Địa danh hành chính được hiểu là tên gọi của các đơn vị hành chính, thường được chính quyền định đặt hoặc sử dụng trong các văn bản chính thức, gắn liền với việc quản lí hành chính của chính quyền đương thời. Chính vì vậy, nghiên cứu về địa danh hành chính luôn gắn liền với nghiên cứu về hành chính và văn hóa xã hội của các địa phương. Sự thay đổi về địa giới hành chính hoặc các yếu tố về văn hoá, chính trị cũng làm thay đổi của địa danh trong mỗi giai đoạn lịch sử.
Để góp phần cung cấp thêm nguồn sử liệu quan trọng cho các công trình nghiên cứu về địa danh hành chính các tỉnh Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tiếp tục tổ chức biên soạn cuốn sách Địa danh hành chính Bắc Kì qua tài liệu lưu trữ thời kì thuộc địa trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu các tài liệu và tư liệu lưu trữ về địa danh hành chính hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Ban biên soạn đã lựa chọn những văn bản, tài liệu liên quan trực tiếp đến chủ đề. Các văn bản được lựa chọn tập trung chủ yếu vào các nghị định, quyết định thành lập, tách, sáp nhập, đặt tên, đổi tên các đơn vị hành chính. Kèm theo đó, là các danh mục các đơn vị hành chính theo từng tỉnh của một số năm 1909, 1926,1929 và một số bản đồ, tài liệu về việc xác định ranh giới của các đơn vị.
Hiện nay, nước ta chia thành 4 cấp hành chính: trung ương, tỉnh, huyện và xã. Tuy nhiên, thời kì thuộc địa, lãnh thổ Đông Dương được quản lí theo các cấp sau: Cấp trung ương hay cấp Đông Dương, cấp kì, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp tổng xã (làng). Ở Bắc Kì, các đơn vị hành chính gồm: cấp tỉnh (gồm các tỉnh, thành phố và các đạo quan binh[1]), cấp huyện (gồm huyện, châu, trung tâm đô thị/thị xã/thành phố thuộc tỉnh), cấp tổng và cấp làng/xã/bản. Nhận thấy vai trò của tổ chức làng xã ở Việt Nam, là tổ chức truyền thống, phức tạp nên chính quyền thuộc địa không trực tiếp xâm nhập vào nhưng vẫn thông qua hệ thống quan chức người Việt cấp tỉnh, cấp huyện, xã để cai trị. Chính vì vậy, chính quyền vẫn duy trì các tên gọi truyền thống vốn có của làng, xã của Việt Nam nói chung và của Bắc Kì nói riêng trong giai đoạn đầu. Các đơn vị hành chính từ cấp tỉnh đến cấp làng /xã có sự tách, sáp nhập hoặc đổi tên nhưng địa danh vẫn được đặt bằng tiếng Việt và theo đề nghị chính quyền và người dân địa phương.
Đối với các trung tâm đô thị ở các tỉnh và 2 thành phố Hà Nội và Hải Phòng đã có sự xuất hiện các địa danh đường phố bằng tên riêng tiếng nước ngoài (tiếng Pháp). Về mặt quản lí hành chính, các trung tâm đô thị được tổ chức thành các Hộ (quartiers) gồm các đường phố (đại lộ và phố). Tên các đường phố được đặt bằng tên của các sĩ quan quân đội, các quan chức cao cấp Pháp và tên gọi của một số thủ đô như Pháp, Bỉ và Anh. Điều đó cho thấy, ý chí chính trị được thể hiện rất rõ thông qua cách đặt tên địa danh. Cùng với mục đích ghi danh cho các tướng lĩnh, quan chức có công trạng đối với nước Pháp ở Đông Dương[2], chính quyền muốn gây ảnh hưởng với người dân bản xứ về sự có mặt của người Pháp tại xứ An Nam, với mong muốn biến xứ sở này thực sự trở thành một phần của Mẫu quốc. Một số tên gọi người Việt cũng được đặt cho các đường phố: Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Gia Long, Đồng Khánh, Bảng Nhỡn Đôn, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Án Sát Siêu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Phạm Phú Thứ, Trần Lưu Huệ… để thể hiện việc ghi nhận công lao và sự ảnh hưởng của các vị vua quan, danh tướng và danh nhân thời bấy giờ.
