08:58 AM 04/03/2025  | 

Cuốn sách cung cấp danh sách những địa danh hành chính Bắc Kì trong khoảng thời gian cách ngày nay chừng một thế kỉ. Độc giả với mục đích tra cứu có thể tìm thấy những thông tin cụ thể về địa danh hành chính các cấp, có dẫn nguồn tài liệu lưu trữ đương thời, nên có tính khả tín. Độc giả với mục đích nghiên cứu có thể đúc rút được những đặc trưng ngôn ngữ và văn hóa trong cách đặt tên những vùng đất, từ cách gọi theo ngôn ngữ bản địa đến sự Hán-Việt hóa địa danh (hiện tượng Hán hóa các tên Nôm), từ cách gọi tên đất bằng ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc thiểu số đến tên đất, tên đường phố bằng Pháp văn... Những điều này góp phần tạo nên một bức tranh đa sắc về địa danh Việt Nam đầu thế kỉ 20, ở đó có yếu tố truyền thống và hiện đại, có phong vị bản địa và ngoại nhập, có sự đa dạng về ngôn ngữ và văn tự.

 

Xét từ các góc độ ngôn ngữ, địa lí, lịch sử và văn hoá, “địa danh” (toponym, hoặc đơn giản là place-name) là thực thể tồn tại có tính phổ biến về không gian và tính đa biến về thời gian. Chính tính phổ biến và đa biến ấy đã khiến cho vấn đề địa danh trở nên phức tạp đến mức có nhu cầu hình thành một phân ngành khoa học nghiên cứu về địa danh, gọi là “địa danh học” (toponymy, toponymics, hoặc toponomastics), chuyên nghiên cứu các khía cạnh liên quan đến địa danh như nguồn gốc, ý nghĩa, loại hình, phương thức sử dụng... Nghiên cứu địa danh không chỉ làm sáng tỏ khía cạnh ngôn ngữ của địa danh, mà còn đóng góp vào việc hình thành bức tranh chung về một vùng đất cụ thể nào đó trong các giai đoạn lịch sử khác nhau. Tầm quan trọng của việc tìm hiểu địa danh là tiền đề thu hút nhiều học giả trên thế giới cũng như ở Việt Nam đi sâu vào lĩnh vực địa danh học từ các khía cạnh lí thuyết và ứng dụng.

Ở Việt Nam, lĩnh vực địa danh học có ba nhóm công trình nghiên cứu chủ yếu. Thứ nhất là nhóm các công trình có tính chất lí thuyết, xây dựng khuôn khổ ngành địa danh học Việt Nam; nhóm này xuất hiện muộn và chưa có nhiều về số lượng, trong đó có thể kể đến một số cuốn sách hay được trích dẫn như hai quyển sách Địa danh Việt Nam (Hà Nội: Nxb. Giáo dục, 1993) và Một số vấn đề địa danh học Việt Nam (Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008) cùng của tác giả Nguyễn Văn Âu, hay cuốn Địa danh học Việt Nam (Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, 2006) của tác giả Lê Trung Hoa. Thứ hai là nhóm các công trình khảo cứu cụ thể về một hoặc một nhóm địa danh trên một khu vực hành chính, thường được công bố dưới dạng bài nghiên cứu, luận văn, luận án và sách (vì nhóm này có số lượng khá nhiều và quá chi tiết nên xin miễn nêu cụ thể).

