Những người Âu đầu tiên mang Tây y đến Việt Nam ở thế kỷ 17
Năm 1626, cha Julien Baldinotti đến Đàng Ngoài để truyền giáo nhưng vì không thông thạo bản ngữ nên sau đó đã viết thư đề nghị cử những nhà truyền giáo am hiểu xứ này đến thay. Hai cha Alexandre de Rhodes và Pierre Marquès đã được chọn, ngày 12/3/1627 lên tàu và đến ngày 19/3 cập cảng Đàng Ngoài. Nhưng đến năm 1630, Trịnh Tráng đã ra lệnh trục xuất các nhà truyền giáo khỏi Đàng Ngoài và trong năm đó Alexandre de Rhodes cùng ba nhà truyền giáo khác (Gaspard d'Amaral, Pierre Marquès, Paul Saito) đã lên tàu đi Ma Cao. Chính vì lẽ đó, Tây y đã không thể thâm nhập sớm vào Bắc Kỳ.
(Ảnh chân dung cha Alexandre de Rhode, nguồn: Vietnamese Heritage Museum,
và Tài liệu nói về việc Phái bộ truyền giáo Đàng Ngoài được thành lập năm 1627, cuốn Travel of the Jesuits, nhà xuất bản White Hart, London, 1743)
Năm 1668, trong thư gửi Thượng viện Ma Cao, cha Bertholomeu da Costa viết: "Chúa Nguyễn (khi đó là Đàng Trong có thể là chúa Nguyễn Phúc Tần, 1648-1685 hoặc chúa Nguyễn Phúc Thái 1686-1691) từ lâu đã trưng dụng cha Barthélémy da Costa làm bác sĩ cho vua[1]". Giám mục Bérythe de Lamotte Lambert trước đó đã gặp nhà truyền giáo này tại nhà Tổng đốc Ninh Hòa năm 1671. "Đức cha nghỉ tại nhà Tổng đốc theo đề nghị của vị quan này vì đức cha được biết đến là một bác sĩ giỏi"[2].
Ở cuối thế kỷ 17, ở Huế có cha Langlois hành nghề y ở Huế và rất được lòng hoàng tử thứ hai trong danh sách kế vị ngai vàng, được cấp khu đất rất rộng ngay gần cung của hoàng tử. Trên mảnh đất đó, cha Langlois cho lập nơi chữa bệnh khá rộng rãi, có thể tiếp nhận tới 300 bệnh nhân. Hoàng thân quốc thích cũng như các quan của chúa Nguyễn khi đó ở Đàng Trong tin vào khả năng chữa bệnh của nhà truyền giáo. Cha Langlois chết trong nhà tù Huế năm 1700, chỉ một năm sau khi rời Pháp khi mới 29 tuổi.
Năm 1671, giám mục Bérythe tới Đàng Trong và suýt chết khi bị ốm sốt rất nặng trong 6 tuần. Người đi cùng là cha Bénigne Vachet cũng bị tương tự như vậy và cấp tốc gửi thư tới Faifo (Hội An) - nơi cha Guiart hành nghề y kiêm bán thuốc cùng với một dược sĩ có tên Maurillon. Cha Guiart biết đôi chút về dược học, từng hành nghề nên đến Đàng Trong với danh nghĩa này. Cộng thêm chút am hiểu về giải phẫu nên đã trình và được vua Đàng Trong cho hành nghề, điều này giúp ông có thể tự do đi lại. Còn Maurillon nhanh chóng gửi thuốc giải độc và những viên thuốc này đã cứu sống cả Bérythe lẫn Vachet. Sau đó Maurillon để cha Guiart ở lại bên giám mục, một mình trở về Faifo để thu xếp công việc.
Sau khi giám mục Bérythe rời đi, cha Bénigne Vachet được vời vào cung để chữa cho anh trai của Thượng thư Bộ Binh, khi đó bị bệnh nặng và các đại y trong triều đã không thể chữa trị[3]. Theo chẩn đoán, hoàng thân này bị ung thư cấp tính, song Vachet không rõ là ung thư gì, sau đó qua đời do bị áp-xe nặng, dù Vachet muốn mổ để chữa trị nhưng bị từ chối vì tin vào lời hứa của một thầy thuốc người Thanh có thể chữa khỏi bệnh sau 25 ngày.
