04:23 PM 27/02/2025  | 

Với 16 quyển, đề cập hơn 1600 vị thuốc, Trung Việt dược tính hợp biên được coi là bộ dược thư đồ sộ nhất trong kho tàng thư tịch y dược Hán Nôm của Việt Nam.

Dược thư là một bộ phận tạo thành thư tịch y dược Hán Nôm của Việt Nam. Bên cạnh một số dược thư của Trung Quốc lưu hành phổ biến ở Việt Nam còn có các sách do người Việt Nam biên soạn như Bản thảo thực vật toản yếu, Nam dược thần hiệu, Lĩnh Nam bản thảo, Nam bang thảo mộc, Tự Luân đường dược tài bị khảo, Trung Việt dược tính hợp biên..., trong đó Trung Việt dược tính hợp biên là một tác phẩm khá đặc biệt, về quy mô biên soạn cũng như hoàn cảnh ra đời.

Trang bìa một tập sách thuộc bộ dược thư Trung Việt dược tính hợp biên, nguồn: Viện Nghiên cứu Hán Nôm, A.2702

 

Trung Việt dược tính hợp biên 中越藥性合編 (hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.2702/1-16) là bản chép tay, viết bằng chữ Hán (có chữ Nôm). Sách được đóng thành 16 tập (gồm khoảng hơn 2200 trang). Với 16 quyển (tương ứng với 16 tập), đề cập 1655 vị thuốc, Trung Việt dược tính hợp biên có quy mô biên soạn khá đồ sộ (hầu hết các dược thư Hán Nôm khác thường chỉ gồm 1 hoặc 2 quyển và chép khoảng vài trăm vị thuốc, ví dụ Bản thảo thực vật toản yếu của Phan Phu Tiên chép hơn 400 vị, Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh chép gần 500 vị, Lĩnh Nam bản thảo của Hải Thượng Lãn ông chép khoảng 800 vị...).

Trong Trung Việt dược tính hợp biên, các vị thuốc được phân chia theo bộ (Thủy, Hỏa, Thổ, Kim, Mộc, Ngọc, Thạch, Lỗ, Nhân). Như nhan đề tác phẩm cho biết, các vị thuốc được tập hợp ở sách này gồm cả thuốc Bắc và thuốc Nam. Mỗi vị thuốc đều được miêu tả với các mục “sản” (nơi sản sinh), “danh” (tên gọi), “hình” (hình dạng), “vị” (mùi vị), “tính” (tính chất), “chế pháp” (cách chế), “công dụng” (cách dùng). Riêng các vị thuốc chứa độc tố được trình bày trong một quyển riêng (quyển cuối cùng), gồm khoảng gần 200 vị.

Về sách dẫn dụng, Trung Việt dược tính hợp biên sử dụng phần lớn các bản thảo Trung Quốc như Bản thảo cương mục, Bản thảo bị yếu, Bản thảo thập di, Bản thảo tòng tân, Bản thảo cầu chân.., bên cạnh một số dược thư, địa chí của Việt Nam (sách của Hải Thượng Lãn ông, Đại Nam nhất thống chí...).

Không chỉ có quy mô biên soạn lớn so với các dược thư khác, mà hoàn cảnh ra đời của Trung Việt dược tính hợp biên cũng đặc biệt. Dưới triều Nguyễn cũng như các triều đại quân chủ Việt Nam nói chung, sách y dược hiếm khi được chính quyền tổ chức biên soạn, ấn hành (triều đình thường chỉ tổ chức biên soạn, ấn hành các bộ sử vương triều hay thơ văn vua chúa). Đây là bộ dược thư hiếm hoi được triều đình nhà Nguyễn tổ chức biên soạn. Lý do gì đã khiến cho Trung Việt dược tính hợp biên ra đời? Lời tựa bộ sách cho biết như sau: thông qua Tòa Khâm sứ, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa của Pháp đề nghị Nam triều cho người của Thái y viện tra cứu các loại Đông dược, vị gì tên gì, dùng chữa bệnh gì, phân lượng bao nhiêu biên tập đệ lên. Xét thấy công việc không đơn giản bởi các loại dược tài rất phong phú, “việc phân biệt tính chất và kê cứu sử dụng cùng tục danh rất phức tạp” mà Thái y viện lúc ấy chỉ có 3 người nên triều đình đã bàn bạc cử một Hội đồng khảo cứu biên soạn gồm Ngự y Thái y viện đã về hưu là Phan Văn Thái, Thị độc Nội các Lê Trinh và Tú tài Cống sinh Đinh Nho Chấn. Phụ chính đại thần Hiệp biện Đại học sĩ lãnh Lễ bộ Thượng thư Huỳnh Côn được cử trông coi đôn đốc công việc. Trung Việt dược tính hợp biên do đó được khởi soạn vào năm Duy Tân thứ 9 (1915) và hoàn thành vào tháng 6 năm Khải Định thứ nhất (1916). Sự kiện này cũng được ghi nhận trong bộ sử lớn của triều Nguyễn là Đại Nam Thực lục Chính biên (Đệ lục kỷ Phụ biên Đệ thất kỷ). Thế nhưng vì lẽ gì mà phía Pháp đề nghị Nam triều biên soạn bộ dược thư thì bài tựa sách Trung Việt dược tính hợp biên cũng như Đại Nam Thực lục Chính biên (Đệ lục kỷ Phụ biên Đệ thất kỷ) đều không cho biết.