Nếu hai nhóm kể trên có tính chất của những công trình nghiên cứu lí thuyết và khảo cứu trường hợp cụ thể, thì nhóm thứ ba thiên về tính chất ứng dụng, đó là các công trình có dáng dấp của những “bộ sưu tập” về địa danh và địa danh hành  chính, thoáng trông tưởng chừng đơn giản, kì thực trầm tiềm trong đó là công phu kê cứu, sắp xếp, chỉnh lí của tác giả các công trình ấy. Cuốn sách chuyên biệt về địa danh được biên soạn trong thời trung đại là cuốn Các trấn tổng xã danh bị lãm 各 鎮總社名備覽(Quan sát toàn bộ tên các trấn, tổng, xã) là sách Hán Nôm lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.570/1-2, đã được Dương Thị The và Phạm Thị Thoa khảo cứu, biên dịch, xuất bản dưới tên sách Tên làng xã Việt Nam đẩu thế kỉ 19 (Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, 1981). Trong thời trung đại và thời Pháp thuộc ở Việt Nam, các công trình địa danh học thuộc nhóm thứ ba này thường có sự giao dung với các lĩnh vực địa chí học và địa lí học lịch sử, khó có thể tách biệt rạch ròi, như những phần ghi chép về địa danh trong An Nam chí lược 安南志 略 của Lê Tắc, Dư địa chí 輿地志 của Nguyễn Trãi, Lịch triều hiến chương loại chí 歷 朝憲章類志 của Phan Huy Chú, Đại Nam nhất thống chí 大南一統志 của Quốc sử quán triều Nguyễn, Nomenclature des communes au Tonkin (Danh mục làng xã Bắc Kì) của Ngô Vi Liễn... mà phần nhiều đã được biên dịch, xuất bản. Trong thời gian gần đây, rất nhiều công trình biên khảo có tính chất từ điển về địa danh đã được biên soạn và công bố bằng tiếng Việt, như: Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam (Hà Nội: Nxb. Văn hóa thông tin, 2013) của Lê Trung Hoa, Từ điển địa danh văn hóa lịch sử Việt Nam (Hà Nội: Nxb. Giáo dục Việt Nam) do Nguyễn Như Ý chủ biên, Từ điển địa danh lịch sử Việt Nam (Hà Nội: Nxb. Giáo dục, 2007) do Đinh Xuân Lâm chủ biên, Sổ tay địa danh Việt Nam (Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội) của Đinh Xuân Vịnh, Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kì (Hà Nội: Nxb. Văn hóa thông tin) của Ngô Vi Liễn, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ (Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia, 2008) của Nguyễn Đình Tư..., tất cả cho thấy sự một dòng chảy liên tục trong khoa địa danh học ở Việt Nam từ truyền thống đến hiện tại.

Một trong những cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng nhất trong việc biên soạn và công bố các bộ sưu tập tài liệu địa danh Việt Nam là Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, mà cụ thể hơn là Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - một đơn vị trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Với thế mạnh của một cơ quan lưu trữ cấp quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tổ chức biên soạn và công bố nhiều bộ sưu tập tài liệu địa danh làng xã ở Việt Nam. Có thể kể đến cuốn sách Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kì (Hà Nội: Nxb. Văn hóa thông tin, 1999) của nhóm tác giả Vũ Thị Minh Hương, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin là danh mục địa danh các tỉnh Bắc Kì qua tài liệu lưu trữ thời kì Pháp thuộc, cuốn sách này đã được giới học thuật chào đón và sử dụng rộng rãi. Gần đây, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức biên soạn và xuất bản bộ sách tương đối đồ sộ dưới nhan đề Địa danh làng xã Việt Nam qua tài liệu địa bạ triều Nguyễn (Hà Nội: Nxb. Hà Nội, 2018-2021) bao gồm 4 tập dày dặn lần lượt đề cập đến địa danh ở 4 khu vực Bắc Kì, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Kì.

Tiếp nối những công trình kể trên, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tổ chức biên soạn cuốn sách nhan đề Địa danh hành chính Bắc Kì qua tài liệu và tư liệu lưu trữ thời kì thuộc địa. Tiếp tục phát huy thế mạnh của tài liệu và tư liệu lưu trữ hiện lưu tại Trung tâm, Ban biên soạn sách này đã tìm kiếm và chắt lọc thông tin từ các văn bản quản lí hành chính nhà nước thời Pháp thuộc liên quan đến việc thành lập, tách nhập, đổi tên các đơn vị hành chính. Bên cạnh đó, Ban biên soạn cũng tập hợp các danh mục đơn vị hành chính theo từng tỉnh theo thông tin, kèm theo một số bản đồ, tài liệu xác định ranh giới giữa các đơn vị hành chính… Những tài liệu và tư liệu lưu trữ kể trên đã được chỉnh lí, sắp xếp, biên soạn lại dưới dạng một bộ sách tập hợp thông tin về địa danh hành chính Bắc Kì.