(Ảnh cha Bénigne Vachet, nguồn: IRFA)
Tuy nhiên, cha Claude Guiart không phải là người Âu đầu tiên hành nghề ở xứ An Nam. Theo lời cha Christoforo Borri, khoảng những năm 1618-1621, một bác sĩ người Bồ Đào Nha đến xứ An Nam, nhưng không điều trị thành công một bệnh nhân người bản xứ được gửi đến nên buộc phải mời một thầy lang người An Nam - người này đã chữa khỏi cho bệnh nhân. Cha Borri liệt kê một số trường hợp các thầy thuốc người An Nam đã thành công hơn các bác sĩ người Âu trong chữa bệnh nên theo vị cha xứ này, các phương pháp chữa trị của người bản xứ tốt hơn với các phương pháp của Tây phương[4].
Sau đó, còn có hai cha người Tây Ban Nha lưu trú ở Đàng Trong: cha Jean Baptiste Sanna từ 1714-1726 và Sébastien Pirès từ năm 1722. Cả hai được biết đến là thầy thuốc của chúa Nguyễn Phúc Chu (Minh Vương). Cha Jean Baptiste Sanna được chôn cất ở Faifo, ông là người đã xây dựng một bệnh viện ở Huế, sau khi cha Langlois qua đời thì công trình này biến mất.
Tây y và xứ An Nam
Cha Jean Siebert từng được mời vào triều chúa Nguyễn Phúc Khoát và lưu trú từ 1738-1745. Trong thư[5] gửi cho nữ bá tước Fugger de Wessembourg từ Huế đề ngày 06/8/1741, sau khi kể lại buổi diện kiến với vị hoàng tử này, ông cho biết thêm về việc đã khám và chữa khỏi cho 7 đứa trẻ bị bỏ rơi cùng với 15 trẻ khác bị đe dọa tính mạng vì bệnh tật cũng như đã phân phát tổng cộng 3696 liều thuốc cho những bệnh nhân cấp thiết. Cha Sibert mất ở Huế năm 1745 và thay ông là cha Slamenski - một người trước khi trở thành tu sĩ dòng Tên từng là bác sĩ phẫu thuật trong quân đội hoàng gia Hungari.
Trong thư gửi cha Ritter từ Huế đề tháng 7/1847, cha Jean Koffler người thay cha Charles Slamenski sau đó đã ca tụng vị tăng lữ này là người giàu kinh nghiệm về y học, phẫu thuật và phương thuốc chữa trị[6]. Theo đó, năm 1746, Slamenski được phong là thái y của nhà vua nhưng không may ông đã mất chỉ sau thời gian ngắn phụng sự.
Cha Koffler dường như đã đóng vai trò quan trọng về y học và có ảnh hưởng nhất định trong triều các chúa Nguyễn. Trong buổi diện kiến với nhà vua[7], vị tăng lữ này đã được vua đón tiếp nồng nhiệt và giới thiệu với một phi tần được sủng ái nhất. Cha Koffler đã chữa khỏi chứng đau cổ cho vua - trước đó cũng từng được cha Siebert điều trị. Trở về Bồ Đào Nha, bị tống vào ngục cùng với nhiều tu sĩ dòng Tên khác trong nhà tù của lâu đài Saint Julian (Lisbon), ông đã viết những ghi chép bằng tiếng La-tinh về Đàng Trong.
(Bìa cuốn sách về lịch sử Đàng Trong của cha Koffler)
Sau những lần di chuyển liên tiếp trong năm 1750, cha Jean Koffler tiếp tục phụng sự nhà thờ và trở lại Đàng Trong. Nhưng những diễn biến chính trị ở Đàng Trong, năm 1755 ông buộc phải rời đây trên tàu một thương gia người Hà Lan.
Cha Jean de Loureiro kế tục cha Jean Koffler trong triều chúa Nguyễn Phúc Khoát. Sinh năm 1710 ở Lisbon, năm 1742, cha lên tàu đến Đàng Trong và lưu trú khá lâu ở đây. Nổi tiếng là nhà tự nhiên học, ông đã tiến hành nghiên cứu khoa học về hệ thực vật của Đàng Trong. Khi chúa Nguyễn Phúc Khoát băng hà năm 1765, ông tiếp tục ở lại triều chúa Nguyễn và chỉ rời Đàng Trong 12 năm sau. Trở lại châu Âu năm 1781, ông là thành viên Hội hoàng gia Luân Đôn và Viện hàn lâm khoa học Lisbon và những ghi chép về thiên văn học của ông khi còn ở Đàng Trong đã được Hiệp hội xuất bản và một năm trước khi qua đời (1781), ông đã công bố công trình nghiên cứu về hệ thực vật Đàng Trong.