May mắn thay, một văn bản của chính quyền thuộc địa đã cho chúng ta lời giải đáp, đó là Règlementation de la Pharmacie indigène en Indochine[1] (Quy chế về ngành dược bản xứ ở Đông Dương), trong đó có công văn của quyền Khâm sứ Trung Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương, quyền Toàn quyền Đông Dương gửi Giám đốc Trường Viễn đông bác cổ, quyền Toàn quyền Đông Dương gửi Hiệu trưởng Trường Y… trong thời gian từ tháng 8/1916 - 5/1918, với nội dung trao đổi về việc biên dịch 16 tập sách thuốc mà Khâm sứ Trung Kỳ yêu cầu Thái y viện Nam triều biên soạn trước đó.

Đặc biệt, thư gửi Giám đốc Trường Viễn đông bác cổ của quyền Toàn quyền Đông Dương Jean François Eugène Charles (Khâm sứ Trung Kỳ giai đoạn 1913 - 1920 kiêm giữ chức Toàn quyền Đông Dương từ tháng 5/1916 - 01/1917) cũng là người trực tiếp yêu cầu Thái y viện kê cứu biên soạn các vị thuốc Đông y mà bộ sử Nam triều Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên ghi nhận, cho phép khẳng định bộ dược thư được đề cập trong tài liệu này chính là bộ Trung Việt dược tính hợp biên “J’ai l’honneur de vous adresser, sous ce pli, les deux premiers recueils de Médecine sino-annamite établis sur ma demande par le Service Médical du Palais de Hué pour servir à la préparation d’une règlementation générale de l’exercice de la pharmacie et de la vente des médicaments par les indigènes en Indochine…” (Tạm dịch: Tôi hân hạnh gửi tới ngài, cùng với thư này, hai tập đầu của bộ dược thư do tôi yêu cầu Thái y viện Huế làm để phục vụ việc soạn thảo quy chế chung đối với việc hành nghề dược và bán thuốc của người bản xứ ở Đông Dương… [quyền Toàn quyền Đông Dương gửi Giám đốc Trường Viễn đông bác cổ Pháp ngày 15/9/1916]). Đồng thời, qua nội dung những thư từ nói trên chúng ta biết được nguyên do chính quyền bảo hộ yêu cầu Nam triều biên soạn Trung Việt dược tính hợp biên. Đây chính là bước điều tra cơ bản để tiến tới việc đưa ra một quy chế chung về việc hành nghề dược và bán thuốc của người dân Đông Dương.

Trung Việt dược tính hợp biên là bộ dược thư Hán Nôm mang những nét đặc biệt. Với 16 quyển, đề cập hơn 1600 vị thuốc, đây được coi là bộ dược thư đồ sộ nhất trong kho tàng thư tịch y dược Hán Nôm của Việt Nam. Mặt khác, sự ra đời đặc biệt của Trung Việt dược tính hợp biên (do triều đình nhà Nguyễn sai biên soạn nhưng là theo yêu cầu của chính quyền bảo hộ), ở một mức độ nhất định cũng phản ánh bối cảnh chính trị và y tế ở Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XX. Để có thể thực hiện chủ trương phổ biến Tây y trong đời sống xã hội Việt Nam thì chính sách đối với Đông y như thế nào là một vấn đề lớn buộc chính quyền thuộc địa phải giải quyết. Việc yêu cầu biên soạn bộ dược thư chuẩn bị làm căn cứ cho một quy chế chung về việc hành nghề dược và bán thuốc của người bản xứ ở Đông Dương chính là một hành động cụ thể hết sức thực tế của chính quyền thuộc địa lúc bấy giờ.

 

 

[1]Tài liệu nằm trong hồ sơ 17172, Phông Phủ Toàn quyền Đông Dương, Trung tâm lưu trữ Hải ngoại tại Aix-en-Provence, Pháp.

Nguyễn Thị Dương