưỡng màu son nét chữ của các vị vua triều Nguyễn. Qua đó, chúng ta có thể “mường tượng một cách sinh động về quyền uy và trách nhiệm của những vị hoàng đế trong chính thể chuyên chế.”[v]

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, GS. Phan Huy Lê cung chiêm châu phê của vua Tự Đức trong Triền lãm “Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn”. Nguồn: TTLTQGI (Ảnh chụp năm 2012)

Bên cạnh đó, trên mỗi màu son nét chữ ấy “Có thể tìm thấy ở đây các thông tin sự kiện ở dạng văn kiện gốc liên quan đến các việc Lại, Hộ, Binh, Hình; ngoại giao, nội trị; giao miếu xã tắc, nông tang; quốc kế, binh mưu; cung giai, nội chức,… Những hân hoan phong điền, vũ thuận, quốc thái, dân an; những hờn tủi đất mất, thành tan, quân thua, tướng bại,… dường như vẫn sống động trên nét son mặt giấy[vi]. Thậm chí “Uy thanh chính thể quốc gia có thời thịnh thời suy, học vấn văn chương quân vương có vị hơn vị kém, qua đây cũng có thể biết được đại khái.[vii]

Châu phê của vua Tự Đức. Nguồn: TTLTQGI

Đến nay, những Châu bản cách chúng ta một, hai trăm năm từng nằm lặng lẽ dưới mái tòa Đông các, tiếp tục được các học giả lật giở từng trang giấy, phủi lớp bụi thời gian trên từng dòng chữ cổ để tìm lại những dấu tích của tiền nhân. Châu bản triều Nguyễn đang được đánh thức để kể lại câu chuyện lịch sử của một triều đại, một quốc gia. Những câu chuyện đó có thể là hưng vong thành bại của một triều đại, là quốc kế dân sinh, là tấm gương trung trinh tiết liệt và những bài học kinh nghiệm để lại cho hậu thế.

Quá khứ đã khép lại, lịch sử đã sang trang nhưng những bài học, câu chuyện của tiền nhân là sự gắn kết quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì vậy, giá trị sử liệu của Châu bản triều Nguyễn cần được phát huy để đông đảo công chúng biết tới. Thực tế, có hàng trăm bài viết, clips cùng nhiều cuộc trưng bày triển lãm, hội thảo, tọa đàm và các ấn phẩm về Châu bản triều Nguyễn đã được công bố. Đặc biệt, không gian trưng bày cố định “Châu bản triều Nguyễn - kí ức một triều đại” tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - nơi đang bảo quản khối tài liệu này sẽ là cơ hội để công chúng có thể tận mắt chiêm ngưỡng màu son nét chữ của các vị vua triều Nguyễn. Xem những di văn này, chúng ta có thể hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử đầy biến động của nước ta, cũng như biết thêm những câu chuyện về tiền nhân hết sức chân thực và gần nhất với sự thật lịch sử.

 


[i] Cục Lưu trữ nhà nước, Mục lục Châu bản triều Nguyễn, tập 2, Nxb Văn Hóa, 1998.

[ii] Cục Lưu trữ nhà nước, Mục lục Châu bản triều Nguyễn, tập 2, Nxb Văn Hóa, 1998.

[iii] Cục Lưu trữ nhà nước, Mục lục Châu bản triều Nguyễn, tập 2, Nxb Văn Hóa, 1998.

[iv] Cục Lưu trữ nhà nước, Mục lục Châu bản triều Nguyễn, tập 2, Nxb Văn Hóa, 1998.

[v] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn (1802 - 1945), Nxb Đại học Sư Phạm, 2016.

[vi] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn (1802 - 1945), Nxb Đại học Sư Phạm, 2016.

[vii] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn (1802 - 1945), Nxb Đại học Sư Phạm, 2016.

Nguyễn Hường