Nghiên cứu, tổng hợp những tài liệu về chủ đề này mang lại khá nhiều điều thú vị. Các địa danh ở Bắc Kì đa phần đều phản ánh ý nghĩa nào đó thông qua các tên gọi. Những thay đổi địa danh, đôi khi gắn liền với thay đổi về tổ chức hành chính hoặc các vấn đề chính trị, xã hội.
Ý nghĩa tên gọi gắn liền với yếu tố tự nhiên thể hiện rât rõ nét. Các yếu tố định danh mang tính chất mô tả khá phổ biến hầu hết ở các tỉnh.
Ví dụ
Các yếu tố mô tả đặc điểm tự nhiên như: Nà, Khuổi, Lũng, Cốc, Thanh, Sơn, Đầm, Hà, Thượng, Hạ, Tả, Hữu, Đông, Tây v.v^
Bên cạnh đó, đa phần các yếu tố định danh mang ý nghĩa tốt đẹp, thể hiện ước vọng của người dân về cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc cũng như mong ước về cuộc sống giàu nhân ái, lễ nghĩa, đạo đức, có nhiều người hiền tài giúp đem lại tương lai tương sáng cho quê hương.
Ví dụ
Các thành tố như: An / Yên/Bình/ Hoà/Thái; Phú/Lộc/Phúc/Cát/ Trạch/Hưng/ Vinh/Thịnh; Nghĩa/ Tín/Mỹ v.v^
Một số địa danh được thay đổi với theo ước vọng có thể kể đến như:
-Tỉnh Phù Liễn đổi thành tỉnh Kiến An với ý nghĩa là “Kiến tạo Hoà Bình” (Etablissement de la Paix) năm 1906 theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương.
- Châu Cảm Hóa đổi thành thành châu Ngân Sơn với ý nghĩa là “Núi tiền” (Montagne de lArgent) năm 1901 theo Quyết định của Thống sứ Bắc Kì.
Việc thay đổi tên gọi của tỉnh Hà Đông cũng có nhiều cách lí giải khác nhau. Năm 1904, tỉnh Cầu Đơ được đổi thành tỉnh Hà Đông. Hà Đông nằm ở phía Tây Sông Hồng [lẽ ra nếu theo nguyên tắc đặt tên dựa vào vị trí địa lí tên tỉnh phải là Hà Tây, gồm 2 chữ “Tây” và “Hà”]. Tuy nhiên, tên gọi Hà Đông được chọn dựa vào câu nói trong sách Mạnh Tử: “Hà Nội hung tắc dĩ kỳ dân ư Hà Đông” nghĩa là Hà Nội gặp nạn thì đưa dân về Hà Đông[3]. Như vậy có thể hiểu đây là một nơi an toàn cho dân chúng. Cách đặt tên này thể hiện mong ước về sự bình yên.
Tên gọi các đơn vị hành chính xưa kia đều là tiếng Việt cổ, hay tên Nôm, thường gồm 1 tiếng (thành tố chính). Tuy nhiên, khi chữ Hán thịnh hành, tên gọi cũ được dần thay đổi. Số lượng địa danh Hán Việt chiếm đa số. Các tên Nôm (thuần Việt) không còn nhiều, tập trung chủ yếu vào tên gọi của các thôn/xóm (đơn vị nhỏ hơn làng/xã) và tên thường gọi trong dân chúng.
Ví dụ: Cẩu Đơ, Cẩu Đoài, Kẻ Vòng, Kẻ Mẩy, Kẻ Sở, Kẻ Canh...
Đến thời Pháp thuộc, đa phần các địa danh hành chính vẫn cấu tạo từ các từ Hán Việt, tiếp tục duy trì sử dụng các tên gọi từ thời Nguyễn. Đối với các tỉnh miền núi, nhiều địa danh được cấu tạo từ các từ bắt nguồn từ tiếng dân tộc địa phương. Trong tài liệu các tên thường gọi bắt nguồn bằng chữ Nôm vẫn được sử dụng và thống kê trong các văn bản hành chính, cho thấy nguồn gốc của địa danh và sự chuyển hóa từ tên nôm (tên thường gọi, có từ lâu đời) sang Hán Việt để đặt cho địa danh hành chính với ý nghĩa tốt đẹp. Quá trình biến đổi các tên gọi này cũng khá thú vị.