Khoảng năm 1791, cha Girard ở Đàng Trong Thượng[8] đã được vua Quang Trung mời đến chữa bệnh cho vợ ông. Khi đó là nhà truyền giáo trẻ nhất, cha Girard được giới thiệu là bác sĩ dù trên thực tế, ông có không nhiều kiến thức y học. Tuy nhiên, vợ vua Quang Trung đã qua đời trước khi vị tăng lữ này đến kịp.
Không chỉ chữa bệnh, các nhà truyền giáo, các cha Christoforo Borri, Alexandre de Rhodes, Vachet và đặc biệt là Loureiro còn nghiên cứu về hệ động vật, thực vật xứ An Nam, Đông y và một số y dược. Đến đầu thế kỷ 19, các bác sĩ người Âu đã thay thế các nhà truyền giáo trong triều đình Huế, đặc biệt Despiau, Treillard và Duff.
Jean Marie Despiau quê ở Bazas, sau nhiều năm sống ở Ma Cao đã đến Đàng Trong. Ngày 21/04/1799, sau khi được công nhận là bác sĩ quân y, Despiau đã cùng với Nguyễn Ánh tham gia các trận đánh. Tháng 10/1799, ông ta có mặt trong đợt bao vây thành Quy Nhơn và là người đích thân chăm sóc linh mục Adrian dù không thể cứu sống vị tăng lữ này[9]. Despiau ở Huế vào khoảng năm 1817. Trong nhật ký hành trình tàu, đại tá hải quân A.de Kergariou chỉ huy tàu La Cybèle được cử thám hiểm Viễn Đông năm 1817 đề cập đến ông như sau: "Chỉ có ba người Pháp trú tại Huế: hai viên quan là Vannier và Chaigneau cùng một bác sĩ hải quân người Bordeaux đã sống ở đây từ nhiều năm. Vị bác sĩ này là bạn của Vannier đồng thời cũng tới làm giàu ở xứ này". Năm 1820, chính Despiau cũng là người được vua Minh Mạng cử đến Ma Cao để mua vắc xin đậu mùa[10]. Thời gian sau đó, trong khi hai người bảo trợ là Chaigneau và Vanier rời Huế ngày 15/11, rời Đà Nẵng ngày 11/12 để về Pháp, riêng Despiau vẫn ở lại xứ An Nam qua đời ngày 21/12/1824.
Người kế nhiệm ông ta là Treillard, bác sĩ phẫu thuật trên tàu Henri đã lưu trú ở Huế và Đà Nẵng từ cuối năm 1819 đến đầu năm 1820. Ông được vua Gia Long mời đến để chữa cho công chúa thứ 9 bị bệnh ở tay và không một thầy thuốc nào ở Nam Kỳ muốn chữa. Hai ngày một lần, Treillard rời tàu Henri đến chữa bệnh cho công chúa và cũng bí mật khám bệnh cho vua - lúc này bị bệnh rò hậu môn. Sau khi công chúa được chữa khỏi, vị bác sĩ này tiếp tục điều trị khỏi bệnh cho vua Gia Long.
Tuy nhiên, theo một số tài liệu, tư liệu, trước Despieu và Treillard đã có một bác sĩ người Anh tên là Duff được chúa Nguyễn Phúc Khoát tin dùng vào khoảng năm 1747. Sau khi chữa khỏi cho chúa Nguyễn, vị bác sĩ này đã có uy tín trong triều và được phép đi dọc bờ biển Đàng Trong.
Giai đoạn 1876-1884, các bác sĩ hải quân biệt phái từ Nam Kỳ được cử ra Huế làm việc với tư cách là bác sĩ của phái bộ, bên cạnh các Tổng Trú sứ. Trong thời gian Pháp chiếm đóng Huế (1884-1887), chỉ có quân y Pháp hiện diện tại đây.
