11:28 PM 09/03/2025  | 

Thông qua nguồn tư liệu Châu bản phong phú, xác thực, kết hợp với các bộ chính sử của nhà Nguyễn và các nguồn tư liệu dân gian ở địa phương. Bằng phương pháp Sử học chuyên ngành và liên ngành, cuốn sách Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn với đất Nam Kỳ qua Châu bản triều Nguyễn đã dựng lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Công Nhàn - một dũng tướng lừng danh trải 3 đời vua Nguyễn với hàng loạt những bí ẩn, thăng trầm cùng vương triều và đất nước.

Châu bản triều Nguyễn là các bản tấu, sớ của triều đình nhà Nguyễn tính từ năm đầu triều vua Gia Long (năm 1802) cho đến năm cuối triều vua Bảo Đại (năm 1945) đã được nhà vua “ngự phê”, “ngự lãm”. Đây là loại tư liệu độc bản, nguyên gốc, có giá trị cao nhất để nhận diện lịch sử vương triều Nguyễn và đất nước thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.

Nhà Nguyễn là một vương triều trọng sử, đạt được những thành tựu rực rỡ về sử học, nhất là đã hoàn thành biên soạn, khắc in các bộ sử chính thức và tầm thế của vương triều mình, trong đó Châu bản là nguồn sử liệu căn bản và là chất liệu chủ yếu làm nên giá trị to lớn của các bộ sử. Đành rằng nhà Sử học chân chính nào cũng đều phải tôn trọng nguyên tắc chép sử khách quan, trung thực, nhưng trong thực tế vận dụng, họ không thể không tập trung cao hơn cho những tư liệu có lợi cho quan điểm chính thống của vương triều và vì thế, Châu bản lại là cơ sở quan trọng nhất để kiểm định, đánh giá, hiệu chỉnh và bổ sung cho các bộ sử chính thống đó. Thế nhưng, vì nhiều lý do phức tạp khác nhau mà không có mấy chuyên gia nghiên cứu về lịch sử triều Nguyễn thực sự quan tâm khai thác nguồn tư liệu đặc biệt quý giá này. GS Trần Kinh Hòa từ năm 1960 cảnh báo: “những sử liệu quý báu này chưa có dịp làm đối tượng nghiên cứu của các sử gia tân tiến theo phương pháp khoa học và có hệ thống”.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I năm 2013 cho biết, trong 8 năm (2005-2012) có 453 lượt người khai thác Châu bản triều Nguyễn, bình quân một năm chỉ có 56-57 lượt người, nghĩa là trong 1 tuần chỉ có 1 lượt người đến đọc tư liệu Châu bản. Từ khi Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức Thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương (năm 2014) và Di sản tư liệu Thế giới (năm 2017), số người tìm đến khai thác Châu bản triều Nguyễn đã tăng lên đáng kể, nhưng xem ra cũng vẫn còn rất khiêm tốn. Trong bối cảnh như vậy, tôi đặc biệt vui mừng khi được đọc cuốn sách Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn với đất Nam Kỳ qua Châu bản triều Nguyễn của Hội Sử học Đồng Tháp hợp tác biên soạn cùng Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Thông qua nguồn tư liệu Châu bản phong phú, xác thực, kết hợp với các bộ chính sử của nhà Nguyễn và các nguồn tư liệu dân gian ở địa phương, bằng phương pháp Sử học chuyên ngành và liên ngành, cuốn sách dựng lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Công Nhàn - một dũng tướng lừng danh suốt 3 đời vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, với hàng loạt những bí ẩn, thăng trầm cùng vương triều và đất nước trong những năm tháng vô cùng khó khăn, phức tạp này.

Sách được chia thành 5 chương, trong đó chương 1 (Quê hương, gia thế), chương 2 (Vùng đất Nam Kỳ từ khởi nguồn đến triều Tự Đức) tưởng như không mấy liên quan đến tư liệu Châu bản, nhưng tác giả đã khéo vận dụng tư liệu Châu bản để giải mã nhiều bí ẩn về quê hương của Nguyễn Công Nhàn hay về lịch sử khai hoang vùng đất Nam Kỳ.