Một số ví dụ về sự biến đổi thành tố "Nôm” sang Hán Việt trong địa danh của tỉnh Hà Đông:
. |
Bằng |
à |
Bình Vọng; |
. |
Vựng |
à |
Hữu Vĩnh; |
. |
Mẩy |
à |
Mễ Trì; |
. |
Bụa |
à |
Cao Bộ; |
. |
Mọc |
à |
Nhân Mục; |
. |
Sồng |
à |
Vân Lũng; |
. |
Lủ |
à |
Kim Lũ; |
. |
Sộp |
à |
Trung Lập; |
. |
Vòng |
à |
Dịch Vọng; |
. |
Sèo |
à |
liêu Thiêu; |
. |
Cót |
à |
Yên Quyết; |
. |
Dường |
à |
Duyên Trường; |
. |
Quýt |
à |
Quất Động; |
. |
Dát |
à |
Trát Cầu |
. |
Ngâu |
à |
Yên Ngưu; |
. |
Gạ |
à |
Phú Gia |
. |
Vẹt |
à |
Việt Yên; |
. |
Ngà |
à |
Miêu Nha |
. |
Nơ |
à |
Nỗ Bạn; |
. |
Gối |
à |
Thượng Hội |
. |
Lim |
à |
Mỹ Lâm; |
. |
Vác |
à |
Phác Động; |
. |
Ngườm |
à |
Nghiêm Xá; |
. |
Vát |
à |
Phù Bật |
. |
Nẹo |
à |
Bất Nạo; |
. |
Cáo |
à |
Xuân Tảo; |
. |
Chuôn |
à |
Chuyên Mỹ; |
. |
Gạ |
à |
Phú Gia; |
. |
Đanh |
à |
Đinh Xuyên; |
. |
Vát |
à |
Phù Bật; |
. |
Dừa |
à |
Dư Xá; |
. |
Chèm |
à |
Từ Liêm; |
. |
Lãy |
à |
Phục Lễ; |
. |
Mọc |
à |
Nhân Mục |
Bố cục và nguyên tắc biên soạn:
Để tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu và tra tìm của độc giả, Ban Biên soạn đã lựa chọn sắp xếp tư liệu theo hệ thống đơn vị hành chính cấp tỉnh vào thời điểm những năm 1920, gồm 29 tỉnh và thành phố. Đây là thời điểm tổ chức hành chính ở Bắc Kì đã khá ổn định và cơ bản duy trì cho đến năm 1945. Các tỉnh được sắp xếp theo bảng chữ cái tên gọi của tỉnh, thành phố. Nội dung cho mỗi tỉnh, thành phố gồm:
- Phần Tiểu dẫn: giới thiệu chung về lịch sử và quá trình thay đổi các đơn vị hành chính của tỉnh đó.
- Phần Nội dung tài liệu: các văn bản, tài liệu và danh mục các đơn vị hành chính được sắp xếp theo trật tự thời gian. Kèm theo mỗi văn bản tài liệu đều có chú thích địa chỉ tra cứu để người nghiên cứu có thể tìm kiếm dễ dàng khi cần tiếp cận và sử dụng các văn bản toàn văn hay bản gốc tài liệu lưu trữ.
- Phần Tài liệu minh hoạ: bản đồ tỉnh, thành phố và một số văn bản tài liệu lưu trữ gốc.
Địa danh trong tài liệu giai đoạn này đa phần được viết thiếu dấu hoặc một số tên gọi được viết theo cách phiên âm (cách đọc) của người Pháp như “Ac Koi” thay vì Hà Cối, “Pa kha” thay vì Bắc Hà. Bên cạnh đó, nhiều tên gọi bắt nguồn từ tiếng dân tộc được ghi lại nhiều cách khác nhau trong hồ sơ. Những điều này mang lại không ít khó khăn trong việc xác minh chính xác tên gọi. Ngoài ra, các địa danh đã thay đổi rất nhiều trong suốt hơn một thế kỉ. Cho đến nay, nhiều tên gọi hoàn toàn biến mất hoặc thay đổi cách đọc, cách viết. Chính vì vậy, những người biên soạn đã cố gắng tra cứu, đối chiếu, so sánh ngay trong hồ sơ tài liệu lưu trữ, các sách tra cứu đã xuất bản, bản đồ và các tư liệu hiện nay để xác minh tên địa danh cho cuốn sách này.
