Cuốn sách “Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn với đất Nam Kỳ qua Châu bản triều Nguyễn” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp phối hợp thực hiện là một công trình tái hiện toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của danh tướng Nguyễn Công Nhàn.
Châu bản triều Nguyễn là các văn thư hành chính do các quần thần hoặc các cơ quan trong chính quyền triều Nguyễn soạn thảo, đệ trình nhà vua phê duyệt và để lại dấu tích bằng mực son trên văn bản. Với những giá trị nổi bật đáp ứng các tiêu chí về hình thức và nội dung, năm 2017, Châu bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.
Theo lời giới thiệu quyển sách do GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thì “Bạn đọc có thể đánh giá cao chất lượng khoa học của công trình, nhưng lại cho rằng tư liệu Châu bản xem ra khô khan, khó đọc. Tôi lại thấy như mỗi dòng, mỗi chữ của Châu bản là kết tinh mồ hôi, xương máu, vinh quang và tủi hờn của tổ tiên, đều có vần, có điệu, có hồn, dễ lay động tận tâm can người đọc.”
Từ Châu bản và các nguồn tài liệu chính sử, nguồn tư liệu gia đình dòng tộc và tư liệu dân gian địa phương, quyển sách phác hoạ chân dung Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn với những nét khái quát. Ông được đào tạo ở trường Anh Danh (tại kinh đô Huế), cả đời ông gắn liền với trận mạc và lập được nhiều công trạng, đặc biệt là bảo vệ an toàn cương vực Tây nam Tổ quốc và Trấn Tây (Chân Lạp), đào kênh Vĩnh An, góp phần khai hoang phát triển kinh tế xã hội ở vùng biên giới. Với những chiến công vang dội, ông được vua Minh Mạng đặc cách ban thẻ bài “Hùng Dũng tướng”, vua Thiệu Trị phong tước “Trí Thắng Nam” và tên ông được được khắc vào cổ súng thứ tư trong chín cổ Thần uy phục viễn đặt tại Võ Miếu ở kinh đô Huế.
Danh vọng là vậy nhưng đến khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược Nam Kỳ, năm 1861, khi ông vừa được bổ nhiệm làm Tổng đốc Định Tường thì bi kịch xảy đến. Trên đường đến cứu viện thì thành Mỹ Tho rơi vào tay thực dân Pháp. Để tỉnh thành thất thủ, ông cùng những người có liên quan đều bị cách chức chờ định tội. Ông trốn về lỵ sở cũ, chiêu tập dân dõng, chống giặc đoái công chuộc tội. Và cũng từ đó, cuộc đời ông phải trải qua nhiều bí ẩn, thăng trầm cùng những oan khuất mà người đời sau gán ghép.
Sách “Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn với đất Nam Kỳ qua Châu bản triều Nguyễn” được chia làm 5 chương và phần phụ lục:
- Chương một: Khái quát về quê hương, gia thế, hậu duệ và những năm tháng cuối đời của Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn.
- Chương hai: Sơ lược về lịch sử vùng đất Nam Kỳ từ khởi nguồn đến triều vua Tự Đức.
- Chương ba: Hùng Dũng tướng Trí Thắng Nam Nguyễn Công Nhàn - Dũng tướng một thời (ghi lại chiến công của Hùng Dũng tướng Trí Thắng nam Nguyễn Công Nhàn trải qua ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức).
- Chương bốn: Những nhân vật cùng thời với Nguyễn Công Nhàn (Nguyễn Tri Phương, Trương Minh Giảng, Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ, Đoàn Văn Sách, Nguyễn Lương Nhàn, Võ Hiệp).
- Chương năm: Các Châu bản triều Nguyễn về Hùng Dũng tướng Trí Thắng nam Nguyễn Công Nhàn (gồm bản dịch các Châu bản, sắp xếp theo trình tự thời gian).
- Phụ lục: gồm niên biểu Nguyễn Công Nhàn và một số văn bản Châu bản triều Nguyễn.
Quyển sách giới thiệu 94 Châu bản có nội dung liên quan trực tiếp đến Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn, từ đó góp phần tái hiện rõ ràng, đầy đủ hơn công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, gìn giữ đất phương Nam của các võ tướng, quân và dân Nam Kỳ dưới thời vương triều Nguyễn độc lập.
Một số hình ảnh trong cuốn sách “Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn với đất Nam Kỳ qua Châu bản triều Nguyễn”
Nguyễn Thanh Thuận