Chương 3 (Hùng Dũng tướng Trí Thắng nam Nguyễn Công Nhàn - Dũng tướng một thời) ghi lại những chiến công hiển hách được nhà vua và triều đình đặc biệt vinh danh và cả những sai lầm, bị giáng liền 4 cấp. Rồi sau thất thủ ở Định Tường, Nguyễn Công Nhàn bị vua Tự Đức quy tội chết, vẫn sai làm Thương biện quân vụ Vĩnh Long - An Giang. Nhưng cũng từ đây vị “Dũng tướng một thời” Nguyễn Công Nhàn đã “biến mất” một cách bí hiểm trong Châu bản cũng như trong chính sử. May mà nguồn tư liệu dân gian hé lộ: Nguyễn Công Nhàn chạy về xây dựng căn cứ chống Pháp ở Rạch Dinh (Đồng Tháp), phối hợp chiến đấu cùng nghĩa quân Võ Duy Dương ở Cái Bè, Cái Thia, Cái Nứa và đến năm 1867 đã qua đời ở vùng Nước Xoáy - Long Hưng.

Chương 4 (Những nhân vật cùng thời với Nguyễn Công Nhàn), giới thiệu về các danh nhân Nguyễn Tri Phương, Trương Minh Giảng, Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ, Đoàn Văn Sách, Nguyễn Lương Nhàn, Võ Hiệp, với đầy đủ cả những vinh quang và cay đắng, giúp người đọc không chỉ hiểu thêm về họ, mà cả công danh, sự nghiệp và bi kịch cuối đời của Nguyễn Công Nhàn. Tất cả đều là những mẫu hình và là hiện thân của một thời kỳ vô cùng gian nan, khốn khó của đất nước. Tiếc cho cả một thế hệ đã hết mực dấn thân cho sự hưng thịnh và tồn vong của quốc gia dân tộc, nhưng lại không được triều đình ký thác niềm tin, không được trọng dụng tài năng một cách hợp lý. Họ chỉ là những anh hùng nhất khoảnh, để rồi phải một mình gánh chịu hình phạt nặng nề mỗi khi lỡ bước, sa cơ. Đấy không chỉ là bi kịch của riêng cuộc đời họ, mà cũng là số phận long đong của vương triều Nguyễn và của đất nước trước những thử thách hiểm nghèo.

Chương 5 (Châu bản triều Nguyễn về Hùng Dũng tướng Trí Thắng nam Nguyễn Công Nhàn) giới thiệu 94 châu bản, sớm nhất là Châu bản có niên đại ngày 16 tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 21 (9-12-1840) và muộn nhất là Châu bản có niên đại ngày 25 tháng 12 năm Tự Đức thứ 14 (24-1-1862). Trong số 94 Châu bản này, riêng bản tấu ngày 17 tháng 8 năm Tự Đức thứ 13 (1-10-1860) của Nguyễn Công Nhàn về chiến dịch tiễu phỉ ở vùng biên giới Thất Sơn là hết sức đặc biệt và có thể được xem như một tác phẩm Sử học đích thực. Trong 21 năm, riêng về Nguyễn Công Nhàn đã có đến 94 tài liệu Châu bản (có thể thực tế còn nhiều hơn nữa). Đấy cũng là chuyện hiếm có và tự nó đã nói lên tầm vóc và vị thế của Nguyễn Công Nhàn trong thời đoạn lịch sử này. Chúng tôi thực tin đây là hướng nghiên cứu và khảo sát hoàn toàn đúng, không chỉ nâng tầm công trình Sử học của Hội Sử học Đồng Tháp, mà chắc chắn sẽ thúc đẩy các chuyên gia nghiên cứu lịch sử vương triều Nguyễn quan tâm đầy đủ và sâu sắc hơn đối với nguồn tư liệu Châu bản.

Bạn đọc có thể đánh giá cao chất lượng khoa học của công trình, nhưng lại cho rằng tư liệu Châu bản xem ra khô khan, khó đọc. Tôi lại thấy như mỗi dòng, mỗi chữ của Châu bản là kết tinh mồ hôi, xương máu, vinh quang và tủi hờn của tổ tiên, đều có vần, có điệu, có hồn, dễ lay động tận tâm can người đọc.

Cám ơn các tác giả đã cho tôi được đọc cuốn sách hấp dẫn, có giá trị chuyên môn học thuật cao và tôi xin được trân trọng giới thiệu cuốn sách Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn với đất Nam Kỳ qua Châu bản triều Nguyễn với bạn đọc.

Một số hình ảnh của cuốn sách Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn với đất Nam Kỳ qua Châu bản triều Nguyễn

 

 

                                                                  GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc

                                                (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)