Năm 1887, một y xá được xây dựng bên bờ sông Hương. Năm 1889, y xá này rời chuyển vào trong khu Tổng Trú sứ. Năm 1894[11], một y xá có diện tích lớn hơn (4 phòng) được xây dựng ngoài khu Tổng Trú sứ nhưng không lâu sau đó, y xá này đã không đủ để khám chữa bệnh cho cả vùng, nên chuyển thành nơi khám chữa bệnh cho gái mại dâm do một hiến binh cai quản trực thuộc tỉnh Thừa Thiên. Và lúc này, việc xây dựng một bệnh viện theo đúng nghĩa là cần thiết và trở thành hiện thực khi những vật liệu của tòa nhà Nội Vụ bị phá dỡ đã được sử dụng lại trong xây dựng bệnh viện dài 60 m, chia thành 7 buồng: 1 buồng vừa là phòng khám vừa là phòng băng bó, 6 buồng còn lại là dành cho bệnh nhân. Và người đứng đầu bệnh viện này đầu tiên chính là bác sĩ Henry, đến Huế ngày 01/02/1885 với tư cách là bác sĩ của Tòa Tổng Trú sứ và Phái bộ, với sự giúp đỡ của hai thầy thuốc ở Thái Y Viện (thầy Liên, quan tứ phẩm và Bùi Tư, quan bát phẩm). Hoàng thân quốc thích cũng như quan trong triều đánh giá cao năng lực của vị bác sĩ người Âu này. Tháng 12/1895, vua Thành Thái đã gọi Henry đến chăm sóc cho hai ái phi vừa sinh hạ cách nhau hai ngày. Cũng trong giai đoạn này, lần đầu tiên các thầy thuốc bản xứ được phép thực hành chủng ngừa, nhưng vì những khó khăn về nhân lực lẫn tài chính, một trung tâm chủng ngừa chính thức ra đời ở Trung Kỳ năm 1903.
Chúng ta không thể phủ nhận việc Tây y thâm nhập và cùng tồn tại với Đông y đã giúp cho tình hình y tế cộng đồng ở Việt Nam trước năm 1900 được cải thiện đáng kể.
[1] "Những chuyến đi và công trình của các nhà truyền giáo thuộc Hội chúa Giê-su do các cha của Hội công bố" (Voyages et travaux des missionnaires de la Compagnie de Jésus, publiés par les Pères de la même Compagnie), nhà xuất bản Douniol, Paris, 1858, trang 254. Trên thực tế, đây là thời của chúa Nguyễn Phúc Tần (1620-1687), còn chúa Nguyễn Phúc Thái đến năm 1687 mới kế nghiệp.
[2] "Hồi ký của Bénigme Vachet (Mémoire de Bénigne Vachet)", nhà xuất bản Paris, 1865, trang 190.
[3] "Quan hệ giữa các phái bộ của các giám mục khâm mạng tòa sứ với các giáo sĩ, những năm 1676 và 1677" (Relations des mission des Evesques Vicaires Apostoliques et de leurs ecclésiatiques, ès années 1676 et 1677".
[4] "Ký sự Đàng Trong (Relation de la Cochinchine)", Tạp chí Đông Dương, 1909, tập XI, trang 373-374.
[5] "Những chuyến đi và công trình của các nhà truyền giáo thuộc Hội chúa Giê-su do các cha của Hội công bố" (Voyages et travaux des missionnaires de la Compagnie de Jésus, publiés par les Pères de la même Compagnie), nhà xuẩt bản Douniol, Paris, 1858, trang 267.
[6] Bài viết của Ch.Maybon về Jean Koffler, Tạp chí Đông Dương, tháng 6/1912.
[7] "Phái bộ Nam Kỳ và Bắc Kỳ kèm theo bản khắc và bản đồ" (Mission de la Cochinchine et du Tonkin avec gravure et carte géographique), nhà xuất bản Charles Douniol, Paris, 1858, trang 19-22.
[8] Tác giả Aurousseau Léonard trong bài viết: "Về tên gọi Nam Kỳ" (Sur le nom de Cochinchine), Tập san Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient), tập 24, năm 1924. trang 563-579 giải thích, các nhà truyền giáo châu Âu khi ghi chép về Việt Nam giai đoạn từ 1615-1882 thường chia nước ta hai nửa: Tonkin (hoặc Tonquin) tức Đàng Ngoài trải từ biên giới với Trung Quốc đến Đồng Hới và phần còn lại là Cochinchine tức Đàng Trong. Trong rất nhiều tài liệu tiếng Pháp, thường xuất hiện hai từ Basse Cochinchine (Đàng Trong Hạ hay Nam Kỳ lục tỉnh, Nam Kỳ thuộc Pháp) và Haute Cochinchine (Đàng Trong Thượng, khu vực Quy Nhơn, Phú Yên ngày nay).
[9] Ông qua đời ngày 09/10/1799.
[10] Bài "Những người Gironde ở Đông Dương (Les Girondins en Indochine), Revue historique de Bordeaux et du département de la Gironde, năm 1953, trang 151-162, ghi là vua Gia Long nhưng trên thực tế là vua Minh Mạng. Sở dĩ Despiau được cử đến đây vì ông ta từng có thời gian sinh sống ở Ma Cao. Ma Cao và Hồng Công khi đó là điểm dừng chân của các nhà hàng hải, thám hiểm.
[11] Theo "Đông Dương thuộc Pháp: Annam", nhà in Viễn Đông 1931, trang 171-184.
Ngọc Nhàn