09:39 PM 23/04/2025  | 

Vụ đốt tàu l’Espérance: Sự kiện gây chấn động trong cộng đồng người Pháp, đồng thời khơi dậy mạnh mẽ tinh thần của người An Nam. Dù chưa giành được chiến thắng cụ thể, nghĩa quân vẫn duy trì được thế trận tâm lý, làm lung lay nền cai trị của thực dân Pháp.

Ngày 10 tháng 12 năm 1861, ngay sau khi Trung úy Hải quân Lespès[1] đi Côn Đảo, một sự kiện đau thương đã xảy ra, gây chấn động trong cộng đồng người Pháp, đồng thời khơi dậy mạnh mẽ tinh thần của người An Nam.

Nguyễn Trung Trực, một thủ lĩnh trẻ tuổi, thường được gọi là Quản Lịch, đã tổ chức một cuộc tập kích táo bạo. Ông cùng nghĩa quân đã phóng hỏa chiếc tàu mang tên L'Espérance (nghĩa là Hy Vọng) và tiêu diệt một phần thủy thủ đoàn. Lúc đó, con tàu đang neo đậu tại làng Nhựt Tảo[2], nằm ở cửa một con rạch đổ vào sông Vàm Cỏ, cách Bến Lức khoảng nửa đường đến hợp lưu của hai nhánh sông. Thuyền trưởng Parfait, khi ấy đang ở cách tàu hai dặm để truy đuổi tội phạm.

 Tem phát hành nhân dịp 150 ngày mất của Nguyễn Trung Trực.

Với sự “tiếp tay” của dân làng, Quản Lịch đã bí mật đưa một số thuyền lớn có mái che áp sát tàu vào khoảng giữa trưa. Khi ấy, thủy thủ đoàn đang nghỉ ngơi, còn viên hạ sĩ quan làm nhiệm vụ chỉ huy thay Parfait, tưởng rằng đó là những thương nhân đến xin xác nhận giấy phép, liền cúi xuống mạn tàu kiểm tra. Ông ta lập tức bị một nhát giáo đoạt mạng.

Hình ảnh cây kích của Nghĩa quân Nguyễn Trung Trực trưng tại Đền thờ Nguyễn Trung Trực, Rạch Giá, Kiên Giang

 

Ngay sau đó, hơn 150 nghĩa quân ồ ạt xông lên tàu. Dù bị áp đảo về quân số, thủy thủ đoàn vẫn chiến đấu quyết liệt, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, ngọn lửa đã bùng lên từ khoang thuyền và nhanh chóng lan rộng. Cả nghĩa quân lẫn thủy thủ buộc phải nhảy xuống nước để thoát thân.

Năm người trong thủy thủ đoàn – gồm hai người Pháp và ba người Tagal [Philippines] – đã kịp nhảy lên một chiếc thuyền nhỏ và chèo hết sức để thoát khỏi hiện trường. Từ xa, họ chứng kiến con tàu L'Espérance phát nổ, khiến 17 thủy thủ, bao gồm cả người Pháp và Tagal, thiệt mạng trong thảm hoạ này.

Ngay khi nhận tin báo, viên thuyền trưởng lập tức đến xin cứu viện từ tàu Garonne đang neo tại sông Vàm Cỏ. Trong ngày hôm đó, ông quay lại hiện trường và tìm thấy ba người Tagal bị nghĩa quân bắt giữ nhưng đã trốn thoát. Họ đã ẩn náu trong một đầm lầy, ngâm mình dưới nước đến tận miệng, chờ cứu viện.

Khoảng hai mươi quân hỗ trợ người bản xứ trên bờ đối diện chiếc tàu cũng bị phục kích và tiêu diệt ngay trong thời điểm cuộc tấn công diễn ra. Để trả đũa, quân Pháp đã thiêu rụi toàn bộ làng Nhựt Tảo, trừng phạt dân làng vì sự đồng lõa của họ.

Đòn trả đũa của quân Pháp

Cuộc tập kích của nghĩa quân An Nam đã trở thành khúc dạo đầu cho một loạt cuộc tấn công trên diện rộng vào hầu hết các đồn binh của Pháp. Lúc bấy giờ, đô đốc Pháp đã ra lệnh cho các đơn vị phòng thủ nghiêm ngặt, trong khi ông dồn toàn bộ lực lượng vào chiến dịch đánh chiếm Biên Hòa. Khác với những lần trước, lần này các cuộc tấn công của nghĩa quân không còn rời rạc mà được tổ chức chặt chẽ.

Từ ngày 14 đến ngày 30 tháng 12 năm 1861, gần như tất cả các đồn binh Pháp đều bị tấn công quyết liệt. Tuy nhiên, dù chiến đấu ngoan cường, nghĩa quân vẫn phải rút lui với tổn thất lớn:

  • Ngày 14/12: Các đồn Tân An, Gò Công, Cần Giuộc bị tấn công.
  • Ngày 18/12: Gia Thạnh hứng chịu đợt tập kích dữ dội.
  • Ngày 20 & 25/12: Nghĩa quân đánh vào Cái Bè.
  • Ngày 29/12: Rạch Gầm bị bao vây.
  • Ngày 30/12: Rạch Cà Hòn cũng không thoát khỏi làn sóng tấn công.

Không chỉ nhắm vào đồn binh Pháp, nghĩa quân còn ráo riết thực hiện các vụ ám sát nhằm vào quan chức bản xứ do Pháp bổ nhiệm. Bằng chiến thuật tấn công liên tục, nghĩa quân tạo ra một làn sóng hoang mang trong dân chúng, khiến chính quyền Pháp đối mặt với nhiều bất ổn. Dù chưa giành được chiến thắng cụ thể, nghĩa quân vẫn duy trì được thế trận tâm lý, làm lung lay nền cai trị của thực dân Pháp[3].

Đến năm 1868, quân Pháp tấn công  và chiếm được Rạch Giá. Họ bắt giữ khoảng sáu mươi người, thu giữ nhiều vũ khí và đại bác. Các thủ lĩnh cùng một số quân nổi dậy trốn thoát bằng hai chiếc thuyền buồm lớn. Ban đầu, họ ẩn náu tại Hòn Chông, sau đó di chuyển sang đảo Phú Quốc. Sau đợt tấn công này, Nguyễn Trung Trực, thủ lĩnh cuộc nổi dậy, bị bắt tại Phú Quốc. Khi bị giam ở Sài Gòn, ông tỏ ra kiên cường, thẳng thắn thừa nhận hành động của mình và chỉ xin một đặc ân: được hành quyết nhanh chóng. Mặc dù có đề xuất ân xá để lợi dụng tài năng của ông, Đô đốc Ohier quyết định không thể tha thứ cho người đã giết ba mươi người Pháp. Nguyễn Trung Trực bị xử tử công khai tại Rạch Giá vào ngày 27 tháng 10 năm 1868. Đồng bào Tà Niên đem chiếu trải lối ông đi ra pháp trường. Nguyễn Trung Trực hy sinh để lại nỗi đau khôn cùng và lòng thương cảm sâu sắc đối với nhân dân. Ông hy sinh, để lại cho đời câu nói bất hủ “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.

Ngày nay, hàng năm vào các ngày 26 – 27 – 28 tháng 8 Âm lịch là hàng trăm ngàn đồng bào ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh xa xôi như Ninh Thuận, Bình Thuận lại về TP. Rạch Giá dự Lễ giỗ Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực. Người ta mang cúng cho Đình tất cả những gì có thể: Một giỏ trái cây, một gói bột ngọt, một cây nước đá… Đồ cúng thật giản dị như chính tấm lòng của những người đến với Lễ giỗ Cụ.     Sau Ngày Lễ giỗ, số gạo còn lại đều được dùng để cứu trợ cho dân nghèo.

Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực còn sống mãi với nhân dân Kiên Giang nói riêng và người dân Việt Nam nói chung bởi tấm gương anh dũng hy sinh giành độc lập tự do cho mảnh đất quê hương.

Nhân dân trong và ngoài tỉnh về dự Lễ Hội AHDT Nguyễn trung Trực năm 2008. Ảnh Sưu tầm

 

Đỗ Hoàng Anh (dịch và tổng hợp)

 

[1] Trung úy Hải quân Pháp Lespès Sébastien Nicolas Joachim

[2] Địa danh thuộc tỉnh Long An.

[3] ALFRED SHREINER, Abrégé de l’histoire d’Annam (Khái lược lịch sử An Nam), 1906.