Mặc dù vậy, những người biên soạn cũng không thể xác minh được toàn bộ các địa danh. Phần lớn các địa danh trong cuốn sách là những tên gọi trung thành với tài liệu gốc. Các trường hợp các tên gọi do người biên tập xác minh sẽ để trong dấu [ ], ví dụ Ackoi [Hà Cối]. Đối với các trường hợp địa danh chưa xác minh được chính xác sẽ ghi chú: Tom Coum [CXM].
Trong tài liệu gốc, các địa danh được viết hoặc đánh máy không thống nhất về nguyên tắc viết hoa. Do vậy, Ban Biên soạn thống nhất viết hoa theo nguyên tắc ngữ pháp hiện nay, có nghĩa là viết hoa các chữ cái đầu của địa danh: Hà Nội, Hà Đông, Na Rì, Ngân Sơn, Thượng Phúc...
Đối với các địa danh bằng tiếng nước ngoài là tên riêng vẫn được giữ nguyên: Ví dụ: đại lộ Rollandes, phố Paul Bert.
Đối với các đơn vị hành chính cấp xã, các thành tố chung của địa danh dùng không thống nhất trong tài liệu gốc. Hai thành tố xã / làng xuất hiện trong tài liệu tiếng Việt và commune / village trong tài liệu tiếng Pháp cùng để chỉ đơn vị hành chính cấp xã trong hệ thống các đơn vị hành chính. Để tôn trọng cách dùng trong tài liệu gốc, Ban Biên soạn thống nhất sử dụng thành tố xã hoặc làng theo nguyên gốc tài liệu tiếng Việt. Đối với tài liệu gốc tiếng Pháp, các thành tố commune được dịch thống nhất là xã và village được dịch thống nhất là làng.
Địa danh Tonkin trong tài liệu được thống nhất chuyển dịch là Bắc Kì trong cuốn sách này.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho ra mắt Cuốn sách Địa danh hành chính Bắc Kì qua tài liệu và tư liệu lưu trữ thời kì thuộc địa với mục đích giới thiệu tới công chúng một cuốn sách tra cứu. Cuốn sách này là tuyển tập các văn bản, tài liệu lưu trữ liên quan đến chủ đề địa danh hành chính và các vấn đề liên quan đến địa danh như tổ chức hành chính, địa giới hành hành chính, ý nghĩa tên gọi, đặc điểm tự nhiên, xã hội cũng như quá trình thay đổi xã hội dưới thời Pháp thuộc ở các tỉnh Bắc Kì.
Một số hình ảnh của Cuốn sách Địa danh hành chính Bắc Kì qua tài liệu và tư liệu lưu trữ thời kì thuộc địa
Đỗ Hoàng Anh
[1] Từ cuối thế kỉ 19, ở Bắc Kì, chính quyền thuộc địa đã tổ chức các Đạo quan binh. Mỗi đạo quan binh do một sĩ quan cao cấp người Pháp làm tư lệnh với đầy đủ quyền quân sự và dân sự. Về quyền quân sự, chỉ chịu sự chỉ đạo tối cao của Tổng tư lệnh lực lượng quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Về quyền dân sự, ngang với Thống sứ Bắc Kì và chịu sự chỉ đạo tối cao của Toàn quyền Đông Dương. Mỗi đạo quan binh lại được chia ra thành nhiều tiểu quân khu. Đứng đầu tiểu quân khu là một sĩ quan có quyền hành tương đương như Công sứ đầu tỉnh dân sự. Về mặt hành chính, đạo quan binh là đơn vị ngang cấp tỉnh. Tuy nhiên, phải từ đầu thế kỉ 20 (năm 1908), đạo quan binh mới chính thức được coi là đơn vị cấp tỉnh về mặt quản lí hành chính và tư pháp và cũng thành các đơn vị hành chính như các tỉnh dân sự.
[2] Xem thêm Danh mục tên các đại lộ, đường phố của thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các trung tâm đô thị.
[3] Theo lí giải trong hồ sơ số 54747, Phông Phủ Thống sứ Bắc Kì.