10:23 PM 06/06/2022  | 

“Trong một xã hội mới, Minh Mạng vẫn là con người của thế giới cũ . Không thể hiểu được tính cách của vị vua này nếu trước hết ta không đặt ông vào bối cảnh quen thuộc, trong thời đại và trong thế kỷ của ông. Minh Mạng không để lại trong lịch sử 1 bí ẩn nào cả, ông chỉ đã và vẫn chưa được đánh giá đúng”[1]. Đó là lời nhắn gửi của nhà văn Marcel Gaultier[2] tới những người bạn An Nam của ông qua cuốn “Minh Mạng” vào nửa đầu thế kỷ XX.

         Cách nay 200 năm, vua Minh Mạng đã lưu dấu cuộc đời mình trong sự nghiệp trị quốc an dân. Đó là thời kì hùng mạnh cuối cùng của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam

         Sau khi kế nghiệp, vua Minh Mạng ngày đêm trăn trở kế sách trị quốc an dân, mong muốn đưa đất nước trở thành quốc gia hùng mạnh. Noi theo lời người xưa nói: “Từ vua cho đến thứ dân, ai ai cũng đều lấy sự sửa mình làm gốc” nên vua Minh Mạng bắt đầu con đường trị quốc an dân từ chính việc tu thân và tề gia.

         Đối với việc trị nước, vua Minh Mạng là người quyết đoán trong việc cải cách hành chính từ trung ương tới địa phương. Ông cải tổ Lục bộ, lập Nội các, đặt Cơ mật viện, xây dựng hệ thống giám sát và tư pháp. Đồng thời, ông dần xây dựng chế độ quân chủ tập quyền, bãi bỏ chức Tổng trấn ở Bắc thành và Gia Định thành, xóa bỏ các trấn lập thành tỉnh. Lần đầu tiên đơn vị hành chính được thống nhất trên toàn quốc với 30 tỉnh và 1 phủ. Đến nay, công cuộc cải cách này vẫn còn nhiều giá trị và ý nghĩa.

Bên cạnh đó, vua Minh Mạng thực hiện cải cách trong phiên chế quân đội và có nhiều chủ trương, quyết sách hay về kinh tế, giáo dục, an sinh xã hội để đưa nước Đại Nam tiến đến sự giàu mạnh. Ông đưa ra những chính sách khuyến nông, khai hoang lập ấp. Công cuộc khai hoang thành công nhất dưới thời vua Minh Mạng là lập được 2 huyện ven biển Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình).

Đồng thời, vua Minh Mạng cũng là người luôn chăm lo đến đời sống nhân dân. Ông đặt quy định tâu báo giá gạo hàng tháng để kịp thời điều hòa giá gạo ở các địa phương khiến dân bớt đói khổ, khó khăn. Vào những năm mất mùa, đói kém, ông vội vàng sai người phát chẩn và miễn giảm thuế.

Trong 21 năm vua Minh Mạng tại vị, dẫu trong nước còn nhiều biến động, những cơn binh lửa chưa thể tắt dừng nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận những nỗ lực và cố gắng của ông nhằm xây dựng một quốc gia hùng mạnh, dân được an cư lạc nghiệp.

         Lịch sử đã đi qua nhưng dấu ấn của vua Minh Mạng về công cuộc cải cách, những thuật hay sách tốt trị quốc an dân vẫn còn in dấu trong từng trang Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới. Nhân dịp 220 năm triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Triển lãm “Thuật trị quốc của Hoàng đế Minh Mạng qua Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn” nhằm tái hiện câu chuyện trị quốc an dân của ông một cách chân thực.

Triển lãm bố cục thành 3 phần:

- Phần I: Tu thân - Tề gia

- Phần II: Trị quốc

- Phần III: Bình thiên hạ

        Triển lãm công bố lần đầu gần 100 phiên bản tài liệu Châu bản, tư liệu và hình ảnh tiêu biểu góp phần làm sáng tỏ “thuật trị quốc” và vai trò, dấu ấn của vua Minh Mạng trong lịch sử. Với việc công bố nguồn sử liệu một cách hệ thống về sự nghiệp trị quốc an dân của vua Minh Mạng, Ban tổ chức hy vọng công chúng sẽ được gần hơn với sự thật lịch sử.

 
 
 

[1] Theo cuốn “Vua Minh Mạng” của nhà sách Omega+

[2] Nhà văn Marcel Gaultier (1900 - 1960).

 
 

Nguyễn Hường