Về cấu trúc, cuốn sách chia theo đơn vị cấp tỉnh đương thời, bao gồm 29 đơn vị, sắp xếp theo thứ tự tên gọi của đơn vị tỉnh, từ Bắc Giang đến Yên Bái. Trong mỗi tỉnh lại bao gồm ba phần: phần Tiểu dẫn giới thiệu ngắn gọn về lịch sử và diên cách của tỉnh; phần Nội dung tài liệu là phần chính yếu, tập hợp các tài liệu và tư liệu lưu trữ được chỉnh lí, sắp xếp, chú thích để tiện cho độc giả tìm kiếm và tra cứu; phần Tài liệu minh hoạ bao gồm bản đồ và một số danh mục làng xã.

Về nội dung, cuốn sách cung cấp danh sách những địa danh hành chính Bắc Kì trong khoảng thời gian cách ngày nay chừng một thế kỉ. Độc giả với mục đích tra cứu có thể tìm thấy những thông tin cụ thể về địa danh hành chính các cấp, có dẫn nguồn tài liệu lưu trữ đương thời, nên có tính khả tín. Độc giả với mục đích nghiên cứu có thể đúc rút được những đặc trưng ngôn ngữ và văn hóa trong cách đặt tên những vùng đất, từ cách gọi theo ngôn ngữ bản địa đến sự Hán-Việt hóa địa danh (hiện tượng Hán hóa các tên Nôm), từ cách gọi tên đất bằng ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc thiểu số đến tên đất, tên đường phố bằng Pháp văn... Những điều này góp phần tạo nên một bức tranh đa sắc về địa danh Việt Nam đầu thế kỉ 20, ở đó có yếu tố truyền thống và hiện đại, có phong vị bản địa và ngoại nhập, có sự đa dạng về ngôn ngữ và văn tự.

Tài liệu lưu trữ của một thế kỉ trước đây về địa danh làng xã Bắc Kì được ghi chép bằng nhiều loại hình văn tự, bao gồm chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, với cách ghi chính tả (đặc biệt là với chữ Quốc ngữ và chữ Nôm) chưa thống nhất giữa các tài liệu đó với nhau, cũng như chưa thống nhất so với quy chuẩn chính tả địa danh hiện nay. Nhiều địa danh có trong tài liệu lưu trữ đương thời nhưng hiện nay đã thay đổi hoặc biến mất mà chưa thể xác định rõ ràng. Những điều này đã gây ra không ít khó khăn cho Ban biên soạn trong quá trình làm việc, dù đã có những nỗ lực tra cứu nhưng đành phải để tồn nghi với một số trường hợp chưa thể minh định, chờ các bậc thức giả khảo cứu bổ sung.

Cuốn sách này có thế mạnh ở khía cạnh diện, tức là cung cấp cái nhìn bao quát về hệ thống địa danh hành chính Bắc Kì, hơn là ở khía cạnh điểm, bởi nhiệm vụ chính của cuốn sách không phải là đi sâu khảo cứu từng địa danh cụ thể. Tuy vậy, tôi tin rằng cuốn sách này là một đóng góp đáng trân trọng đối với lĩnh vực địa danh học Việt Nam, có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho độc giả từ nhiều khía cạnh khoa học như ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử, địa lí...

Trân trọng giới thiệu cuốn sách Địa danh hành chính Bắc Kì qua tài liệu và tư liệu lưu trữ thời kì thuộc địa tới quý vị độc giả.

Một số hình ảnh cuốn sách.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường